Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa?
Có lẽ hơi lạ, một kẻ hai mươi đam mê giọng ca của một lão làng bảy mươi. Lần đầu tôi nghe Tuần Ngọc hát là lớp 5, khi mua cái máy đọc VCD đầu tiên, người ta tặng cho chồng đĩa. Thú thực, "giao diện" của anh (dù cách nhau nửa thế kỉ, tôi vẫn muốn gọi anh) không bắt mắt, hay ít nhất là không tạo được cảm tình với người xem, đặc biệt là một đứa con nít.
Ấy thế mà lại yêu. Lên lớp 10, ngồi đánh DotA vẫn bật nhạc của anh, chơi hiệp khách vào thế lực chiến vẫn lẩm nhẩm theo lời "Mộng Dưới Hoa". Mình vẫn nhớ cảm giác vào phòng ka-ra-ô-kê, và bị lũ bạn cười vào mặt khi mình vừa bấm bài "Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên", chỉ vì vừa nghe xong lúc ban trưa.
Có những lúc, mình chuyển sang nghe Bằng Kiều, hay trẻ hơn nữa, Bùi Anh Tuấn, Hà Anh Tuấn, khi họ hát những bài tình, những ca khúc mới của một thời cũ, có những lúc đã muốn ngân nga theo giọng ca cao vút của lớp ca sĩ mới, nhưng cũng chỉ một hai tuần là lại thấy chối tai. Tuấn Ngọc, anh đã già, giọng ca đã mang dáng dấp thời gian, nó không leo lên những bậc thang của khung nhạc một cách lảnh lót nữa. Những lần tôi nghe anh hát qua những đoạn clip trong phòng trà, giọng anh đã khàn đi nhiều, những nốt thường ngày giờ anh phải cố mới vào được. Nhưng thế lại say. Có lẽ đến tuổi, người ca sĩ không còn hát với sự chạy đua kĩ thuật nữa. Thay vào đó, người ta đặt thêm cảm xúc vào, cái cảm xúc mà thời trai trẻ không hiểu hết.
Lớp người cũ sắp ra đi, phong cách hát cũ chắc cũng không còn lâu, những bản nhạc cũ sắp trở thành hoài niệm. Hàng ngày, tôi vẫn đi tìm những bài hát cũ "mới" của anh và những người cùng thời để gợi nhớ một cái gì đó xa xôi.