Nhạc sĩ Tâm Anh là nhạc sĩ khá nổi tiếng của Việt Nam ở thế kỷ trước. Chúng ta thường biết đến ông qua tác phẩm "Chuyện tình không suy tư", "Chuyện tình không dĩ vãng" hay "Phố đêm". Tuy mang danh nghĩa ông là một nhạc sĩ nhạc vàng nhưng những sáng tác của ông lại mang tính nhạc thuật khá lạ, khác biệt hẳn với những bản bolero-rumba cùng thời. Nay tôi xin giới thiệu với các bạn nhạc phẩm " Nửa bước đường tình" của nhạc sĩ Tâm Anh qua giọng ca của Thái Hiền (con gái nhạc sĩ Phạm Duy).
Tôi không tìm được những tài liệu về "Nửa bước đường tình" về năm sáng tác nhưng qua phần lời và giai điệu thì mạn phép xin xếp vào giòng nhạc tình khúc 54-75. Bài hát này hiện nay được rất ít người biết tới, cũng không phải là bài hát tiêu biểu và nổi tiếng của nhạc sĩ Tâm Anh, nên thông tin cũng không có nhiều nên về phần tiểu sử tác phẩm xin không có đóng góp ở bài viết này.
Phần 1: Lời ca
Bài hát có phần mở đầu được ghi trên bản nhạc là "Ghi tặng bạn LÂM-TRUNG-QUAN người vừa chết để lại nơi tôi nhiều cảm ý về cuộc tình đã lỡ". Điều này cho người thưởng thức được ý đồ của nhạc sĩ về ý tưởng của tác phẩm là viết về cuộc tình đầy đau khổ, nỗi tiếc của một người đã qua đời. Sự cách trở về âm dương là một trong những sự phẫn uất gần như tột cùng trong thế giới loài người. Đó là một chủ đề mang tính nghệ thuật là trước tiên, sau đó mang tính triết lý và tôn giáo. Sự đồng cảm sâu sắc về một câu chuyện lớn lao và tâm hồn nhạy cảm của nhạc sĩ Tâm Anh đã cho ta những lời ca hay, ý nghĩa đem cho hậu thế sau này cùng thưởng thức. "Riêng tặng những đối tượng cùng cảnh ngộ này".
Bài hát được viết theo cấu trúc AABA gồm 2 phiên khúc mở đầu, 1 điệp khúc và một phiên khúc kết thúc. Cái hay ở đây là trong 3 phiên khúc của bài không một phiên khúc nào giống nhau hoàn toàn về mặt giai điệu, tất cả đều được sắp xếp một cách hoàn toàn khác nhau mà tôi sẽ phân tích ở phần 2 của bài viết này.
Ở 4 đoạn của nhạc phẩm hoàn toàn là những diễn tiến về tâm lý, cảm xúc của từng người trong hoàn cảnh đó. Phiên khúc 1 là nói về người ở cõi âm thương nhớ về người ở trần thế "Người yêu em có nghe, bờ môi xanh xao này". Phiên khúc 2 là người ở dương gian thương nhớ người đã khuất "Giờ đây anh ngủ say, mải mê nơi phương nào". Điệp khúc là sự thương xót của tha nhân, những người xa lạ thương xót, đồng cảm cho cuộc đời quá ngắn ngủi của anh "Người vừa chết, anh có nghe gì những câu ca đời anh, bao người". Và phiên khúc cuối cũng là phiên khúc mang tính triết lý. Câu hỏi "Vì đâu gây khổ đau" được xướng tới. Đó là câu hỏi muôn đời của loài người, cũng là sự luyến tiếc cuối cùng của người đã khuất muốn níu lại trần thế.
Lời bài hát "Nửa bước đường tình".
Người yêu em có nghe
Bờ môi xanh xao đầy
Tìm em tìm em dòng kín cơn mê
Hoàng hôn chợt tắt trong tim anh
Trong tim anh
Tìm đâu một hơi thở cho anh cuộc sống
Tìm hai tiếng yêu em mà thôi.
Với lời nhạc và giai điệu "Người yêu em có nghe, bờ môi xanh xao này" tựa hồ như nhịp thở của người hấp hối, cái sự ước muốn và níu giữ thời gian thật cay nghiệt để rồi người chìm dần vào bờ cõi hấp hối. Tuyền đài đang mở ra trước mắt. "Tìm em tìm em vòng kín cơn mê, Hoàng hôn chợt tắt trong tim anh". Trong giây phút sinh ly tử biệt, người hẳn rằng người sẽ nhớ về những điều luyến tiếc nhất, hạnh phúc nhất. "Hoàng hôn" rồi tắt dần vào đêm tối. Để rồi "Tìm đâu một hơi thở cho anh cuộc sống. Tìm hai tiếng yêu em mà thôi."

