Ngay từ giây phút cầm trên tay quyển sách mang nhan đề “Ngàn mặt trời rực rỡ”, tôi đã rất ấn tượng bởi dòng chữ nhận xét về tác phẩm được in ngay trên trang bìa, rằng: “Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này.” Dòng chữ đó như mê hoặc tôi, mời gọi tôi bước chân vào thế giới sặc mùi khói lửa để cảm nhận cái khắc nghiệt, kinh hãi của chiến tranh và bọn "nam tính độc hại". Tôi nhớ rằng, mình đã dành đến ba tiếng đồng hồ một ngày chỉ để nghiền ngẫm những câu chữ tuyệt vời ấy, một việc mà trước đây tôi rất hiếm khi dành thời gian nhiều đến vậy.
“Ngàn mặt trời rực rỡ” là một cuốn tiểu thuyết được chắp bút bởi Khaled Hosseini, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Afghanistan, là người chuyên viết về con người và cuộc sống ở vùng đất Afghanistan đầy biến động trong những thập niên trước thế kỉ XXI. Với “Ngàn mặt trời rực rỡ”, Khaled Hosseini đã chứng minh thành công của “Người đua diều”, tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới năm 2003, không phải là điều ngẫu nhiên.
Cả hai tác phẩm kinh điển này đều ăn sâu vào trái tim của độc giả theo cách riêng. Tuy nhiên, đứng trên bình diện cảm xúc cá nhân, "Ngàn mặt trời rực rỡ' đã chiếm trọn hào quang của cuốn tiểu thuyết ra đời trước nó, tựa như một cú "hit" đánh vào lồng ngực tôi, trở thành một trong những cuốn khiến tôi bật khóc dữ đội, ám ảnh đến tận mấy ngày liền sau khi kết thúc.
“Ngàn mặt trời rực rỡ” là câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người phụ nữ hoàn toàn xa lạ, những biến cố khốc liệt gây ra bởi các cuộc thánh chiến đã đưa đẩy khiến họ gặp được nhau và cùng nhau trải qua chuỗi ngày đau thương cùng mất mát. Thế nhưng, đan xen trong khổ đau, độc giả còn thấy được nơi hai người phụ nữ chính là niềm khát vọng vượt lên bất công của xã hội để hướng đến một cuộc sống tươi đẹp và ngập tràn tự do, hạnh phúc.
Mariam, kết quả sai lầm của mối tình giữa một doanh nhân giàu có vùng Herat với người giúp việc là mẹ Nana, phải sống trong một căn lều Kolba tạm bợ nằm ở vùng hẻo lánh ít người qua lại. Cả tuổi thơ của cô chỉ xoay quanh các bài kinh Koran của giáo sĩ già Faizulla, những câu chuyện diễn ra hằng ngày ở khu đô thị sầm uất được người cha kính yêu Jalil kể lại sau mỗi chuyến thăm vào thứ Năm hằng tuần. Mariam từng rất hận mẹ Nana vì chỉ nói những lời không hay về người bố vĩ đại của mình, nhưng rồi một biến cố lớn xảy ra khi cô vừa tròn mười lăm tuổi đã khiến cho những vọng tưởng về ông trước kia hoàn toàn sụp đổ. Jalil thực chất là một kẻ bội bạc và giả tạo, là một kẻ hèn nhát khi chẳng dám đối diện với lời gièm pha của xã hội để đưa Mariam bước vào cuộc sống sung túc của ông tại Herat. Lúc này, mẹ Nana cũng đã qua đời, để lại cô nàng một thân đơn độc chống chọi với cuộc đời khắc nghiệt. Mariam bị gả cho một người đàn ông hơn mình đến tận ba mươi lăm tuổi đời tại một thủ đô Kabul xa xôi, chôn vùi tuổi xuân của mình vào chiếc lồng sắt của số phận. Tưởng chừng rằng cuộc đời rồi sẽ sinh lòng thương cảm mà ban phát cho cô niềm hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, đó chính là cơ hội trở thành mẹ của những đứa trẻ, thế nhưng thật cay đắng làm sao, ngay cả nhiệm vụ thiêng liêng nhất ấy cũng vụt khỏi tay cô, khiến cô trở thành tội đồ trong mắt Rasheed, ông chồng già tệ bạc. Khi ấy, Mariam mới thấm thía lời nói của mẹ Nana trước kia, rằng:
“Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy.”
Cả cuộc đời Mariam là một chuỗi những đau khổ nối tiếp nhau, ngay cả những năm cuối đời, cô cũng chấp nhận nhường lại hạnh phúc của mình cho một người phụ nữ khác. Ấy vậy, nói rằng Mariam chưa từng hạnh phúc cũng không đúng, cô đã từng, ở hai thời điểm: khi còn nhỏ (dù rằng đó chỉ là sự lừa dối) và khi gặp được Laila.
Trái ngược với Mariam, ngay từ nhỏ, Laila đã được sống vô cùng sung túc với những người thân yêu bên cạnh: một mammy hay cộc cằn, một babi thông minh nhưng vụng về, những người bạn thân cùng lớp và cậu người yêu Tariq là thanh mai trúc mã của cô bé. Laila thậm chí còn được đi học dưới thời Liên Xô, một giấc mơ chẳng bao giờ thành hiện thực của hàng nghìn đứa trẻ Afghans, trong đó có Mariam. Khi chủ nghĩa xã hội Liên Xô sụp đổ, quân đội Taliban bắt đầu chiếm đóng Afghanistan và chiến tranh nổ ra, những cuộc nội chiến triền miên đã cướp đi tất cả mọi thứ, Tariq theo gia đình chạy trốn khỏi thủ đô Kabul tràn ngập khói lửa, những người bạn cũng lần lượt rời đi, mammy và babi của cô bé, sau một thời gian kiên trì ở thành phố cũng quyết định từ bỏ mà hướng đến giấc mơ Mỹ. Ấy vậy mà khi gia đình ba người chuẩn bị ly khai, một quả bom lạc từ trên trời rơi xuống đã làm cuộc sống cô bé đảo lộn hoàn toàn. Khi ánh mặt trời dường như sắp lộ diện sau đám mây mù, những giọt mưa chợt trở nên nặng thêm, che khuất cả một bầu trời tươi sáng đang chờ đợi phía trước. Laila bé bỏng đã bị bỏ mặc giữa dòng đời.
Hai người phụ nữ xa lạ ấy, hơn kém nhau một thế hệ lại nên duyên gặp gỡ, sống cùng một mái nhà với người chồng già bạo lực, họ tìm thấy nhau, vượt qua những hiểu lầm ban đầu mà nảy sinh sự đồng cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn cô độc, dựa dẫm vào nhau như thể họ là những kẻ cuối cùng còn sót lại giữa thế giới đầy loạn lạc, giữa một xã hội bị kìm hãm bởi những tư tưởng cổ hủ cực đoan và các đạo luật hà khắc áp đặt lên người phụ nữ.
Triết gia Karl Max đã từng nói: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.” Thật vậy, khi chiếc ly thủy tinh đã không thể chứa đựng thêm một giọt nước nào nữa, tất cả sẽ trào ra. Mariam chính là như thế, sau một thời gian dài sống dưới đòn roi của người chồng, bà đã có đủ dũng khí nổ phát súng chấm dứt mọi khổ đau. Tiếng súng ấy không chỉ đơn giản để cứu lấy một Laila thoi thóp nằm dưới đất, mà còn là biểu hiện của sự nổi dậy đấu tranh chống lại áp bức của những kẻ bị đẩy đến bờ vực sâu của số phận.
Mariam đã hy sinh chính mình để đổi lấy hạnh phúc cho Laila, vì bà biết cô vẫn còn cơ hội để sống hạnh phúc bên cạnh chàng trai Tariq cùng những đứa con của họ. Trong giây phút nhắm mắt chờ đợi phát súng từ những kẻ Hồi giáo cực đoan kết thúc sinh mạng, Mariam đã nghĩ về thân phận barami của mình, một đứa con hoang, một thứ cỏ dại bị người ta xem thường, cả cuộc đời sống trong sự nhẫn nhịn nay đã có thể kết thúc với tư cách là người bảo vệ, bà gửi gắm phần hạnh phúc còn lại cho Laila và những đứa trẻ, chấp nhận cái kết chính đáng dành cho một cuộc sống được bắt đầu bằng những điều không chính đáng. Ngay khi lời kinh Koran của thầy Faizulla vang lên trong đầu bà ở thời khắc cuối cùng, tôi đã thật sự chết lặng, chỉ muốn hóa đá để ngăn những giọt lệ liên tục chạy xuống vì xót thương cho số phận của Mariam, như cách mà lời bình phẩm đầu tiên mô tả cuốn tiểu thuyết xuất sắc này.
“Ngàn mặt trời rực rỡ” – tiêu đề của cuốn tiểu thuyết, được Khaled Hosseini trích từ tác phẩm của một nhà thơ người Ba Tư sống ở thế kỉ XVII. Ngàn mặt trời rực rỡ này được ví như vẻ đẹp của những người phụ nữ, rạng rỡ và vô ngàn, câu chuyện đã thể hiện được điều đó. Cuốn sách là lời lên án dành cho những cuộc chiến tranh phi nghĩa, các cuộc thánh chiến cực đoan đã khiến cho hàng triệu người dân Afghans phải ly tán, rời bỏ quê hương của mình mà tị nạn đến các nước láng giềng giống như gia đình của Tariq, chúng đã gây ra những biến động lớn không chỉ cho đất nước Trung Á này mà còn cho toàn thế giới; cuốn sách còn là câu chuyện về nghị lực, khát vọng vượt lên nghịch cảnh của những người phụ nữ Afghans, đằng sau chiếc mạng Burqa che mặt ấy là những tâm hồn luôn sôi sục tinh thần đấu tranh chống lại áp bức của chế độ cai trị hà khắc gây ra bởi chính quyền Hồi giáo cực đoan Taliban.
Để khép lại câu chuyện, tôi muốn trích dẫn một đoạn mà tôi rất thích trong sách, rằng:
“Không ai đếm được bao nhiêu mặt trời toả sáng trên những mái ngói của nàng, hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.”
Đây chính là một cuốn sách về vẻ đẹp của người phụ nữ và nghị lực con người, là cuốn sách mà bạn nhất định phải đọc một lần trong đời.
30/10/2021