Lý do nào để học một ngôn ngữ ngoài những lợi ích thực tế mà nó mang lại?
.
Đây chắc hẳn là câu hỏi quen thuộc ở các lớp ngoại ngữ, nhất là vào buổi đầu tiên làm quen, giới thiệu. Và các đáp án thường gặp sẽ là: để có thêm cơ hội việc làm, để đi du học, du lịch.
Tôi cũng từng nghĩ như thế, cho đến ngày có cô gái nọ trả lời tôi: "Vì em thấy nó đẹp." - hoàn toàn ngoài dự đoán! Cô bạn cho hay cô đã từng rất vất vả để học tiếng Anh bởi mặc dù lý trí hiểu rõ mình CẦN PHẢI học nó nhưng bản thân lại chẳng có chút hứng thú nào mỗi khi nghĩ tới. Cô cũng cố gắng thử qua nhiều phương pháp khác nhau nhưng cái nào cũng chỉ được một thời gian ngắn. Và rồi cô gặp một giáo viên, người mà điều cốt lõi cô học được từ thầy, không phải từ vựng hay ngữ pháp, mà là: "Khi bắt đầu học một ngôn ngữ, đầu tiên hãy học cách yêu nó."
Thế thì yêu một ngôn ngữ là gì? Với tôi, đó là tai bạn tự động dỏng lên, mắt bạn tự nhiên chăm chú, tâm trạng trở nên hào hứng khi nghe một đoạn đối thoại, một bài hát, hay khi nhìn thấy một bảng hiệu bằng thứ ngôn ngữ xa lạ kia. Vâng, có thể đến một chữ bẻ đôi cũng chẳng hiểu nhưng vẫn cứ thích nghe, thích xem. Và rồi bạn ước gì mình có thể nói hoặc hát theo hay mình có thể đọc hiểu những con chữ nọ. Thứ ngôn ngữ đó có sức quyến rũ thật kỳ lạ!
"Nhưng đâu phải tự nhiên nói yêu là yêu?" Đúng là không phải ai cũng may mắn "yêu từ cái nhìn đầu tiên" với một ngoại ngữ nào đó, nhưng điều này không quan trọng bằng việc bạn muốn yêu nó, bởi cảm xúc là thứ có thể thay đổi được. Hãy thử quan sát một người có niềm đam mê với môn ngoại ngữ mà bạn muốn học và "bắt chước" những hành vi của người đó với tâm trạng "mình yêu ngôn ngữ này" thử xem. Nói không chừng sau một thời gian "nhập vai" xuất sắc, bạn sẽ phát hiện ra những "vẻ đẹp" mà trước đây bạn đã không để ý đến.
Lại nói, bạn có thể chẳng cần một lý do nào để học một ngôn ngữ mới. Chỉ cần là việc theo đuổi và dần dần hiểu được thứ ngôn ngữ kia khiến bạn thấy tinh thần phấn chấn, tâm trạng thoải mái, thế là đủ.
Dĩ nhiên, bạn sẽ không vì yêu một ngôn ngữ mà đột nhiên sau một đêm bỗng trở nên nghe nói lưu loát hay đọc thông viết thạo, nhưng nếu bạn không yêu nó, không muốn tới gần, không muốn tiếp xúc, vậy lấy đâu cơ hội để bạn "hiểu" nó? Bạn vẫn có thể học được vì bạn CẦN PHẢI, chỉ là có lẽ, có lẽ thôi, bạn sẽ đánh rơi những hào hứng, vui vẻ trên con đường làm chủ thứ ngôn ngữ kia. Điều này đặc biệt hữu dụng nếu ngôn ngữ kia thuộc loại "khó nhằn" với bạn. Giống như giữa việc theo đuổi hai con người khó gần, một bên mình thích nên tự nguyện chịu khổ và một bên không thích nhưng bắt buộc phải làm, bạn nghĩ mình sẽ kiên trì với bên nào hơn? Chắc hẳn bạn đã có câu trả lời.
Vậy, bạn đã yêu ngôn ngữ mà mình đang học chưa? Nếu chưa thì hãy bắt đầu "học yêu" ngay từ bây giờ đi nhé!