Ngày khai trường, viết cho mình của bốn năm trước, khi mới vào đại học
Năm nay, mọi điều diễn ra hơi nhanh. Đầu hè, mình còn là một sinh viên đại học, vậy mà tới mùa thu đã bước vào kì...
Năm nay, mọi điều diễn ra hơi nhanh. Đầu hè, mình còn là một sinh viên đại học, vậy mà tới mùa thu đã bước vào kì thứ hai là nghiên cứu sinh (kì trước thực ra là kì hè nên học vui thôi). Bạn bè thân cũng đã đi làm gần hết. Gặp nhau vẫn vậy, có điều dường như gấp rút hơn. Gấp phần vì bận, phần vì biết rằng những sôi nổi, tư lự này sẽ chỉ kéo dài trong khoảnh khắc. Ngày mai thức dậy, lại bước ra hòa cùng dòng người với muôn mối lo đời thường. Đây là giai đoạn làm việc và tăng tốc. Những suy nghĩ gây chần chừ tạm gác lại cho bức thư một ngày không hẹn, cho cuộc gặp một quán quen. Lựa chọn trong tầm ngắm thu hẹp lại, động tác thuần thục hơn, ước mơ giản dị hơn. Chỉ cần thu mình lại, những hỗn loạn trong đầu sẽ trôi xa như chưa từng tồn tại. Ta bớt tự hỏi mình thực sự thích học gì, muốn làm gì. Nói như một người mình quen, "ta chọn theo số đông, theo sự sắp đặt của cha mẹ, theo một cảm hứng nhất thời nào đó và cố gắng làm cho tốt. Nếu làm tốt, ta biết mình giỏi. Nếu thấy mình giỏi, ta biết rằng lựa chọn ban đầu là đúng. Khi đó, ta sẽ thích việc mình làm." Đỡ tin vào những lời rao giảng dạng "theo đuổi đam mê," ta giao một phần tự chủ của mình cho những điều chưa làm, chưa biết, khấp khởi hi vọng tìm thấy một giá trị, một niềm ham mê, một sự gắn bó nào đó nơi cuối con đường - ánh sáng le lói trấn an rằng ta không chỉ là một cái máy trong hệ thống, một nô lệ của thành công hay của cảm giác ổn định.
Ở tuổi mười tám hai mươi, hào quang của hai chữ thành công làm ta phấn khích trong chốc lát nhưng chưa đủ nâng đỡ trái tim ta. Ta ngang bướng không muốn tiếp tục một con đường nếu như lí do duy nhất níu chân chỉ là ta giỏi. Ta từ chối những thảm hồng trải sẵn, mướt mả đi tìm chân trời nào cho ta cảm giác tự do. Có những người đến với cảm giác ấy muộn hơn, có những người khó khăn hơn để được học điều mình muốn. Họ đi những con đường độc nhất, riêng rẽ nhưng lại rất giống nhau.
Thư từ năm 2016, của hai sinh viên năm hai gửi cho sinh viên năm nhất là mình:
"Ta vẫn chưa hỏi là mi thích gì. Hôm qua ta nhận thấy được là mình thích marketing mà run hết cả người. Một môn mà ta không bị áp lực học hành, thi cử, ta ôn thi trong vui vẻ, thực sự tìm tòi kiến thức, chứ không như những môn như kinh tế vĩ mô, vi mô, nguyên lý này kia. Môn này thực sự cho ta cái cảm giác tự do mi ạ. Ôi, một điều bình thường như vậy mà bây giờ ta mới biết. Cuộc đời như vậy có muộn màng rồi không mi?"
