Sài Gòn,
Sài Gòn hoa lệ, Sài Gòn vội vã, nhộn nhịp, có phải Sài Gòn chỉ có thế?
Với một đứa chưa có dịp vào Sài Gòn như mình, có hàng trăm thứ mà mình tò mò về nơi này, nơi mà đám bạn của mình đang đổ xô vào đó để làm việc, lập nghiệp.
Tình cờ thay trong giai đoạn gần đây, mình lại có cơ hội đọc được những mẫu chuyện dễ thương về Sài Gòn của anh Đàm Hà Phú. Anh Phú là một người bạn của sếp mình và anh đã tặng cuốn sách này kèm chữ ký cùng một vài dòng về khoảng thời gian năm 2013 đó.
Anh Phú ký tặng sách.
Anh Phú ký tặng sách.
Nếu ai đã đọc qua Blog "Người lữ hành kỳ dị" chắc hẳn sẽ biết đến Anh Đàm Hà Phú. Anh sinh năm một chín bảy tư và đã sinh sống ở Sài Gòn được hơn hai mươi năm nay. Ngay khi mở cuốn sách của anh, mình đã cực kỳ ấn tượng với vài dòng tâm sự mà anh viết về "mối tình dở dang" của anh cùng Sài Gòn":
..., sở thích là đi lại và viết lách, đã từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, đã từng viết đủ về mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, đã từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn.
Sài Gòn có gì hay ho đến thế, mà một người lại muốn đi cho hết, muốn viết cho đủ và muốn yêu cho trọn như vậy?
"Chuyện nhỏ Sài Gòn"
"Chuyện nhỏ Sài Gòn"
"Một tập sách ấm áp. Đọc Phú thấy đời đẹp..." - Nguyễn Ngọc Tư. Chuyện nhỏ Sài Gòn là tập hợp những câu chuyện hết sức bình dị, giản đơn mà lại chứa đựng hết cái tâm tình của người Sài Gòn trong đó. Đọc cuốn sách này, ta như đang ngồi ở một góc vỉa hè, nghe người bạn tri kỷ tỉ tê kể ta nghe những mẫu chuyện nhỏ thiệt dễ thương.
Cuốn sách được chia thành những câu chuyện của tác giả, có thể là qua lời kể của ai đó, có thể là những tình huống mà anh Phú đã trải qua. Dưới đây là một vài cái tên được anh Phú khéo léo đặt cho từng mẫu chuyện:
"Khá hông nổi
Có con đường nằm nghe nắng mưa
Về miền Tây uống "gụ"
Không có đỉnh cao
Cô vợ Ếch
Ăn nhớ, ăn thương
Nghĩa học trò"
Chuyện của anh Phú được nhặt nhạnh ở mọi ngõ ngách Sài Gòn, từ người xe ôm, anh chàng vé số cho đến những con người miền Tây chất phát. Đọc truyện của anh, thấy Sài Gòn thật phóng khoáng và dù ai ở tầng lớp xã hội nào đi nữa, họ vẫn giúp nhau vì cái tình và cái hào sảng của người Sài Gòn.
Qua từng câu chữ dí dỏm, mình như được thăm thú và cảm nhận chân thật những âm thanh, gia vị cuộc sống người dân Sài Gòn.
Sài Gòn thiệt đậm tình người.