Nếu giàu sang là một điều bất hạnh
Tôi không thể chịu được nỗi buồn của một đứa trẻ. Nếu ai đó hỏi tôi điều gì làm tôi không thể chịu được, tôi sẽ trả lời ngay đó là...
Tôi không thể chịu được nỗi buồn của một đứa trẻ.
Nếu ai đó hỏi tôi điều gì làm tôi không thể chịu được, tôi sẽ trả lời ngay đó là việc phải chứng kiến một đứa trẻ buồn.
Giả như khi tôi buồn chả hạn. Tôi thấy không mấy khó chịu với điều này vì hơn ai hết, tôi hiểu và làm chủ được nỗi buồn đó. Tôi sẽ biết cách kiếm một thứ gì làm để giúp tôi đỡ buồn, hay đúng ra là để tận hưởng và chấp nhận một cảm xúc cơ bản của cuộc sống. Hay như khi bạn tôi buồn chả hạn. Tôi sẽ chủ động rủ bạn đi chơi, nghe bạn kể về nỗi buồn của bạn, và tôi sẽ cảm thấy vui một chút khi biết sự hiện diện của tôi vào lúc này, dù chẳng cần nói một lời, cũng khiến bạn đỡ cô đơn.
Nhưng nỗi buồn của một đứa trẻ thì hoàn toàn khác.
Tôi chẳng biết phải làm gì. Bởi chúng quá nhỏ để tiếp thu những triết lý quá cơ bản giống như người lớn, bởi chúng không chấp nhận được cái thực tế mà người lớn đã quá thân quen, bởi cái thế giới trong chúng đơn giản đến mức ngây ngô xem ra quá tội nghiệp, bởi đối với tôi tuổi thơ là quãng thời gian không nên buồn quá nhiều bởi nỗi buồn khi lớn lên đã đủ lắm rồi. Bởi chăng là chúng quá nhỏ bé hay tôi, chính tôi mới nhỏ bé trước nỗi buồn quá to lớn trong thế giới mộng mơ của chúng, bởi trong mỗi nỗi buồn đó, qua ánh mắt trong veo đó, tôi nhìn thấy phần yếu đuối dễ tổn thương nhất trong chính bản thân mình, tôi thấy mình vừa là người bị thương lại cũng chính là người góp phần gây tổn thương. Những nỗi buồn rất sâu của bọn trẻ đều có bóng hình người lớn.
– Con không thích về nhà. Về nhà chẳng có ai, chỉ có mỗi TV và ipad.
– Sao cô tưởng các con thích chơi ipad cơ mà
– Đấy là tại không có gì chơi mới phải chơi thôi.
Bạn nói xem tôi nên làm gì và nên cảm thấy như nào trước câu chuyện của một đứa trẻ 9 tuổi như này. Trước hai cái má tròn trắng hồng, đôi mắt trong veo mà đã biết nhìn xa xăm. Chiều nào chúng tôi cũng rúc vào một góc gầm bàn để trò chuyện. Có đôi khi tôi phải quay đi vì sợ nó thấy mắt tôi đỏ, có đôi khi tôi phải bất giác quay sang để xem có đúng một đứa 9 tuổi đang kể chuyện cho tôi không, bởi những vấn đề xã hội như này tôi chỉ thấy trên báo chí người lớn viết thôi mà…
– Ba mẹ con lại đang cãi nhau. Mấy ngày nay không nói chuyện rồi.
– Ba mẹ con hay cãi nhau lắm à?
– Vâng. Nhưng hay cãi nhau lúc không có con. Còn khi nào có con ở đấy thì con hay…đỡ.
– (Cười) Con đỡ như nào?
– Con bảo: “Ba mẹ đừng cãi nhau nữa.”
– Xong ba mẹ có cãi nhau tiếp không?
– Có, nhưng cãi bé hơn.
…
– Có lần ba mẹ cãi nhau to lắm. Mẹ con còn trèo ra ngoài ban công định nhảy xuống. Xong rồi ba con phải chạy nhanh ra bê vào.
