6 năm trước, tôi đã đọc bài này. Bài báo kể về những bài thi điểm 0 của những thí sinh Trung Quốc trong kỳ thi Đại học của họ. 6 năm, tôi luôn nhớ bài viết này.



Từ lâu trong các kỳ thi đại học ở Trung Quốc đã tồn tại một hiện tượng gọi là “bài luận điểm 0”. Đây là những bài luận mà thí sinh trả lời cho câu hỏi chính trong môn thi văn hóa và ngôn ngữ bắt buộc nhưng không được chấm một điểm nào.Nhiều bài luận như vậy sau đó đã được tung lên mạng, và vì đề bài ở mỗi tỉnh là khác nhau nên có rất nhiều bài luận như vậy được đưa lên. Trong số đó có nhiều bài văn hoàn toàn là do thí sinh cố tình chơi khăm chứ không phải do ngu dốt.


.....


Bạn hãy đọc, và bạn sẽ hiểu tại sao cái dân tộc này thực sự vĩ đại. Họ vĩ đại bởi có những cá nhân bản lĩnh thật sự. 8 năm trước, từng có một cô bé người Trung Quốc 13 tuổi, tham gia kỳ họp đại biểu quốc hội của Trung Quốc và giơ tay hỏi Ôn Gia Bảo “Các bác nói rằng giảm việc đọc chép, giảm cái sức nặng của những cái cặp mà chúng cháu mang. Cớ sao bây giờ cặp của cháu vẫn nặng?”


Chính quyền cho phép những cô bé đó được phát biểu. Và các cô bé đó phát biểu với chính kiến thật sự chứ không phải được bơm lời, được cô giáo dặn dò trước “Hôm nay có dự giờ nhé, cô sẽ hỏi câu này và các em sẽ trả lời thế này.”


Ta thua từ trên xuống dưới đấy ! Từ sự đột phá của người lãnh đạo, cho tới sự thiếu chính kiến của các bạn trẻ ! Trong kỳ thi Đại Học vừa qua, có em nào đã dám nói Formosa trong bài? Đã nói về lòng yêu nước trong bài của các em? Đã nói về hiện trạng đất nước của các em? Đã nói về chính kiến của các em một cách rõ ràng nhất.


Có không, trả lời anh đi, những cậu bé, cô bé vừa thi xong?


****


Đề bài: “Sự công bằng kiểu Trung Quốc” Một thí sinh ở tỉnh Tứ Xuyên đã viết “Khi nhìn thấy đề bài, tôi đột nhiên muốn cười phá lên. Vâng, đúng vậy, tôi muốn bật cười. Như thể tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt dữ tợn xám xịt của vị giám khảo khi nhìn thấy bài thi này.”


“Báo chí nước nhà cho biết, giá bất động sản Trung Quốc đã tăng vọt gấp 20 lần trong thập niên vừa qua. Khi mà tất cả những thanh niên có hoài bão không thể ngóc đầu lên được vì bị giá nhà đè bẹp, vậy công bằng ở đâu?”


Bài văn viết tiếp:


“Mức lương tháng của những người bình thường chỉ đủ để mua nửa mét vuông bất động sản mỗi tháng, trong khi bất cứ chiếc đồng hồ nào của “Đại ca Đồng hồ” (chỉ quan chức Dương Đạt Tài đeo đồng hồ hàng hiệu khi đi kiểm tra hiện trường một vụ tai nạn – PV) cũng trị giá hàng chục ngàn tệ, và “Đại ca Đồng hồ” thậm chí còn tuyên bố rằng mình sở hữu hàng chục đồng hồ như thế. Đại ca Đồng hồ còn nói rằng ông ấy có rất nhiều căn hộ ở Bắc Kinh. Thế nên mắt tôi gần như bật ra khỏi tròng khi đọc đề bài thi này.


Thật may là sau đó xuất hiện một “Đại tẩu Nhà đất”, người mà bằng những hành động của mình đã nói với “Đại ca Đồng hồ” rằng: Ngươi chẳng là cái thá gì cả, đồ trẻ ranh!


Rốt cuộc trên báo chí tràn ngập tin tức cho biết “Đại tẩu Nhà đất” có hàng chục căn hộ ở Bắc Kinh, cộng thêm 4 cuốn sổ đăng ký nhà. Những cuốn sổ đó là thật, và bà ấy có 4 số chứng minh nhân dân khác nhau (4 nhân thân hợp lệ khác nhau).”