Giờ đây anh ngủ say
Mãi mê nơi phương nào
Người yêu, người yêu còn đó hay không
Người yêu còn khóc khi thương nhau
Nghe cơn đau
Ngờ đâu người đôi ngã hai phương trời nhớ
Tình yêu chết ly tan nhạt phai
Lời bi thương dành cho người yêu sắp từ biệt thế giới.


Người vừa chết
Anh có nghe gì những câu ca đời anh
Bao người đều khóc trong nhớ thương này
dâng đầy tím con tim
Người tình đó em có bao giờ
để thương yêu nhạt phai ân tình
Còn đó xin nhớ thương này trong một phút suy tư
Đoạn điệp khúc như một dàn đồng ca với nhịp điệu vui tươi rộn ràng, nhưng những lời lẽ đầy sự bi thương, luyến tiếc.
Vì đâu gây khổ đau
Người đi mang theo sầu tình sâu
Tìm đâu hình bóng thương yêu
Tìm đâu hình bóng ghi trong tim
Khi cơn mê
Vì yêu vì thương nhớ bao nhiêu lệ tím
Tình yêu đã ghi sâu vào tim
Đoạn kết cho một cuộc tình đầy đau khổ, "Âm dương cách biệt, sơn khê cách rời." Thủ pháp lặp từ được sử dùng ở tất cả các đoạn thể hiện sự quẫn trí, không còn minh mẫn, mơ hồ của những người cảm nhận về cuộc tình này.
Phần 2: Nhạc tính
2.1 Giai điệu
Bài hát được viết ở cả cung trưởng ( phần điệp khúc) và cung thứ (phần phiên khúc). Sử dụng các nốt D F G A Bb C có thể gọi là lục cung và một số nốt thăng giáng bất thường để có thể hoá giải những sự nghịch âm. Cho nên ta có thể kết luật bài hát được viết trên cung Dm-D.
Trang đầu tiên của bản nhạc
Trang đầu tiên của bản nhạc
Bài hát mở đầu bằng một quãng 3 thứ : Rề fa ( người yêu ) được bắt gặp trong khá nhiều sáng tác của của Tâm Anh như bài Chuyện tình không suy tư ( Mì Son) , hay như Chuyện tình không dĩ vãng ( Rề fa). Đó có thể là motif ưa thích của tác giả trong suốt sự nghiệp sáng tác. Người yêu em có nghe, bờ môi xanh xao này ( Rề / fa son lá fa fa/ son mi rê đồ), sự chuyển dịch liên tiếp các quãng 2 trưởng khiến câu nhạc trở nên uyển chuyển, từ tốn, không bị gây cho người nghe cảm khác kích động ngay từ đầu. Sự khởi đầu ở những quãng nhạc nhỏ này giúp người nghe dễ dàng đồng cảm, tiếp cận những câu nhạc tiếp theo.
Thông thường một ca khúc sẽ có âm hình chủ đạo ở ngay câu đầu của bài nhạc và cứ thế tiếp nối nhau, nhưng ở "Nửa bước đường tình" thì điều đó không xảy ra. Trong các trường canh tiếp theo mỗi trường canh sử dụng những âm hình khác nhau. "Tìm em tìm em vòng kín cơn mê" ( đồ / rê rê fa rề đố la/son) ngay đây ta có thể thấy sử thay đổi vế mặt giai điệu gây điểm nhấn đầu tiên của bài hát. Quãng 7 thứ được sự dụng như một lần chuyển tiếp về mặt giai điệu cầu nối sang hợp âm khác xen kẽ với các quãng 3 thứ và 2 trưởng. "Hoàng hôn chợt tắt trong tim anh, trong tim anh" ( son si son rế đô đô/ đô si si si). Mozart đã có câu " Ba lần lặp lại là bốn lần thay đổi", ở đây nhạc sĩ đã sử dụng phương pháp lặp cách quãng 2 trưởng giúp nét nhạc dồn dập gây kịch tính.
