Văn hóa Múa rối hầu Thánh (Ổi Lỗi) là nét văn hóa truyền thống xuất hiện tại nhiều ngôi chùa dọc các con sông lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên truyền thuyết về nguồn gốc của Ổi Lỗi tại mỗi nơi lại có sự khác nhau, gắn với những nhân vật lịch sử khác nhau. Trong phần 1 về rối Ổi Lỗi, bài viết sẽ giúp các bạn tìm hiểu về những yếu tố tạo nên sự đặc biệt của nghệ thuật múa rối cạn hầu Thánh và nguồn gốc hình thành của Ổi Lỗi tại chùa Đại Bi (Bắc Ninh) và làng Xuân Trạch (Thái Bình).

Đôi nét về văn hóa múa rối hầu thánh Ổi Lỗi

Hát rối đầu gỗ (Ổi Lỗi) là một hình thức rối cạn hầu Thánh "độc nhất vô nhị tại Việt Nam", loại hình này đã xuất hiện từ rất lâu, vào giai đoạn nhà Lý trần (khoảng 900 năm trước). Rối cạn Ổi Lỗi nổi tiếng nhất tại chùa Đại Bi ở tỉnh Bắc Ninh, gắn liền với vị Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116). Ông là một nhà sư nổi tiếng, góp công rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển của triều đại nhà lý. Ông cũng là người giúp nền Phật Giáo của nước ta lúc bấy giờ trở thành trung tâm của Phật Giáo Đương Thời. Chùa Đại Bi là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh.
<i>Múa rối gỗ hầu Thánh - Ổi Lỗi (Ảnh: Thế giới Di sản)</i>
Múa rối gỗ hầu Thánh - Ổi Lỗi (Ảnh: Thế giới Di sản)
Không như những loại hình múa rối nghệ thuật khác, Ổi Lỗi mang đậm tính tâm linh hơn. Theo quan niệm dân gian, những đầu rối được người dân coi là "thánh tượng", bất kỳ ai cũng không được phép gọi thánh tượng là con rối. Nếu không sẽ bị coi là phạm úy, cần phải làm lễ ân xá, rửa tội. Hai từ "hầu Thánh" tức là múa hát cho Thánh xem (Thiền sư Từ Đạo Hạnh) nhằm tưởng nhớ và ca ngợi công đức của đức Thánh Từ.
Điều tạo nên sự độc đáo của Ổi Lỗi nằm ở những rối đầu gỗ, hay còn gọi là "Thập nhị thánh tượng" bao gồm 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ có niên đại khoảng 400 năm. 6 tượng rối to (6 ông Lộng) được làm từ gỗ khoét rỗng, cao khoảng 40 cm đường kính 30cm, nặng khoảng 30kg và có cán cầm ở gáy để nghệ nhân cầm lúc biểu diễn. 6 tượng rối còn lại thì nhỏ hơn, làm bằng gỗ đặc, cao khoảng 40cm và nặng khoảng 1kg. Những tượng này được đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung tươi tỉnh.
Sáu tượng rối to bao gồm 3 cặp: đôi Lộng Chúa mặt đỏ, mắt nhìn quắc thước, miệng rộng và râu ria, thể hiện khí chất của người chính nhân quân tử; đôi Lộng Tỳ (hay Tuỳ trắng) mặt trắng, miệng cười rộng, mũi to, biểu trưng cho sự phồn thực, no đủ; đôi ‘Cóc Vàng’ mặt sơn hồng nhạt tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước của nhân dân thời bấy giờ.
<i>3 cặp tượng rối to (Ảnh: Du Lịch Thành phố Hồ Chí Minh)</i>
3 cặp tượng rối to (Ảnh: Du Lịch Thành phố Hồ Chí Minh)
Sáu tượng rối nhỏ bao gồm 6 tượng khác nhau: một tượng Chàng, chàng trai thư sinh, khôi ngô, tuấn tú, mặt đỏ hồng; Hai tượng tiên gồm 2 vị tiên mặt trắng, phần múa hát mang âm hưởng lễ hội; Một ông Chớp mặt đỏ, tượng trưng cho thời tiết, nắng mưa thuận hòa; Một tượng Hậu mặt trắng, tóc đen ,toát lên vẻ phúc hậu, hiền từ; Một ông Mách mặt đỏ và to, mang vẻ dữ tợn, có vai trò như người dẫn chuyện kể về sự tích của Ổi Lỗi.

