Hà Nội có lẽ đẹp nhất về đêm. Mà giờ chúng ta không thể băng qua mọi nẻo phố cổ ta thường đến. Không liên quan nhưng video này mình sẽ nói về đầu tư nhé.
Xin chào. Tôi là Giang. Hôm nay là ngày thứ mười bốn của tôi tại AIA.
Hôm nay tôi đã được nghe tin là Bộ Tài chính sẽ tổ chức thi chứng chỉ bảo hiểm online và yêu cầu 2 máy, một máy làm bài còn một máy quay thí sinh để tránh gian lận.
Và rồi thì cái gì cũng sẽ lên online thôi. Cái gì không lên online được thì sẽ phải đóng cửa.
Ngày trước khu nhà tôi không bao giờ tối điện. Trừ 3 ngày Tết. Giờ ba nhà nghỉ quanh nhà tôi đều đã đóng cửa. Chỉ còn mỗi Sen Hotel là sáng đèn. Mà Sen cũng phải đóng một khách sạn bên cạnh từ năm ngoái rồi.
Ngày xưa tôi cũng định thi vào khoa Quản trị khách sạn, nhưng rồi bố mẹ đã hướng tôi sang Tài chính. 
Đó là một quyết định hiếm hoi mà tôi đi theo chỉ dẫn bố mẹ. Và đến giờ tôi thấy quyết định đó đúng đắn.
Kể cả trong suốt 4 năm qua, cho dù không làm trong ngành tài chính sau khi ra trường, tôi vẫn thấy rằng mình học về Tiền ở đại học là điều đúng đắn.
Bởi vì tôi cho rằng những thứ khác có thể học thêm sau này cũng được. Nhưng tiền thì nên được học ở một nơi hàn lâm như trường đại học. 
Nhờ đó, tôi có thể hiểu được bản chất và ít để mình bị cuốn vào những vòng xoáy lừa đảo tài chính hơn.
Rất nhiều người trong sau khi thất nghiệp vì Covid đã tìm tới đầu tư ngoại hối, nhị phân, tiền ảo, chứng khoán phái sinh. Có người cuộc đời nở hoa vì may mắn, có người thì cuộc sống bế tắc vì không biết tại sao.
Nhưng đa phần trong số họ đều không hiểu bản chất, chỉ chạy theo đám đông.
Tâm lý đám đông là một vũ khí rất mạnh. Tôi không nói rằng mình có thể lúc nào cũng tỉnh táo. Tôi chỉ luôn dặn mình phải hỏi 2 câu sau trước mỗi cơ hội đầu tư:
1. Mình sẽ sở hữu cái gì?
2. Nếu thứ mình sở hữu biến mất, mình sẽ mất gì?
Hai câu hỏi này sẽ giúp bạn tự tin hơn với quyết định của mình và để bạn không còn trách móc người dẫn dắt bạn nếu bạn thua lỗ.
Chỉ có đầu tư vào tri thức thì sẽ không bao giờ thua lỗ. 
Tôi là Giang.
Hẹn gặp bạn vào ngày mai.