"Rất buồn là Việt Nam không có trường nào đào tạo ngành của tớ. Và học ở các lớp online, hay lớp mở thêm bên ngoài nó không đi đến đâu cả, tớ đã học nên biết. Hiện tại có học xong bốn năm đại học ngành của tớ, muốn đi đâu hay học cao học lên ngành tớ thích cũng không được vì trái ngành không ai cho. Còn nhứng gì đang học trên lớp, thực sự tớ không nuốt nổi. Lan man, khô cứng, thiếu tư duy,... chán lắm. Học xong một môn trong đầu không đọng lại cái gì cả, chỉ có học một tối trước khi thi thôi, học gạo nên quên nhanh lắm."
Ai là sinh viên mà không có lúc cảm thấy ức chế, tù túng với môi trường học? Sau này mình mới nhận ra rằng các bạn khi ấy viết cho mình không phải để xin lời khuyên mà chủ yếu để tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia. Học xong năm nhất, mình muốn chuyển trường. Học xong năm hai, mình muốn nghỉ một kì để suy nghĩ lại. Mình đã có lúc thấy chán đến mức không còn muốn đi tiếp nữa - cảm giác bế tắc mà bạn mình có thể diễn đạt chính xác hơn:
"Những việc cá nhân của tớ chẳng có gì to tát, thậm chí nó đơn giản đến mức không thể tưởng tượng được. Bằng một động tác nhỏ, tớ có thể thoát khỏi tình trạng này. Tiến về phía trước. Nhưng mâu thuẫn nằm ở chỗ tớ đang trì hoãn việc sống một cuộc đời nhiệt huyết, nghiêm túc. Nghe kì lạ không ? Ai mà chẳng muốn sống thật nghiêm chỉnh, vì đó là cách duy nhất để hoàn thành kế hoạch và nâng cao con người theo thời gian. Nhưng mà tớ lại đang rất sợ mình sẽ thực sự nghiêm túc vận hành cuộc sống hằng ngày của mình. Đó là học hành, là ăn thức ăn tốt cho sức khỏe, là ngủ đúng giờ, là vận động, là thử một vài vị trí mới, là tìm kiếm cơ hội.... Tớ sợ mình nghiêm túc và phải ép mình vào khuôn khổ cho tất cả các hoạt động ấy. Ý nghĩ ấy có quái đản không? Tớ có đọc một vài trang sách về tuổi 20, tớ biết rằng mình không cô độc, không phải riêng tớ bị bao vây bởi trạng thái tâm lý hỗn loạn như vậy. Người ta chỉ dẫn rằng hãy hít thật sâu, thừa nhận tình trạng của mình, bắt đầu những công việc bé nhỏ. Tuy thế, thấy những người khác cùng lứa tuổi đang tiến đi rất xa, rất nhanh, tớ thực sự sợ hãi. Đôi chân lúc nào cũng rón rén bước, lúc nào tớ cũng thấy ngột ngạt, thiếu không khí, tựa như tớ đang bị ép buộc đi trên một lớp băng mỏng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào."
Cứ mỗi mùa hè, lại có những em chuẩn bị lên đại học trong nước hay ở nước ngoài tìm mình xin lời khuyên. Mình có thể chỉ cho các em kinh nghiệm trong những trường hợp cụ thể, nhưng làm sao nói hết cho các em về những cung bậc tâm lý hỗn độn, những ngã rẽ và câu hỏi ngổn ngang độc nhất với từng người? Ở giai đoạn chuyển giao như mình bây giờ, cơn bão cũ vừa qua, cơn bão mới chưa kịp tới, dễ tin rằng con đường đã đi là một đường thẳng băng từ tăm tối đến ánh sáng, từ bế tắc đến hanh thông. Người nói đã vậy, người nghe lại thường chỉ muốn mấy bài học giắt túi dạng khẩu hiệu. Biết như vậy nhưng vẫn cứ thao thức muốn viết ra một điều gì đó thuật lại bốn năm qua, như để trả một món nợ, ít nhất cho bản thân mình trong giai đoạn này.
