Con người ta không phải lúc nào cũng có thể trao nhau những lời khen có cánh hay những câu nói khích lệ động viên. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn sẽ nhiều lần phải đối mặt với những bước đi sai lầm của bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay cấp dưới. Và trong bất cứ hoàn cảnh và cương vị nào, một lời đóng góp chân thành và đúng lúc sẽ có giá trị hơn gấp ngàn lần một lời khen sáo rỗng giả dối. Nhưng làm thế nào để đưa ra những lời nhận xét chân thành và tích cực nhất nhưng không làm mất lòng người nghe. Làm thế nào để lời phê bình của bạn không làm mất đi sự tự tin của người đang phải nhận lấy nó? Làm thế nào để bạn có thể điều chỉnh công việc của ai đó nhưng vẫn có thể để họ tiếp tục làm việc với một thái độ tích cực?

Tập trung vào hành động.

Hãy phê bình hành động chứ không phải con người của họ.
Một số người tin rằng, bằng cách chỉ trích cả hành động lẫn bản chất con người, sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý của người ấy và khiến cho người bị chỉ trích có động lực để làm tốt hơn nữa.
Nhưng sự thật lại không như vậy, sự tập trung sẽ dễ dàng bị phân tán và những lời chỉ trích ban đầu sẽ dễ dàng bị nhận định như là một lời công kích cá nhân, không hơn không kém.
Vì vậy, hãy luôn tập trung phê bình hành động của họ mỗi khi họ mắc sai lầm, điều đó sẽ giúp cho họ nhận ra được những thiếu sót và có thể tiếp tục công việc của mình một cách hiệu quả hơn.

Lý thuyết Sandwich.

Lý thuyết Sandwich là cách để truyền đạt những lời phê bình của bạn đến một người mà không làm giảm đi sự tự tin hoặc thái độ tích cực của họ. Hãy vừa xóa vừa đâm, à nhầm, vừa đấm vừa xoa, bạn hãy “kẹp” lời phê bình giữa hai ý kiến ​​tích cực. Đây là một phương pháp rất hữu ích để phê bình mà không làm mất đi sự tự tin của người khác.

Thẳng thắn đúng lúc.

"Nghĩ những gì bạn nói và nói những gì bạn muốn nói."
Bạn không muốn những lời phê bình của mình đưa ra như nước đổ lá môn; bạn muốn lời nói của mình thực sự có sức nặng để có thể trực tiếp tạo nên một tác động tích cực giúp người khác nhận ra được vấn đề. Lý thuyết Sandwich rất hữu ích, khi và chỉ khi người nghe ngầm hiểu (ngay lập tức nhận ra) được vấn đề mà bạn đang nói đến. Nhưng khi nó bắt đầu trở nên lan man hoặc xa rời thực tế, đó là lúc bạn nên thẳng thắn hơn trong việc tiếp cận vấn đề của mình.

Giữ sự phê bình ở mức riêng tư.

Bất cứ lời phê bình nào cũng nên được nói ra một cách trực tiếp và riêng tư để tránh làm người “được” phê bình cảm thấy xấu hổ trước các đồng nghiệp của mình. Làm bẽ mặt người mà bạn đang phê bình luôn là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng mà bạn phải chọn. Phê bình một cách riêng tư là một phương pháp an toàn, vì nó sẽ không làm một người cảm thấy xấu hổ hay đánh tan đi sự tự tin của họ.

Lắng nghe và phản hồi.

Đưa ra những phản hồi về vấn đề mà người đó đang mắc phải và lắng nghe những phản hồi từ họ.
Cuối cùng, mục đích của lời phê bình là giúp cho người mà bạn đang trực tiếp phê bình có thể cải thiện hiệu suất công việc nhưng vẫn giữ được sự tự tin vốn có của họ. Để có được những kết quả tích cực từ lời phê bình của bạn, hãy không ngừng lắng nghe, nhìn nhận và học hỏi. Bạn có thể nghĩ rằng bạn biết điều gì đang xảy ra hay tại sao điều này lại xảy ra, nhưng đừng trở nên quá tự tin, vì chưa chắc bạn đã bao quát hết toàn bộ vấn đề đâu.
Nếu mục tiêu của bạn là để những lời phê bình của mình có tác động tích cực đến hiệu suất công việc và để người bị phê bình luôn giữ được sự tự tin và thái độ tích cực, bạn có thể cân nhắc năm điểm này trước khi đưa ra những “ý kiến đóng góp” đến người mà bạn đang muốn chia sẻ.
- Phê bình hành động chứ không phải con người. - Xác định xem Lý thuyết phê bình Sandwich có thể áp dụng được không. - Nói điều bạn nghĩ, nghĩ điều bạn nói. - Phê bình một cách riêng tư. - Mục tiêu là phản hồi, sự tự tin và cải tiến.