Trong đêm Halloween có trăng tròn hiếm thấy của năm 2020, không ít bạn đọc sẽ thưởng thức những bản nhạc hoặc bộ phim lấy cảm hứng từ thế giới vô hình. Vài ngày nữa, chỉ cần mở Newsfeed ra, bạn sẽ được chứng kiến một cuộc dạ hành vui nhộn của các ma nữ, ma sói, ma cà rồng, ma trơi… ngự trị trong cõi văn hóa phẩm. Nhưng nếu ma quỷ không có thật (khoa học bảo vậy!), thì vì sao chúng vẫn là những hình tượng giải trí lôi cuốn chúng ta? Phải chăng ta bị thu hút bởi sự thân quen, khi các nghệ sĩ mượn truyện ma để kể truyện người, khiến mỗi bóng ma đều phản ánh bóng dáng nhân loại?
Để tìm một giả thuyết cho câu hỏi này, tôi sẽ thử khai quật những lớp ẩn dụ đằng sau hình tượng Ma Nữ, thông qua việc phân tích 10 bài hát trong playlist Halloween của tôi. Mời bạn xuống Phụ lục ở phía dưới cùng để lấy link nghe nhạc và đọc lyrics. Xin lưu ý rằng vì đây là một bài viết giới thiệu nhạc, việc thưởng thức bản nhạc quan trọng hơn nhiều việc đọc các kiến giải trong bài.

1 - Nguồn gốc của Ma Nữ: chất liệu huyền thoại và tư duy huyền thoại
Trong lịch sử, các sản phẩm nghệ thuật và giải trí đã sử dụng nhiều hình tượng ma nữ khác nhau. Số này bao gồm các hồn ma, hồ ly, người cá, quỷ, thần… – tức các sinh vật hoặc không tồn tại trong thế giới vật chất, hoặc được xem là có khả năng thôi miên, gây ảo ảnh. Số hình tượng này vốn là huyền thoại trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc truyện cổ dân gian của nhiều nền văn hóa khác nhau, trước khi được các nghệ sĩ vay mượn để dùng làm chất liệu trong tác phẩm của mình. Có lẽ đặc điểm này đã khiến hình tượng Ma Nữ xuất hiện trong âm nhạc từ rất sớm, trong những thời kỳ mà tư duy huyền thoại còn ngự trị.
Chẳng hạn, từ thế kỷ 4 TCN, Khuất Nguyên đã mượn câu truyện về mối tình dang dở giữa Vu Sơn Thần Nữ và Sở Tương Vương để soạn bài Sơn Quỷ. Sơn Quỷ và người tình hẹn ước nhau, nhưng đến nơi thì không gặp. Trong bài thơ, từng cung bậc cảm xúc của Sơn Quỷ trong những ngày chờ đợi – từ háo hức, khát khao, đến băn khoăn, nghi ngờ, buồn bã, rồi oán hận – đã được thể hiện bằng đường nét của hoa rừng, mây ngàn, gió núi; như thể khí quyển của ngọn núi chốc lát thay đổi theo tình người:
“Chốn thâm sâu, trời mây chẳng thấy
Đường gập ghềnh, ta tới trễ chăng?
Đứng lặng một mình nơi đầu núi
Phía bên kia, mây kéo giăng hàng
Ban ngày mà âm u mù mịt
Gió đông táp, mưa rơi nặng hạt
Ngóng đợi chàng, quên cả chuyện về
Hồng nhan tàn, tươi lại được sao?
Hái linh chi bên bờ khe suối
Đá lởm chởm, rậm rì cây cối
Oán bạn lòng quên cả chuyện về
Chàng nhớ ta nhưng chẳng rảnh chăng?
Người trong núi khác nào cỏ thơm
Ăn bóng tùng, uống nước suối trong
Lòng nhớ chàng, một mình lặng lẽ
Phải vì chàng nghi hoặc ta chăng.”
(bản dịch của Phạm Thị Hảo, 2010)
Vì Sơn Quỷ được dùng làm bài hát tế nữ thần núi, và nằm trong bộ 9 bài ca tế thần của Khuất Nguyên (Cửu Ca), có thể thấy vào thời của ông, tình cảm đôi lứa đã là một giá trị được người nước Sở tôn vinh, ngưỡng vọng.
Nhưng những truyện tình âm dương cách trở không phải là đặc sản của riêng nước Sở thời Chiến quốc.  Ở nước Ý thế kỷ 16, Claudio Monteverdi và Ottavio Rinuccini đã mượn biểu tượng nymph trong thần thoại Hy Lạp để sáng tác Lamento Di Ninfa (Tiếng Khóc Của Nymph). Ca khúc này mô tả cảm xúc của một thần nữ khi người tình trần tục thay lòng đổi dạ và rời xa nàng. Cũng như Sơn Quỷ, nàng Nymph của Monteverdi bước qua các cung bậc cảm xúc khác nhau – từ buồn bã, băn khoăn, đến trách móc, oán hận – trước khi nàng trải nước mắt của mình thành những giọt mưa bay ngang trời, gieo cả lửa lẫn băng xuống những trái tim đang yêu nơi trần thế.
Hình tượng Ma Nữ trong hai tác phẩm vừa nêu không chỉ xuất phát từ chất liệu huyền thoại. Chúng còn chứa những đặc điểm của tư duy huyền thoại – như sự hòa trộn giữa thực và ảo, cõi sống và cõi chết, hay niềm tin rằng các chuyển biến trong thế giới nội tâm chủ quan có thể làm thay đổi cảnh tượng của thế giới vật lý “khách quan”. Vì tư duy huyền thoại “là loại hình tư duy đặc thù của con người thời nguyên thủy”, “trong đó cái kỳ ảo che giấu những sự thật” (Từ điển Văn học, NXB Thế giới, 2014), chúng ta có quyền đặt giả thuyết rằng có những lớp ẩn dụ đằng sau hình tượng Ma Nữ trong các bài hát.

