Nghị định 100 và hành trình trở thành người lái xe tinh tế.
Mức phạt mới về vi phạm nồng độ cồn của nghị định 100, có hiệu lực từ 1/1 vừa rồi làm không ít người bàng hoàng vì tính sát thương...
Mức phạt mới về vi phạm nồng độ cồn của nghị định 100, có hiệu lực từ 1/1 vừa rồi làm không ít người bàng hoàng vì tính sát thương của luật! Nghị định 100 trở thành từ khóa hot trên Google với hơn 5000 lượt tìm kiếm tính hết ngày 1/1. Bên cạnh đó, tác hại mới của vải thiều cũng đã được Google cập nhật trên search engine, nồng độ cồn đã đè bẹp tác hại tăng cân như trước kia, mời coi ảnh dưới.
Trước đây, theo quy định của Luật Giao Thông Đường Bộ 2008 thì ngưỡng cho phép là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy (0.05%) và là 0 đối với người điều khiển ô tô (Điều 8.8). Ngưỡng của Malaysia và Singapore đều là 0.08%, của Mỹ là 0.08%, của Anh cũng là 0.08% (cho mọi loại xe), Hàn Quốc là 0.05%. Việt Nam xếp sau Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, các nước có ngưỡng từ 0.02% đến 0.03%. Trong link thống kê dưới đây (có kèm nguồn), bạn sẽ thấy mức quy định của VN (trước đây) thuộc mức trung bình so với nhân dân thế giới:
Còn sau 1/1/2020, chúng ta chính thức gia nhập các nước khắt khe nhất trên thế giới luôn.
Thực ra những dự báo về "ảnh hưởng" của Luật Phòng, Chống Tác Hại của Rượu Bia đã được nhắc tới từ hồi tháng 6 (Thông qua ngày 14) tuy nhiên, đúng là nói có sách mách có chứng bao giờ cũng mới thuyết phục được người dân.
Ăn đồ ăn có men rượu, hoa quả và kể cả các sản phẩm có cồn.. mà người tham gia giao thông không chú ý đều có thể lên thớt mà không trăn trối được gì. Tham gia giao thông mà không tinh tế vào thời điểm hiện nay, thật là một mối lo! Thế thì bây giờ phải làm sao?
Quy định mới, có hiệu lực mới 3 ngày nên hy vọng chỉnh sửa, nâng lên hạ xuống chắc còn lâu, việc đầu tiên mọi người có thể làm là nhìn vào vấn đề và tập chỉnh sửa hành vi.
Ví dụ như: Nếu bạn đã uống say, thôi đừng nghĩ đến lái xe. Nếu bạn định uống say, thì nên có lịch trình, đừng tự tiện uống! Bạn cũng nên tính toán thời gian cơ thể có thể đào thải hết cồn để biết mấy giờ thì đi về hoặc chuyển sang đồ uống khác (nếu có thể) - Hiện nay trên điện thoại đã có app tính, bạn có thể search BAC calculator (Blood alcohol content) để ước chừng thời gian mình phải nghỉ ngơi tương ứng lượng cồn tiêu thụ (tất nhiên là tương đối thôi nhé)
Còn đối với hoa quả cũng như các thực phẩm vô tình làm bạn dính cồn, và rồi do đen, bạn bị công an nghi ngờ có sử dụng rượu bia? Mình không biết. Nhưng nếu mình có vô tình ăn 5 quả vải hoặc đã uống siro ho rồi sau đó bị giữ lại bắt test khí thở, mình sẽ yêu cầu được thử 2 lần - cách nhau 15-20p hoặc lâu hơn (nếu được). Có nhiều nguyên nhân để yêu cầu như vậy, một là để tránh máy nếu có nguy cơ trục trặc đỡ rớt đúng đầu mình; thứ nhì là giúp mình có thể có thời gian chứng mình vì thực phẩm có nồng độ cồn nhẹ khác với rượu bia. Thứ ba là có thời gian để cầu nguyện. Một tâm hồn ngây thơ chỉ nghĩ được đến vậy 📷
:3
Thực ra mình thấy phạt nặng cũng có cái hay, đó là chúng mình không thể tùy tiện uống được nữa. Uống rượu sẽ trở nên một hoạt động có ý nghĩa hơn, ưu tiên hơn, có kế hoạch hơn, không phải ai cũng có thể mời hay nhận lời quá dễ dàng. Tác hại thì có thể là mê tín hơn chăng? Các quán ăn cũng nên mình bạch sản phẩm của mình để người tiêu dùng liệu hồn trước khi lên xe.
Chúc các bạn may mắn nhé, mình đi uống thuốc ho đây.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất