II. Cơ chế hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi và Rủi ro phá sản của các Ngân hàng

1. FDIC và cơ chế hoạt động:

FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation) hay Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang: là một công ty của chính phủ Liên bang Hoa Kỳ hoạt động như một cơ quan độc lập để giám sát và bảo chứng lượng tiền ký thác ở các ngân hàng Hoa Kỳ.
FDIC được thành lập vào ngày 16 tháng 6 năm 1933, có trụ sở ở Washington D.C. FDIC được sinh ra với sứ mệnh duy trì niềm tin của công chúng và khuyến khích sự ổn định trong hệ thống tài chính thông qua việc thúc đẩy các hoạt động ngân hàng. FDIC duyệt xét và giám sát những cơ sở tài chính hầu đảm bảo chức năng hoạt động, bảo vệ người tiêu thụ, và điều hành những cơ sở tài chính đã phá sản.
Ngân hàng bắc cầu (Bridge Bank): là ngân hàng được thành lập với chức năng tiếp nhận Tài sản CóTài sản Nợ của một ngân hàng khác, đặc biệt đối với những ngân hàng mất khả năng thanh toán. Một ngân hàng bắc cầu có thể là là một ngân hàng thương mại hoặc một hiệp hội tiết kiệm liên bang được điều lệ hoặc bổ nhiệm bởi FDIC. 
“FDIC có thẩm quyền sử dụng một ngân hàng bắc cầu để vận hành một ngân hàng thất bại trong tối đa ba năm cho đến khi có thể tìm thấy người mua.” 
Trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị mất khả năng thanh toán, không thể tiếp tục hoạt động được, các nhà lãnh đạo ngành Tài chính - Ngân hàng quyết định cứu nhưng chưa có một tổ chức tài chính lành mạnh nào tiếp nhận, Ngân hàng bắc cầu là công cụ hữu hiệu trong việc tiếp nhận xử lý các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có vấn đề.
Điều này giúp nền kinh tế hoặc thị trường tín dụng của đất nước tránh rủi ro hệ thống tài chính và làm dịu các chủ nợ và người gửi tiền trong nỗ lực tránh các tác động tiêu cực như hoảng loạn hay đột ngột rút tiền gửi (Bank Run).
Cơ chế hoạt động của FDIC: (1) FDIC dùng hệ thống Công nghệ thông tin để can thiệp vào hệ thống Ngân hàng lõi của Ngân hàng đó, (2) sau đó phân loại tài sản của Ngân hàng đó (Tài sản Có - Tài sản Nợ) và (3) thực hiện cơ chế Mapping, (4) can thiệp vào Core banking.
Ví dụ: A dùng CCCD để gửi tiết kiệm 1 tỷ. A dùng passport để vay 900 triệu => BHTG phải map được 2 khoản ⇔ A nhận được 100 triệu

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi:

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có 4 mô hình hoạt động:
(i) Mô hình chuyên chi trả: Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi chỉ chịu trách nhiệm chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền
(ii) Mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng: Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi có thêm trách nhiệm (hạn chế rủi ro, tránh khủng hoảng tài chính)
(iii) Mô hình kiểm tra chi phí thấp nhất: Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi lựa chọn chiến lược giải quyết với chi phí thấp
(iv) Mô hình giảm thiểu rủi ro: Tham gia cùng NHTW và cơ quan nhà nước giám sát và đánh giá rủi ro Ngân hàng và định chế Tài chính
Khi tổ chức tham gia BHTG phá sản, có 3 chủ thể chính: (1) Người gửi BHTG; (2) Tổ chức tham gia BHTG; (3) Tổ chức BHTG (1) gửi tiền vào (2) trả phí BHTG cho (3) hoàn trả tiền gửi cho (1)
Việt Nam đang áp dụng mô hình (ii): Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.
Vậy chúng ta nên hiểu con số 125 triệu đồng này như thế nào? Sau đây là 1 ví dụ vô cùng đơn giản để mọi người có thể hiểu rõ hơn:
Ví dụ: A có 1 tỷ đồng để trong Ngân hàng X, khi Ngân hàng X có vấn đề gì thì A được nhận 125 triệu đồng. NHƯNG 125 triệu đồng này là phí bảo hiểm (giống việc 1 công ty bảo hiểm chi trả), còn Ngân hàng bắc cầu sẽ lấy hết tài sản của Ngân hàng X để bán và thu hồi khoản tiền về, sau đó sử dụng số tiền đó trả cho khoản 1 tỷ của A. => A không mất một đồng tiền nào!!!
Chúng ta cần phải làm rõ Ngân hàng bắc cầu chưa xuất hiện ở Việt Nam mà hệ thống này chỉ tồn tại ở Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể áp dụng các cơ chế khác để “cứu” các Ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản.

3. Sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước:

Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một trong 3 cách can thiệp sau:
(1) Đảm bảo tính thanh khoản: Cho NHTM vay thông qua thị trường liên ngân hàng, tuy nhiên đây không được coi là giải pháp tối ưu do một NHTM đứng trước bờ vực phá sản có nguyên nhân chủ yếu đến từ khả năng quản trị yếu kém.
(2) Trực tiếp mua lại cổ phần: NHNN sẽ mua lại NHTM với giá 0 đồng nhằm chủ động tái cơ cấu lại toàn bộ hệ thống của NHTM đó.
Ví dụ: Vào năm 2018, NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
(3) Khuyến khích các NHTM khác mua lại/sáp nhập: NHNN sẽ khuyến khích, hỗ trợ các NHTM có tiềm lực tài chính, khả năng quản trị tốt mua lại hoặc sáp nhập NHTM yếu kém. Điều này có thể giúp những nhân sự thuộc NHTM hoạt động tốt có thể tái cơ cấu và tái vận hành NHTM yếu kém.
Ví dụ: Năm 2015, nhờ có nội lực, duy trì được vị trí thuộc top 5 ngân hàng lớn trong khối cổ phần nên Sacombank (STB) được NHNN khuyến khích sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) do khả năng quản trị yếu kém của Ngân hàng Phương Nam.

4. Tại sao Ngân hàng không thể bị phá sản tại Việt Nam?

Nhờ có FDIC mà các NHTM ở Mỹ có thể phá sản mà không để lại bất kỳ hậu quả nào nghiêm trọng, tuy nhiên ở Việt Nam việc để một NHTM phá sản là điều đã, đang và sẽ không bao giờ có thể xảy ra.
Nguyên nhân nằm ở việc một NHTM sụp đổ có thể tạo thành "hiệu ứng Domino" khi niềm tin của người dân sẽ bị lung lay và sẽ đi rút tiền hàng loạt (Bank run). Hệ thống Ngân hàng ngay lập tức bị sụp đổ sẽ dẫn đến Khủng hoảng tài chính - điều chắc chắn sẽ đến đến Khủng hoảng Kinh tế hay xa hơn là sự sụp đổ của cả một quốc gia.
Ví dụ: Vào đầu tháng 10/2022, một số thông tin thất thiệt về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB) đã tạo ra sự kích động đến tâm lý người dân khiến mọi người đồng loạt đi rút tiền vì lo sợ rằng SCB sẽ phá sản. Động thái ấy khiến ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề.

Kết luận: Ngân hàng thương mại sẽ không bao giờ phá sản tại Việt Nam!?!

Trước những nguồn thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội ngày nay, mỗi người dân nên có cái nhìn đúng đắn hơn về cách các ngân hàng hoạt động nhằm tránh các trường hợp bị ảnh hưởng về lợi nhuận, cùng với đó là niềm tin vào cách Nhà nước điều hành và kiểm soát Thị trường Tài chính.
Vừa rồi là bài viết dựa trên những kiến thức mà mình thu thập được, nếu có sai xót gì thì mong mọi người có thể comment phía bên dưới để chúng ta có thể tranh luận và tiếp thu thêm ạ. Nếu thấy hay và bổ ích thì mọi người có thể upvote cho mình :33