Thí sinh này định nghĩa công bằng bằng cách điểm lại một loạt những vụ việc bị báo chí phanh phui gần đây:


“Xã hội công bằng là nơi mọi người đều bình đẳng, nơi luật pháp là tối thượng, nơi nhân viên quản lý đô thị không đánh đập dân thường, nơi hiệu trưởng không vào khách sạn với nữ sinh, nơi bác sỹ tập trung chữa trị cho bệnh nhân.”


Thí sinh này nêu lên thực trạng:


“Tôi sinh ra trong xã hội này, hít thở bầu không khí ô nhiễm cao độ, ăn những loại thực phẩm có thể giết chết tôi bất cứ lúc nào, nhìn vị giám đốc công ty thuốc lá quốc doanh thu về bạc triệu.”


“Khi hơn mười ngàn con lợn chết bị vứt xuống sông Hoàng Phố, tôi nhận ra rằng nếu tôi không tin vào “sự công bằng” này, tôi rồi cũng sẽ có kết cục như chúng. Tôi vẫn mong chờ một cuộc đời “công bằng”, nơi các quan chức trung thực và làm việc thật sự, nơi các doanh nhân kinh doanh có lương tâm, nơi giá nhà không cao ngất ngưởng đến lố bịch, nơi con người sống trong hạnh phúc và mãn nguyện.”


Bài văn này kết thúc với một lời thách thức giám khảo:


“Hãy cho em một điểm 0, thưa giám khảo kính mến. Em không sợ đâu, sữa bột Sanlu còn không giết được em thì một điểm 0 nào có hề hấn gì. Xin đừng do dự, hãy ngoạc bút vào ô điểm, rồi giám khảo có thể đi đánh mạt chược…”



***


Trong khi đó, một thí sinh ở Thượng Hải khi được yêu cầu làm bài nghị luận về “những điều quan trọng hơn trong cuộc sống” đã trả lời rằng đó là “trở thành một ca sĩ nhạc rock thực sự”, “chiến đấu với một ban nhạc rock”, “sống tự do” và “có bạn gái”.


Thí sinh này viết:


“Em không muốn tham dự kỳ thi gaokao. Rốt cuộc, với trình độ này em chỉ có thể vào được trường đời mà thôi”. Và hiển nhiên điểm số mà thí sinh này nhận được là con số 0 tròn trĩnh.


Trong kỳ thi đại học năm 2009, một thí sinh muốn nổi trội trong đám đông đã viết bài thi của mình bằng ký tự hình xương, một dạng văn tự cổ được sử dụng từ thời kỳ Đồ Đồng. Được biết giám khảo đã phải tìm một chuyên gia để giải mã bài văn này, sau đó họ đã phải bàn bạc rất nhiều mới quyết định cho điểm 8 trên thang điểm 60.


Điều đáng nói là phản ứng của cộng đồng mạng đối với những bài văn kiểu này khá tích cực. Nhiều người cho rằng những nỗ lực cá nhân này cần được cho điểm cao vì tính sáng tạo bởi không chỉ các học sinh thấy nhàm chán với hệ thống thi cử hiện tại ở một đất nước đang phấn đấu đổi mới hơn nữa như Trung Quốc.


Phải chăng Việt Nam có nhiệt huyết, nhưng quá máy móc và thiếu thực tiễn như những người bạn trẻ tình nguyện với hàng rào sống này ? Dù có tâm nhưng có nhiều cách làm hiệu quả hơn là sự hy sinh như thế này!


Lời cuối:


Nếu bạn xem Trung Quốc là kẻ thù. Bạn hãy giỏi hơn kẻ thù của bạn! Ngược lại, bạn chỉ làm mồi cho họ thôi ! Và tốt nhất, hãy học hỏi từ chính kẻ thù!


(18/7/2016)


_Dũng Phan_



----------



Hôm nay mới đọc được bài này trên Page The X File of History thấy hay hay nên muốn share cho mọi người đọc cùng :D Hôm trước thấy "cộng đồng mạng" rần rần share những bài văn bá đạo kì thi THPT ở VN có đọc qua thấy ngoài hài hước theo kiểu ngô nghê, ngớ ngẩn ra thì chẳng có gì hay ho :)


Cứ chửi Tàu thế nọ thế kia nhưng có bao giờ ta nhận thấy có rất rất nhiều người dân Trung Quốc cũng suy nghĩ tiến bộ, cũng bất bình vì xã hội & chính sách của họ còn nhiều bất cập?


Trước nay mình đều quan niệm tất cả rắc rối, tranh chấp và mọi vấn đề giữa VN và TQ hầu hết do chính sách cầm quyền của chính phủ TQ chứ người dân của họ nhiều khi chả thèm quan tâm, còn cơm áo gạo tiền và đầy rẫy những thứ sát sườn trong cuộc sống đầy bất công mà...