Những ngày cuối năm thường là cơ hội để mỗi người có thể nhìn lại bản thân, để xem thêm 1 năm nữa của cuộc đời ngắn ngủi chả biết có đến được con số 60 hay không đã trôi qua như thế nào. Có người thì ngẩn ngơ tặc lưỡi "vẫn như cái quần què, chán đ* thể tả nổi". Có người sẽ cười và tự hào với những chiến công mình đạt được, trong đó chắc có mấy ông bà Việt Anh Nga Levi, những người mà tôi cứ hay lẩm bẩm một mình: "Tsư nghĩ ra cái của nợ hay thế này làm gì để ông bị nghiện, ghét :|"
Đối với tôi, ngày cuối năm cũng thảnh thơi hơn được phần nào, để dành lấy 30' 1 tiếng vừa nhâm nhi cốc Caramel macchiato nóng vừa bần thần mà suy ngẫm về cái gọi là cuộc đời. Cái tên cốc cafe nghe đã thấy kêu, nhể. Kể có cốc nâu nóng thì đậm hơn, nhưng ở cái xã hội công nghiệp này lấy đâu ra. Thôi kệ uống tạm vậy. Mà cũng lạ, ở Việt Nam muốn sang choảnh thì phải vào "Ngôi sao bấc" để uống, trong khi mình có thì chỉ ước ao đổi lấy 1 cốc nâu nóng, có các thêm ít tiền cũng sẵn sàng chấp nhận. Âu chắc cũng tại cái thuyết tương đối, ngẫm lại thì có cái gì là tốt đẹp hay được yêu thích ở tất cả mọi nơi hay bởi tất cả mọi người đâu.

Thôi, quay lại với chủ đề ngày hôm nay. Thực ra tôi chả phải dạng triết gia tầm cỡ để mà suốt ngày hỏi mình đời là gì hay “vì sao đưa tao tới” đâu. Nhưng cũng giống như những gì mà ông sếp ngân hàng đã tâm sự với cái cô Athena nhân vật chính trong cuốn "Phù thủy ở Portobello" của Paulo Coelho, đôi khi người ta cũng phải dừng lại đôi chút mà nhìn nhận chính cái cuộc đời mình, dù cho ngoài kia còn cả trăm deadline đang chờ, hay cả đống sách đang đứng tênh hênh khiêu khích chào mời trên kệ blah blah. Có lẽ đây cũng là 1 dấu hiệu của trưởng thành, khi bọn trẻ trâu ngoài kia nhìn vào sẽ chỉ dè bỉu cho rằng bạn không làm gì cả, chứ mấy ai biết là thực ra không làm gì chính là làm 1 việc quan trọng đâu.
Nếu nói 1 cách đơn giản, thì 2017 là 1 năm trôi qua khá bình lặng với bản thân tôi (nhưng không phải là không quan trọng). Đi được thêm đôi ba nước, đọc được thêm vài cuốn sách, tự nhận thấy tư duy của mình mở rộng thêm được đôi chút. Ah đấy, tôi cũng mới "đi trốn" cùng 1 vài người bạn kỳ noel. 1 trải nghiệm khá đáng nhớ, cảnh rất đẹp, Christmas market lung linh quên đi, và thậm chí chúng tôi còn có chút tuyết cho 1 mùa giáng sinh proper. Tuy nhiên, tôi nghiệm ra được 1 điều, rằng những thứ hạnh phúc, vui vẻ luôn phải bắt đầu với sự hy sinh. Để có được thành công, câu hỏi đầu tiên luôn phải là bạn chấp nhận hy sinh bao nhiêu? Trong trường hợp này, tôi đã cứ ngẩn người nhìn cô em gái vì những người xa lạ chỉ mới quen 1 thời gian ngắn mà lăn vào bếp hết nấu nướng lại rửa bát cho mọi người để tất cả có thể lên đường sớm hơn 1 chút (mà không hề câu nệ và luôn cười rất tươi), hay cậu bạn luôn có chính kiến của mình, 1 người cực bảo thủ nhưng lại biết lùi nếu nhiều người khác cùng đồng ý 1 vấn đề nào đó. Đối với 1 người luôn miệt mài đi tìm sự công bằng trên khắp thế giới, những hành động nho nhỏ ấy thực sự khiến tôi bất ngờ, và có chút hổ thẹn vì chính những bực tức không đáng có trước đây. Tin tôi đi, ích kỷ có thể mang lại lợi ích vật chất cho bạn, nhưng bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi những nặng nề về tinh thần đâu.

Đi ra ngoài nhiều, đọc nhiều, thứ duy nhất mà tôi biết chắc chính là … tôi chả biết gì. Đùa chứ, thực ra câu nói này của Socrates vẫn ám ảnh tôi mãi, và theo tôi nó không có chút gì liên quan đến vốn kiến thức cao-thâm-sâu-rộng của mỗi người chúng ta đâu, mà ổng thực là muốn nhấn mạnh đến cái thái độ mà ta nên có để tiếp cận đến tri thức. Có lẽ một điều cốt lõi mà ít người nhắc đến, dù là trong trường lớp hay ngoài đời, đó là nhận thức không phải 1 đường thẳng, mà nó là hệ thống những đường vòng có đoạn nối với nhau. Đơn giản hơn, có lẽ bạn đã đôi lần nghe đến thuật ngữ "các lớp nhận thức", lớp này cao hơn lớp kia, ghép lại với nhau chắc sẽ tạo thành chiếc thang cuộn mãi cuộn mãi lên cao ấy. Điều này giải thích cho chúng ta khá nhiều, kiểu như tại sao 1 người đọc cuốn sách này lúc trẻ thấy dở, mà già lỡ vô tình đọc lại có khi nước mắt ngắn nước mắt dài như tìm được chân kinh. Hay đời hơn, có khi năm ngoái ta đấm vỡ mồm thằng bạn chỉ vì nó dám bảo khoa học công nghệ hủy hoại con người (vì ta mới mua con ipad hàng hiệu và sẵn sàng chết để bảo vệ hành động của mình), chỉ để năm nay ta vứt xó con ipad vì sợ hãi social network và những tác hại khủng khiếp của nó đến đời sống. Các lớp nhận thức này, điểm kết nối chúng có thể rất khó khăn, như 1 bất hạnh của cuộc đời (kiểu Zeno phải đắm tàu mất hết tài sản mới tìm đến với triết học), hay đôi khi chỉ tình cờ bạn xem được 1 quyển sách (như cuốn Sapiens) hoặc 1 bài giảng hay (như This is water - David Foster Wallace). Thậm chí, nó có thể đến ngay từ 1 cuộc trà đá chém gió với vài ba thằng bạn chả đọc sách bao giờ nhưng bỗng đâu hôm ấy trúng gió nói mie ra câu triết lý làm thay đổi đời mình :| Điều quan trọng chỉ là, ta nên giữ thái độ cởi mở, đừng mặc định bất cứ điều gì. Cộng 1 chút háo hức mong tìm ra ... chân lý, có như vậy thì ta mới lên cao hơn được thôi.

Nhưng, quan trọng hơn cả, có lẽ là cái cảm nhận của sự tồn tại. Tôi vẫn ngồi đây, gõ gõ chỉnh chỉnh, thỉnh thoảng nhấp 1 ngụm cafe, đôi khi hướng lên nhìn cô bé châu Á xinh xinh mới vào quán đang ngồi góc đối diện, tay cầm cuốn "The power of habit" trên tay. Biết hay không biết, cao siêu hay ngờ nghệch, ai nói được cái nào tốt hơn đâu, đúng không? Hay là thôi, cứ mỉm cười lúc này, đợi 2018 tới đã rồi tính!

P.s: Lại thơ :|
2018 đã sắp sang
Mong những chuyện vui đến rộn ràng
Anh em bầy nhện luôn tươi sáng
Một màu tri thức, ánh chói chang

A Dreamer