10 chữ "nếu" trong cuộc chiến tranh Việt Nam (phần 1) 

Phần 1: Nếu Tổng thống Truman đồng ý giúp đỡ chủ tịch Hồ Chí Minh? 

Nhân dịp các mối bang giao nồng ấm gần đây, một nhà ngoại giao đã trả lời với báo chí rằng, quan hệ Việt - Mỹ là mối quan hệ có "lịch sử lâu đời". Luận điểm đó được viện dẫn từ câu chuyện: trong hai năm 1945 - 1946, Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes. Các bức thư gửi đi với mục đích nhằm kêu gọi Mỹ, với tư cách một quốc gia bênh vực và bảo vệ Công lý thế giới, sẽ có những bước đi mạnh mẽ trong việc ủng hộ nền độc lập của Việt Nam; phản đối thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương. 
Tuy nhiên, rất tiếc là phía Mỹ đã không hồi đáp lại những là thư này. Sau đó, Mỹ ngày càng lấn sâu vào cuộc chiến ở Đông Dương, bằng cách đứng về phía Pháp, viện trợ cho Pháp, và sau đó là thế chân họ tại Đông Dương.         
Bức điện tín (Telegram) Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kì
Chính từ điểm này, nhà ngoại giao trên kết luận, hai nước Việt-Mỹ đã để lỡ "cơ duyên" lịch sử, mà từ đó có thể tránh được cuộc chiến kéo dài ngót hai chục năm. Trên các diễn đàn về lịch sử, cũng có nhiều người bày tỏ tiếc nuối, giá như Tổng thống Truman đồng ý giúp đỡ phía Việt Nam, thì Việt Nam đã tránh được quỹ đạo của Trung Quốc - Liên Xô, từ đó không xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam. 
Nhưng chữ "nếu" này có khả năng xảy ra tương đối thấp. Tạm gác lại các tranh cãi không dứt là lá thư này có thật hay không, hay có thật nhưng không đến được tay Truman, chúng ta giả sử rằng là thư này là thật và Truman có đọc nó. Vậy cùng thử phân tích, tại sao Harry Truman đã không đáp ứng lời đề nghị từ phía Việt Nam?
Lý do đầu tiên, phía Mỹ rất khó tin tưởng hoàn toàn rằng chủ tịch Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, thay vì theo chủ nghĩa cộng sản (khi bản thân ông từng tham gia quốc tế cộng sản và là thành viên Đảng Cộng sản Pháp). Dù là phía Việt Nam đã dùng nhiều biện pháp để "pha loãng" nguồn gốc cộng sản của mình, từ việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến (bao gồm nhiều tri thức không phải là thành viên Đảng), đến việc đấu tranh dưới ngọn cờ Việt Minh.
Một chuyện nữa cũng nên ghi nhận ở đây là vào năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô công nhận chính phủ Hồ Chí Minh, và điều này càng củng cố rõ ràng sự nghi ngờ từ phía Mỹ. 
Lí do thứ hai, tại thời điểm này, phe "diều hâu" tại Pháp vẫn kiên quyết muốn đưa quân quay trở lại Đông Dương. Không dễ gì mà Pháp chấn nhận mất trắng một thuộc địa mà mình đã sở hữu ngót 100 năm, và có cơ sở vững chắc về kinh tế (ngân hàng Đông Dương) và văn hóa. 
Về phía Mỹ, ưu tiên cao nhất của Mỹ lúc này là giữ được “thế trận” ở châu Âu (sau kế hoạch Marshall), tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh chủ chốt, trong đó có Pháp, để kiềm chế Liên Xô. Để đánh đổi, Mỹ hạ thấp “khẩu hiệu” phi thực dân hóa và ngầm bật đèn xanh cho cựu cường quay trở lại các thuộc địa cũ, như Pháp ở Đông Dương, Hà Lan ở Indonesia, Anh ở Malaysia… Nên chắc chắn thay rất khó có khả năng Mỹ chịu đánh đổi mối quan hệ với một đồng minh chiến lược như Pháp, để ủng hộ Việt Minh.