Nguồn gốc rối Ổi Lỗi

Có tổng cộng 6 địa danh thờ rối đầu gỗ, hầu hết đều nằm trên khu vực ven sông Hồng, sông Thái Bình. Tùy vào từng địa phương mà các câu chuyện, huyền tích truyền miệng lại có đôi phần khác nhau. Trong đó nổi tiếng với 3 câu chuyện tại chùa Đại Bi lý giải về nguồn gốc của rối đầu gỗ:
Tương truyền rằng, khi xưa hoàng hậu mãi không có được mụn con, nhà vua liền tiến hành tổ chức lễ cầu cúng. Một thời gian sau, hoàng hậu có mang và đẻ ra một bọc trứng. Tuy nhiên trong bọc không phải là người mà là 6 quái thai. Nhà vua lệnh bèn cho người thả xuống nước cái bọc trứng ấy. Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sau khi đi học Kinh Pháp Phật trở về nước thì trông thấy 6 quái thai trôi dạt vào một bến nước. Là người có lòng trắc ẩn, ông đã đem chúng về nuôi nấng, cảm hóa và dạy dỗ thành người có ích cho đời (cũng có truyện cho rằng sáu đứa trẻ ấy không sống được lâu). Từ đây có hai luồng ý kiến. Một là Thiền sư đã tạo nên trò rối với sáu tượng đầu gỗ tượng trưng cho sáu người ấy để căn dặn con người về những điều nên và không nên làm. Hai là nhân dân đã tạo nên sáu đầu rối để thời và tưởng nhớ công ơn và tâm đức của vị Thánh Từ.
<i>Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Thượng (Ảnh: Giáo hội Phật Giáo Việt Nam)</i>
Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Thượng (Ảnh: Giáo hội Phật Giáo Việt Nam)
Có truyền thuyết lại kể rằng: Khi xưa, có mười hai ông thần sóng chuyên dâng nước lũ và sóng dữ làm hại dân lành. Đức Thánh từ đã ra thay làm phép thu phục được sáu ông Sóng, sáu ông còn lại bị đuổi ra biển. Từ đó, chính Thiên sư đã tạo ra trò rối đầu gỗ với đầu sáu ông thần Sóng múa trên mặt nước (tấm màn che để biểu diễn ngày nay vẫn được trang trí bằng họa tiết sóng nước).
Câu chuyện thứ ba cho rằng Thánh từ đã tạo nên sáu đầu rối đại diện cho những đức tính của người quân tử: Liêm, Sỉ, Trí, Tín, Hiếu, Nghĩa với mong muốn răn dạy người dân về lối sống.
Có một tích khác về nguồn gốc của múa rối cạn Ổi Lỗi tại đình Xuân Trạch, nay thuộc xã Quỳnh Khôi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Truyền thuyết ở nơi đây có gắn liền với các nhân vật lịch sự thuộc triều đại thứ 15 (tức là vào thời nhà Hồ). Người dân địa phương kể rằng, khi xưa có người đã tình cờ nhìn thấy một cái bọc ở trên mặt nước, vớt lên thì thấy bên trong có 16 đầu rối. Về sau 16 cái đầu ấy được chia ra mỗi đình khác nhau để thờ phụng.