Những câu hỏi và ngã rẽ
Thời điểm nhận được email của các bạn là khi mình ở cuối năm nhất, đầu năm hai, bắt đầu phân vân giữa các ngành học. Nền giáo dục liberal arts ở Mỹ cho phép sinh viên được học thử các lớp ở nhiều ngành khác nhau trước khi chọn ngành học chính (muộn nhất là năm ba). Kì đầu tiên ở đại học, mình "vấp" phải môn lịch sử hết sức tình cờ - nhìn thấy một môn có tên "Trung Quốc hiện đại" (Modern China) có vẻ thú vị nên đăng ký. Môn này đánh số 400, nghĩa là khuyên dành cho sinh viên năm cuối. Mình biết vậy nhưng nghĩ rằng chắc sẽ chẳng bao giờ học chuyên ngành sử, vì thế cứ học dự thính xem sao. Khi mình viết email xin phép giáo sư, thầy bất ngờ khuyến khích mình đăng ký học chính thức luôn thay vì dự thính. Và thế là mình bước vào học cùng các anh chị chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp, nhận ra rằng nếu cố gắng thì cũng không đến nỗi nào.
Một trong những lý do mình đăng ký lớp này là vì muốn học thêm về phương pháp tư duy lịch sử. Hồi năm 2015, khi tự học cho kỳ thi SAT II để apply vào các trường đại học Mỹ, bên cạnh môn toán, mình đã chọn Lịch sử Mỹ dù khi đó gần như chưa biết gì. Quyết định ấy được đưa ra sau một buổi sáng đọc lướt qua cuốn sử của AMSCO gặp đâu đó trên mạng. Mình nhận ra có một cách học sử mình chưa từng biết: học không phải chỉ để ghi nhớ mà để đưa ra những câu hỏi vì sao. Học để lật lại những điều mình đã chấp nhận từ lâu và hỏi bằng cách nào quá khứ được diễn giải như đã biết. Lớp Modern China tiếp tục khơi gợi hướng tư duy ấy. Đến kì hai năm nhất, mình đăng ký thêm hai lớp cấp 400, vốn chỉ dành cho SV chuyên ngành: Philosophy of History (Triết học về Lịch sử?) và Research Seminar: Internationalism (Seminar nghiên cứu chủ đề Quốc Tế Học). Cũng trong thời điểm này, paper mình viết cho lớp Modern China được đăng trên tạp chí lịch sử (Journal of History) của trường, mình được mời vào ban biên tập. Những điều này xảy ra rất nhanh và hết sức tự nhiên. Cho tới thời điểm đó, ngành sử vẫn là một trò chơi mà mình tiếp tục khi còn có thể nhưng chưa bao giờ có ý định lâu dài với nó.
Những email gửi cho gia đình và bạn bè trong giai đoạn này thể hiện một niềm vui mỏng manh, một sự tự tin có phần chông chênh khi ta biết rằng mình vừa khám phá ra một thế giới thật đẹp, thật trong sáng nhưng cũng là một bong bóng nhỏ nhoi có thể vỡ bất cứ lúc nào. Lại muốn trích một đoạn viết vào mùa xuân năm 2016 - kì hai năm nhất:
"Gần đây cuộc sống của con đã có nhiều thay đổi. Không phải là những thay đổi lớn, có thể đo đếm được và cập nhật ảnh ọt này nọ trên FB. Những thay đổi này liên quan đến suy nghĩ của con về bản thân, đến đời sống tinh thần và việc học. Chúng khiến con cảm thấy tràn ngập biết ơn, mừng vui, nhẹ nhõm. Chiều thứ sáu, con qua thăm nhà một GS môn văn học. Nhà cô bằng gỗ, có một căn bếp ấm cúng và hai con mèo, xung quanh là vườn rộng rực rỡ đủ loại hoa. Bây giờ, toàn cảnh căn nhà trông u ám. Nhưng chỉ đến tháng ba, tháng tư thôi, hoa sẽ nở bừng, đẹp như trong truyện cổ. Đằng sau nhà là khoảng sân rộng có bể nước và giỏ đựng thức ăn cho chim trời, cùng mấy cái ghế đọc sách nhìn ra khu rừng lớn. Cuộc sống êm đềm mà không tẻ nhạt. Con ngồi nói chuyện với cô hai tiếng đồng hồ không dứt khi dùng trà kiểu Ireland, trong căn bếp ấm cúng, lúc chiều ngả bóng, nhìn ra cửa sổ thấy chim đang sà xuống từng đàn, xung quanh là những bức tranh rực rỡ đóng khung tỉ mỉ, cảm thấy mình cũng như đang ngồi trong một bức tranh. Con yêu quý và kính phục các GS ở đây bởi đời sống tinh thần phong phú này. Và bản thân họ cũng là những con người thật chan hoà và khiêm tốn."
Có những điều đã không bao giờ xuất hiện trong các bức email: những câu hỏi loạn về định hướng cho học hành, nghề nghiệp. Sau mùa hè năm nhất thực tập ở một trại hè cho trẻ em ở Richmond, đặc biệt là những em có gia đình khó khăn, mình bắt đầu cảm thấy muốn quay lại thực tế và giải quyết những câu hỏi của hiện tại thay vì chìm đắm trong trò chơi tư duy về quá khứ. Nghĩ như thế kể ra cũng thật khoa trương nhưng phải viết đúng ra để cảm ơn những người đã khoan dung với sự kiêu ngạo của tuổi trẻ. Một tuần đầu năm hai, mình xăm xăm đến phòng cô Elana - GS dạy mình lớp seminar để chào cô vì "bây giờ chắc em không lấy thêm lớp sử nào nữa." Năm nhất vui chơi thế là đủ, từ giờ phải học những điều có ích cho tương lai của bản thân và xã hội, trước hết là kinh tế. Rồi mình lại xăm xăm đến phòng thầy Raja, GS Kinh tế, xin được không học lớp Kinh tế nhập môn để học các lớp cao hơn. Lí do là mình đã học hết các chủ đềấy ở trường Ngoại Thương (mình gap một năm trước khi qua Mỹ) và tự học lại trong một khóa online của MIT vào mùa hè rồi. Thuyết phục đến gần một tiếng mà thầy vẫn không cho. Vậy thì đành đi học lớp nhập môn cùng hai lớp Kinh tế cao hơn liên quan đến thương mại quốc tế, bất bình đẳng (inequality) và tái phân phối (redistribution) thu nhập. Từ đây, mình mới bắt đầu hiểu hơn về những ảnh hưởng trái chiều của mỗi quyết sách và hiện tượng lên những nhóm khác nhau của nền kinh tế. Trong một bài nghiên cứu cuối kì, mình dành ba tháng để tìm hiểu về mối tương quan giữa bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục và bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ từ thập niên 70 tới hiện tại.
Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với phần thắng cuối cùng thuộc về Donald Trump. Trường học cuộn sóng. Mình cũng hăm hở viết vài bài cho báo trường và các trang tạp chí, đầu tư nhất chắc là một bài phân tích trên Odyssey về sự phân cực trong xã hội Mỹ. Bài báo này (đọc lại thì thấy rất lỏng lẻo), mình thức đêm thức hôm, bỏ cả lớp để viết. Viết xong mới nhận ra rằng hóa ra cái khiến mình hứng thú nhất trong mấy lớp kinh tế vừa qua là mối tương quan giữa các mô hình kinh tế và các giả thuyết về tâm lý con người, về cách chúng ta đưa ra và lí giải quyết định của mình dựa trên những nhận định mang tính khái quát và đôi khi rập khuôn về bản thân và người khác. Mình bắt đầu học các lớp Tâm lý học, bắt đầu là Cross-Cultural Psychology (Tâm lý học xuyên văn hóa?), sau đó là Personality (Tìm hiểu về tính cách), Psychology of Prejudice (Tâm lý học về định kiến) và cả một lớp về các bệnh tâm lý. Mặc dù những lớp học này cho mình những hệ thống khá hữu dụng để quan sát, phân loại những khía cạnh khác nhau của tâm lý con người, mình vẫn cảm thấy chúng chưa đủ. Có thể nhận định rằng những nền văn hóa phương Đông mang tính cộng đồng hơn nền văn hóa phương Tây được chấp nhận rộng rãi, nhưng trong những trường hợp cụ thể, những nhãn dán ấy biểu hiện như thế nào? Chúng xuất phát từ đâu, được tạo ra bởi ai, nhằm mục đích gì, vì sao được hưởng ứng, và đã tác động tới hành xử của các cộng đồng và cá nhân ra sao? Đỉnh điểm của mối băn khoăn xuất hiện ở lớp Abnormal Psychology, khi mình suy nghĩ về câu hỏi: thế nào là “bình thường”? Qua giới hạn nào, trong bối cảnh nào thì một người được xem là con bệnh? Mình bỏ lớp (drop) chỉ để tìm và đọc những cuốn sách mà mình nghĩ sẽ giúp mình tiếp cận câu hỏi một cách chân thực hơn, thay vì áp đặt những nhãn dán có màu sắc khoa học lên hiện tượng.
Thời điểm ấy là kì hai năm hai - mình vẫn chưa thể xác định ngành, bắt đầu cảm thấy khuôn viên trường ĐH đã trở nên chật chội và cách tiếp cận học thuật dường như không còn đủ. Mình muốn xin bảo lưu (gap year) một năm để tách ra, đi chậm lại và suy nghĩ. Hết sức tình cờ, một buổi chiều tháng ba, mình nhận được một email từ cô Elana. Cô nhắn rằng có một chương trình research seminar về lịch sử ở Chicago đang mở đơn, và cô tin mình nên apply. Mình hồi tưởng lại lần cuối cùng trò chuyện với cô Elana trong văn phòng từ đầu học kì trước. Cô đón nhận sự quyết đoán bồng bột của mình bằng sự cảm thông và rộng lượng hiếm có. Cô nói mình có “vision” (có thể dịch là “tầm nhìn” chăng?) của một người học sử và có thể làm được nhiều hơn mức “học được” mà mình nghĩ. Nhưng cô cũng chúc mình thành công với lĩnh vực mới và nhắn rằng cô luôn dõi theo mình. Khi cô nhắn về chương trình research vào cuối năm hai, mình nghĩ đằng nào thì cũng đang trải qua một cuộc “khủng hoảng niềm tin” với những ngành học mới, với cuộc sống ĐH nói chung. Thế nên mình quyết định apply và được chọn. Kì seminar diễn ra vào kì một năm ba. Chỉ sau thời điểm ấy, mình mới quyết định “chốt” ngành lịch sử vào khoảng tháng ba năm 2018. Quyết định apply PhD và theo đuổi con đường nghiên cứu đến không lâu sau đó và may mắn nhận được học bổng để tiếp tục cao học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng kể cả sau khi đã xác định ngành sử, mình vẫn lấy thêm lớp ở các ngành khác, nhiều nhất là sáu lớp Triết (Philosophy), hơn cả yêu cầu cho chuyên ngành phụ.
Nhìn lại
Khác với một số người mà mình biết - chọn một con đường mình thích hoặc giỏi ngay từ đầu, kiên định với con đường ấy để rồi đạt được một thành quả nhất định, con đường của mình không thẳng mà zigzag, với khá nhiều thử nghiệm, băn khoăn và thay đổi. Mình đã nghĩ rằng con đường mình đi là một ngoại lệ cho tới khi gặp các bạn/ anh chị nghiên cứu sinh khác. Có người đang làm cho Google thì nghỉ việc, học PhD Lịch Sử. Có người học đại học ngành âm nhạc và văn học, gap hai năm rồi học PhD ngành Văn Hóa và Ngôn Ngữ Á Đông. Có người khác chỉ apply PhD ngành sử duy nhất cho một trường (nơi chị đang theo học bây giờ), nếu không được nhận thì có thể sẽ làm công việc liên quan đến nghiên cứu môi trường kinh doanh, cũng là một việc mà chị thích. Cả ba nhân vật kể trên đều là người Việt hoặc gốc Việt, học ở các trường lớn và khó vào như Columbia và UC Berkeley. Gặp được và biết được câu chuyện của họ là may mắn đối với mình.