2 - Ma Nữ: ẩn dụ về những tình yêu cách trở?
Mười bài hát chứa hình tượng Ma Nữ trong playlist của tôi có một điểm chung dễ nhận thấy: chúng đều mang chủ đề “tình yêu” – dù là tình có qua có lại hay tình đơn phương. Điểm chung tiếp theo là chúng đều mô tả những tình yêu gặp nhiều cách trở.
Trong trường hợp cực đoan của Herr Mannelig (Ông Mannelig), một bài dân ca Thụy Điển được ghi lại lần đầu vào thế kỷ 19, khoảng cách giữa Ma Nữ và đối tượng lớn đến nỗi hai phía không nảy sinh được tí tình cảm nào với nhau. Bài này kể truyện một nữ quỷ núi đến tán tỉnh một anh chàng người Công giáo đẹp trai, với niềm tin rằng nếu lấy được chàng, cô ả sẽ có linh hồn bất tử giống như nhân loại. Dù nữ quỷ đã đề nghị nhiều quà tặng – bao gồm một chiếc cối xay nước bằng đồng đỏ có bánh xe bạc – chàng trai vẫn vì đức tin mà kiên quyết từ chối lời cầu hôn.  Mối tình giữa người và quỷ đã không thành vì luân lý tôn giáo, và vì sự giả dối của một lời cầu hôn đi kèm lợi ích vật chất.
Trong 9 bài hát còn lại, dù khoảng cách giữa người và ma không ngăn được ít nhất một bên nảy sinh tình cảm, các cặp đôi vẫn không dễ gì đến được với nhau. Giữa họ là cách biệt về thời gian giữa cõi sống và cõi chết. Với người nam, vấn đề nằm ở thời gian khách quan: anh phải chấm dứt thời gian sống, để bước sang cõi chết, nếu muốn đến với người tình. Đối với ma nữ, vấn đề nằm ở thời gian chủ quan: tình cảm của người chết không đổi, còn tình cảm của người sống vẫn nở, tàn theo năm tháng. Như vậy, nhờ gắn liền với cặp đối lập sống-chết, hình tượng ma nữ đã được dùng làm phép ẩn dụ cho những tình yêu gặp nhiều trở ngại – tới mức chuyện yêu đương  được xem như chuyện sinh tử, còn người yêu thì phủ bóng lên cả đời mình.
Dựa trên cốt truyện, 8 bài hát còn lại có thể được chia thành hai motif có phần đối nghịch nhau, là motif “Ma nữ săn mồi” và “Ma nữ yêu con người”. Nếu ta tiếp tục phân tích biểu hiện của cái đẹp (đại diện cho phần Nữ) và biểu hiện của cái vĩnh hằng (đại diện cho phần Ma), đồng thời làm rõ cách tạo dựng không gian và thời gian trong các bài hát thuộc hai motif này, thì bảng sau sẽ phù hợp để tóm tắt các tính chất của hai motif:

3 - Motif ma nữ săn mồi: lời nhắc nhở về ảo mộng từ vòng xoáy dục vọng?
Hình tượng ma nữ săn mồi, dùng sắc đẹp để quyến rũ và hút sinh khí đàn ông, vốn đã quen thuộc trong văn hóa dân gian của nhiều vùng đất. Chẳng hạn, người Nhật từng lan truyền nhiều sự tích về Tuyết Nữ (Yuki Onna雪女) – loại yêu quái mang hình hài một thiếu phụ xinh đẹp, vận đồ trắng với mái tóc đen dài, lang thang qua những núi tuyết mùa Đông để đánh lừa đàn ông và trẻ em đi lạc. Năm 1975, Sai Yoshiko đã khắc họa thành công hình tượng Tuyết Nữ qua ca khúc Yuki Onna. Dưới đây là lời bài hát, do tôi dịch và xuyên tạc với sự hỗ trợ đắc lực của Google Translate:
“Thả tuyết, lang thang ngang triền núi
Tuyết Nữ, đào chóng tàn trời Đông
Tóc đen đan cài màu da bạch
Tuyết Nữ, điên dại, nét đẹp vong. 
Tay sai địa ngục, thiếu phụ ác.
Làn da bạch dẫn lối tử vong
Ta ôm nàng trong cơn hạnh phúc,
Theo bước nàng đến địa ngục băng.
Yêu nữ trầm sâu trong trời tuyết
Quyến rũ nhục thể muôn đàn ông
Thả tuyết, lang thang ngang triền núi
Tuyết Nữ, đào chóng tàn trời Đông.”
Trong câu mở đầu và câu kết thúc của  Yuki Onna, Sai Yoshiko đã dùng cụm từ “đóa anh đào chóng tàn” (adazakura 徒桜). Từ này ám chỉ người phụ nữ hay thay lòng đổi dạ, và trong tiếng Nhật cổ còn dùng để chỉ kỹ nữ. Vì vậy, Yuki Onna mô tả một tình yêu giả tạo, trong đó Ma Nữ cố ý lừa gạt nạn nhân. Sự cách trở trong mối tình này được biểu đạt thông qua nhiệt độ: vào lúc da thịt hai người kề nhau, nạn nhân không cảm nhận được hơi ấm của con người, mà chỉ cảm thấy cái lạnh của một địa ngục băng, và không gian trống trải, cô liêu của triền núi tuyết.
Nhưng cũng chính cái lạnh này tạo nên vẻ đẹp của bài hát. Nếu lắng nghe phần nhạc, bạn sẽ thấy Yuki Onna mô tả Tuyết Nữ bằng hai lớp sắc thái cảm xúc khác nhau. Lời hát (bằng tiếng người) của nạn nhân chỉ mô tả sắc thái bề mặt của Tuyết Nữ: sự tỉnh táo, tinh tế và thư giãn đến lạnh lùng trong cuộc săn, đặc trưng cho những sinh vật săn mồi bằng cách đặt bẫy, và quen đi săn một mình. Còn lời Tuyết Nữ, thể hiện qua tiếng gió hú ngang trời ở phút thứ 4, dường như vang vọng một nỗi bi thương của nàng, mà lời nói khộng thể biểu đạt. Theo mô tả của một số truyện dân gian và tác phẩm văn học, thì Tuyết Nữ vốn là người phàm, chỉ biến thành quỷ sau khi bị phụ bạc, hoặc bị bỏ trên núi tuyết giữa mùa Đông. Ở đây, như một cơn bão tuyết, ảo mộng đẹp đẽ đã hình thành từ vòng xoáy dục vọng của Tuyết Nữ và nạn nhân: Tuyết Nữ là cái lạnh vĩnh viễn đi tìm hơi ấm ban đầu, nhưng không đạt được, còn nạn nhân là kẻ yêu cái lạnh đó, vì vậy dùng thịt da để kéo dài nó. Như vậy, ảo mộng đẹp trong bài hát còn là ẩn dụ về một bi kịch đẹp trong nhiều mối quan hệ đời thực: họ không yêu nhau, cũng không biết nhau, chỉ có mộng đến với mộng và dục đến với dục.
Ảo mộng từ vòng xoáy dục vọng, cùng vẻ bi thương của Ma Nữ, cũng là hai yếu tố làm nên vẻ đẹp của ca khúc Thiếu Nữ Dữ Hải 少女与海 (Cô Gái Và Biển Khơi), do Cam Thế Hải viết lời, Hoắc Tôn viết nhạc và trình bày. Hai tác giả cho biết khi soạn bản demo đầu tiên, họ muốn mượn tiếng hát mê hoặc của người cá trên đại dương để xây dựng “một ảo ảnh hoàn hảo”. Nhưng vì nghĩ đến “sự tàn khốc của hiện thực”, sau cùng, họ đã biến Thiếu Nữ Dữ Hải một “ngụ ngôn về dục vọng và lời nói dối”, để cảnh tỉnh những bạn trẻ sắp bước vào “cuộc phiêu lưu bất tận” trên “con thuyền chở tuổi thanh xuân”:
“Ước ao một vòm ngực thật rộng lớn
Trông đợi một dục vọng thật hoang liêu
Người ta đang nhảy vũ điệu lưu luyến trên mặt biển
Đem mọi khát khao uống đến cạn
Biến mọi bất thường thành bình thường
Cho đến khi những gì thân quen đều bị triều dương đẩy trôi
Ánh sao lặng lẽ mà tỏa sáng
Lòng người bị dục vọng chôn vùi
Người đời sao kháng cự được cuộc phóng đãng này
Nếu như có thể điên cuồng, liệu còn ai thiện lương?
Chuyện xưa lan truyền khắp bốn bề
Ai còn du đãng giữa biển khơi
Ngàn vạn chớ nhìn nàng chăm chú
Kẻo bị cuốn vào nỗi ưu thương của nàng”
(bản dịch của kênh Dạ Yết, 2018)
Cũng như Yuki Onna, người cá trong Thiếu Nữ Dữ Hải đã biến dục thành mộng, và dùng mộng dựng không gian. Nếu không gian của Yuki Onna là da thịt băng giá ngàn năm, thì không gian của Thiếu Nữ Dữ Hải là những dòng chảy của biển dục vọng không bến đỗ. Thời gian trong cả hai ca khúc đều có dạng vòng lặp: câu kết của Yuki Onna cũng là câu đầu, còn cốt truyện của Thiếu Nữ Dữ Hải thì vẫn lặp lại với người đời sau:
“Lời hoang đường xưa nay đều có cánh
Chỉ còn sự tàn khốc lưu lại dưới ánh trăng
Chuyện xưa sẽ trở lại, chẳng một ai thưởng thức
Không ham thích sự thật, lại chỉ chuộng viển vông
Nếu từng nghe về ca hội của tiên cá
Có ai không say mê những truyện thất truyền này.”
Và khi hai khúc nhạc ngưng, chúng vẫn để lại dư âm trong lòng người, như thể mãi mãi về sau, Tuyết Nữ vẫn đang “lang thang trên triền núi”, còn người cá vẫn đang “nhảy vũ điệu lưu luyến trên mặt biển”.
Như vậy, vòng lặp của ảo mộng, vẻ bi thương, và cái chết chính là “cái vĩnh hằng” được thể hiện trong những bài hát thuộc motif ma nữ săn mồi. Việc  ma nữ giam mình trong bi thương, còn nạn nhân giam mình trong cái chết được báo trước, dường như thật ngốc nghếch. Nhưng sự ngốc nghếch này vẫn mang một vẻ đẹp bi kịch, đủ sức hấp dẫn nhiều tài tử mới diễn hoặc quen diễn sâu. Vậy nên có những ca khúc đứng hẳn về phía nạn nhân, để tuyên bố rằng chết vì tình là một cái chết rất đẹp, không hề đáng tiếc.
Trong văn hóa dân gian Mexico, La Llorona (Người Đàn Bà Khóc) là hồn ma của một người phụ nữ từng dìm chết con mình do bị tình nhân phụ bạc. Truyện kể rằng giờ đây, Llorona vẫn đang lang thang bên bờ sông, cất tiếng khóc gọi những đứa con bị mất. Llorona có thể đem đến vận xui, thậm chí là cái chết, cho những người nghe thấy tiếng khóc than của mình. Vậy mà đầu thế kỷ 20, các nhạc sĩ vô danh ở Mexico đã mượn hình tượng này để sáng tác ca khúc La Llorona – là tiếng lòng của một chàng trai sẵn sàng yêu, dù phải trả giá bằng cái chết:
“Vì anh đã yêu em, Llorona
Em muốn anh yêu em nhiều hơn nữa.
Anh đã trao em cuộc sống của anh,
Em muốn gì thêm? Thêm  gì nữa?
Ôi, Llorona, Llorona,
Của ngày hôm nay và ngày hôm qua,
Hôm qua anh như một kỳ quan,
Hôm nay anh mờ như bóng nhạt.
Anh không biết có gì trong hoa cỏ,
 Cánh hoa thả trong những nghĩa trang,
Khi chúng dâng rập rờn trong gió,
Nghe như hoa cất lời khóc than.
Ôi, Llorona, Llorona,
Llorona của màu thiên thanh,
Anh sẽ yêu em, không e ngại,
Dù cái giá là cuộc đời anh…” 
Cách Mexico nửa vòng trái đất, một chàng trai Việt Nam cũng thể hiện thái độ tương tự trong ca khúc Phượng Yêu. Ở chương 18 trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy bộc bạch:
“Vào lúc trời đất ấm áp nhưng lòng mình giá lạnh, tôi soạn Phượng Yêu là để kể lại cuộc tình vừa qua:
Yêu người như lá đổ chiều đông
Như mây hồng chưa tím
Như con chim khóc trong lồng
Như cơn giông đêm hè
Tình ta nức nở canh khuya...
Tôi muốn yêu người như dòng suối cuồn cuộn không ngưng tỏ tình với rừng sâu, như con tầu mê say gió trùng dương, như con giun ngước lên trời để yêu trăng sao vời vợi... Tôi cho rằng được yêu người rồi nếu ngày mai phải chết, tôi cũng xin vui lòng nhắm mắt! Và phải theo bước chân người như ma quái đi theo Yêu Tinh Tình Nữ tới cuối chân trời:
Yêu người, yêu có một lần thôi
Xin yêu, dù gian dối, xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ
Khi bơ vơ còn nhiều thì đâu chối bỏ tình yêu?”

4 - Motif ma nữ yêu con người: lời nhắc nhở về giá trị của những kỷ niệm?
Trong các ca khúc thuộc motif ma nữ săn mồi, nạn nhân sẵn sàng trả giá cho tình yêu bằng cách bước từ cõi người sang cõi ma – tức thế giới của bi thương, ảo mộng, và thời gian có dạng vòng lặp.
Ngược lại, trong các ca khúc thuộc motif ma nữ yêu con người, đến lượt ma nữ sẵn sàng trả giá cho tình yêu bằng cách bước từ cõi ma sang cõi người – tức thế giới “thế giới thực” hữu hạn, bất toàn của những tình cảm vô thường, của dòng thời gian được khai thông, thứ giờ đây thăng trầm theo những cung bậc cảm xúc. Thứ khai thông dòng thời gian của ma nữ là những kỷ niệm đẹp. Kỷ niệm trở thành chốn vĩnh hằng để dòng thời gian buông neo – nhưng không phải để giam mình trong vòng lặp, mà để bước tiếp.
Ta có thể thấy đặc điểm này nơi hai ca khúc được đề cập ở đầu bài, là Sơn QuỷLamento Di Ninfa. Cuộc tình với những con người chóng quên, chóng thay lòng đã khiến cả Sơn Quỷ lẫn Nymph rơi khỏi thế giới vĩnh hằng, thiêng liêng, để bước đi như con người trên những chặng đường cảm xúc. Vẻ đẹp của ca khúc được dệt bằng những cảm xúc của ma nữ - như hoa lan, bóng tùng, cỏ thơm, nước suối trên những chặng chờ đợi của Sơn Quỷ, hoặc cơn mưa lạnh từ nước mắt của Nymph. Và nét bút đọng lại, tạo vẻ vĩnh hằng cho bức tranh ma nữ, chính là những kỷ niệm khi yêu: là khoảnh khắc Sơn Quỷ chờ đợi “một mình lặng lẽ” như bóng tùng; là nhịp đập, nụ hôn mà Nymph biết sẽ không dễ phai như những người con gái trần thế.
Nhưng dù cái đẹp hài hòa trong chính nó, nó lại mâu thuẫn với hiện thực. Thời gian chảy thì lòng người thay, và kỷ niệm chỉ là giấc mộng nằm ở quá khứ. Liệu ma nữ có thể lấy một thái độ đẹp để đối mặt với nghịch lý xấu xí này? Có, nếu chúng ta lắng nghe ca khúc Requiem (Khúc Cầu Siêu), do Hiiragi Nao sáng tác và thể hiện.
Ca khúc này vốn là nhạc nền trong loạt phim hoạt hình Dusk Maiden of Amnesia. Phim thuật lại cuộc hành trình hài hước và lãng mạn, trong đó một nam sinh tìm cách giúp ma nữ học cùng trường đối diện với mặt tối của bản thân để tìm lại ký ức đã mất. Ma nữ biết rằng khi cuộc hành trình kết thúc, cô sẽ siêu thoát vì đã tìm lại được ký ức, hoàn thành mọi tâm nguyện; và vì thế phải vĩnh biệt người bạn đồng hành mà cô đã yêu. Dù vậy, cô vẫn quyết định bước đi, để được trải qua và trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc tình có hồi kết:
“Một ngày nào đó, anh sẽ nói với em,phải không?
Em biết, trong giọng nói dịu dàng này,