Biểu diễn tượng rối Ổi Lỗi

Trước khi tổ chức múa hát, người ta phải tiến hành phần tế lễ xin phép rước và đưa các thánh tượng từ nơi thờ tự ra nơi biểu diễn. Phần lễ quan trọng hơn mọi phần khác nên khi xong xuôi thì cũng hết nửa ngày. Lễ xin phép được chia làm bốn phần: Thánh y, rước tượng, tắm tượng và dâng tượng. Chỉ có những người có vai vế trong phường hát rối mới được phép rước thánh tượng. Theo lệ xưa, tất cả các thành viên trong phường đều là nam giới, chia làm hai nhóm: cấp trước và cấp sau. Những nghệ nhân trước và trong khi hát rối đều phải ăn mặc đúng mực: áo dài thâm, quần trắng, đội khăn xếp.
<i>Trang phục khi biểu diễn rối gỗ Ổi Lỗi (Ảnh: Báo Giáo Dục và Thời Đại).</i>
Trang phục khi biểu diễn rối gỗ Ổi Lỗi (Ảnh: Báo Giáo Dục và Thời Đại).
Để biểu diễn Ổi Lỗi, người ta dựng một tấm vải sặc sỡ, trên có thêu họa tiết sóng nước mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong lòng chùa. Lúc này các thánh tượng hay sáu "ông Lộng" được "mặc áo" (hay còn gọi là the) phủ từ cổ trở xuống, che đi phần tay của người biểu diễn nhằm tăng tính nghệ thuật trong quá trình múa hát. Các nghệ nhân sẽ đứng sau tấm màn, biểu diễn sao cho đầu hướng về bàn thờ Phật và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lần lượt các đầu rồi sẽ xuất hiện, đầu tiên sẽ là 6 chiếc đầu lớn (6 ông Lộng), tiếp sau đó là 6 chiếc đầu có kích thước nhỏ hơn được chia thành năm lớp diễn đơn và đôi. Tùy vào từng loại rối sẽ có cách biểu diễn khác nhau.
Nhạc cụ được sử dụng trong các buổi hầu Thánh cũng là bộ gõ gồm: 2 chiếc mõ tre, 1 trống bảng (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa chứ không dùng dùi), 2 thanh la, 2 trống cơm, 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu, 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói để người nghệ nhân gõ theo trống cái. Tuy chỉ có một bộ gõ đơn giản như thế, người nghệ nhân có thể diễn tới 26 bài ca và 32 làn điệu khác nhau với tính phức tạp cao.
<i>Mõ tre trong biểu diễn Rối Ổi Lỗi (Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại)</i>
Mõ tre trong biểu diễn Rối Ổi Lỗi (Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại)
Nội dung của Rối đầu gỗ rất đa dạng và ý nghĩa, kể về công lao của vua chúa, những anh hùng và những đóng góp quan trọng cho đất nước. Ngoài ra, nó còn truyền tải những giá trị đạo đức, tình yêu gia đình và đạo lý sống. Những bài hát cũng dạy con người về cách xử thế, lòng hiếu thảo và tình yêu quê hương.
Lời hát trong Rối đầu gỗ thường sử dụng tiếng Nôm cổ, với nhiều từ ngữ khó hiểu và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các bài hát thường sử dụng thể song thất lục bát hoặc lục bát, kết hợp với các kỹ thuật nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ và chơi chữ. Nhờ đó, những bài Kinh trong Rối đầu gỗ trở nên sống động, tinh tế và mang nhiều tầng ý nghĩa.

Ổi Lỗi và câu chuyện lịch sử

Khi tìm hiểu về rối Ổi Lỗi, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, các câu chuyện về rối Ổi Lỗi ít nhiều đều liên quan đến vua Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ.
" Lẳng lặng mà nghe Trò rối tươi vui Mới phán âm dương Vua Hồ Hán Thương Trị vì thiên hạ Lấy người họ Lã Là Ả Phi Nương Vua mới kết duyên Được mười năm đẹp Hiền vì một kiếp Sao chửa có con."
Trong các câu hát Ổi Lỗi tại đình Xuân Trạch có đề cập đến việc nhà vua Hồ Hán Thương mãi không có nổi mụn con. Câu chuyện có phần tương đồng với câu chuyện về nhà vua không có con trong truyền thuyết về Ổi Lỗi tại chùa Đại Bi.
Các câu chuyện được kể tại đình Xuân Trạch ít nhiều đều có sự liên quan đến cha con nhà Hồ là Hồ Quý Ly và Hồ Xuân Trừng. Những nhân vật này trong lịch sử đều không được lòng người dân.
"Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, Để trong nước lòng dân oán hận. Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa, Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Trích Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi
Trong cuộc họp bàn kế sách khẩn cấp, Hồ Quý Ly nói rằng "Ta ước gì có một đạo quân hùng mạnh để đánh đuổi giặc dữ". Con trai ông, Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng tâu rằng: "Thần không sợ giặc đánh, chỉ sợ lòng dân không theo". Sở dĩ Hồ Nguyên Trừng nói như vậy là vì trước đấy những cải cách táo bạo đi trước thời đại của Hồ Quý Ly, cùng với việc chiếm ngôi nhà Trần đã gây ra nhiều phản ứng quyết liệt trong giới sỹ phu đương thời, không thu phục được lòng người.
Sử lược khi chép, cuối năm 1405, Hồ Nguyên Trừng là thủ lĩnh cầm quân, bố trí các trận địa phòng thủ trên các con sông lớn. Nhà Hồ có những hệ thống phòng thủ đặc biệt, cửa sông Thái Bình được phòng ngự rất nghiêm ngặt.
Dù được chuẩn bị chu đáo, những do quân địch đông, thế giặc mạnh cũng như việc nhà Hồ không được lòng nhân dân, không thế phát huy được sức mạnh tổng thể của dân tộc. Tướng Hồ Nguyên Trừng, Hồ Đỗ, Hồ Xạ và một bộ phận nhân dân dù đã chiến đấu rất anh dũng, quyết liệt nhưng cuối cùng cũng thất thủ ở Hàm Tử. Không lâu sau đó thì nhà Minh chiếm được thành Tây Đô, khánh chiến của quân nhà Hồ hoàn toàn thất bại, đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh.
Ngày 4/4 theo lịch âm hàng năm là thời điểm người dân tại đình Xuân Trạch tổ chức múa rối Ổi Lỗi. Đây cũng là thời điểm diễn ra trận đánh với quân Minh trong quá khứ. Điều này đặt ra giả thuyết về nguồn gốc của tục thờ rối gỗ tại nơi đây.
Người dân tại đình kể lại rằng, khi xưa có người đã vớt được 16 chiếc đầu rối trên bờ sông gần đình Xuân Trạch ngày nay. Giả thuyết đặt ra về câu chuyện "đầu rơi máu chảy" và văn hóa thờ nhân thần hay các thành hoàng của người Việt.
Chàng từ đâu chàng đến? Tôi từ dưới bến tôi lên.

