[Vô tình nhìn thấy một bản nháp đã từ rất lâu nhưng chưa publish]
Hellen Keller đã từng tâm sự rằng: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người còn không có chân để đi giày”.Cuộc đời là một chuỗi các khiếm khuyết. Dù ở bất cứ đâu, bạn hoàn toàn có thể bắt gặp những con người mang trên mình những khuyết tật.
Theo chân cô bạn đến ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM), tôi không khỏi ngạc nhiên khi gặp Bích Vân - một cô bạn năm Nhất, đang theo học tại Khoa Ngữ Văn.
Bích Vân - Sinh viên năm nhất khoa Văn học - ĐHKHXH&NV (VNU-HCM)
Vân lớn lên, mang trong mình một khiếm khuyết về đôi mắt. Bạn không thể cảm nhận được cuộc sống xung quanh, về màu sắc, về những vẻ đẹp của cuộc đời một cách đầy đủ nhất bằng đôi mắt của chính mình. Khi được hỏi làm thế nào để Vân có thể cảm nhận được vạn vật xung quanh, bạn đã không ngần ngại mà chia sẻ với chúng tôi: “Mình thấy rằng, mọi thứ đều có quy luật bù trừ của nó. Ví dụ như khi mình không thấy được, nhưng nhiều lúc mình lại nghe rõ hơn những bạn khác, hoặc là có những khi mình lại cảm nhận được nó tốt hơn những người khác”.
Với ước mơ trở thành một cô giáo dạy Văn, Vân đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn của bản thân. Từ khi còn mới 5 tuổi, Vân đã rời xa ba mẹ và gia đình ở Kiên Giang để đến một mái ấm sống cùng với những con người lạ lẫm, Vân đã vượt qua những nỗi nhớ nhà, những khó khăn ban đầu để có thể đi học hòa nhập với các bạn. Và đã có lúc, Vân đã phải chịu những áp lực rất lớn về cuộc sống ở mái ấm. Vân nói: “Có một khoảng thời gian mình bị áp lực bởi vì bị người ta chèn ép. Tại vì khi mình sống ở mái ấm cũng có người này người kia mà. Đó là lúc mà mình rất muốn bỏ cuộc, mình có cảm giác như mình không thể học được nữa. Và mình đã phải nghỉ suốt một học kỳ. Nhưng sau đó mình đã cố gắng để đi học lại.” Thật sự, mọi thứ đã quá khắc nghiệt với một cô bé như Vân ngày ấy. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, lên cấp 3, Vân lại không được trường THPT nhận bởi vì khiếm thị, vì vậy, bạn đã chọn học tại một trung tâm GDTX. Và ước mơ làm cô giáo dạy Văn đã thôi thúc Vân lựa chọn khoa Văn học tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM).
Mọi người thường nói rằng: “Không có ai là có thể lấy đi của người ta tất cả”. Và rồi, cuộc đời đã giúp Vân có được những người bạn tốt. Vân đã kể cho chúng tôi nghe một cách say sưa và tự hào về những người bạn của mình. Đó là cô bạn ở khoa Ngôn ngữ học, với một cơ duyên nào đó, mà bạn ấy và Vân đã vô tình học với nhau các môn đại cương, ngồi cạnh nhau trong những giờ học và giúp đỡ nhau mỗi giờ tan học, từ đó cô bạn ấy trở thành đôi mắt của Vân, đôi mắt từ tình bạn đẹp đẽ trên con đường đi đến ước mơ. Đó là cô bạn cùng hoàn cảnh với Vân hồi cấp 3, người đã cùng Vân trải qua những kỉ niệm đáng nhớ. Vân kể cho chúng tôi nghe về một ngày mưa gió, khi hai bạn đang trên đường đi học về trên con đường D2 (nay là đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) đang bị ngập bởi triều cường. Một người thì không thể nhìn thấy, người kia thì chỉ có thể thấy mờ mờ, thế nhưng, cả hai bạn đã cùng nhau lội ra tới bến xe Miền Đông. Vân tâm sự: “Mặc dù lúc đó cũng mệt lắm, nhưng sau này kể lại thì thấy vui lắm, sau đó thì bọn mình cũng lên được xe buýt, nhưng vì kẹt xe nên 9h tối mới về được đến nhà. Ngồi trên xe run ơi là run, lạnh quá là lạnh. Vậy mà hai đứa vẫn có thể cười nói vui vẻ được”. Trước sự vui vẻ hồn nhiên kể chuyện của Vân, chúng tôi lại lắng xuống, và có chút nể phục,quả thật, đối với một người bình thường khi gặp phải hoàn cảnh đó cũng đã cảm thấy rất khó khăn rồi. Nhưng có lẽ, tình bạn và sự đồng lòng đã giúp Vân và cô bạn vượt qua được khoảnh khắc ngày hôm đó.
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình học ở môi trường đại học là gì, Vân đã kể cho chúng tôi nghe về quá trình học ngoại ngữ và tin học. Mặc dù cuộc sống của Vân đã có những công cụ hỗ trợ như máy ghi âm, chữ nổi hay các ứng dụng trên điện thoại và máy tính, nhưng khó khăn của Vân hiện tại là vẫn chưa có sách Tiếng Anh chữ nổi. Điều đó đã khiến cô bạn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu bài ở lớp. Vân tâm sự: “Mấy bài đầu thì mình còn theo được, chứ càng về sau thì càng khó. Bây giờ mình còn phải gửi sách Tiếng Anh đến nhờ người ta dịch sang chữ nổi thì mình mới có thể học được. Mà như vậy thì phải mất gần 1 năm, điều đó khiến mình sẽ bị chậm hơn hẳn các bạn”. Vân nói với chúng tôi về những khó khăn khi sử dụng máy tính, thế nhưng, cô bạn lại không hề quan trọng hóa về các chứng chỉ tin học mà chỉ muốn tiếp thu được thật nhiều kiến thức để giúp ích cho bản thân mình sau này.
Một điều mà khiến chúng tôi thực sự nể phục trước Vân đó chính là động lực. Vân đã nói với chúng tôi rằng: “Mình đâu thể được chọn hoàn cảnh mà mình sinh ra, nhưng mình lại hoàn toàn có quyền sắp đặt cho cuộc sống của mình. Thay vì mình ở nhà và buồn chán, mình không được tiếp thu bất kỳ một điều gì, thì mình có thể đi học, mình có thể đạt được ước mơ của mình, và rồi, mình có thể giúp ích được cho nhiều người hơn. Từ đó thì cuộc sống của mình cũng sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. Và khi mình sống có ích thì xã hội cũng sẽ dần hòa đồng hơn với những người khuyết tật giống như mình.”
Cũng giống như những cô bạn tuổi 18 khác, Vân cũng ấp ủ ước mơ về một gia đình nho nhỏ hạnh phúc, ước mơ tìm được một người yêu thương mình thật lòng trong tương lai. Thế nhưng, bạn lại khiêm tốn mà nói rằng: “Đó cũng giống như một cái duyên thôi, cứ như người ta cho thì mình hưởng vậy đó”.
Cuối buổi trò chuyện với chúng tôi, Vân đã gửi những lời cảm ơn đến ba mẹ, các thầy cô, các sơ và tất cả mọi người đã giúp đỡ Vân, để Vân có cơ hội được đi học, được sống hòa nhập với các bạn. Và Vân cũng muốn gửi lời xin lỗi đến ba mẹ, vì đã có những lúc bạn đã vô tình làm ba mẹ phiền lòng nhiều vì bản thân mình.
Và Vân cũng muốn gửi gắm đến các bạn có cùng hoàn cảnh với mình rằng, các bạn nên chấp nhận và vượt qua sự tự ti về hoàn cảnh của bản thân, cố gắng tìm cho bản thân mình một con đường để có thể thay đổi bản thân mình và hòa nhập hơn với cộng đồng, giúp ích nhiều hơn cho cuộc sống.
Cuộc sống vốn dĩ đã không công bằng, nhưng nếu thực sự nỗ lực và không ngừng cố gắng thì mỗi chúng ta đều có thể tự giành lấy được công bằng cho bản thân. Để có những lời chia sẻ đầy lạc quan và vui vẻ này cô gái Vân ắt hẳn đã trải qua một quá trình gian khó và đầy nước mắt. Nhưng sau cơn mưa bầu trời lại bừng sáng, trong căn phòng tự học nhỏ bé mà chúng tôi hẹn gặp Vân vào một buổi sáng sớm trong lành, Vân vẫn cười và hy vọng vào một tương lai tươi sáng đang chờ mình phía trước.
------------------------------------
Bài viết được chỉnh sửa bởi: Bạn Admin page Tôi thấy