Điểm đặc biệt là họ cũng như mình, không thấy những đoạn đường trước là vô ích. Cách gọi tên ngành học, lĩnh vực có thể khác nhau, nhưng các thao tác tư duy và câu hỏi theo đuổi lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mình chưa xin phép để được kể ra câu chuyện của họ nên mình đã thuật lại vắn tắt bên trên những ngã rẽ thời đại học của mình. Cũng cần chú thêm rằng con đường của mình cũng như của những người khác không phải trải toàn cơ hội mới mời trải nghiệm. Môi trường đại học Mỹ cho phép được học lớp ở các ngành khác nhau nhưng chủ đề mình muốn học, hoạt động mình muốn làm không phải nơi nào cũng có. Ví dụ trong trường mình chỉ có các lớp lịch sử Trung Quốc, Nhật Bản chứ không có lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á. Mình phải tự học bằng những chồng sách dày mượn từ thư viện khắp nơi. Sinh viên quốc tế cũng không được tiếp cận các chương trình nghiên cứu mùa hè ở các trường lớn, mà trường mình thì không có chương trình như vậy trong ngành lịch sử. Thế nên kể cả sau khi đã đăng ký ngành sử, vào hè mình vẫn làm nghiên cứu cho một GS Kinh tế. Mình có tự do suy nghĩ và lựa chọn nhưng cũng như các bạn sinh viên Việt Nam, mình phải tự tìm kiếm các cơ hội để theo đuổi con đường mình chọn. Và cũng như thời apply cho các trường đại học Mỹ, mình cũng apply PhD từ một trường nhỏ, chưa được biết đến nhiều, GS viết thư giới thiệu cũng không phải là cái tên lớn. Mình cũng đã lo sợ rằng hồ sơ quá thiếu trọng tâm và không đủ nặng, rằng nếu không được nhận ở đâu thì cuộc sống bỗng nhiên đảo lộn và mình không còn điều kiện tiếp tục làm những gì mình thích.
Đứng từ đây nhìn lại thì tất cả mọi điểm đều kết nối với nhau, sự lo lắng của mình dường như nhỏ nhặt không cần bàn tới. Nhưng giữa cơn bão những năm đại học, mỗi bước rẽ ngoặt mang sức nặng của biết bao cân nhắc, lo sợ, thường xảy ra một cách đột ngột với nhiều nuối tiếc. Nhìn lại, con đường đã đi qua ghi dấu nhiều say mê và nỗ lực. Nhưng đó cũng là con đường nhiều hoang mang vì chắc gì bước rẽ của mình là đúng. Đi đường cần ý chí nhưng cũng cần sự yêu thương vô điều kiện và đôi khi một cái duyên - một sự kiện xảy ra đúng lúc khiến mình bỗng bứt được khỏi vùng bế tắc. Khi nào thả lỏng, khi nào tăng tốc, khi nào hoang hoải tìm kiếm, khi nào nhắm mắt mà đi - cơn bão đã đi qua phức tạp hơn những gì có thể tóm tắt trong một khẩu hiệu kiểu "theo đuổi đam mê" hay "vượt qua chính mình."
Nhiều bạn mình biết có thừa ý chí, khả năng và niềm say mê học hỏi, nhưng mình nghĩ rằng các bạn và ngay chính bản thân mình trong thời điểm này cần nhận ra rằng con đường mình đi không nhất thiết phải là một đường thẳng dài hoàn hảo đã biết sẵn vạch đích từ khi xuất phát. Mình thích nghĩ như một người lữ hành bước đi trong rừng rậm, tay cầm chiếc bản đồ là những gì người đi trước đã khuyên. Trước khi đi, mình có một hình dung về con đường tối ưu, về những gì cần làm, muốn làm để đạt được một mục tiêu. Nhưng qua mỗi chặng, hình dung của mình thay đổi. Cùng là môn lịch sử nhưng khi mình tiếp xúc với nó vào năm gap year học thi SAT II môn sử Mỹ, lúc năm nhất lúc tình cờ học các lớp 400, lúc chọn ngành apply PhD và hiện tại là bốn định nghĩa khác nhau. Ngành học này là gì, có thể là gì, mình muốn làm gì với nó, bằng cách nào? Những câu hỏi ấy người lữ hành không thể tìm thấy đáp án trên tấm bản đồ mà chỉ có thể nghiệm ra khi đi đường, và mọi đáp án đều mang tính giả thuyết, định hướng, có thể thay đổi. Từ góc nhìn xa, có những người cùng đến một nơi - cùng đạt được một loại thành tựu. Nhưng con đường mỗi người đi và sẽ đi là độc nhất.
Hôm nay là ngày khai trường của các bạn nhỏ trên cả nước. Mới tuần trước còn nắng gắt, thoắt cái trời đã vào thu, không khí mát trong, trời buông những đám mây xám nhẹ hiền hậu. Nhìn các bạn nhỏ dắt díu nhau vào lớp, vào một thếgiới mới mẻ nhưng bắt đầu có những quy củ, lại nghĩ tới những hỗn độn khi mới bước vào đại học, bỗng nhiên không còn ai cầm tay chỉ việc, không còn canh cánh chuyện đạt điểm cao, mọi lựa chọn mở ra trước mặt mình. Đứa bé ngơ ngác trong giỏ xe mẹ sáu tuổi. Cô sinh viên 19 tuổi một mình bước đến ngôi trường ở một đất nước chưa từng đặt chân. Còn mình hôm nay 23, vẫn còn đi học nhưng đã có một khoản stipend nho nhỏ có thể nghĩ là "lương," có một căn hộ riêng, không còn muốn ai cầm tay dạy dỗ. "Tôi đi học" bắt đầu từ 17 năm trước và vẫn đang tiếp tục, lại là một chặng đường mới, lại băn khoăn định nghĩa lại mình là ai, mình đang học gì, sẽ làm gì. Cảm giác hơi hoang mang: vừa phấn khích trước những lựa chọn bày ra, lại vừa rụt rè chỉ muốn theo con đường an toàn quen thuộc. Nhưng điều duy nhất chắc chắn là không thể chắc chắn một điều gì cả.
Mình nhớ lại lời một GS trường ĐH Chicago hồi tháng tư, khi mình tâm sự với cô về sự bất định của cách gọi tên các lĩnh vực và chủ đề trong nghiên cứu. Làm sao có thể gọi chính xác mình học gì khi có quá nhiều hứng thú và cảm thấy mọi thứ đều kết nối với nhau? Cô nói rằng một người nghiên cứu phải luôn làm được hai việc song song. Phải nói được cho người khác về việc mình làm một cách ngắn gọn, rõ ràng, thú vị như thể đó là một con đường đã vạch sẵn từ lâu và sẽ tiếp tục. Đồng thời phải đối mặt được với sự hỗn loạn của vấn đề mà mình quan sát, băng qua rào cản đặt ra ban đầu để khám phá các cách tiếp cận, các công cụ mới cần thiết. Không ai có thể chỉ cho mình phải làm gì từng bước. Đó là một quá trình liên tục của phán đoán, thử sai, và sắp xếp lại thế giới hỗn độn mà mình nhìn thấy được sau mỗi bước đi.
Việt Nam, ngày 5/9/2019
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất