"Lê à, sau này nhất định con phải trở thành một cô gái tốt!"
Có hai người phụ nữ ảnh hưởng đến tôi sâu sắc nhất, một là Mẹ, hai là Bà Nội. Bà Nội mất khi tôi học lớp Ba, đó là một ngày Tây Nguyên trở gió, tôi đang lăng xăng chơi một mình dưới tán cây me trước hiên nhà Ông Nội. 
Đêm qua, trên bản tin của Đài Truyền Hình Huyện có dòng tin chia buồn của gia đình nào đó, tên của người mất giống tên Bà Nội từng từ PHẠM THỊ LAN; người chồng tên HOÀNG XUÂN TỰ còn con trường có tên là QUẾ, mà bác trai của tôi thì cũng có tên y hệ. Đương nhiên là tôi bỏ ngoài tai, chẳng đời nào Bà Nội là rời bỏ tôi và mọi người, bà chỉ hơi ốm chút xíu, chút xíu. Dạo này ba mẹ chẳng mấy khi ở nhà. Bà Nội ốm nên ba mẹ dành nhiều thời gian ở nhà bác - nơi bà được chăm sóc và thăm nom. Đợt đó Bà Ngoại thường xuyên ở nhà để cho tôi và Lịch ăn uống. 
Sáng hôm sau, thằng Lỳ con bác Chỉnh - hàng xóm bên cạnh nhà chạy sang và cái miệng to như loa phóng thanh: "Bà mày chết rồi! Bà mày chết rồi!". Tôi khựng lại, quay sang nhìn nó, chửi nó té tát rồi rượt nó chạy quanh vườn. Mày được lắm, cái miệng mày dám trù Bà tao, tao đánh chết mày! Suy nghĩ của một cô bé lớp Ba khiến tôi đinh ninh rằng cái chết là một điều gì đó xa vời; còn Bà tôi thì sẽ sống mãi, sống mãi ... 
Chiều hôm đó, mẹ chạy hớt hải về nhà đón tôi và Lịch ra nhà bác. Mẹ chỉ kịp nói: "Ra gặp mặt bà lần cuối!". Lúc đó, tôi mới ngờ ngợ nhưng cảm giác thì vui khôn tả. Đã quá lâu tôi không được nhìn thấy Bà Nội, tôi chạy rất nhanh ra xe máy, mẹ đưa chúng tôi đi vội vã.
Điều đầu tiên tôi còn ghi nhớ đó chính là sao nhà bác đông người quá. Tôi chỉ biết nhà bác sẽ luôn đông đúc như vậy những dịp họp mặt hay có giỗ chạp, hôm nay cũng đông y hệt mấy ngày này. Bác Toại, kìa bác Toại, tôi vui quá chạy thật nhanh chào bác. Bác sống tận Thanh Hoá và rất ít khi bác vào Tây Nguyên, được gặp bác tôi háo hức lắm. Mẹ kéo tay tôi và bế Lịch vào chiếc giường kê ở nhà sau. Mọi người, cả ba tôi, cả bác Chi Việt, rồi cô Uyên... ai cũng đang ngồi xung quanh Bà. Cô Uyên nước mắt rưng rức, bác Chi thay vội chậu nước lau người cho Bà. Tiếng khóc cứ ngày một lớn hơn, hình như mẹ tôi cũng đang cố ném cảm xúc đau buồn. Tôi thấy mắt mẹ ươn ướt. 
Bà Nội tôi nằm đó, nhỏ nhắn y hệt dáng vẻ tôi vẫn ghi tạc. Bà nhìn tôi, khẽ gọi "Lê à!". Ở đó có đủ mấy đứa cháu gái của Bà, có tôi, có chị Vy, chị Thư rồi cả mấy đứa cháu trai từ Lịch, anh Long, anh Tú rồi anh Tí. Bà dặn dò từng người một. Tôi không thể nào nhớ hết những câu chữ bà nói với người khác, riêng khi bà dặn tôi, tôi không bao giờ quên. Tôi tiến đến bên chiếc giường bà đang nằm nghỉ, tôi cười tươi rói. Bà cũng mỉm cười - nụ cười có chút gượng gạo và mệt nhọc. "Lê à, sau này phải trở thành một cô gái tốt!". Tôi không biết lúc đó mình có gật đầu hay không, nhưng tôi cười nhiều lắm. Vì tôi được gặp Bà Nội của tôi, được nhìn Bà thật gần. Rồi tôi chạy tọt ra sau vườn, nằm võng đu đưa với bác Toại, khoe với bác chiếc vòng tay Bà Nội mới mua cho lần trước. 
Rồi Bà mất. Tiếng khóc của người lớn ai oán, nỉ non. Ai cũng khóc. Lũ nhóc chúng tôi thì không. Lần đầu tiên tôi đội chiếc khăng trắng trên đầu, cảm giác thực sự lạ lẫm. Lịch còn quá nhỏ để hiểu, nó khóc ré lên và không chịu đeo khăn. Tôi thì nghe theo lời mẹ, chẳng phản kháng hay hỏi han. Mãi cho đến lúc đứng trước quan tài của Bà Nội, tôi bật khóc. Cả tôi và chị Vy (con bác Quế) đều gào khóc. Hình như mãi tới lúc đó tôi mới ý niệm được rằng Bà Nội đã không còn. Người nằm trong chiếc quan tài kia là Bà Nội, và người chết sẽ chẳng bao giờ còn ở lại với chúng tôi nữa. Tôi khóc, cứ thế tôi khóc. Những chuyện sau đó, tôi không còn nhớ gì hơn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy Ông Nội rơi nước mắt; sau này là trước khi ông nhắm mắt xuôi tay. Tôi nhớ như in khi Ông ngồi cạnh ông Cường, ông rớm lệ "Bà ấy đi thật rồi!"
Từ khi Bà Nội ra đi, tôi không còn ở nhà Ông Nội nữa. Tôi chuyển về ở hẳn với ba mẹ nhà sát bên cạnh. Từ nhỏ, vì nhà tôi cạnh nhà Ông Bà Nội nên tôi luôn sống cùng Bà, ngủ cùng Bà, ăn cơm với Ông Bà. Những bữa cơm luôn là thịt luộc, gà luộc hoặc heo quay với nước mắm pha cùng chút hạt tiêu, bột ngọt. Mùi vị của chén nước mắm ấy tới giờ vẫn chưa có lần nào tôi được nếm lại. Thời thơ ấu, sau mỗi lần thức giấc, tôi ngồi trước bếp than hồng Bà Nội nhóm ở nhà sau, với mấy con mèo mun. Bà đun nước đổ phích cho Ông Nội pha trà, tiếp đó bà sẽ rang cơm. Bà rang để sáng mai tôi có thứ mà ăn sáng. Cơm bà rang dẻo dẻo, không rỗi hạt như cơm ngoài tiệm, không có màu vàng của trứng mà là màu trắng ngà hơi chay cháy. Bà chiên cơm với củ hành tím, rõ nhiều hành và vị thì hơi ngọt ngọt. Tôi không thể nào giải thích cái vị ngọt ấy bằng từ ngữ nhưng ngoài Bà Nội ra không ai có cách chiên cơm lạ kỳ ấy. Tôi lớn lên bên Bà nên mọi thứ về Bà luôn làm tôi ghi tạc. Giờ thì gian bếp ấy đã chẳng còn thắp lên mỗi sáng, chẳng còn khói nghi ngút hay bóng dáng bà thoăn thoắt đi chợ về. Bà ơi, cháu nhớ bà nhiều lắm!
17 tuổi, tôi thoát ly gia đình ra Hà Nội học tập. Hành trang ngoài vài bộ đồ trong ba lô, chiếc vali 1 triệu hai trăm ngàn mẹ mua đến giờ vẫn dùng tốt và những cuốn sách ngoại ngữ, không gì khác là di ảnh của Bà Nội. Bà là nguồn động viên, là kí ức, là chỗ dựa tinh thần cho tôi những khi bất trắc, khi tôi lạc đường và cả những lúc gục ngã. Mỗi khi có điều gì xảy đến bất như ý, tôi thường khóc và ôm di ảnh Bà thật chặt, vuốt ve rồi tâm sự với Bà tựa hồ như Bà vẫn đang bên cạnh vậy. Tôi tin là Bà đang lắng nghe và xoa đầu tôi, tôi tin là như thế!
Viết về Bà chắc tôi phải dành nhiều thời gian hơn để hồi tưởng và xâu chuỗi những câu chuyện. Chỉ là hôm nay nhớ Bà quá nên tôi viết ra cho thoả lòng. Bà ơi, con ngủ đây. Cháu gái giống Bà như giọt nước này xin phép Bà dừng bút nhé, để mai này cháu viết về Bà thật nhiều hơn. Cháu yêu bà!
Mốc.