“Ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.”
Tác giả Phạm Lữ Ân đã đưa câu nói trên vào trong cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”. Từng câu chữ để lại trong mỗi người sau khi đọc một khoảng lặng nhất định, để trầm ngâm, ngẫm nghĩ xem liệu mình đã, đang và sẽ phung phí cuộc đời trăm năm này hay không? Bất cứ câu văn nào trong cuốn sách đều rất xứng đáng để viết lại vì chúng được coi như là những lời động viên, nhắc nhở hay giúp ta trả lời câu hỏi: Làm sao để ta biết là ta đang sống? Cả cuốn sách viết về những suy tư, tâm tưởng về cuộc đời mà tồn tại ở bất cứ cá nhân nào, từ mối quan hệ với những người xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cho đến chính mối quan hệ giữa suy nghĩ và hành động của mỗi con người. Ở đây bàn về ước mơ của ta là gì và ta thực hiện chúng như thế nào?
Định nghĩa của mình về ước mơ
Thế ước mơ là gì? Đơn giản ước mơ của mỗi người chỉ là có được những gì mình thực sự mong muốn. Muốn có được thì chỉ còn cách là làm. Có một danh ngôn cũng được tác giả đưa vào trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” đó là “Con người là một sinh vật viễn thị”, luôn nhìn ra ngay cái đích mà mình muốn đạt tới, nhưng liệu họ có nhìn lại được để tiến tới cái điểm chốt đó thì mình cần phải làm những gì, trải qua những gì hay không. Hay là cứ dần dần, từng chút từng chút một, cứ đi rồi sẽ đến?
Ước mơ cần gì phải cao sang
Con người hạnh phúc nhất khi được làm những gì mình muốn, được sống đúng với ước mơ của mình. Người ta thường dùng ước mơ để chỉ những gì cao sang, hào nhoáng và đôi lúc khi được hỏi “Ước mơ của bạn là gì?”, nhiều người không thể trả lời được vì họ đang làm quá lên về bản chất của từ “Ước mơ”. Thực chất thì đâu phải vậy, ước mơ chỉ đơn giản là thứ mình muốn ở thì tương lai, ngay sau thời điểm nói. Lấy ví dụ như trong câu chuyện dân gian “Ba điều ước”, người chồng ước là có đĩa dồi chó trước mặt chỉ vì anh ta muốn ăn dồi chó ngay lúc đó, vậy là anh chồng được ăn dồi chó. Ước mơ phải từ những mong muốn đơn giản, dung dị như vậy, làm những điều đơn giản trước chứ không nên nghĩ xa vời thực tế quá.
Biết mình sẽ làm gì
Không ít người khi được hỏi rằng họ có ước mơ không nhưng họ lại trả lời là không, bởi vì lúc đó họ chỉ đang nghĩ tới ước mơ lớn nhất của đời mình mà thôi. Còn được hỏi là “Xong rồi bạn sẽ định làm gì tiếp theo?” hay “Tẹo nữa bạn làm gì?” thì mình xin dám chắc một điều là hiếm có ai là không trả lời được. Họ chỉ không trả lời được rõ ràng khi trong họ đang trống rỗng, chán trường và tuyệt vọng. Trạng thái cảm xúc như vậy ai cũng có, chỉ là rất hiếm khi. Mình đôi lúc cũng như vậy, cảm thấy chả biết mình muốn làm gì tiếp theo, hành động bị ảnh hưởng bởi tâm trạng lúc đó. Tuy nhiên, trong câu chuyện thần tiên đen tối “Alice ở xứ sở thần tiên”,mình khá ấn tượng với lời thoại của con mèo Cheshire ma quái khi nói chuyện với Alice. Con mèo hỏi Alice muốn đi đâu, Alice không trả lời được và để rồi chú mèo có nói với Alice rằng là nếu không biết mình định đi đâu, thì đi đường nào mà chả được. Quả thật là thế, có mấy ai dám chắc là chưa từng trả lời câu hỏi của người khác với ý đại để là “gì cũng được”, “sao cũng được”,... Không sao cả, điều đó là rất bình thường. Như thế có phải là “ba phải”, “không có chính kiến”? Không hẳn, chẳng qua là họ chưa biết được rõ ràng mục đích của mình mà thôi, còn nếu trong đầu họ đã có dự tính sẽ làm việc này như thế nào, nhưng để rồi lại làm theo suy nghĩ của người khác mà không hề có lý do giải thích tại sao họ làm thế, đó mới là “ba phải”. Làm “gì cũng được” cũng được, nhưng “không làm gì” thì không được”!
Tác giả Phạm Lữ Ân thực sự đề cao việc hành động và suy nghĩ nên song hành, đi đôi với nhau. Từ suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động, nên tương tác, bổ trợ qua lại cho nhau. Nghĩ gì thì sao làm nấy nhưng vẫn phải nhớ là hành động dựa trên suy nghĩ chứ đừng hành động một cách vô thức. Phạm Lữ Ân viết “Ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.” trong khi dành thời gian viết cho các bạn trẻ đang ở trong thời điểm chênh vênh của cuộc đời, chưa biết rõ ước mơ thật sự là gì. Tác giả muốn an ủi, vỗ về tâm hồn những người đang ở trên giai đoạn đi tìm mình là ai, thật sự giá trị sự tồn tại của mỗi người có đáng giá. Mỗi người có một giá trị riêng, điểm mạnh điểm yếu khác nhau, hãy đi tìm chúng. Có thể tìm một trong hai và có thể là đi tìm cả hai nhưng trước hết hãy cứ đi tìm đi đã. Mình thường có câu cửa miệng rằng “Không thử sao biết?” khi mình chưa biết được mình có làm được bất kỳ việc gì hay không. Trong cuốn “Forrest Gump” của Winston Groom, mẹ Forrest có nói với con như này: “Life's a box of chocolate. You never know what you gonna get.” Cuộc đời như là một hộp kẹo chocolate vậy, có viên ngọt ngào, viên đắng ngắt nhưng nhìn qua thì tất cả chúng đều có màu giống nhau. Bạn sẽ không biết mình sẽ nhận được ngọt ngào hay đắng cay ngoài cách thử bỏ nó vào trong miệng. Cứ làm đi, sai thì sửa, không thử thì sao biết được mình không phù hợp? Và biết đâu từ việc dám thử, bạn lại phát hiện được thêm khả năng của mình ngoài những điều bạn nghĩ thì sao? Dám nghĩ dám làm có lẽ là điều mà Phạm Lữ Ân muốn truyền tải đến bạn đọc thông qua câu nói “Ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.” 
Mình đã từng thử rất nhiều việc ban đầu mình nghĩ là bất khả thi dựa vào tính cách của bản thân, và rồi mình nhận lại từ việc dám thử là những bài học, đúng có, sai có nhưng chưa bao giờ mình hối hận về việc đã không dám thử. Sau này bạn chỉ có thể nuối tiếc về việc mình đã không làm hơn là về việc mình đã làm, vậy nên nghĩ thì thì hãy làm đi và nghĩ ít bớt lại, làm nhiều lên. Hãy để thành quả bạn đạt được chứng minh cho khả năng của bạn. Xem cho cùng thì vẫn là “Không thử sao biết?”, “Nghĩ gì thì làm ngay đi!”.
Writer: Dee