Ra mắt năm 1977, News of the World là album thứ sáu của ban nhạc rock Queen. Với hai cú hits “We Will Rock You” và “We Are The Champions” đã đi vào văn hóa đại chúng, album mang một giá trị vượt thời gian to lớn trong di sản âm nhạc đồ sộ được bốn nghệ sĩ để lại. Vì lẽ đó, người viết tin News of the World là một album hoàn hảo để bước đầu làm quen với âm nhạc của Queen, đối với phần đông người yêu ca nhạc của thập kỷ này.
Bài viết sau đây có bao gồm giới thiệu sơ bộ về chủ đề và phong cách của album, phần review chi tiết hơn bởi cá nhân người viết cho từng track, và cuối cùng, những câu chuyện bên lề bên cạnh quá trình sáng tác và biểu diễn.
(Bìa trước của News of the World - họa sĩ Frank Kelly Freas)

I, Chủ đề và phong cách

News of the World chứng kiến sự trở lại của Queen trong mảng nhạc hard rock, sau hai album mang đậm hơi thở của rock đương đại (rock kết hợp với cách hòa phối đặc trưng của nhiều thể loại nhạc như cổ điển, jazz, folk…). Một yếu tố chủ đạo đã truyền cảm hứng cho “sự trở về với những giá trị căn bản” này của nhóm là ban nhạc The Sex Pistols, những người dẫn đầu xu thế punk rock trên thị trường âm nhạc đương thời. Album đã mang lại thành công cho Queen tại các bảng xếp hạng Bắc Mỹ - biến ước mơ được thực hiện tour diễn và chinh phục trái tim khán giả Mỹ của bốn thành viên thành hiện thực.
(Brian May tại một khán phòng trước giờ biểu diễn trong News of The World tour) 
Mặt khác, dù hai album “sinh đôi” – A Night at the Opera và A Day at the Race – đã gặt hái được nhiều thành công trong cộng đồng người hâm mộ, những nhận định về tính “nhàm chán” vẫn liên tục được đưa ra từ giới phê bình. Qua đây, bốn thành viên ý thức được nguy cơ đi vào “lối mòn sáng tạo” nếu mãi lặp lại cùng một công thức. Với album thứ năm, họ muốn đưa những yếu tố ngẫu hứng của hard rock trở lại. Với thời gian thu âm trong vỏn vẹn 2 tháng, News of the World có thời lượng chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ và một lối hòa phối đơn giản, khác với sự trau chuốt tỉ mỉ thường thấy trong các tác phẩm khác. Sự hòa âm phức tạp cũng được giảm bớt và các ca khúc được hoàn thiện với số lần thu ít nhất có thể. Trả lời phỏng vấn, các thành viên tiết lộ họ muốn News of the World mang những chất liệu “tươi mới”, y như tên gọi.

II, Review chi tiết

(cảnh báo spoiler? :) hãy skip đến mục III nếu bạn muốn nghe qua album trước)