Khó khăn trong việc bảo tồn rối Ổi Lỗi

Ở phường Rối Chùa Đại Bi, những nghệ nhân biểu diễn rối chủ yếu là người cao tuổi. Ông Vũ Huy Rính, Chánh trùm phường, cũng là ông trùm thôn Vân Chàng, nay đã 79 tuổi. Ông và những người cùng thời như ông Đoàn Hữu Sòng, Cao Công Lân, Nguyễn Tiến Dũng... tuổi tác đều cũng đã cao. Thời xưa, trai làng nô nức biểu diễn phường rối, nhưng giờ giới trẻ không còn quan tâm như trước. Dù có sự kiện biểu diễn, họ cũng không thường ở lại xem hết buổi.
Phường rối có gần 50 thành viên, nhưng ít người có thể biểu diễn chương trình trọn vẹn. Ít nhất 20 người cần thiết để thực hiện một phần chương trình. Việc duy trì truyền thống đối mặt với khó khăn do thiếu người tham gia, còn việc học các động tác, nghi thức biểu diễn cũng không dễ dàng.
Phường rối hiện còn một bộ tượng "dự bị" để tập luyện. 12 tượng thánh của chùa Đại Bi, hơn 400 năm tuổi, được bảo quản sau đền thờ chùa. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản không tốt đã làm hỏng tượng "Tùy trắng". Mặc dù gặp nhiều khó khăn song các thành viên vẫn cố gắng đóng góp kinh phí duy trì biểu diễn thường niên.
Rối đầu gỗ chùa Đại Bi cũng đã biểu diễn ở Thủ đô và được ghi hình bởi Viện Âm nhạc. Tuy vậy, việc này chưa đủ để bảo tồn truyền thống này. Câu hỏi về tương lai của nghệ thuật rối cạn hơn 400 năm tuổi này vẫn còn chưa có lời giải.
May mắn là, vào ngày 22/01/2020, lễ hội chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tai Quyết định số 254/QĐ-BVHTTDL.
<i>Lãnh đạo Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận Lễ hội chùa Đại Bi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Nhân Dân)</i>
Lãnh đạo Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận Lễ hội chùa Đại Bi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Sự kiện đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội chùa Đại Bi là niềm tự hào lớn của người dân địa phương, trở thành cơ sở và tạo động lực quan trọng để bảo tồn, duy trì và phát các giá trị văn hóa truyền thống nơi đây, bao gồm nghệ thuật múa rối cạn Ổi Lỗi và nhiều loại hình văn hóa dân gian khác.
Bài viết được tham khảo từ:
1. Rối đầu gỗ chầu Thánh (Ổi Lỗi) ở chùa Đại Bi: nét đặc sắc trong nghệ thuật rối cạn Việt Nam – Trường Ca Kịch Viện (truongcakichvien.com)
2. Độc đáo nghệ thuật múa rối chầu Thánh mang đậm nét văn hóa tâm linh | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)
3. Độc đáo rối cạn Ổi lỗi đất Nam Giang (dangcongsan.vn)
4. Trao Bằng chứng nhận lễ hội chùa Đại Bi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nhandan.vn)
5. Hồ Nguyên Trừng - nhân vật đa tài trăm năm hiếm gặp (baothanhhoa.vn)