Bài viết được dành riêng cho các bạn cảm thấy mình sắp sửa thất bại trong việc giữ cái tay làm điều đúng đắn dịp Black Friday (và cả Cyber Monday) sắp tới đây.


Ảnh: Bullsh!t từ CAH, cái hộp này chắc chắn sẽ được gán nhãn luxury!


Đã là con người, tài năng thiên bẩm tự nhiên không cần chứng minh chính là tự lừa mình.
Tin vào bản chất trên, vào năm 2013, Cards Against Humanity (CAH), một công ty chuyên sản xuất thẻ bài đã quyết định chứng minh sự phi lý trí của nhân loại bằng việc bán những thứ vô dụng, vô giá trị, hoàn toàn không đáp ứng nhu cầu của bất kỳ khách hàng nào nhân dịp Black Friday. Cụ thể:
2013, CAH khởi đầu bằng chiến dịch anti-sale, “khuyến mại” của công ty là bán mỗi sản phẩm tăng thêm 5$ cùng lời nhắn: mua đi vì đây là sự kiện chỉ có một lần trong đời, chúng tôi tăng giá để bạn có thể tận hưởng niềm vui mua sắm nhiều hơn. Năm đó, chiến dịch bán hàng tăng giá giúp CAH đứng top đồ chơi bán chạy tại Amazon.
2014, CAH giúp khách hàng tiết kiệm tối đa mùa sale bằng việc dẹp mọi hàng hóa trên gian ngoại trừ một hộp phân bò giá 6$. Phân bò nghĩa đen, đã được khử trùng và đóng hộp cẩn thận. 30.000 hộp đã được bán hết tại chiến dịch này.
2015, CAH giúp người tiêu dùng giảm bớt lựa chọn bằng chiến dịch bán “không gì cả” với giá 5$. Mọi sản phẩm đều được gỡ bỏ và người dùng có thể nhanh chóng chuyển 5$ đến công ty mà không cần phải đau đầu lựa chọn xem mình cần mua gì nhân dịp sale. Chiến dịch mang về cho công ty 71.145$ trong 24h.
Và còn nhiều, rất nhiều chiến dịch cũng như món hàng ngớ ngẩn khác từng xuất hiện trong Black Friday nhưng vẫn đủ khiến người dùng lao vào như thiêu thân: từ ghế toilet trẻ em có chỗ gắn ipad đến hoa tai tích hợp với chai tương ớt.
Sự điên cuồng mua sắm không kiểm soát như muốn chứng minh rằng: món hàng săn đuổi tâm trí bạn nhiều nhất chính là món bạn không mua.
Dĩ nhiên, một người bình thường sẽ ít khi bỏ tiền mua những món hàng đặc biệt ở trên, thay vào đó, khuynh hướng chung sẽ là vung tiền mua một loạt đồ đang sale với vô vàn lý do thoạt nghe rất hợp lý. Đáng tiếc, dù bỏ bao nhiêu tiền hay cân nhắc bao lâu đi chăng nữa, thứ to nhất người mua thường có được sau mỗi đợt sale chính là nỗi thất vọng cùng cảm giác tội lỗi sau khi ấn nút mua hàng.
Sự hối hận, lo lắng, nghi ngờ bản thân sau khi mua có thể được ví như cảm giác lo lắng không biết liệu mình có quyết định yêu đúng người, mua đúng nhà, chọn đúng nghề hay đẻ con đúng thời điểm? Mỗi một quyết định gắn liền với một hệ quả - hệ quả này thường không liên quan gì đến bản chất sự kiện mà nó liên quan mật thiết đến niềm tin cùng khả năng nhận thức của người đưa ra quyết định.
Về cơ bản, sự hối hận sau bất kỳ hành động nào là một vấn đề liên quan đến nhận thức chứ không phải vấn đề về cảm xúc. Vấn đề hối hận khi mua sắm luôn lặp lại do chúng ta đã chọn sai đối tượng để giải quyết: thay vì điều chỉnh nhận thức, chúng ta lại chọn cách xoa dịu cảm xúc của mình.
Chính vì thế, chỉ có một cách duy nhất, mang tính dài hạn nếu thực sự muốn giải quyết vòng lặp sale – mua – hối hận vô tận này: chúng ta phân chia tâm trí của mình theo chính món đồ ta mua.
Nguyên tắc áp dụng rất đơn giản: chúng ta dùng những món đồ mới mua thật nhiều ngay sau khi nhận hàng và dán vào chúng 1 trong 3 cái nhãn sau: đồ thiết yếu – đồ phát triển – đồ xa xỉ.
Đồ thiết yếu là thứ buộc phải dùng: nếu không dùng cuộc sống 1 ngày sẽ đảo lộn hết.Đồ phát triển là thứ dùng ít nhất 3-5 ngày liên tục, để tăng trải nghiệm cá nhân và bắt đầu khám phá những giới hạn của bản thân, khác đồ thiết yếu ở chỗ phải tốn thời gian nghiên cứu – làm quen và ứng dụng.Đồ xa xỉ: những thứ bạn cực kỳ ít dùng, không liên quan đến giá cả, bạn ít dùng vì bạn muốn tăng trải nghiệm mỗi khi sử dụng.
Hãy lập 1 danh sách ngay sau khi mua, dùng những đồ bạn mới đặt về nhiều hết mức có thể và dán nhãn dần cho chúng, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy 1 cái khăn mùa đông 79 nghìn có thể được dán nhãn xa xỉ trong khi 1 cái ti vi 69 inches vip pro max lại trở thành thứ đồ thiết yếu.
Việc ép bản thân sử dụng là cách duy nhất để buộc bản thân học từ những quyết định của mình, nếu bạn bỏ qua bước này, bạn sẽ sớm quên cơn đau tâm trí để chuẩn bị nhảy vào một cơn đau khác không kém phần long trọng.
Nếu các cơn đau tinh thần bị bỏ qua quá nhanh, các cơn đau phía sau sẽ có xu hướng lớn dần lên và ngày càng trở nên mất kiểm soát hơn. Bạn cần kéo dài hay ít nhất trì hoãn cơn đau bằng cách liên tục nhắc nhở bản thân về những nguyên nhân tạo ra cảm xúc hiện tại. Có thể kết quả bạn sẽ vứt món đồ đi, có thể bạn sẽ tiếp tục mặc cảm ở những lần tới hoặc sẽ cần phải học nhiều lần đến khi thành thạo... nhưng chắc chắn bạn sẽ học được thêm một chút sau mỗi lần thực hành.
Vậy nên: Hãy bình tĩnh, hít thật sâu và bắt đầu dán nhãn đồ vật xung quanh mình đi!