Mới đây, Apple chính thức trở thành tập đoàn đầu  tiên ở Mỹ vượt qua ngưỡng 800 tỷ đô la Mỹ vốn hóa thị trường. Các chuyên  gia ngay lập tức phỏng đoán rằng, với sự ra mắt của iPhone 8 trong cuối  năm nay, Apple sẽ là công ty đầu tiên được định giá lên tới 1000 tỷ đô  la Mỹ.
Giá cổ phiếu của “táo khuyết” đã tăng dần từ đầu năm nay, và thậm chí  còn tăng mạnh khi iPhone 7 được bán ra trong bối cảnh đối thủ Samsung  của họ đang gặp rắc rối với vấn đề an toàn của sản phẩm. Apple vẫn duy  trì được một hình ảnh thương hiệu đáng khao khát, và một lượng khách  hàng trung thành đáng nể.
Tuy vậy, không có gì đảm bảo Apple sẽ tránh khỏi “vết xe đổ” của  những người khổng lồ đi trước. Dẫu hiện tại đang vô cùng lớn mạnh, Apple  hoàn toàn có nguy cơ bị những đối thủ khác qua mặt - thậm chí bị lung  lay những giá trị cốt lõi nhất của mình.

Apple sản xuất phần cứng - họ tạo ra những sản phẩm hữu hình. Điều  này nghe có vẻ hạ thấp giá trị của mạng lưới người dùng khổng lồ đang  được kết nối bởi những phần mềm của chính Apple và hệ điều hành iOS,  nhưng sự thật là những phần mềm của Apple đang lệ thuộc vào phần cứng  của hãng. Và điều đó khiến cho Apple giống như một nhà sản xuất khổng lồ  của thế kỷ 20, hơn là một ông lớn về phần mềm và kỹ thuật số trong thế  kỷ 21 này. Chỉ riêng việc này thôi cũng khiến Apple không thể nắm chắc  một tương lai “bất tử" cho công việc kinh doanh của mình, ngay cả khi  giá trị của họ cán mốc nghìn tỷ đô.
Bạn sẽ nói rằng điều này nghe thật ngớ ngẩn. Apple hiện là một trong  những thương hiệu hàng đầu thế giới, và lượng người dùng của hãng đang  ngày càng mở rộng. Hơn 700 triệu người trên hành tinh này sử dụng  iPhone, chưa kể đến hàng trăm triệu người khác vẫn đang dùng các thiết  bị máy tính và iPad của hãng. Mặc dù thị phần của Apple đang giảm bởi  phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, nhưng quy mô thị trường  chung của hãng vẫn đang tăng lên.
Nhưng hãy thử nhìn lại danh sách Fortune 500 năm 1955 và so sánh với  hiện tại.Chỉ 12% trong số các công ty thịnh vượng nhất thế giới ở thời  điểm đó có thể trụ lại đến thập niên thứ hai của thế kỷ 21. General  Motors, Exxon hay General Electric vẫn duy trì được quy mô và lợi nhuận  của mình. Trái lại, tập đoàn thép US Steel hay Armour, một tập đoàn lớn  sản xuất thịt đóng gói và xà phòng, gần như bị phá sản khi bước vào thế  kỷ mới. Chrysler và General Motors vẫn là những công ty lớn, nhưng họ đã  từng bên bờ vực phá sản và gặp phải những khoản nợ lớn. General  Electric hay IBM đã nỗ lực chuyển mình như tắc kè hoa sau nhiều năm  liền, và tồn tại được tới ngày nay bởi vẫn còn giữ được mối liên hệ mong  manh với những giá trị của chính mình 50 năm về trước.
Vậy làm sao để Apple có thể thay đổi không ngừng và thích nghi với  thế giới mới trong những năm tiếp theo? Tập đoàn này dường như chưa nỗ  lực đủ nhiều để tạo ra một viễn cảnh tương lai đủ tươi sáng cho chính  mình.
Một bài học mà chúng ta rất dễ lãng quên là thời gian trên đỉnh vinh  quang thường không kéo dài. Báo chí có thể tung hô thành công và sức  mạnh của các công ty khiến cho chúng ta tưởng họ đã vững vàng ở vị trí  dẫn đầu chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng quy mô và thị phần “khủng"  của những công ty lớn trong hiện tại không hề đảm bảo cho sự bền vững  tương lai của họ.

Lợi thế cạnh tranh và mạng lưới rộng là những thứ mà các tập đoàn  công nghệ thường lấy làm tự hào. Apple hiện có vẻ “bất bại", nhưng trong  tương lai họ hoàn toàn có thể trở nên yếu thế. Apple có mạng lưới các  ứng dụng nằm trong hệ sinh thái của mình với những người dùng hài lòng  và yêu thích họ. Nhưng Google hẳn là đã đang tạo ra một đối thủ thực sự  xứng tầm ở nền tảng Android - một mạng lưới không trực tiếp tạo ra doanh  thu cho họ (doanh thu từ quảng cáo và ứng dụng của Android là một câu  chuyện hoàn toàn khác). Trong khi đó, Apple đang buộc những người dùng  của mình trả tiền cho thiết bị phần cứng, rồi lại trả tiền cho những  dịch vụ kết nối chúng với các phần mềm.
Thế giới càng ngày càng phát triển về một tương lai số, nơi các thiết  bị chiếm vị trí độc tôn. Trong vòng một thập kỷ nữa, các thiết bị sẽ  trở nên dễ dàng thay thế nhau, siêu việt hơn và rẻ hơn. Chúng sẽ tích  hợp được nhiều phần mềm và các dịch vụ số, đồng thời tạo ra vô vàn tiện  ích khác nhau. Nếu tiếp tục giữ chính sách “đóng cửa” như bây giờ, rất  có thể lượng người dùng của Apple sẽ giảm đi đáng kể. Một vài năm trước,  nếu gia đình bạn dùng iPhones, Macbook, iPad thì việc chuyển qua sử  dụng cùng lúc Windows hay Android sẽ cực kỳ “đau khổ": Hai nền tảng này  hầu như không tương thích và việc chuyển đổi lẫn nhau rất khó khăn.  Nhưng giờ đây khi trở nên lớn mạnh hơn, Apple ngày càng phải “mở” hơn  bởi người dùng yêu cầu điều đó - họ sử dụng nhiều thiết bị số hơn trong  cuộc sống thường ngày.
Thật khó để nói chính xác điều Apple nên làm nhằm củng cố vị trí của  mình trước những xu hướng mới này, hoặc liệu Apple có động lực để làm gì  đó khác đi hay không. Hiện tại họ là một “cỗ máy in tiền" tạo ra hàng  tỷ đô la mỗi tuần. Những công ty thịnh vượng như vậy thường khó để dám  đưa ra những thay đổi bước ngoặt. Alphabet/Google rất quyết tâm trong  việc tìm ra một dòng doanh thu mới nhằm giảm việc lệ thuộc vào nguồn thu  từ công cụ tìm kiếm. Microsoft cũng có động thái tương tự nhằm giảm áp  lực cho Windows. Cả hai ông lớn này đều chưa thể tìm thấy hướng đi rõ  ràng cho mình, nhưng rõ ràng là họ có thế mạnh nhờ vị thế chắc chắn  trong thế giới số, không giống như Apple - một gã khổng lồ đang cột mình  vào việc sản xuất các thiết bị phần cứng đang dần trở nên phổ biến.
Những công ty đã tồn tại trong nhiều thập kỷ thường chỉ có hai con  đường: hoặc trở thành một cái bóng mờ nhạt của chính mình (ví dụ như  những ông lớn sản xuất xe hơi của Mỹ), hoặc đột phá với những thay đổi  toàn diện. IBM đã thành công trong việc chuyển đổi từ một nhà sản xuất  máy tính và máy chữ trong thế kỷ 20 thành một công ty bán các giải pháp  và dịch vụ công nghệ cao - và vẫn giữ nhượng quyền với các sản phẩm cũ  của mình. Hiện IBM cũng đang phải vất vả tìm hướng đi sắp tới. GE đã  trải qua nhiều lần thay đổi, và dù chưa phải đối mặt với việc bị loại bỏ  ra khỏi ngành kinh doanh của mình, họ cũng phải đối mặt với các đối thủ  nặng ký và sự sụt giảm doanh số. Vậy đâu sẽ là hướng đi lâu dài của  Apple trong một thế giới không ngừng tiến về phía trước như hiện nay?  Chiến lược dài hạn của Apple là gì khi mà mô hình kinh doanh của họ đang  chệch ra khỏi sự thay đổi của thế giới?
Thành thật mà nói, tôi cũng sở hữu cổ phiếu của Apple và nó là một  món đầu tư hiệu quả mà tôi sẽ tiếp tục giữ. Tại sao ư? Trong vòng vài  năm tới, Apple nhiều khả năng sẽ cán mốc con số nghìn tỷ đô la. Làn sóng  đổi mới ở cách mà chúng ta sử dụng các thiết bị phần cứng để tiếp cận  các dịch vụ phần mềm thực sự vẫn chưa hiện hữu rõ rệt, và rất có thể  Apple cũng đang ấp ủ một kế hoạch lớn để định vị bản thân khi sự thay  đổi đến gần. Trong tương lai gần, Apple có thể sẽ phát triển và duy trì  trạng thái thịnh vượng như Nokia đã làm được trong suốt những năm 90 và  những năm đầu của thế kỷ này.
Vào thời đỉnh cao của mình năm 2007, Nokia chiếm đến 70% thị phần  điện thoại di động toàn cầu. Thế nhưng trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ,  hãng này đã bán mảng điện thoại của mình cho Microsoft với giá 7 tỷ USD;  thậm chí Microsoft còn cho biết thương vụ này họ phải chịu lỗ không lâu  sau đó. Blackberry, hãng điện thoại có thị phần gần như bằng 0 ở thời  điểm hiện tại, thực ra chiếm tới 20% thị trường điện thoại năm 2009.  Apple không có nhiều thị phần đến thế, điều này có nghĩa họ vẫn có cơ  hội phát triển thêm. Apple cũng có một hệ thống hùng mạnh hơn hẳn hai  hãng kia. Nhưng vẫn còn một thử thách cuối cùng cho Táo khuyết: Đó chính  là văn hóa giữ bí mật.
Những câu chuyện cải tiến công nghệ một phần là về các sản phẩm,  nhưng phần còn lại là về người nắm giữ tương lai của sản phẩm đó. Steve  Jobs đã từng là người duy nhất có khả năng vẽ ra những viễn cảnh tương  lai xung quanh các sản phẩm của Apple, và điều đó góp phần tạo nên tầm  quan trọng của Apple trong cuộc sống của chúng ta hiện tại. Tuy nhiên  Jobs cũng muốn mình có toàn quyền kiểm soát đối với câu chuyện của  Apple, điều đó có nghĩa Apple gắn liền với hình ảnh và phát ngôn của  Jobs. Sau Jobs, khó ai có thể kế cận được.
Ngày nay Apple được điều hành bởi những nhà lãnh đạo tài năng - điều  này dĩ nhiên là không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên Táo khuyết không vẽ ra  được một tương lai mà trong đó chính nó là trung tâm của một hệ sinh  thái mới mẻ, sáng tạo. Và vì vậy, cho dù đã dành hàng tỷ đô la vào hoạt  động nghiên cứu phát triển (R&D), Apple vẫn không đưa ra được một lộ  trình mới nào về tương lai của thế giới công nghệ, bởi nỗi sợ nếu làm  vậy sẽ vô tình tiếp tay cho các đối thủ cạnh tranh của mình. Apple chỉ  muốn hé lộ con đường của mình khi họ ra mắt các sản phẩm mới, chứ không  phải trước, hay sau đó. Apple dưới thời của CEO Tim Cook thường bóng gió  nhiều tới một tương lai dành cho trí tuệ nhân tạo và cộng đồng - nhưng  điều đó cũng chỉ y hệt như tuyên ngôn của bất kỳ một công ty lớn nhỏ nào  ở Thung lũng Silicon mà thôi. Nó rõ ràng không phải là một con đường đi  rõ nét.
Dù cho tương lai có ra sao, thì hiện tại Apple vẫn là một trong những  tập đoàn dẫn đầu về thay đổi trên thế giới. Nếu máy tính cá nhân tạo ra  cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên vào những năm 90, thì iPhone chính là  làn sóng thay đổi thứ hai. Điện thoại thông minh đã là nền tảng mở ra  một kỷ nguyên công nghệ mới, và cái tên Apple sẽ mãi mãi gắn liền với  bước đột phá đó.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Apple sẽ một lần nữa làm lại điều đó  trong một hoặc nhiều thập niên tới. Việc tin rằng Apple sẽ mãi giữ vững  vị trí độc tôn hiện tại chỉ cho thấy bạn còn quá ngây thơ với sự thay  đổi nhanh chóng và không thể nào lường trước của tương lai mà thôi.
Theo Wired.
Bài viết đã được đăng trên Genk