Tâm hồn em sẽ run rẩy, lung linh
Tỏa sáng như một biển sao nước mắt.
Tương lai tất yếu chỉ toàn nỗi buồn
Sẽ ngủ yên, vĩnh viễn.
Một ngày nào đó, em sẽ buông tay anh, phải không?
Chắc chắn, với nụ cười dịu dàng của anh,
Tâm hồn em sẽ run rẩy, lung linh
Tỏa sáng như những giọt sao nước mắt.
Khoảnh khắc này, khi em bên anh,
Xin cho được tiếp diễn
Với trời hoàng hôn,
Với đêm tro tàn,
Những ngày em bên anh
Tạc tim em mái mãi.”
Như vậy, trong khi thái độ sẵn sàng chết của các nạn nhân làm nên vẻ đẹp của các ca khúc thuộc motif ma nữ săn mồi, thì thái độ sẵn sàng sống của ma nữ lại làm nên vẻ đẹp của các ca khúc thuộc motif ma nữ yêu con người. Điều này được thể hiện rõ trong vở opera Rusalka của Dvorak – một tác phẩm thuộc về cả hai motif.
Tương tự phiên bản Nàng Tiên Cá của Andersen, Rusalka kể về một nàng tiên nước đem lòng yêu một hoàng tử con người. Khi tiên nước tìm đến một bà phù thủy để xin được biến thành người, bà nói nếu làm vậy, cô sẽ bị câm và mất sự bất tử. Hơn nữa, nếu hoàng tử không yêu cô, chàng sẽ chết hoặc cô sẽ bị đày đọa vĩnh viễn. Sau khi tiên nước đồng ý với các điều khoản và được biến thành người, hoàng tử gặp cô bên hồ khi đang đi săn nai, liền đem lòng yêu, đưa cô về để lấy làm vợ.
Tuy nhiên, hạnh phúc giữa họ không kéo dài. Một công chúa nước ngoài mà hoàng tử từng để mắt đã đến đánh ghen trong đám cưới của họ, và cất lời nguyền rủa vợ chồng họ. Việc này, và việc người dân đồn đại rằng một cô gái câm không tên có thể liên quan đến thuật phù thủy, đã khiến hoàng tử ruồng bỏ nàng tiên nước. Nhưng dù công chúa nước ngoài đã giành được tình cảm của hoàng tử, cô vẫn chán ghét thói hai lòng của anh, và nguyền rủa rằng anh hãy cùng cô dâu của mình xuống địa ngục.
Sau khi trở về hồ, dưới tác dụng của những điều khoản đã ký với phù thủy, tiên nước trở thành một bóng ma chuyên dẫn dụ con người để làm họ chết đuối. Dù phù thủy nói rằng cô có thể giải lời nguyền bằng cách giết hoàng tử với một con dao găm, tiên nước từ chối giải pháp này và ném con dao xuống hồ nước. Dù vậy, sau khi hối hận, hoàng tử vẫn trở lại hồ để tìm tiên nước, và xin cô hôn anh, dù biết nụ hôn này đồng nghĩa với cái chết và sự đọa đày. Họ ôm hôn nhau, và hoàng tử chết trong vòng tay của tiên nước. Trong cảnh cuối cùng của vở opera, tiên nước cảm ơn hoàng tử đã giúp mình trải nghiệm tình yêu của con người, gửi linh hồn của chàng đến thiên đường, và một mình trở lại đáy hồ để tiếp tục kiếp sống của quỷ.

5 - Kết luận
Tóm lại, nhiều nhạc sĩ đã dùng hình tượng ma nữ như một phép ẩn dụ về những tình yêu cách trở, cùng sự can đảm để vượt qua khoảng cách trong tình yêu. Đó thường là khoảng cách về thời gian – như tổn thương trong quá khứ, sự chờ đợi của tình yêu đơn phương, sự lạc nhịp giữa kẻ chung thủy và kẻ thay lòng, hoặc sự lạc nhịp giữa người sống và người chết. Nhân vật trong các ca khúc đã vượt qua những khoảng cách này bằng cách sẵn sàng chết hoặc sẵn sàng sống – tức là bước qua nỗi sợ trước sự giả dối, mất mát, đau khổ, để can đảm nắm bắt từng khoảnh khắc khi yêu. Nhiều khi khoảng cách khiến họ chỉ yêu trong ảo mộng hoặc kỷ niệm, thay vì trong thế giới hữu hình. Nhưng mộng và kỷ niệm đó cũng có giá trị riêng, vì chúng đẹp, và chúng làm rung chuyển, thay đổi tâm hồn của những người đang yêu, như nhân vật ma nữ trong Requiem đã mô tả.
Với cái nhìn này, tôi không cho rằng motif ma nữ săn mồi là tiêu cực, nên tránh, còn motif ma nữ yêu con người là tích cực, nên theo đuổi. “Cõi ma” bất động và “cõi người” biến động không hề tách rời nhau, mà chỉ là hai măt của cùng một đồng xu nhân quả rất hên xui, như nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận ra khi soạn ca khúc Yêu Tinh Tình Nữ. Và như Rusalka đã mô tả, nếu ma cần lấy can đảm để bước ra khỏi cõi bất động, thì người cũng cần lấy can đảm để bước ra khỏi cõi biến động, nhằm trải nghiệm một tình yêu giúp mở rộng thế giới hữu hạn của mình và nâng tâm hồn mình lên. Suy cho cùng, thời gian dạng vòng lặp và thời gian được khai thông chỉ là những bước thăng trầm khác nhau trong cùng một đường đời, và chính những nốt trầm bổng đan xen này tạo nên âm nhạc của cuộc sống.
Sau khi viết bài này, tôi vẫn còn một câu hỏi chưa lời giải. Sao tôi không biết bài hát tiếng Anh nào dùng hình tượng ma nữ, ngoài nhạc nền của phim hoạt hình Corpse Bride (2005)? Đây là một hiện tượng thú vị, vì hình tượng ma, quỷ và quái vật nam giới đã hiện diện khá phổ biến trong âm nhạc Anh-Mỹ từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Bạn nào có lời giải, xin để lại trong phần comment dưới bài viết.
(bài đã đăng trên TheNewViet)
_________________________________________________________
Phụ lục – Danh sách ca khúc được nhắc đến trong bài:

1 - Sơn Quỷ 山鬼 (Quỷ Núi)
[Nhạc: Sở Ca Tế Lễ (phỏng dựng) | Lời: Khuất Nguyên (Thế kỷ 4 TCN) | Biểu diễn: Lý Ngọc Cương]

2 - Lamento Di Ninfa (Tiếng Khóc Của Nymph)
[Nhạc: Claudio Monterverdi (Thế kỷ 16) | Lời: Ottavio Rinuccini (Thế kỷ 16) | Biểu diễn: L'Arpeggiata (2009)]

3 - Herr Mannelig (Ông Mannelig)
[Nhạc & lời: Dân ca Thụy Điển (Thế kỷ 19 hoặc trước) | Biểu diễn: Haggard (2004)]

4 - Yuki Onna雪女 (Tuyết Nữ)
[Nhạc, lời & biểu diễn: Sai Yoshiko (1975)]

5 - Thiếu Nữ Dữ Hải 少女与海 (Cô Gái Và Biển Khơi)
[Nhạc & biểu diễn: Hoắc Tôn | Lời: Cam Thế Giai]        
Nghe nhạc kèm lyrics: https://youtu.be/hnTolCso4tw

6 - La Llorona (Người Đàn Bà Khóc)
[Nhạc & lời: Dân ca Mexico (Đầu thế kỷ 20) | Biểu diễn: L'Arpeggiata (2006)]

7 - Phượng Yêu
[Nhạc & lời: Phạm Duy | Biểu diễn: Khánh Ly (trước 1975)]

8 - Yêu Tinh Tình Nữ
[Nhạc & lời: Phạm Duy (1960s) | Biểu diễn: Thái Hiền (2012)

9 - Requiem (Khúc Cầu Siêu)
[Nhạc, lời & biểu diễn: Hiiragi Nao (2012)]

10 - Rusalka
[Nhạc: Antonín Dvořák (1900) | Lời: Jaroslav Kvapil]