Những gì tôi sắp chia sẻ với bạn thực chất không phải là do tôi tự nghĩ ra nhưng quan trọng hơn là tôi đã kiểm nghiệm những gì tôi sắp chia sẻ cùng bạn. 

Khi đi mua sách, sách về phương pháp dạy trẻ thường không phải là những gì ưu tiên với tôi vì đơn giản thôi tôi là sinh viên, đó không phải những gì tôi cần. 

Thế nhưng, đến bây giờ, tôi đã phải cảm ơn Sara, người viết ra một quyển sách bàn về giáo dục trẻ em của người Israel ( Quyển sách mang tên Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương ) mà tôi tình cờ được đọc và đến bây giờ tôi vẫn còn phải đọc lại nhiều lần hơn nữa vì những giá trị mà nó mang lại cho không chỉ tôi mà còn em gái tôi là quá lớn. Tôi đã thay đổi cách nghĩ rằng những sách giáo dục trẻ em chỉ nên dành cho những bà mẹ. Thực ra là không, dành cho cả những người anh, người chị, những người trực tiếp giáo dục trẻ em và cả những người hay tiếp xúc với trẻ em. 

Cuốn sách mang đến một tư duy giáo dục hiện đại mà không một người mẹ, người cha, người anh, người chị,...nào nên bỏ lỡ. 

Trước khi bắt đầu, tôi muốn kể ngắn gọn một vài chuyện vụn vặt nhưng lại xảy ra thường xuyên trong gia đình các bạn. Bạn có thường thấy nhiều gia đình các phụ huynh thường rất sốt sắng cho việc ăn của trẻ, và cảnh tượng thường xuyên diễn ra là phụ huynh hát, múa, chạy đuổi theo đứa trẻ để xúc từng thìa cơm, thìa cháo cho nó. Hay bạn có thường thấy, con trai cấp ba rồi còn để mẹ mang sách mang vở đến tận trường khi con bị quên,...Hay khi con có lỗi, như ngã ra đất chẳng hạn, bà nội lại nói :" À tao đánh chừa cái ghế này, cái bàn này, làm cho em bị ngã này."...Chắc hẳn là người Việt sống ở Việt Nam chẳng mấy ai lạ lùng những việc như trên. 

Bây giờ tôi đang là sinh viên. Thỉnh thoảng tôi có thấy những bạn bè khác hay đi học muộn. Bao giờ câu đầu tiên họ nói với giảng viên cũng là: " Em xin lỗi cô ạ vì cái xe của em/ do cái đồng hồ của em/ tại nhà em...". Chứ chẳng mấy khi lại vì em/ do em/ tại em cả. Thật lạ lùng, nhưng điều này không thể trách những sinh viên đó được. Có trách thì trách các bậc phụ huynh những người coi dạy họ từ bé đã thể hiện tình yêu một cách lạc lối và không có quy tắc. Họ dành tối đa thời gian, công sức để nhận hết trách nhiệm về phía mình và cuối cùng họ khiến cho những đứa trẻ ngày càng lớn của họ chẳng biết trách nhiệm của mình là cái gì.

Nhiều người coi thường việc dạy dỗ trẻ em theo tiêu chuẩn. Họ cảm thấy nuôi dạy trẻ giống như nuôi cún con, cho ăn cho mặc cho cái này cho cái khác là yêu, là chăm sóc là hi sinh. Nhưng liệu điều ấy có thỏa đáng, có đúng là "cho" hay thực chất là "lấy đi" của con em mình tất cả những sự tự do cá nhân, trách nhiệm cá nhân?

Hồi em tôi mới bước chân vào lớp 1, là một người chị, tôi đã khuyên mẹ tôi cho em đi học hết cờ vua, lại tiếng anh, hết hát lại múa,...Nhưng cái tôi chưa biết lúc ấy là cái cốt lõi của cuộc sống, để bạn sống mạnh mẽ và để bạn bước chân vào cuộc sống, cái quan trọng hơn tất cả là kỹ năng sinh tồn. Không mấy ai nghĩ đến nó. Có vẻ thế, vì lớp học đàn rất đông, lớp học tin học cũng rất đông, lớp học tiếng Anh giờ còn đông hơn nữa nhưng chẳng có mấy nơi người ta chú trọng dạy con cách quét nhà, cách rửa bát, cách lau dọn nơi ở và chỗ học tập của mình,...Hỏi mấy đứa tiểu học thì chẳng mấy đứa là biết bơi. Tệ hơn, có nhiều đứa chẳng biết mua một cái kẹo mút dù tay đã cầm tiền. Vấn đề là phụ huynh quay cuồng thiếu thực tế. Trẻ em lớn lên hổng chỗ này lại hổng chỗ khác, khiến cho phụ huynh đau đầu đến già. 

Ở Israel, tất cả các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống trẻ em đều được tiếp cận từ khi còn bé. 

Dưới đây là một ví dụ về một trong những phương pháp quan trọng nhất của người Do Thái.

Phương pháp bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản của người Do Thái:

( Trích trong Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương và giản lược)

Do Thái là dân tộc giàu có và thông thái bậc nhất, phương pháp quản lý tài sản của họ có thể làm khuôn mẫu cho cả thế giới.

Giai đoạn thứ nhất : Nhận biết tiền

Khi con em còn nhỏ, các bậc cha mẹ Do Thái cho chúng phân biệt tiền xu và tiền giấy, để cho chúng hiểu " tiền bạc có thể mua được bất cứ thứ gì chúng muốn", quan trọng hơn là " tiền ở đâu mà có".

Sau khi khiến trẻ hứng thú sơ bộ đối với tiền bạc, phụ huynh đi sâu vào quan niệm quản lý tài sản " dùng tiền đổi vật".

Giai đoạn thứ hai : Kỹ năng cầm tiền

Hiện nay rất nhiều phụ huynh đau đầu trong chuyện quản lý tiền tiêu vặt của con em mình vì sợ chúng dùng cho những mục đích không tốt. Họ tước bỏ cơ hội cầm tiền của trẻ đồng thời gây ra một thói quen xấu đó là dựa dẫm vào cha mẹ, chỉ biết ngửa tay xin tiền.

Rock , một người ông đã đặt ra vài quy tắc nhỏ trong việc sử dụng tiền tiêu vặt cho John, cháu của ông như sau:

1. Ban đầu Rock chỉ cho cháu của ông 1 đô la 50 xu tiền tiêu vặt.

2. Cuối mỗi tuần, ông kiểm tra ghi chép tiêu dùng của John nếu thấy cậu thực hiện tốt thì cậu sẽ nhận được thêm 10 xu.

3. Để dành ít nhất 20% tiền tiêu vặt.

4. Ghi chép chính xác, rõ ràng từng khoản chi.

5. Nếu chưa hỏi ý kiến và nhận sự cho phép thì John không được tự ý mua đồ đắt đỏ.

Khi trẻ được khoảng 10 tuổi, phụ huynh Do Thái mở cho con một tài khoản ngân hàng riêng, bỏ vào đó số tiền nhất định để cho con biết quản lý tài sản một cách thông minh, khoa học chứ không ngu ngốc, mù quáng. 

Vào lần đầu khi trẻ cầm nhiều tiền tiêu vặt, phụ huynh hết sức nhẫn nại hướng dẫn con cách chi tiêu thỏa đáng. Khi con muốn mua một món đồ đắt tiền thì phụ huynh phải nhẫn nại khuyên bảo con và nếu không được hãy bắt chúng chịu trách nhiệm với điều đó. ( ví dụ nếu con mua món đồ đó thì 3 tuần tới không được chơi game) 

Giai đoạn thứ 3: Kỹ năng kiếm tiền

Bồi dưỡng kỹ năng kiếm tiền ở con để con hiểu đạo lý đơn giản về báo đáp và thù lao qua ví dụ thực tế trong lao động. Những bài học vỡ lòng sẽ mang đến của cải vật chất và tinh thần to lớn cho trẻ.

Giai đoạn thứ 4: Tri thức quản lý tài sản

Ngoài việc dạy con chi tiêu hợp lý, phụ huynh có thể nói cho con biết những tri thức quản lý tài sản cơ bản. Phụ huynh đưa con tới ngân hàng làm một số thủ tục cần thiết để mở tài khoản cá nhân, giải thích cho chúng hiểu vì sao phải gửi tiền vào ngân hàng, tại sao lãi suất tiền gửi khác nhau, điền thông tin vào phiếu gửi tiền và phiếu nhận tiền như thế nào, chuyển tiền ra sao.

Giai đoạn thứ 5: Châm ngôn quản lý tài sản

Người Do Thái bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của. Ngược lại, họ coi "giáo dục quản lý tài sản" cũng là một cách "giáo dục đạo đức". Mục đích của việc làm cho trẻ hiểu được luân lý lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, không chỉ đơn thuần là truyền bá tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn, mà ý nghĩa sâu xa là giúp con trẻ trang bị những hiểu biết cần thiết và giá trị quan đúng đắn  của cuộc đời. 

Phải thẳng thắn nhận xét rằng, phương pháp cho trẻ quản lý tiền từ độ tuổi còn sớm như vậy mang lại nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, chia sẻ phương pháp dạy trẻ của người Do Thái không phải với mục đích biến tất cả các bà mẹ Việt Nam thành y hệt như bà mẹ Do Thái. Chúng ta có những quan điểm cũng như văn hóa và tư tưởng riêng, khó lòng mà nói chúng ta đồng ý kiến ngay được. Bản thân tôi trong quá trình thử nghiệm phương pháp trên cũng gặp không ít khó khăn nhưng sau một thời gian thì bây giờ em tôi cực kì hiểu về giá trị đồng tiền và sự đánh đổi. Em tôi lớp 2 nhưng đã biết tự kiểm tra hóa đơn đi siêu thị, mua đồ dùng gia đình, phân biệt các loại tiền và viết chi tiêu cẩn thận.

Thật không dễ gì tiếp nhận ngay một tư tưởng mới nhưng sau khi hiểu ý nghĩa của những phương pháp giáo dục mà những đứa trẻ Do Thái được học từ gia đình, tôi cũng thay đổi đi quan điểm của mình rằng trẻ em còn nhỏ thì không cần biết về tiền bạc. Điều này thật là không đúng chút nào!.

Tiếp theo, chúng ta cùng đi đến loại kỹ năng thứ hai mà bất kể ai ở đâu, ở độ tuổi nào cũng đều coi trọng đó là kỹ năng giao tiếp. 

Ziek  Rubin, nhà giáo dục Do Thái nổi tiếng, chia sẻ quá trình kết bạn ở trẻ ra làm bốn giai đoạn mà từ đó các phụ huynh có thể có những biện pháp khác nhau để giúp con em xây dựng tình bạn, rèn luyện tinh thần tập thể căn cứ vào các giai đoạn tình cảm dưới đây của trẻ:

Từ 3-4 tuổi, trẻ coi mình là trung tâm, thường coi những bạn chơi đùa cùng mình hoặc gần nhà mình là bạn. Bạn thân nhất là bạn ở gần nhất. Trẻ tìm bạn vì lợi ích: Bạn nó có đồ chơi nó thích hoặc nó không có. Ở giai đoạn này các trẻ thường xuyên chơi đùa với nhau nhưng cũng hay xảy ra tranh giành.

Từ 4-6 tuổi, đây là giai đoạn tự làm hài lòng bản thân. Trẻ coi những đứa trẻ khác cũng là cá nhân thực thụ nên mới kết bạn, chứ không kết bạn vì nhu cầu bản thân mình hay mục đích hai bên cùng có lợi. Chính vì vậy, chúng không thể cùng lúc kết bạn với nhiều đứa trẻ khác.

Từ 6-9 tuổi, đây là giai đoạn cùng có lợi. Mục đích kết bạn của trẻ là cả hai bên  cùng có lợi. Chúng phán xét bạn bè dựa vào tiêu chí: Ai làm gì vì ai và nhận được sự báo đáp. Cũng chính vì mối quan hệ hai bên cùng có lợi nên tình bạn của trẻ chỉ giới hạn ở một cặp, tập thể nhỏ hoặc bè cánh nhỏ, và thường là cùng giới tính.

Từ 9-12 tuổi, đây là giai đoạn thân thiết. Ở giai đoạn này, trẻ không quá chú ý đến những cử chỉ hành động bên ngoài của bạn mà chuyển sự chú ý đến tố chất và tâm hồn bên trong của bạn. Rất nhiều nhà tâm lý học coi giai đoạn này là sự tiếp xúc thân mật, họ cho rằng nếu như trong thời điểm này trẻ không tìm được một người bạn thân thì đến tuổi thanh niên hoặc trưởng thành chúng vĩnh viễn không có được người bạn ấy và cũng sẽ không có nhóm bạn thực sự thân thiết.

Sara Imas trong cuốn sách của bà cũng đã đưa ra Những bí quyết làm thầy huấn luyện giao tiếp của con như sau:

1.  Các phụ huynh cần tạo dựng môi trường cởi mở trong gia đình. Nếu chúng ta cho con em mình tự trải nghiệm các mối quan hệ xã hội từ khi chúng mới bắt đầu hoạt động giao tiếp xã hội  thì có thể phòng tránh những biểu hiện ngại giao tiếp ở trẻ. Bản thân cha mẹ nếu thiếu tiếp xúc xã hội ở một mức độ nhất định cũng làm hạn chế cơ hội kết giao của trẻ và điều đó cũng liên quan đến việc trẻ ngại giao tiếp.

2. Hãy cho một đứa trẻ giao tiếp tốt làm mẫu, thể hiện kỹ năng giao tiếp như: mỉm cười, chia sẻ tâm tư tình cảm với người khác, hành động tiếp xúc thân thể mang tính tích cực, ngợi khen,...để những đứa trẻ giao tiếp kém bắt chước theo.

3. Cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội một cách thường xuyên và đều đặn. Các bậc cha mẹ nên cho trẻ tham gia hoạt động vui chơi cùng người khác, cách ứng xử thân thiện với bạn bè, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với bạn như thế nào, quan tâm, giúp đỡ và cảm thông với bạn như thế nào. Cha mẹ nên thường xuyên giảng giải cho con em hiểu chúng nên nói gì, biểu lộ tình cảm và động tác như thế nào khi gặp tình huống trên, điều này có hiệu quả hơn nhiều so với việc cha mẹ chỉ đơn thuần cho trẻ bắt chước người khác.

4. Phụ huynh cần chú ý dành nhiều lời khen cho những "hành vi tốt" của con phù hợp với chuẩn mực xã hội như hành vi chia sẻ và hợp tác. Câu chuyện "Khổng Dung nhường lê" nổi tiếng thời cổ của Trung Quốc là một ví dụ thực tế rất hay. Khi nhà có đồ ăn ngon, cha mẹ có thể để trẻ làm người chia phần, khi trẻ có cơ hội chơi cùng mọi người, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nên nghĩ tới người khác, chia sẻ đồ chơi với các bạn...

Trẻ con giống như một tờ giấy trắng vậy, yêu dạy trẻ con đúng cách cũng là một nghệ thuật và là điều quan trọng của các cha, mẹ, anh, chị trong gia đình. 

Khi cùng mẹ tôi dạy dỗ em gái tôi cũng đã học được sự nhẫn nại và bao dung. 

Trên đây  là một số bài học trích từ quyển Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương của bà Sara Imas. Tôi thực sự khuyên các bạn, những người có con có em, hãy đọc nó và tạo cho trẻ em một môi trường phát triển tốt nhất bằng tình yêu chân thành của các bạn!.

Có thứ tình yêu giống như dòng nước mát, sau khi làm thỏa mãn cơn khát trong cổ họng của con, nó sẽ không để lại dấu vết gì; có thứ tình yêu lại giống như giọt máu đào đi sâu vào thể xác và tinh thần của con, suốt đời chảy trong người con, ban cho con sức mạnh. ( Sara Imas)