Tôi không hiểu nổi tại sao người lớn lại có thể cho trẻ con chứng kiến những cảnh như này. Nó nguy hiểm hơn cả bạo lực, cả phim khiêu dâm, những thứ mà hàng ngày họ làm mọi cách để ngăn cản con cái mình tiếp xúc trong khi một cảnh như thế này thì họ tàn nhẫn để con phải trực tiếp làm nhân chứng. Vết thương ngay lập tức không làm con chảy máu, nó chỉ âm ỷ như khối u tích tụ trong cơ thể thôi. Chỉ ám ảnh thôi. Chỉ làm con sợ hãi thôi. Chỉ vậy thôi, còn có gì buồn hơn được nữa.
Ở một ngôi trường có học phí đắt bậc nhất Hà Nội như thế này, không khó để bắt gặp một vài mẩu chuyện từa tựa như trên. Những đứa trẻ có xuất thân quá giàu có hóa ra đều ôm ấp những tâm sự giống nhau. Giống chúng ta. Có con bé mấy hôm liền bị ốm phải ở nhà, được trở lại trường nó vui ra mặt. Nghỉ giữa giờ ngồi hỏi chuyện, hỏi nó bé như thế bị ốm không có mẹ ở nhà ai chăm sóc. Nó kể mẹ con gọi điện về suốt mà, bảo bác giúp việc con thích ăn gì bác mua cho. Hỏi nó thế nó đòi bác mua gì, nó bảo con chả thích ăn gì, cả đêm nằm khóc vì nhớ mẹ. Con bé hồi đầu năm cứng cỏi, mạnh mẽ như thế mà đến cuối năm cứ hơi tý là khóc, khóc cái kiểu mím chặt môi không gây tiếng động để nước mắt cứ rơi lã chã, tức tưởi. Hôm họp phụ huynh thầy giáo hỏi thấy dạo này cháu dễ xúc động quá, mẹ cháu cũng khóc luôn, nghẹn ngào: “Năm vừa rồi bố mẹ cháu bận quá chỉ về nhà có hai lần nên không theo sát được tâm lí con.” Có đứa bố mẹ li dị, con ở với mẹ nhưng họp phụ huynh lại bà nội đi họp. Thằng bé bản chất là đứa rất ngoan nhưng càng ngày càng có nhiều biểu hiện tiêu cực, cục cằn. Ngồi xuống nghe thầy cô nhận xét, mắt bà đỏ hoe: “Mẹ cháu lấy chồng mới rồi đẻ liền quá, ở nhà chẳng ai để ý đến cháu. Bà nội thương cháu nhưng đến nhà dượng nhiều thì ngại, không lên thăm thường xuyên được.” Mỗi lần họp phụ huynh như vậy giáo viên cứ như bác sĩ tâm lí ngồi nghe tâm sự của các gia đình: “Giá như bố cháu dành thời gian cho con nhiều hơn.”, “cháu không bao giờ kể chuyện ở lớp, mà em bận quá cũng không có thời gian hỏi”, “bố cháu toàn đi công tác hai ba tháng mới về một lần nên coi như em phải lo tất cả việc dạy dỗ cháu”…
Sau mỗi buổi họp như vậy tôi thấy lòng nặng trĩu. Một sự bế tắc ngược đời mà trước đó tôi chưa từng nghĩ đến. Phải chăng đây là sự giàu sang tất cả chúng ta đều hướng tới, là đích đến của mọi tầng lớp, nghề nghiệp, hoạt động diễn ra mỗi ngày? Để khi lên được tới nơi loài người lại đắm chìm trong một thứ đau khổ khác – gây nên chính bởi công sức của mình? Người nghèo khổ vì không đủ tiền lo cơm áo, ăn học. Người giàu khổ vì không đủ thời gian.
Tôi từ bỏ ngôi trường ấy một phần vì bất lực. Tôi chẳng làm gì được cho chúng ngoài những cái ôm.
Biết rằng mỗi quyết định đều đi kèm rất nhiều đánh đổi. Ai cũng có lí lẽ cho quyết định của mình nhưng có những điều quá rõ ràng mà chính mình cố gạt đi để biện hộ cho sự ngu ngốc ích kỉ của bản thân.
Dù sao tôi vẫn đặt một chữ “Nếu” ở tiêu đề bài này, với một hy vọng dù là mong manh, để không còn nhiều lần tôi phải chứng kiến nỗi buồn của những đứa trẻ nhà giàu.
Trích tập tản văn Để biết thương, Đỗ Thanh Thu, NXB Hội Nhà Văn (2020). Nếu thích bài viết này, mời bạn ấn vào đây để mua sách ủng hộ mình nhé!Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất