Kết thúc quyển sách vào lúc nửa đêm, tôi thấy nhẹ lòng trong sự buồn bã của cái kết. May mắn, Laila vẫn có một cái kết đẹp. Nhưng Mariam thì không.
Sinh ra và lớn lên với sự ngờ vực, xung quanh không có ai để cô tin vào mình được yêu thương. Cô làm tôi nhớ đến những nhân vật trong “Cây cam ngọt của tôi”. Khi cuộc sống không có ai yêu thương mình, liệu mình còn có thể tiếp tục cuộc sống đó. Xuyên suốt giữa câu chuyện, câu hỏi của tôi luôn là tại sao Mariam không đứng lên, không phản kháng lại sớm hơn. Nhưng khi xem lại cả quá trình lớn lên, sinh sống với Nana, Cô đã được dạy về việc chịu đựng. Chịu đựng hàng tuần để được gặp cha cô - Jalid. Chịu đựng sự độc tài của mẹ cô trong cách sống và suy nghĩ. Và lần đầu tiên cũng như duy nhất Mariam phản kháng lại mọi người, thể hiện cái Cô thực sự mong muốn. Cô bị tổn thương. Sự phản kháng khiến Cô nhận ra cha mình là một người dối giá, nhu nhược, chỉ vì sĩ diện mà không dám nhận cô là con ông, là kết quả cho việc ông đã ngủ với một người giúp việc. Sự phản kháng khiến Cô mất mẹ, khiến cô luôn cho rằng mình là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Và cuối cùng, điều duy nhất cô thấy bản thân mình có thể làm lúc đó là chấp nhận cái sự sắp xếp với lý do nực cười của bố và những người vợ của ông - lấy một người đàn ông lớn hơn cô rất nhiều. Lúc đầu, tôi đã kỳ vọng cô sẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bù đắp cho tuổi thơ bất hạnh cô đã trải qua, khi thấy người đàn ông đó thể hiện sự yêu thương và tôn trọng cô trong tuần đầu tiên. Ai ngờ Rasheed là một kẻ tệ bạc, một tên gian dối, lừa lọc chỉ để đạt được cái mục đích của mình. Một tên chỉ biết sử dụng bạo lực để thể hiện quyền lực của bản thân, một tên dốt nát, hèn nhát khi không dám để vợ mình được tiếp xúc với xã hội. Đỉnh điểm của sự tức giận là lúc Rasheed bắt vợ ông nhai đá đến mức làm Mariam gãy răng. Ông đối xử với vợ ông như một công cụ để ông giải tỏa, thể hiện mình to lớn. Liệu ông đã lấy thư của cha Mariam như cách ông đã lừa dối và lấy hàng tập thư của Tariq? Tôi đã phải dừng quyển sách ở đây vì quá tức giận.
Laila thì khác, cô sống lên trong tình yêu thương của gia đình, mặc dù mẹ cô đã không làm trọn trách nhiệm một người mẹ nên làm. Cô khác Mariam, cô tìm thấy tình yêu của đời mình. Cô có một mục đích sống để theo đuổi. Kể cả khi nghe tin Tariq đã bỏ mạng, cô vẫn còn đứa con của anh là mục đích sống. Cô cũng là người đã trao tình yêu thương cho Mariam, để bà biết vẫn có người trên cuộc đời này quan tâm đến bà. Hai người phụ nữ đều lớn lên trong tình yêu thương của cha nhưng lại thiếu thốn đi sự dạy dỗ và chăm sóc của mẹ. Hai người phụ nữ đều không may mắn khi có một người chồng như Rasheed. Hoàn cảnh họ gặp nhau thật trớ trêu, nhưng may mắn họ đã dựa vào nhau để trở nên mạnh mẽ, để dám phản kháng và chiến thắng bi kịch số phận. Với Laila, một cái kết đẹp là cô được sống với Tariq và các con, cô được cống hiến bản thân cho xã hội, cho những con người ở quê hương cô. Với Mariam, tuy không được cùng gia đình Laila sống hạnh phúc về sau hay chăm sóc cho những đứa con của Aziza, bà cũng đã được nhận tình yêu từ Laila và các con của cô, bà được tiếp thêm động lực để một lần nữa đứng lên phản kháng, đòi lại những quyền lợi của mình. Và trong những ngày tháng cuối đời, cái người ta nhìn ở bà không phải là 1 barami bị xã hội ruồng bỏ, mà là 1 người phụ nữ dám đứng lên đấu tranh mặc dù bà phải trả giá cho việc giết hại chồng.
Tôi ấn tượng về cách tác giả khiến câu từ trở nên có nhịp điệu. Đoạn bom rơi trúng nhà Laila, cảnh cô hoang mang và ngờ vực về mọi thứ đã diễn ra như hiện ra trước mắt tôi. Tôi cảm tưởng như đang ở đó, là người chứng kiến mọi chuyện diễn ra với Laila. Sống động, nhiều màu sắc và âm điệu.
Cái tôi tò mò và vẫn chưa tìm được câu trả lời ở đây là tiêu đề của truyện, “Ngàn mặt trời rực rỡ” ở đây chỉ điều gì? Vẻ đẹp của Tabul? Của Herat? Hay là hình ảnh của những chiếc bom nổ trên bầu trời Tabul? Tác giả có ẩn ý gì khi đặt tên nhan đề?