Nếu một đứa trẻ hướng nội được nuôi dưỡng như một đứa trẻ hướng ngoại
Nếu một đứa trẻ hướng nội được nuôi dưỡng như một đứa trẻ hướng ngoại thì…?

Tôi sinh ra với thể chất khá yếu ớt, phần lớn thời gian tôi đều ở trong bệnh viện. 5 năm đầu đời tôi ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà, đa phần lý do là cảm sốt, nặng hơn thì tôi hay ngất khi gặp người lạ hoặc giỡn quá mức. Nghe đến bệnh của tôi, ai cũng bó tay chẳng hiểu nổi tôi bị cái gì. Mà cũng vì vậy nên tôi không đi nhà trẻ, tận năm 4 tuổi mới vào một trường mẫu giáo. Khoảng thời gian đầu tôi cũng cứ xỉu lên xỉu xuống như thế, mãi mới quen dần mà đỡ hơn.
Khoảng thời gian cấp một và hai tôi khá yên ắng, và ít nói. Lúc nhỏ thì tôi nói rất nhiều, trong mắt mọi người là một đứa trẻ lanh lợi, lớn dần thì ít nói hơn hẳn và mẹ tôi nghĩ rằng do tuổi mới lớn nên tôi mới thế. Nhưng dần dần mẹ nghĩ tôi có vấn đề và bắt tôi phải đi nói chuyện với nhiều người hơn. Bà cũng hay dẫn tôi đến những bữa tiệc, và luôn cố để khiến tôi nói chuyện với mọi người dù tôi không thích một chút nào. Trong suốt khoảng thời gian cấp hai, mẹ luôn cố thuyết phục tôi về việc tôi nên có nhiều bạn bè ra sao và nên làm gì để trở nên năng lượng và tích cực hơn. Suốt hành trình đó tôi cảm thấy như mẹ đang cố đập vỡ cái kén chưa hình thành của tôi và lôi tôi ra ngoài thế giới của người hướng ngoại.
Những bữa tiệc, những cuộc gặp mặt xã giao, những cách để giao thiệp và làm quen với người lạ. Lúc đó tôi đã tin mình nên sống một cuộc sống quây quanh bởi những người lạ như thế, và ở nhà là một điều gì đó rất phí hoài tuổi trẻ và thời gian. Tôi đã trở nên vui vẻ và hòa đồng hơn, việc gặp gỡ và nói chuyện với bạn bè mới cũng dễ dàng hơn.
Nhưng cho đến khi tôi đi du học, việc làm quen bạn bè trở nên khó khăn hơn, và thật chất là những cuộc xã giao sẽ mang tính chất khác với lúc tôi còn nhỏ vì người lớn thì lúc nào cũng dành sự nhẹ nhàng dành cho những đứa trẻ. Nhưng tôi đã chẳng còn là đứa trẻ theo mẹ trong những bữa tiệc khi nhỏ nữa. Việc ít nói quay trở lại khiến tôi dần chẳng hiểu rõ bản thân mình là ai. Tôi đã từng khẳng định rằng mình là một đứa hướng ngoại, và mình cần bạn bè. Và chẳng bao giờ tôi muốn đi đâu một mình, hay nằm nhà với mớ sách tôi thích, bộ phim tôi muốn xem vì tôi cho rằng nó phí thời gian và cô đơn vô cùng. Suốt khoảng thời gian trưởng thành, tôi được dạy như thế, và việc đi ăn một mình khiến tôi cảm thấy như một sự thất bại nặng nề.
Tôi loay hoay trong chính tính cách của mình vì tôi cho rằng tôi là một người hướng ngoại, nên chọn nghề nghiệp tôi cũng chọn một công việc phù hợp với người hướng ngoại. Nhưng dần dần tôi nhận ra việc đi nói chuyện với người lạ tốn năng lượng của tôi một cách nặng nề. Đôi khi việc phải làm quen người lạ, hay liên tục nói chuyện khiến tôi stress kinh khủng mà chẳng rõ tại sao. Tôi thích ở nhà nhiều hơn, và dần thu mình hơn. Có một khoảng thời gian tôi đã tự trách bản thân mình kinh khủng chỉ vì mình ở nhà quá nhiều thay vì lao ra đường và làm quen người này, người kia hoặc đi tình nguyện chẳng hạn. Tôi đã cho rằng mình bị lười và mình thật tệ hại chỉ vì không hiểu rõ bản thân mình muốn gì.
Sau một khoảng thời gian khá dài, tôi đã dần thỏa thuận với bản thân. Tôi đi ăn một mình, đạp xe quanh quẩn thành phố một mình, và tận hưởng khoảng thời gian một mình thật tốt. Tôi dần nhận ra, tôi thích điều đó. Việc ở một mình và không gồng mình nói chuyện với người khác khiến tôi thoải mái hơn rất nhiều, và giúp tôi có năng lượng nhiều hơn sau những ngày một mình như thế.
Lúc đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu hơn về hướng nội, hướng ngoại cũng như làm những bài test về tính cách. Trong bài viết của tác giả Cheshire có nhắc đến một nghiên cứu của Jerome Kagan về việc hướng nội, hướng ngoại do bẩm sinh, và hạch hạnh nhân của người hướng nội sẽ nhạy cảm hơn. Nên việc tiếp xúc nhiều với những sự kích thích mới lạ (người lạ, đám đông, hoặc bất kỳ trải nghiệm mới lạ nào đó.) sẽ triệt để tiêu hao năng lượng của họ. Có lẽ tôi đã tìm được câu trả lời cho chứng bệnh kì lạ tôi có lúc nhỏ. Nhưng có phải họ sẽ mãi mãi không thể tiếp xúc với người lạ? Sự thật là không phải như thế, họ không phải cả đời sẽ không thể làm quen người lạ, nhưng họ cần thời gian sạc pin. Cũng như tôi vậy.
Nói cách khác chính là để họ tháo bỏ lớp mặt nạ hướng ngoại của mình và tận hưởng những điều khiến họ thoải mái. Điều mà tôi đã luôn tự trách bản thân và không thật sự thoải mái cho điều mình muốn. Tôi đã loay hoay và stress vì những điều thật sự thuộc về bản tính của mình.
Thật ra việc giáo dục của mẹ tôi không sai. Bà đã giúp tôi trưởng thành hơn trong cách đối đãi với người ngoài, và cách để giao lưu trò chuyện với người lạ. Nhưng bà đã sai khi cố nhào nặn tôi trở thành một người hướng ngoại và không được tìm hiểu về tính cách thật sự của mình. Nhưng lôi quá khứ ra để trách cứ thì quá khứ vẫn là quá khứ, và bản thân vẫn là người chịu bất hạnh. Nên tôi nghĩ, thật ra chúng ta không lựa chọn được cách ba mẹ đã dạy dỗ chúng ta, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng tự tìm hiểu chính mình.
Việc phân biệt tính cách cần rất nhiều thời gian để tự tìm hiểu bản thân và học cách chấp nhận. Thật ra làm người hướng nội cũng không phải chuyện gì quá tồi tệ. Từ khi đi du học, tôi thấy rất nhiều người đi vào rạp xem phim một mình, đi ăn một mình, shopping cũng chỉ một mình. Họ không cô đơn, và tôi cũng cảm thấy mình như thế, vì tôi biết khoảng thời gian nào tôi muốn ở một mình. Và điều đó khiến tôi dễ chịu. Đôi khi môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng rất nhiều, như tôi thì việc mẹ tôi luôn không muốn tôi đi đâu đó một mình, và người xung quanh cũng rất hay dòm ngó và ý kiến về điều đó khiến tôi luôn mang chiếc mặt nạ và gượng ép để đi cùng người khác. Nhưng điều đó có thể sẽ khiến bạn trở nên mệt mỏi hơn, nên việc tìm cách để sạc pin đúng cho năng lượng của mình là điều cần thiết. Cũng như nếu bạn cũng lớn lên trong môi trường như tôi, đừng tự trách bản thân mình nữa. Việc làm một người hướng nội cũng có thú vui của người hướng nội, chúng ta hoàn toàn có thể học cách trở nên hướng ngoại, nhưng không việc gì phải từ bỏ những tính cách thật sự của mình.
Dù sao thì mặt nạ cũng phải có lúc cần gỡ ra để thông thoáng. Hãy tự vẽ cho mình một chiếc mặt nạ và tìm tốt một nơi trú ẩn để tháo nó xuống nhé.
Ngoài ra, nếu bạn đã là bậc cha mẹ, tôi hy vọng bạn có thể tìm hiểu hơn về tính cách của con mình. Muốn tốt cho một đứa trẻ có rất nhiều cách, nhưng đừng vì muốn tốt mà bóp méo tính cách của nó. Hãy để cho đứa trẻ của bạn có cơ hội tìm hiểu bản thân, việc hướng nội hay ngoại cũng đều có cái lợi riêng và không gì phải chối bỏ tính cách thật sự của mình cả.
-Lâm Duệ Nghi-

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất