Nghe bố tôi kể khi ấy mẹ tôi bắt đầu trở dạ vào khoảng 9h đêm ngày 9 tháng 6 năm 1976 nóng hừng hực như lửa đốt. Hồi ấy, bố mẹ tôi cưới nhau được gần một năm, khi đó mẹ tôi đã 26 còn bố tôi 41, bố tôi kém ông ngoại tôi có 5 tuổi nên thỉnh thoảng quên vẫn gọi ông bằng ANH. Sau khi cưới, cơ quan phân cho bố mẹ tôi một căn hộ lụp xụp sát ngay cạnh đường tàu điện ngay đầu con phố Thụy Khuê nhỏ bé. Lúc mẹ tôi trở dạ, bố tôi cuống quá gọi xích lô đưa ngay mẹ tôi đến Nhà hộ sinh Hàng Bún ngay gần phố Quán Thánh, trên người chỉ mặc mỗi cái quần đùi ống xoắn như lò xo với cái áo may ô thủng như lưới B40. Mẹ tôi ngồi giữa vừa đi vừa gào, bố tôi ngồi co chân nghếch mông trên thành xích lô, đường xóc nên thỉnh thoảng hàng họ lại thò ra ngắm đường phố. Bố tôi kể: 
- May mà buổi đêm, Hà Nội vắng vẻ chả có ai nên cũng không có gì mà phải xấu hổ, nhưng công nhận mát lắm!
    Mẹ tôi thì bảo:
- Tao kêu đau chết cha ra thế mà bố mày thỉnh thoảng lại hỏi: "Có đau không em?" Điên hết cả ruột! Không đau thì tao kêu làm cảnh chắc?
    Đúng 1h30 sáng ngày 10/6/1976, tôi ra đời, nữ y tá thông báo với bố tôi rằng: "Anh có con trai, vào mà xem mặt đi". Bố tôi kể rằng, giây phút nhìn thấy tôi đỏ hỏn quấn trong cái tã vải xô là giây phút hạnh phúc thứ hai trên đời ông, giây phút hạnh phúc nhất tất nhiên là lúc bố tôi vạch chim tôi ra. Cũng vì vậy, dù lúc ấy nhà rất nghèo, bố tôi cũng đều đặn cho tôi chụp ảnh, mà ảnh nào cũng phải khoe "hàng" tôi là chính. Sau này, cứ khi nào tôi dẫn bạn gái về nhà, bố tôi lại đem ảnh chim cò của tôi ra khoe, hồi ấy tôi xấu hổ bỏ xừ, nhưng sau này tôi biết rằng, đó là cách PR tuyệt vời và rất hiệu quả.
    Mẹ tôi thì kể rằng, khi bố tôi đã qua cơn sung sướng, bác sĩ đã đến tận giường yêu cầu bố tôi về thay quần áo, bác sĩ bảo thế này:
- Anh thông cảm về mặc cái quần dài rồi quay lại nhé, y tá ở đây chỉ quen nhìn "chim" trẻ em thôi!
    Ối giời ôi, đến tận lúc đó bố tôi mới biết: không chỉ áo thủng mà đít quần cũng thủng, nhìn phía sau thấy hết cả "tổ công tác", quê quê là!
    Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng với thời kỳ khó khăn vô cùng, những năm sau ngày thống nhất, mọi thứ hàng hóa trở nên vô cùng khan hiếm. Bố mẹ tôi là cán bộ cơ quan nhà nước lương 3 cọc 3 đồng, lo nuôi mấy miệng ăn đã đủ vất vả nên chả bao giờ tôi biết đến ngày sinh nhật. Khi tôi được 5 tuổi, mẹ tôi đẻ thêm thằng em trai, thêm người thêm miệng ăn, cuộc sống lúc đó thực sự là khó khăn chồng chất khó khăn.
    Nói thật với các bạn rằng, hồi bé tôi thậm chí còn không nhớ ngày sinh nhật của mình nhưng tôi nhớ như in ngày thằng em tôi ra đời, ngày sinh nhật thằng em tôi là ngày tôi ăn miếng CHẢ đầu tiên trong đời. Các bạn có bao giờ nhớ ngày/giờ ăn miếng chả đầu tiên không? Chắc là không rồi! Tôi ăn miếng chả đầu tiên lúc 5h chiều ngày 5/4/1981 tại Hàng Bún!
    Thằng em tôi đẻ lúc 4h chiều, 5h bố tôi đưa tôi đi mua gió để bồi dưỡng cho mẹ tôi, tiền trong túi bố tôi chỉ đủ mua 2 lạng giò lụa. Hàng giò chả ở Hàng Bún hồi đó nổi tiếng lắm, người ta giã bằng tay chứ không phải bằng máy như bây giờ, chỉ cần ngửi mùi chả rán mà nước bọt tôi chảy trắng cả miệng. Lúc đó, bà bán giò chả phúc hậu vấn cái khăn mỏ quạ nhìn tôi thương tình, bà thái đưa cho tôi miếng chả bằng một ngón tay, ôi cha mẹ ôi, tôi đưa vào mồm ăn mà cảm giác nó tan trên lưỡi, thịt ngọt lịm mà mùi thì thơm thơm là! Ăn xong rồi, với trí óc non nớt, trên đường về nhà hộ sinh, tôi luôn mồm hỏi bố tôi rằng: 
- Cái gì mà ngon thế hả bố ơi?
- Chả đấy con ạ! Bố tôi nói.
- Làm bằng gì hả bố?
- Làm bằng thịt lợn! - Bố tôi nói nhỏ hơn.
    Tôi hỏi nhiều lắm , nào là sao từ trước đến giờ bố không mua, người ta làm như thế nào, có đắt không, bao giờ bố con mình lại đi mua tiếp... Sau này, khi nhà đã khá hơn, bố tôi kể rằng lúc đó ông đã nuốt nước mắt vì thương tôi, bố tôi cảm thấy đau xót khi không có tiền để mua chả cho tôi ăn, cảm thấy xấu hổ, tủi thân và bất lực...Giờ đây, dù đã được ăn hầu hết sơn hào hải vị trong các buổi sinh nhật, tiệc tùng hay nhậu nhẹt nhưng miếng chả nhỏ bé hôm ấy là món ăn ngon nhất mà tôi từng ăn trong ngày sinh nhật, mặc dù nó là sinh nhật thằng em tôi.
    Lần đầu tiên tôi có được một sinh nhật cho riêng mình là vào tháng 6/1983, năm đó tôi kết thúc lớp 1 để lên lớp 2, tôi xếp thứ 2 và là học sinh giỏi nên bố mẹ hứa sẽ tổ chức sinh nhật cho tôi. Đó là thời kỳ thiếu thốn về lương thực thực phẩm, mặc dù ở HN nhưng nhà nào cũng phải ăn độn, tức là ví dụ nhà có tiêu chuẩn 10kg lương thực thì chỉ có 5kg gạo còn lại là ngô, khoai, sắn hoặc bột mì ăn kèm... Đến hôm sinh nhật, bố xúc 5kg ngô đeo lên xe rồi đạp xe đèo tôi ra phố Quán Thánh, bố tôi bảo:
- Hai bố con đi nổ bỏng ngô!
    Chắc các bạn hiếm có ai đã từng chứng kiến cảnh nổ bỏng ngô nhỉ, nhưng ngày xưa cái nghề đó kiếm ăn ổn lắm. Chỗ nổ bỏng ngô rất điếc tai, nó nổ to như đạn bắn nên tôi cứ giật mình hoài. Người ta cho ngô và một ít đường vào một cái ống thép đường kính khoảng 15cm rồi bít kín lại, sau đó cho vào bếp than đảo đi đảo lại cho ngô bên trong nở hết ra nén chặt vào thành ống, tiếp theo người ta đặt cái ống đó lên giá hướng vào một bao tải rồi mở nắp , áp lực sẽ khiến nó nổ bùm một tiếng và bỏng ngô văng vào cái bao tải, cuối cùng chỉ việc vác bao tải bỏng ngô đó về ăn. Bố con tôi nổ 5kg được đúng một bao tải bỏng ngô loại 50kg, tôi ngồi sau bê bao tải bỏng thơm nức mà cứ như bay trên mây, hạnh phúc không thể tả được!
    Về đến nhà đã thấy mẹ tôi đang quấy bột mì với đường mật, hồi ấy không có trứng với đường trắng tinh như bây giờ vì đường hiếm lắm, hiếm đến nỗi người ta lấy giá đường để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đường tăng giá tức CPI tăng và ngược lại... Vì vậy, bột mì trộn với đường mật rán lên thì bánh nó sẽ có màu đen, nhưng quan tâm đếch gì, có mà ăn đã là hạnh phúc lắm rồi. 
    Tôi còn nhớ, buổi tối hôm ấy ăn cơm xong, cả nhà tôi: tôi, bố, bà nội và mẹ tôi thì bế thằng em 2 tuổi cùng ngồi quây quần bên tấm phản, ăn bỏng ngô với bánh rán mật và nói linh tinh đủ thứ chuyện. Đó là sinh nhật lần đầu tiên của tôi và nó thật hạnh phúc.
    Sau đó vài năm, bà tôi mất, rồi mẹ tôi lại đi nước ngoài và đón em trai tôi sang cùng, tôi ở với bố cho đến năm 2005 thì ông mất sau một cơn tai biến nên tôi sống một mình. Lúc đó, khi đã trưởng thành và làm ra tiền, các buổi sinh nhật là để tụ tập bạn bè nhậu nhẹt và chơi bời...
    Giả sử rằng, nếu điều ước trong ngày sinh nhật trở thành hiện thực thì năm nào tôi cũng sẽ ước được quay về năm 1983 đó để sống một ngày trọn vẹn với tuổi thơ tôi, sống một ngày trọn vẹn với gia đình tôi, sống một ngày với bố mẹ tôi - những người đã hi sinh tất cả để nuôi 2 anh em chúng tôi thành người. Tôi sẽ lại được ngồi sau xe đạp của bố tôi đi nổ bỏng ngô, sẽ lại ngồi cạnh mẹ tôi cùng rán bánh mật, ngồi cạnh bà nội để nghe bà chửi yêu, để tôi có thể nói với bố mẹ tôi rằng: Con thật may mắn và tự hào vì được làm con của bố mẹ!
    Với tôi, ngày sinh nhật không phải là ngày để mọi người biết cha mẹ chúng ta giàu như thế nào mà là ngày để mọi người biết rằng: Chúng ta được cha mẹ YÊU THƯƠNG và NUÔI DẠY như thế nào!
    Chúc mừng sinh nhật tôi!  - Hà nội 10/6/2015.
(trích "Cuộc sống rất giống cuộc đời" - Hoàng Hải Nguyễn)