Nguyễn Tuân có bao giờ nói trang giấy là một “pháp trường trắng” không? Tôi chưa tìm được tác phẩm nào có ghi câu đó, tôi chỉ có đọc qua một cái dật sự mà ở đó ông nói rằng cái làng văn Bắc Việt là pháp trường trắng, “không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết”. Dẫu vậy, trong ấn tượng của tôi, việc viết với một người như Nguyễn Tuân nhất thiết đòi hỏi cảm hứng. Viết Chùa Đàn, ông viết một mạch trên võng suốt một tuần liền, chứ không phải theo kiểu có giờ giấc ngày mấy tiếng. Viết văn kiểu như vậy hẳn sẽ thấy bối rối trước trang giấy trắng, bởi không như những người viết kiểu có cấu trúc định sẵn, phân hạng mục lớn nhỏ, trước sau bằng những sắp đặt của lý trí, luôn có thể bám vào các cột mốc đánh dấu mà khai triển tác phẩm, những người viết không có cấu trúc mà chỉ có cảm hứng tự họ phải để cho ý văn chảy tràn ra trang giấy liên tu bất tận, mà tự tin trong đầu rằng rồi đây thứ được sinh ra tự thân nó có một cấu trúc của riêng nó. Tồn tại phải có trước yếu tính. Tôi yêu những thứ văn chương như vậy, bởi nó luôn gây bất ngờ, luôn lạ lẫm, luôn nằm ngoài những thứ đã biết, vượt lên trên cái logic tầm thường. Trái với kỳ vọng của giáo viên dạy tập làm văn thời cấp một, tôi xem trọng những bài văn lạc đề, bởi có khi, những thứ tưởng chừng rất xa nhau lại có thể xếp lại gần nhau trong một liên hệ vô thức nào đó. Văn chương, nếu là một thứ văn có công thức, với những mở thân kết y như một tiêu chuẩn của tiền nhân, thì cũng khô cằn chết lạnh như mớ giấy tờ hành chính công vụ. Cái cụm từ “tôi nói gì khi nói về…” trong nhan đề tác phẩm của Raymond Carver hay Murakami Haruki có thể phần nào bày tỏ cái tâm thế bơ vơ của người viết trước trang giấy trắng. Bởi mỗi chủ đề đều có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ, mỗi sự vật đều có nhiều khía cạnh mà mình phải lựa chọn nói cái nào trước cái nào sau, viết một tác phẩm từ con số không là phải dựng nên một cái gì vô tiền khoáng hậu. Tôi quan sát thấy bây giờ nhiều người viết kiểu quá “tỉnh táo”, thì chắc cũng nên có những kẻ như tôi, ưa viết lạc đề, tạp nham, tùy hứng. 
Người ta trở đi trở lại với Đoạn Trường Tân Thanh cũng là vì có một thứ gì ở đó khó cắt nghĩa bằng logic thông thường. Nguyễn Du, tuy phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng cũng có khi phải tự kiến thiết nên một đồ hình trước trang giấy trắng. Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện chỉ viết: 
“Một hôm nhằm tiết Thanh minh, cả nhà họ Vương cùng đi tảo mộ, rồi luôn dịp dự hội Đạp thanh. Thúy Kiều cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan thong thả dạo chơi đây đó, đi đến bờ suối, bỗng thấy một ngôi mộ chơ vơ hiu quạnh…” (Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh dịch, Nxb Đại Học Quốc Gia, 1999)
Nguyễn Du, đến lượt mình, hình dung về cảnh ngày xuân, đã dựng nên một cấu trúc có trước-sau, trên-dưới, không-thời gian mà ở tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân không có:
Ngày xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa Thanh minh, trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. Gần xa nô nức yến anh, Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay
Mùa xuân là khởi đầu của một vòng tròn năm. Nguyễn Du cũng đã chọn mùa xuân để mở ra câu chuyện về mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều. Từ cái cuộc đi du xuân gặp mộ Đạm Tiên ấy là biến cố xảy đến gia đình nhà họ Vương. Hôm nọ vô tình đọc một lá số tử vi, là người không thích bói toán nhưng hứng thú với những điều thần bí, tôi đọc cho vui thiết tưởng cũng chẳng hại gì, bỗng nhớ một câu: “Lên cao đấy, rồi bệnh đấy, ra đời để trải qua mọi cảnh ngộ, cuộc đời chỉ là giấc hoàn lương, thịnh suy luân kiếp”. Chợt nghĩ về “mười năm tỉnh mộng Châu Dương” của mình ở Sài Gòn, mỗi lần như vậy tôi hay an ủi bản thân rằng có nàng Kiều, đẹp người đẹp nết là thế mà cũng gặp cảnh “thanh y hai lượt thanh lâu hai lần” thì mình hãy còn may mắn chán. Xưa ông Tú Xương cũng sống một cuộc đời không mấy hanh thông về đường quan lộ, nhưng mà ông cũng tìm thấy tri âm ở hậu thế:
“Con sông tuổi phù sa hoa niên của Tú Xương đã cạn đi từ lúc sinh bình nhà thơ. Nhưng hôm nay tạc tượng Tú Xương, Tổ quốc là một cảnh nhộn nhịp "sông núi có chủ nhân", những người thợ dệt Nam Định đã khơi nguồn lại cho sông thơ nọ, để người thơ Tú Xương yên giấc bên sông mà không còn phải giật mình thức giấc để nhớ thương cho bất cứ tiếng gọi đò đêm nào. Lúc còn sống để làm thơ, ông Tú là một cây sầu đông ngoài tươi mà trong rầu héo, những lời trào lộng kiêu bạc chỉ là những hiện tượng da thịt bên ngoài phủ lên một tủy cốt chung tình. Cho nên pho tượng Tú Xương của tôi có cái dáng điệu thung dung tự tại của một người bộ hành sang ngang tin rằng sông bao giờ cũng có đò, tin rằng bến lạnh có mịt mù đến đâu đêm tối có đen ác đến mấy, thì cuộc sống tổ chức của Cái Thiện lúc nào cũng vẫn sẵn một bóng người du kích đưa mình vượt qua bờ. Mà nó đúng là pho tượng của một nhà thơ tự tin rằng khi mình đã cất nổi một tiếng gọi bên sông văn thì vẫn có tiếng đồng điệu vọng trả lời sang.”
Nguyễn Du là người đặc biệt quan tâm đến các ngôi mộ, và luôn tìm gặp những người đi trước như Phùng Tiểu Thanh hay Vương Thúy Kiều, thì sau khi mất mấy trăm năm, nhiều người bây giờ vẫn tìm ông để gặp qua “những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày”. Tôi vẫn hay nghĩ về một ngày tháng dài rộng sau này, có dịp sẽ đi thăm mộ Tạ Thu Thâu, thăm mộ Phan Khôi.
Không có hai mùa xuân     trong một đời người Ôm những cây đời thay lá Một mùa xuân trong những chuỗi ngọc Sâu những tháng năm     những giấc mơ khát vọng     những niềm tin Không bao giờ thay đổi Sự vĩnh cửu của con người     chỉ khao khát tình yêu Giữa anh và em     Không gian nhỏ lại     Thời gian khép lại Một mùa xuân     Không có hai lần. (Văn Cao, Không có hai mùa xuân)
Thời tiết tháng giêng làm hoa lá đâm chồi nảy lộc nhưng không làm tôi hết ách tắc ý văn trước trang giấy trắng, nhưng thứ văn tuyệt mỹ hình như là một thứ văn người ta luôn nghĩ về nhưng lại không thể viết ra. Ví đời tôi là một vòng tròn, thì cái cảnh ngày xuân của tôi có một thứ hoa không chịu nở, bị nhiều người cho là bẽ bàng, duyên muộn. Nhưng cũng như cấu trúc tác phẩm là một thứ tự thân, đến sau những chảy tràn không tính toán của mạch văn, sao phải tìm kiếm sự chấp thuận của những người đi trước?