Trong một ca khúc thì thông thường thì các câu nhạc sẽ xoay quanh nốt chủ âm (trong bài là nốt Rê), như vậy sẽ giúp bài nhạc không bị lãng đãng, lạc đường gây thiếu cảm giác gắn kết và tính chắc chắn của bài nhạc. Ở đây ngoài 4 trường canh đầu các câu nhạc đều muốn trở về chủ âm Rê, 4 trường canh tiếp theo các nốt nhạc dường như đã đi xa khỏi chủ âm đó. Ở phiên khúc đầu "tìm hai tiếng yêu em mà thôi" (Si đô rế đô la fa / si). Hợp âm F7 của nốt La là hợp âm hút (Hợp âm bậc 5 của cung Bb) ý đồ chắc chắn tác giả muốn chuyển ý nhạc tiến tới (trở về) nốt Bb và hợp âm Bb. Sự chuyển biến đột ngột này gây cực kỳ bất ngờ cho người thưởng thức bởi vì họ khó lòng đoán được giai điệu tiếp theo của bài hát, đó là thủ pháp cực kỳ đặc sắc của ca khúc này. Cũng với thủ pháp này ở phiên khúc 2 còn khác lạ hơn khi nốt thay thế nốt La ở phiên khúc 1 là nốt B đã được bình lên nửa cung, đoạn nhạc kết thúc ở nốt La lại trở về cung Dm. 5 nốt cuối cùng của cả 2 phiên khúc đều gây sự hứng khởi cho người nghe kết thúc lần lượt ở bậc 6(không chắc chắn) và bậc 5 (vững vàng) để chuyển khởi ý nhạc qua cũng nhạc D trưởng một cách êm xuôi, không bị nghịch tai.
Trang 2 của nhạc phẩm
Trang 2 của nhạc phẩm
Sang đến đoạn điệp khúc thì ở đây đã có âm hình chủ đạo xuyên suốt 16 trường canh. Sự tiếp nối của 1 nốt đen cộng với liên ba móc đơn và 1 nốt đen 4 móc kép giúp câu nhạc liền mạch và dồn dập. 8 trường canh đầu và 8 trưởng canh cuối của điệp khúc lặp lại y nguyên âm hình và tiết tấu, giai điệu là các quãng 2 và quãng 3 nối tiếp nhau gây cảm giác đoạn nhạc này rất chắc chắn, chuẩn mực về luật sáng tác, không gây trúc trắc, nhiều nghịch âm như ở phần phiên khúc. Sự chuyển nhịp từ 4/4 thê lương sang 2/4 vui tươi mô phỏng sự đau khổ một cách nhiều chiều, một sự khách quan về cái chết.
Sang phiên khúc cuối các trường canh đều giống như các phiên khúc trên trừ 2 trường canh cuối. Ở đây tác giả có vẻ như đã rất mong muốn "Trở về nhà" ( Quay về chủ âm của bài), đoạn nhạc đang cao trào ở thủ pháp lặp và dừng đột ngột chạy hẳn xuống 1 quãng 8 gây cảm giác hụt hẫng. Các quãng 2 nối tiếp nhau và nốt C#(nằm trong âm giai D trưởng) được sử dụng (quãng 2 thứ) để chở về chủ âm Rê kết bài, hoàn thành phần giai điệu của nhạc phẩm. Câu nhạc có vẻ không liên quan này có vẻ khá lạ nhưng nếu đặt trong tâm thế của người vừa qua đời thì xét cũng đúng. Dù có diễn giải bao điều, bao suy tư đi nữa thì "Tình yêu đó ghi sâu vào tim" thực sự là sự kết thúc.
2.2 Tiết tấu
Bài hát được viết theo tiết điệu Slow-rock tình cảm, tình tứ và nó rất hợp với tinh thần, tâm lý của người Việt ta. Nhịp 4/4 ở phần phiên khúc và nhịp 2/4 ở đoạn điệp khúc là một kỹ thuật đặc sắc của tác phẩm. Ở nền âm nhạc Việt Nam ta kỹ thuật chuyển đổi âm giai diễn ra rất nhiều nhưng chuyển luôn nhịp thì khá hiếm. Điều đó thường gặp ở các nhạc sĩ có trình độ nhạc thuật cao và chắc chắn về mặt nhịp điệu.
Các âm hình ở phần phiên khúc không cố định, tiết tấu đi theo dòng cảm xúc của tác giả, tạo sự trúc trắc trong tâm lý. Nó hợp lý với những bài diễn tả tình cảm, nỗi phân uất không yêu cầu sự chặt chẽ trong câu nhạc như các bản hùng ca. Sang đến điệp khúc thì các tiết tấu đi theo chiều cố định, khiến bài nhạc chắc chắn, chặt chẽ, không quá lan man.
2.3 Hoà thanh
Trong các tập nhạc được in từ xưa nay các nhạc sĩ thường không đề hợp âm lên các bản nhạc của mình. Điều đó khiến những người yêu nhạc muốn chơi lại bản nhạc đó (dù có kiến thức nhạc có thể mày mò hợp âm) nhưng không để đoán trúng hoặc hiểu ý tứ tâm tình của nhạc sĩ đặt vào tác phẩm được. May rằng bản nhạc tôi tìm được trên mạng này ghi đầy đủ hợp âm và đầy đủ chữ ký của tác giả Tâm Anh. Việc chúng ta biết được hợp âm của tác giả giúp những người yêu nhạc hiểu được ý đồ, ngụ ý trong từng đoạn nhạc và nốt nhac, khiến ta hiểu sâu sắc và đồng cảm hơn với bản nhạc đó.