1. We Will Rock You

Album được mở đầu bởi hai cú hits đã được biết đến trước đó bởi phần đông khán giả đại chúng dưới dạng đĩa đơn. 
Trong đó, nét đặc trưng nhất của We Will Rock You có lẽ là “hai tiếng dậm chân và một tiếng vỗ tay” đầy nhiệt huyết, được sử dụng như nhịp điệu nền trong phiên bản này. Ca khúc cũng là thử nghiệm tiếp theo của Brian May trong việc “viết cho khán giả một ca khúc mà họ có thể tự mình biểu diễn”. Thật vậy, kể từ khi ra đời, We Will Rock You luôn thắp lửa cho từng buổi hòa nhạc của Queen cũng như rất nhiều các trận đấu thể thao, khi hàng nghìn khán giả cùng dậm chân, vỗ tay và hát vang phần điệp khúc đơn giản mà đầy nội lực.
(Video của We Will Rock You được ghi hình tại...sân sau nhà Roger Taylor)
Về âm nhạc, ca khúc cũng được đánh giá cao nhờ màn solo guitar của Brian trong những phút cuối.  Về nội dung, Brian từng hé lộ, bài hát với bố cục ba phần phản ánh các bước phát triển của một con người với một tầm nhìn, một khát khao thay đổi thế giới. Khổ đầu tiên, đó là một người trẻ với một lý tưởng lớn, nhưng chưa thể thực sự làm gì ngoài nói về nó. Khổ thứ hai, người trẻ đó đã trưởng thành và bắt đầu làm nên những đổi thay với lý tưởng của mình. Khổ cuối cùng, con người đó già đi và lý tưởng của họ rồi cũng lỗi thời, nhường chỗ cho những làn sóng mới của các thế hệ đi sau. Bài hát đặt ra câu hỏi thú vị về tầm ảnh hưởng về lâu dài của một cá nhân và sự kế thừa những di sản trong xã hội:
Dù những đổi thay là điều không thể tránh khỏi giữa dòng chảy bất tận của thời gian, liệu anh vẫn sẽ nắm lấy thời thế và khẳng định chỗ đứng của mình?  
“We will, we will rock you
We will, we will rock you”

Đọc thêm:

2. We Are The Champions

Âm hưởng hào hùng của ca khúc mở đầu được nối tiếp bởi We Are The Champions, một sáng tác bởi Freddie Mercury. Nhưng khác với We Will Rock You, track thứ hai được chậm rãi dẫn dắt bằng tiếng piano du dương cùng giọng ca truyền cảm, trước khi cảm xúc dần đạt đến cao trào và vỡ òa với phần điệp khúc. Các chuyên gia âm nhạc sau này đánh giá, đây là một trong các ca khúc khiến người nghe “không thể không hát theo và nhanh chóng thuộc làu”, nhờ những giai điệu đơn giản mà hiệu quả, khơi gợi sự hưng phấn tích cực chỉ qua đôi lần được lặp lại.
(Video của We Are The Champions được ghi hình với sự tham gia của đám đông người hâm mộ)
Về lời ca, bài hát nghe như lời tâm sự của một người trên đỉnh của thành công và danh vọng. Nó nhấn mạnh những vinh quang không phải chỉ là vài phút phong độ đầy phù phiếm, mà là thành quả cũng mồ hôi và nước mắt, của những nỗ lực rất nhỏ được tích góp qua từng ngày. Khi chỉ nhìn vào phần điệp khúc, giới báo chí đương thời thường phê phán We Are The Champions như cái tôi ngạo nghễ của bốn thành viên. Hiển nhiên, đầy là một nhận định vô cùng nhảm nhí. Đây quả thực là một bài ca đầy kiêu hãnh, nhưng nó đã được viết cho đại chúng, cho những fan hâm mộ thể thao đồng thời là lời tri ân chân tình nhất của Queen dành cho người hâm mộ.
“We are the champions, my friends
And we'll keep on fighting 'til the end”

3. Sheer Heart Attack

Một ca khúc được sáng tác bởi Roger Taylor, vốn đã một phần được hoàn thiện cho album thứ ba cùng tên phát hành năm 1974 của nhóm. Tuy nhiên với chất punk rock đầy gai góc, nó đã không thực sự tìm được chỗ đứng trong tác phẩm trước và buộc phải bị loại bỏ. Bước chuyển mình của Queen xu hướng nhạc mạnh với News of the World là cơ hội hoàn hảo để Sheer Heart Attack được chính thức ra mắt.
(Album Sheer Heart Attack ra năm 1974)
Khác với bản demo được trình bày với Roger, Freddie trở thành giọng ca chính của bài hát trong khi tay trống đảm nhiệm phần điệp khúc tại phiên bản này. Ngoài tiếng guitar réo lên ở giữa bài, Roger chơi hầu hết các nhạc cụ được hòa phối. Nhìn chung, Sheer Heart Attack có tiết tấu nhanh, nhịp điệu dồn dập và tính “nhất thời” đặc trưng của thể loại nhạc, cũng là điều mà Queen hướng tới với album này. Về nội dung, bài hát không truyền tải điều gì quá phức tạp ngoài sự bồng bột của tuổi trẻ và sự bùng nổ cảm xúc mạnh mẽ. Đây là một cú đánh trực diện khá là nghiêm túc dành cho người hâm mộ hard rock.
“Do you know, do you know, do you know just how I feel?
Sheer heart attack!
Real cardiac!”

