Có lẽ nghành Du lịch là một trong những nghành đầu tiên bị ảnh hưởng bởi 2 cú đòn chí mạng của Covid vào suốt 2 năm qua. Một nghành mà trước đó được dự đoán sẽ phát triển vượt xa kì vọng, đòn bẩy của sự tăng trưởng GDP cho nền kinh tế cả nước. Thế nhưng giờ đây, không phải các công ty, tập đoàn lữ hành không đủ sức chống chọi trong và phục hồi sau đại dịch, mà điều đáng sợ nhất là: khách hàng đang dần mất đi "nhu cầu"... 
Nhìn lại giai đoạn trước khi Covid ghé thăm, chủ nghĩa "Xê dịch" ngày càng len lỏi vào mọi phân khúc khách hàng từ độ tuổi, nghành nghề và mức thu nhập bình quân. 
Người trẻ luôn trong tư thế muốn khám phá thế giới bốn phương. Với phương châm: "YOLO - Ta chỉ sống có một lần", thế nên sống là phải trải nghiệm. Đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, tìm hiểu qua nhiều nền văn hoá, lối sống của các vùng miền, của các quốc gia, những điều đó giúp ta chỉ có "giàu" lên mà thôi. 
Du lịch còn được coi là một cách "trốn chạy" khỏi sống bộn bề ngoài kia. Tự thưởng cho mình những khoảnh khắc mở mắt ra chỉ có "ăn - chơi" cho hết ngày hết giờ. Hoặc du lịch còn là thời điểm gắn kết bạn bè, thử nhớ lại những chuyến đi mà cả đám cạ cứng thề non hẹn biển, bể mấy chục kèo mới đi được với nhau một chuyến nó vui đến thế nào. 
Lớn tuổi một chút, khi các cô/các chú đã "gác kiếm", lúc này chỉ còn thú vui với con cháu, nghỉ dưỡng tuổi già. Đi đây đi đó theo một cái tour được thiết kế trọn vẹn, gọn gàng là xuất sắc lắm rồi. Cứ thế mà các bác "chinh phục" các vùng đất từ những chỗ hot check in đến các quốc gia vòng quanh thế giới cho kịp với con cháu ^^. 
Nhờ vào Social Media: từ Facebook đến Instagram, các Vlog, Youtube channels mà những bạn vốn không chút cảm tình với du lịch cũng dần dà bị kích cái nhu cầu ấy khi nào không hay không biết. Nhìn những album ảnh hàng hà sa số trải nghiệm của bạn bè qua các chuyến du lịch, những video quay lại hành trình bằng điện thoại, đến các series xê dịch của hot travel vlogs thực hiện vô cùng chỉnh chu và truyền đầy cảm hứng, đâu đó người xe cũng cảm thấy được thôi thúc làm thử một chuyến, rồi ... ghiền luôn không chừng. 
Cũng nhờ vào công nghệ hiện đại mà giờ đây, muốn đi đâu, người ta cũng có thể tự lên đọc review, tự tìm đường đi cũng dễ, so sánh tới lui, lên plan kỹ càng, lên cả concept của chuyến đi nữa. Cứ vậy mà vô tình, du lịch hay chạy trốn cuộc sống bộn bề dần trở thành một thói quen, cứ 2 -3 tháng lại cuồng chân. Cứ xem Vlog xong lại search vu vơ, tìm vé máy bay, đọc thêm một vài bài review, rủ rê bạn bè. Sau đó là level tăng từ nhẹ lên mạnh, kiểu như tiền làm ra chỉ để dành để đi du lịch. Cũng có một số trường hợp xem du lịch là để thể hiện bản thân, cố đi đến hết những nơi hot rồi cho vào bộ sưu tập thiệt tự hào của mình. 
Covid ập đến, cũng đã được 2 năm. Lúc này di chuyển từ tỉnh sang tỉnh còn khó, huống hồ chi là đi du lịch. Thời điểm cuối năm 2020 đầu năm 2021, tưởng chừng như mọi thứ đang trong giai đoạn phục hồi, tôi thấy các công ty du lịch đang gồng mình đến từng hơi thở cuối cùng để đẩy các tour trong nước với đủ các mô hình/đối tượng/giá cả; thì mọi thứ "vỡ tung" sau lễ 30/4 - 1/5, mất kiểm soát, số lượng ca dương tính chỉ có tăng và tăng theo cấp số nhân, khắp nơi cầu nguyện "sáng thức dậy Y tế phường không đến để giăng dây", và tới ngày hôm nay vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm... 
Tiếc thay những cố gắng gồng gánh của bên cung, nhưng đáng sợ nhất đó là bên cầu, nhu cầu du lịch giờ đây có lẽ phải "tạm lánh" đi một thời gian không ngắn. Người ta cũng không nghĩ rằng họ cần phải giải trí giải toả gì nữa lúc này. Trải qua lần lượt các bài học, các giai đoạn chống dịch trong 2 năm vừa rồi, đúng là không thể biết trước được ngày mai thế nào, vậy nên giờ đây tiết kiệm là quốc sách, ai mà biết được ngày mai bị giảm lương hay thậm chí là mất việc. Nhận thức cũng dần được hình thành, rằng 2 năm qua không đi nước ngoài chúng ta vẫn sống khoẻ bình thường, những chuyến du lịch bị huỷ thì cũng không sao, quan trọng nhất bây giờ là sức khoẻ. Rồi bản thân dần hình thành các thú vui khác có "tác dụng" hơn trong mùa dịch. Ngồi ở nhà nhưng xem lại những chiếc Travel Vlog thì cùng lắm cũng chỉ là một suy nghĩ thoáng qua trong đầu: "Ừm sau này được thì đi" - "được thì đi", lúc này là có cũng được mà không có cũng không sao. 
Sẽ có những ý kiến cho rằng tôi nói không đúng, vì sau dịch người ta sẽ bắt đầu "xả" vì bị bí quá lâu chẳng hạn. Tôi vẫn muốn có một cái nhìn khách quan với quan điểm này, và chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Nhưng điều thôi thấy trước mắt là sự ảnh hưởng của mùa dịch năm thứ 2 đang dần thể hiện rất rõ, đặt biệt là nghành du lịch. Đến đây, tôi chưa muốn kết bài lắm, mà muốn được thảo luận cùng mọi người, một kết thúc mở nhé... :)