Chúng ta bắt đầu ở câu nhạc đầu tiên "Người [Dm]yêu em có [F]nghe, bờ [G]môi xanh xao [C]này" việc đi từ hợp âm chủ đến hợp âm bậc 3 song song đến hợp âm G rồi về C cho ta cảm giác câu nhạc này đang viết trên cung C trưởng. Hợp âm C trưởng ta có thể đề hợp âm Am vào đó cũng như vậy G ta có thể đề Gm cho thuận tiến trình những không. Nếu đề vậy nét nhạc lại quá tăm tối, thiếu sức sống trong câu khai đề ý nhạc. Vậy dùng hợp âm C cho ta cảm giác không quá bi luỵ như kiểu đề hợp âm Am vào đó.
Tìm [Dm] em, tìm [Dm7] em dòng kín cơn [Gm] mê
Hoàng [Gm7]hôn chợt tắt trong tim [C] anh, trong tim [Bb] anh
Việc đi từ Dm-Dm7 (có thêm 1 nốt C trong Dm7), Gm-Gm7 ( có thêm 1 nốt F trong Gm7) giúp cho ý nhạc dồn dập đầy sự quyết luyến tiếc thương. Rồi lại về C và Bb là bậc 6 của Dm.
Tìm [C] đâu một [D7] hơi thở cho anh cuộc [Gm] sống
Tìm hai [C9] tiếng yêu [F7]em mà [Bb] thôi [A7]
Một loạt các hợp âm hút bậc 4 để đi đến Gm ( bậc 4 của Dm) để hút tới một kết đoạn ở Bb rất lạ tai cảm giác mông lung.Việc đặt hợp âm C9 ở nốt Rê là một điều rất hay. Ta có hợp âm A để quay trở về cung Dm tiếp nối phiên khúc 2 một cách đầy gắn kết.
Phiên khúc 2 như phiên khúc 1 và phiên khúc cuối chỉ khác ở 2 trường canh cuối đoạn. Việc kết thúc ở nốt La và hợp âm F đc đề vào có lẽ là nét đặc sắc nhất về phần hoà thanh của bài. Trước đó hợp âm D7 -> G ( D là bậc 5 của G) hợp âm G đặt ở nốt B đã được bình rồi về F đậu ở nốt F cho thấy một sự chuyển hoà thanh tuyệt vời, tạo sự bất ngờ hứng khởi cho người nghe.
Đoạn điệp khúc đã được chuyển qua cung Rê trưởng và nhịp 2/4. Điều tối kỵ trong sáng tác là đoạn điệp khúc không được rườm rà, phải súc tích, ít sử dụng các quãng nghịch tai người nghe. Ở đây nhạc sĩ Tâm Anh đã sử dụng hợp âm một cách rất ngắn gọn, truyền tải đầy đủ ý đồ của 1 đoạn điệp khúc vui tươi với chuỗi D-A7-C-D tiếp tục ở cả 16 trường canh.
Ở phiên khúc cuối cũng như phân tích ở trên, điều đặc biệt chỉ xảy ra ở 2 trường canh cuối "Tình yêu [Bb] đã ghi sâu vào [Dm] tim" việc nhảy đột từ nốt Rê trên xuống rê dưới (1 quãng 8 đúng) và việc đề hợp âm Bb vào nốt F tạo một hiệu quả bất ngờ. Như nói ở trên, có vẻ như tác giả đã rất muốn quay về chủ âm sau một chuỗi dài thang lang ở những nơi khác. Việc từ hợp âm bậc 6 về chủ âm tạo cho người nghe sự kịch tính, bất ngờ. Sự chuyển quãng đột ngột đem lại đúng tinh thần của bài hát.
Qua trên có thể thấy nhạc phẩm "Nửa bước đường tình" của nhạc sĩ Tâm Anh có thể là 1 sự phá cách trong cách triển khai ý nhạc, triển khai giai điệu. Đó là một điều khá lạ dù không tuân thủ một số những quy tắc thường sử dụng trong việc viết ca khúc. (Ví dụ như viết trên cùng 1 tone nhạc, viết cùng 1 nhịp, sử dụng những quãng lớn gây khó khăn cho người hát). Nhưng điều mà nhạc sĩ Tâm Anh thành công nhất chính là kiến tạo và hoá giải được những căng thẳng trong giai điệu và hoà âm.