Mình dạo quanh nhà sách Đà Lạt thì thấy cuốn Ngày mai sương muối còn đúng hai cuốn duy nhất trên kệ và mình không hề biết chút gì về chú Trương Tư Tần Quỳnh trước đó. Mình mua quyển này về chỉ đơn giản vì bìa sách rất đẹp ( mình hay cứ mua sách chỉ vì bìa đẹp chắc đó cũng là tâm lý chung, cứ thấy cái gì đẹp đẹp lại mua ^^).
Ngày mai sương muối. Đúng y như cái tên, chú Tần Quỳnh viết về chuyện xảy ra tại một ngôi làng, bao năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh, những chuỗi ngày tương lai mờ mịt như sương giăng. Sương muối mặn mà dày đặc phủ trùm lên làng Hà.
Ngôi làng có những chuyện từ thuở chí kim, xa xưa thiên cổ, rồi đến cả những năm đánh giặc gian . Từng mái đình, cây đa, bờ sông tất cả đều chứa đựng ‘hồn quê’ cái hồn của Thần Hoàng, Thánh Mẫu, linh hồn giữ đất và niềm tin mãnh liệt của những người nông dân nghèo. Thấp cổ bé họng, cuốn sách viết về chuỗi ngày đấu tranh giành lại từng tất đất của làng, người nông dân cứ phải buông xuôi bởi đất là của nước nhà, nhà nước cho thì dân làm, nhà nước có thuận thì dân mới được cày cấy, sử dụng.
Văn phong của chú Trương Tư Tần Quỳnh khéo léo sử dụng lối kể thời sự. Tác giả đã dựa vào những sự kiện lịch sử có thật để xây dựng thêm tuyến nhân vật. Theo mình, Ngày mai sương muối không hề có nhân vật chính, cái chính ở đây là câu chuyện về làng, về năm tháng chinh chiến, tình làng nghĩa xóm và về nét đẹp của một làng quê.
Ngày mai sương muối nơi cảnh làng quê thanh bình. Người đọc sẽ thấy được cái đẹp Làng Hà, nét đẹp bình dị trong từng làn
‘gió xuân hây hẩy’ (tr.311). Làng Hà bao trùm bởi ‘cơ man nào là rừng xanh, núi đỏ đầm lầy’ ( Quỳnh, tr.47), rồi mùi ‘Hương đất, hương trời, hương người dồn nén lại thành một thứ hương, thời trẻ gọi là hương tình yêu, bây giờ già rồi thì không biết gọi là hương gì?’ ( tr.311).
Nếu bạn đã từng ở hay đến chơi ở vùng quê nào đó, mình chắc rằng mùi hương và không khí ấy sẽ theo bạn với tận nơi phố thị phồn hoa.
Chú Tần Quỳnh viết về Làng Hà thắm đượm chân tình, mộc mạc
‘Hai làng cách một con sông chứ cách mười con sông thì tình nghĩa ấy cùng chẳng bao giờ phai nhạt’ (tr.51), ‘ mọi nhà đều quấn quýt lấy nhau’ , ‘ cái nghĩa tình ấy, ngày xưa ấy nó nặng lắm nó trọng lắm, một giọt máu đào hơn ao nước lã’ ( tr.51).
Dù có chiến tranh, nạn đói, người ta cũng quyết đùm bọc, che chở cho nhau. Ba mình cũng hay nhắc, thời chiến tranh di tản, nhiều nhà phải đến ở nhà nhà bà Nội mình, vậy mà chú Tần Quỳnh cũng viết y như vậy trong sách
‘ đất nước có giặc, người ta mới phải ỏ nhà bỏ cửa đến nương nhờ nhà mình, đâu phải bổng dưng...Thế rồi giặc tan, người ở đâu lại về nơi ấy. Kẻ ở người đi, cả hai bên đều bịn rịn rơi nước mắt’ (tr.276).
Qua đó ta thấy được tiểu thuyết không hẳn là từ trí tưởng tượng hay những điều hư cấu của tác giả, chuyện đời chính là chất liệu tốt nhất cho văn phong của tác giả. Chú Tần Quỳnh đã đưa tấm chân tình của người nhà quê vào từng con chữ. Nhờ vậy mà người đọc cũng sẽ cảm nhận rõ hơn từng nét tính cách mộc mạc của làng quê, của con người Việt Nam.
Cũng trong Ngày mai sương muối, chú Tần Quỳnh cũng cho mình thấy được giá trị văn hóa về phẩm hạnh, trinh tiết. Ví như đoạn hội thoại mà bà nội dặn đứa cháu gái như vầy
‘Sảy chân sảy miệng thì còn lấy lại được, sảy cái ấy là chết, cả đời không lấy lại được nữa đâu...’, ‘ phí cả một đời con gái đấy’ (tr. 233)
Cái quy chuẩn về nét đẹp của phụ nữ xưa như
‘ Đàn bà quần áo cũn cỡn, đằng trước hở ngực hở bụng, nói khí không phải vú vê lồ lộ trắng hếu, có mỗi cái rốn sâu hoắm, nào có đẹp đẽ cái nỗi gì mà lại thi nhau để phơi ra... Con gái Làng Hà mà ăn mặc như thế cứ gọi là gọt đầu trôi sông, có cho không chó nó cũng thèm lấy’. (tr.315)
Mình phải nói một điều là phẩm hạnh trinh tiết là một nét truyền thống đáng quý, nhưng lựa chọn sống ra sao vẫn là do chúng ta quyết định. Còn bàn về cái quy chuẩn đẹp mà chú Tần Quỳnh nhắc đến mình nghĩ nó đã thay đổi theo thời gian, xu hướng hay chỉ đơn giản là định nghĩa đẹp không còn gò bó như xưa nữa.
Còn rất nhiều vấn đề thời sự, sự kiện lịch sử diễn ra trải dài theo lời kể, hoài niệm của nhiều nhân vật, những con người bám trụ tại làng Hà, ứa nước mắt khi mất đất, nỗi căm hận khi chứng kiến cảnh người bị bắt vô cớ, người ngã chết lăn quay. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, không biết trước ngày mai thôi thì cứ sống cho trọn một kiếp người. Mình thấy cuốn này không chỉ là tiểu thuyết mà còn là một bảng tường trình. Mình chỉ có không thích cái kết thôi và có nhiều đoạn lặp lại. Dù vậy nhưng mà bạn cứ hãy đọc để biết thêm về sự kiện lịch sử được kể lại dí dỏm và không nhàm chán hen.
**Toàn bộ trích dẫn được trích từ Ngày mai sương muối.