4. All Dead, All Dead

Nhịp điệu ồn ã và dồn dập của Sheer Heart Attack đã im bặt và kết thúc đột ngột y như cách nó bắt đầu, nhường chỗ cho cái nhẹ nhàng sâu lắng của khúc ballad tiếp theo. All Dead, All Dead là một bài ca buồn, đong đầy những hoài niệm và nuối tiếc, được sáng tác và trình bày bởi Brian May. Trong phiên bản đặc biệt được phát hành năm 2017 nhân kỷ niệm 40 năm ra mắt, một bản thu thô do Freddie trình bày có một số khác biệt về lời ca, đã thu hút không ít sự chú ý của người hâm mộ.
Nguồn cảm hứng chính của ca khúc, được tiết lộ qua các bài phỏng vấn, là con mèo đã mất của Brian thời thơ ấu. Bản ballad buồn đến từ tình yêu, những day dứt chân thực nhất của tác giả dành cho người bạn bốn chân, dễ dàng đi vào trái tim của những thính giả có cùng trải nghiệm. Vì lẽ đó, đây là một trong những sáng tác có giá trị đồng cảm to lớn nhất đối với cá nhân người viết.
(Hình Brian chụp cô mèo Squeaky của mình)
“All dead, all dead
But in hope I breathe
Of course I don't believe you're dead and gone”

5.Spread Your Wings

Nối tiếp đó là một sáng tác mang màu sắc của nhạc latin và nội dung độc đáo  – Spread Your Wings – ca khúc đã được phát hành trước đó tại Anh cùng Sheer Heart Attack dưới dạng đĩa đơn. Tính đến thời điểm hiện tại, đây cũng là bài hát cá nhân mình yêu thích nhất của thành viên trầm lặng của Queen – John Deacon.
Spread Your Wings được bắt đầu bằng tiếng dạo đơn giản trên piano bởi Freddie, để rồi nhịp trống của Roger, tiếng guitar của Brian và bass line của John lần lượt xuất hiện và đưa ca khúc tiến tới phần điệp khúc đầy cảm hứng. Màn solo guitar cuối bài khi tiếng nhạc tắt dần cũng là một điểm sáng đáng chú ý. Tuy nhiên theo cá nhân người viết, nét đặc biệt nhất làm nên giá trị của tác phẩm cũng nằm ở phần lời ca vô cùng ý nghĩa.
(John Deacon - 1977)
Bài hát kể câu chuyện về Sammy, một chàng trai đã gặp đủ loại khó khăn khi lăn lộn trên đời và đang sống bằng nghề quét dọn tại “Quán Bar Lục Bảo”. Công việc nhàm chán ấy cho cậu kiếm vừa đủ sống, một cuộc sống đơn độc và tạm bợ, nhưng đơn giản và “thực tiễn”. Cậu có mơ về một tương lai rạng rỡ hơn? Cậu có tin vào tiềm năng của mình và bước ra khỏi “Quán Bar Lục Bảo”? Xuyên suốt ca khúc, ta sẽ nghe ông chủ quán bar, bằng lời ngon ngọt đến những răn đe, thuyết phục cậu từ bỏ những mơ ước viển vông và an phận với cuộc sống hiện tại. Nhưng trái lại là lời của người kể chuyện – Freddie Mercury – người không ngừng kêu gọi chàng trai “hãy dang rộng đôi cánh và bay đi thật xa”, theo đuổi lý tưởng và quan trọng hơn hết, là cho bản thân một cơ hội nữa.
Người nghe nhạc Queen, của quá khứ và hiện tại, phải chăng đều từng tìm thấy một Sammy bên trong mình?
“Spread your little wings and fly away
Fly away, far away
Pull yourself together because you know you should do better
That's because you're a free man.”

Đọc thêm:

6.Fight From The Inside

Track thứ 6 của album đưa người nghe trở lại với chất hard rock cùng giọng ca gai góc của Roger Taylor. Điểm đặc biệt là việc ca khúc được sáng tác và thu âm hầu như chỉ bởi duy nhất một thành viên là Roger – người ngoài chơi trống cũng đảm nhiệm phần guitar và bass – bằng nhạc cụ được mượn từ Brian và John. Tiếng guitar của tay trống trong Fight From The Inside được nhiều nghệ sĩ đương thời đánh giá cao.
(Với thú sưu tập, Roger thực tế sở hữu nhiều cây guitar hơn cả Brian)
Dù có nội dung không quá đặc biệt, bài hát khẳng định năng lực sáng tác của Roger với tư cách là một nhạc sĩ. Mỉa mai thay, ca khúc được đặt ngay sau Spread Your Wings – bài ca của ước mơ và hy vọng – lại trực tiếp phê phán lối suy nghĩ non nớt, thiếu thấu đáo khi theo đuổi lý tưởng của người trẻ. Những thay đổi để trưởng thành theo đó cần được xuất phát từ giá trị cốt lõi “ở bên trong”, thay vì những tác động cố chấp vào những yếu tố ngoại cảnh.
“Hey you boy, think that you know what you're doin'?
You think that out in the streets is all free
You're just another money-spinner tool
You're just another, fool”

7. Get Down, Make Love

Sau Fight From The Inside là một bài nhạc mạnh khác được viết bởi Freddie Mercury – một ca khúc có rất nhiều điểm đáng nhớ. Một mặt, Get Down, Make Love có những hiệu ứng âm thanh rất khác biệt và ảo diệu, được tạo nên hoàn toàn bởi tiếng guitar bởi Brian, thay vì đàn điện tử (synthetiser). Cá nhân mình cho rằng đây là ca khúc có hòa phối nhạc cụ xuất sắc và hiệu quả nhất trong album. Mặt khác, track thứ 7 này cũng gây shock với nội dung rất thẳng chừng về…sex. Tính khiêu khích không chỉ được thể hiện qua lời ca và tiếng nhạc cụ mà còn nằm ở cách trình bày “rất đáng quan ngại” của Freddie – giọng ca chính.
Khi được mang lên sân khấu, các hiệu ứng âm thanh của Get Down, Make Love được truyền tải chân thực và toàn vẹn bởi Brian May bằng cây guitar cùng bộ chỉnh âm thanh Electroharmonix, được điều khiển bằng chân đạp. Đây cũng là ca khúc cho Queen cơ hội được bộc lộ tối đa năng lực sử dụng hiệu ứng ánh sáng trên sân khấu.
(Bộ xử lý âm thanh Electroharmonix)
Nhân kỷ niệm 40 năm, một phiên bản nhạc không lời của Get Down, Make Love được phát hành trên phiên bản đặc biệt, được đón nhận nồng nhiệt bởi người hâm mộ.

8. Sleeping On The Sidewalk

Ca khúc tiếp theo được sáng tác và trình bày bởi Brian May – khi đó đã thử giả giọng Anh Mỹ - mang sắc thái của dòng nhạc blues. Hưởng ứng tinh thần “ngẫu hứng và tươi mới” của album, bài hát đã được hoàn thiện chỉ trong một lần thu. Nếu để ý, ta có thể nghe thấy John chơi sai vài đoạn bass và tiếng Brian cười ở cuối bài. Trang web chính thức của Queen cho hay, các thành viên đang tập dượt khi đó không hề biết mình đang được thu âm.
(Queen trong một buổi tổng duyệt)
Về nội dung, Sleeping On The Sidewalk kể câu chuyện về cuộc đời “lên voi xuống chó” của một nghệ sĩ chơi kèn trumpet. Có tài nhưng lười biếng và vô trách nhiệm, cậu lang bạt trên đường phố với cây kèn của mình, may mắn lại được một ông lớn để ý. Tức thời, cậu trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng và có một thời gian được sống trong no đủ. Nhưng tiếng kèn của cậu rồi cũng lỗi thời, đẩy cậu trở lại với đường phố. Tuy nhiên, khi đã nếm qua trái ngọt của thành công, cậu không còn có thể làm quen lại với cuộc sống tạm bợ, đầy thiếu thốn nữa.
“I'm sleepin' on the sidewalk
Rollin' down the road
I sure get hungry and I sure do wanna go home”

9.Who Needs You

Đóng góp thứ hai của John Deacon cho News of the World là một ca khúc có giai điệu vui tai. Điểm đặc biệt của Who Needs You phải kể đến sự góp mặt của một số nhạc cụ mới lạ như guitar Tây Ban Nha (chơi bởi John và Brian), xúc xắc maraca, và chuông cowbell. Bên cạnh đó là việc tiếng hát của Freddie được đặt hoàn toàn tại track phải, còn tiếng guitar chính nằm hoàn toàn tại track trái.
(John và Freddie)
Ca khúc đơn giản là lời trách móc của một kẻ (đã từng) si tình dành cho người yêu đỏng đảnh, vô tình. Sau một loạt những thất vọng, đâu là lúc ta cần tìm kiếm một người xứng đáng với tình cảm mình bỏ ra? Who Needs You là một break-up song tích cực bạn nhất định phải nghe thử một lần.
“So naive you took me for a ride
But now I'm the one to decide
Who needs, well, I don't need
Who needs you?”  

10. It’s Late

Trong toàn album, dường như nét đặc trưng trong âm nhạc của Queen – sự hòa âm – đã được thể hiện rõ ràng nhất ở những đoạn điệp khúc da diết của track thứ 10. Qua đây, bố cục ba phần của We Will Rock You cũng xuất hiện trở lại và được Brian May phát triển dựa theo hình thái của một vở kịch cổ điển. Nhìn chung, It’s Late thuật lại một cuộc tình vụng trộm trên bờ vực vụn vỡ của một người đàn ông. Cùng với nỗi day dứt và những ràng buộc với người vợ, nhân vật chính trải nghiệm thứ tình cảm sai trái dành cho người “mình không thể ngừng yêu”, để rồi cuối cùng quyết định từ bỏ vì “đã quá muộn”. Tại hồi cuối, người đàn ông trở về với người phụ nữ của mình ở nhà và tập trung vun đắp lại cuộc hôn nhân đã không còn son sắt.
(Brian May)
Về mặt âm nhạc, ca khúc nổi bật với kỹ thuật “tapping” trong cách chơi guitar, được Brian tiếp thu từ nghệ sĩ guitar người Texas – Rocky Athas – sau một lần đến xem buổi diễn của ông.

11. My Melancholy Blues

News of the World được kết lại bằng một thử nghiệm của Freddie với dòng nhạc jazz, dường như là bước đệm đầu cho album tiếp theo của Queen – Jazz ra năm 1978.  Được thu âm chủ yếu với nhạc trên piano, đây là một trong những tuyệt tác có kết cấu phức tạp, ít ai biết đến của Freddie. Ca khúc sâu lắng không tuân theo các công thức, bố cục sáng tác thông thường; từng đoạn nhạc mãi “chảy” và hòa quyện vào nhau, dẫn dắt bởi một giọng ca trầm bổng không thể nắm bắt được. Trong lần nghe đầu tiên, cá nhân người viết không thể cảm được bài hát cũng là vì những lẽ này. Nhưng qua mỗi lần nhìn lại, giá trị âm nhạc của ca khúc càng hiện lên rõ ràng, thể hiện đúng tinh thần của dòng nhạc jazz.  
(Freddie chơi piano)
Về tổng thể, ca khúc mang một nỗi buồn vu vơ, y như tên gọi của nó, khi một mối quan hệ lãng mạn vốn được kỳ vọng bất ngờ kết thúc sau một cuộc vui. Quả thực, My Melancholy Blue hoàn toàn xứng đáng được cho là bản nhạc tình hay nhất từng được viết bởi Freddie như nhiều người hâm mộ đánh giá.
“I'm permanently glued
To this extraordinary mood, so now move over
And let me take over
With my melancholy blues”

III, Một câu chuyện bên lề

 Khi nhắc đến News of the World, sẽ là một thiếu sót khi không đề cập đến những bức vẽ độc đáo được sử dụng làm bìa album. Bức đầu tiên trên nền xanh lá nổi bật với hình ảnh một robot khổng lồ; trên tay nó là xác của các thành viên xấu số, Brian và Freddie, trong khi John cùng Roger đang rơi xuống vực  sâu. Trên tay còn lại của con robot có dính máu của những nạn nhân. Theo lời của Brian, con robot đang tỏ ra vô cùng bối rối – nó không phải là một con quái vật tàn bạo, nhưng đã vô tình mang đến tai ương.
(Bức vẽ thứ nhất được dùng làm bìa album)
Bức thứ hai với màu đỏ là chủ đạo cho thấy cảnh tượng hỗn loạn trong một rạp hát, khi con robot đâm thủng trần nhà và vươn tay xuống đám đông đang bỏ chạy. Có lẽ nào bức vẽ đã ám chỉ sự lột xác của Queen sau hai album trước - khi gã khổng lồ của News of the World oanh tạc tại một khán phòng opera?  
Cả hai bức vẽ được thực hiện bởi họa sĩ truyện khoa học viễn tưởng người Mỹ Frank Kelly Freas. Khi được Queen nhờ vĩ bìa cho album của mình, ông đã đồng ý nhưng đã không nghe album cho tới khi hoàn thành, vì sợ rằng mình sẽ ghét nó và bị những cảm xúc tiêu cực chủ quan làm ảnh hưởng. Cuối cùng, ông đã thực sự thích News of the World vì gốc nhạc cổ điển vững chãi trong nền tảng của ban nhạc.
(Hình minh họa bên trong của News of the World)
Người có ý tưởng mời Frank Kelly Freas thiết kế bìa album độc nhất vô nhị này là Roger Taylor. Trước đó ông đã thấy phiên bản gốc của con robot khổng lồ trên bìa của tạp chí truyện khoa học viễn tưởng “Astounding Science Fiction” (ra năm 1953). Tranh vẽ gốc vốn được dùng để minh họa cho truyện "The Gulf Between" của Tom Godwin. Qua đây, Roger nảy ra ý tưởng thay thế xác người đàn ông trên tay con robot bằng xác bốn thành viên của Queen, cũng như về bức vẽ thứ hai.
(Roger và cuốn Astounding Science Fiction) 

IV, Lời kết

Cám ơn bạn đọc vì đã dành thời gian cho bài viết rất dài này. Qua đây, người viết mong có thể mang Queen tới gần hơn với người yêu âm nhạc tại Việt Nam, mặt khác, cung cấp thêm một số thông tin thú vị cho các fan hâm mộ khác.
(Buổi diễn kỷ niệm 40 năm cho album News of the World 2017 - Queen + Adam Lambert)

Với những ai đã nghe qua News of the World, đâu là ca khúc mà bạn có ấn tượng mạnh mẽ nhất? Hãy để lại comment và chia sẻ với mọi người. Bên cạnh đó, upvote và các bình luận phản hồi của các bạn luôn là nguồn động lực lớn lao để mình tiếp tục thực hiện các bài viết tương tự.

Hẹn gặp lại!

*Các nguồn tham khảo:
Album News of the World (1977) - Queen
Queen in 3D – Brian May


*Bonus content for those who actually read through my lengthy post