Làm Đĩ - Một minh chứng cho câu nói "Hồng nhan bạc mệnh", hình ảnh những người con gái hư Tân thời những năm 1930s - Pháp thuộc, được khắc họa độc đáo qua nét bút của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Được vẽ nên vào cách đây gần 1 thế kỉ, nhưng từng câu nói, từng bối cảnh trong câu chuyện gắn với đời Huyền lại là tả một cách rất thật như cái lối sống của những cái thói đời hiện nay.

Sự dưỡng dạy hay nền giáo dục đã sai hay đã đúng?

Nhận thấy được chính mình như Huyền thuở nhỏ, những câu trả lời vô thưởng vô phạt của người lớn tưởng chừng chỉ thoảng qua, vô hại. Nhưng chính nó lại đem đến cho những đứa trẻ ngây thơ những nghĩ suy sai trái vô cùng. Có hay không, nên chỉ rành mạch con cái những cái thuộc về tạo hóa, về sinh lý hay đơn thuần ấy gọi là về phần "con" trong chữ con người. Nếu được chỉ dạy từ sớm, ắt hẳn Huyền đã không là Huyền, đã không mất cái đời con gái một cách vô lý trong im lặng như thế, nhưng để nói về thời này đã khó chứ ấy mà cách đây cả 100 năm.

Cái khoảng thời "xuân tình phát động".

Chẳng phải đi đâu xa, vào cái độ tuổi ô mai, ai mà chẳng có những lần như thế, như cái Huyền nó làm (chẳng phải hoàn toàn mà là đại đa số). Cãi cha cãi mẹ, học hành, tập tành theo cái gọi là xu hướng thời đại, không theo thì cứ nghĩ bị "người đời cười chê" - cái đồ quê mùa lạc hậu. Rồi phải nói đến cả cái gọi là "xuân tình", mấy ai mà chẳng biết cái ấy nó "phát động" như thế nào.Nếu không gặp phải cái Ngọc Bích, hay cái Ngân, thì liệu Huyền có khác đi không? Hay có khi còn hơn cái sự Làm Đĩ kia nữa. Cái thời nay, còn nhiều thứ khác tiếp tay cho sự sai trái của cái độ tuổi ấy nữa, cái sự gọi là trụy lạc.

Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó?

Mỗi cái giai đoạn đời Huyền, cứ ngỡ nó dành riêng cho bản thân mình, chỉ khác nhau bởi cái góc nhìn và cái môi trường xung quanh, nhưng chung quy thì có lẽ như Huyền cả thảy. Tại sao lại phải cưới Kim, khi lòng Huyền lại hướng về Lưu Nguyễn? Tại sao Huyền lại dang díu với Tân khi thân phận đã yên bề gia thất? Tại sao Huyền lại vui sướng khi đêm tân hôn, Kim chả đụng gì đến cái sự mất đi ngàn vàng của mình? - Nó là kết quả của sự áp đặt con cái theo cái quyền làm cha làm mẹ. Cái quyền ấy không sai, nó chỉ sai khi vận dụng không toan tính.Nếu như ngày ấy, Lưu Nguyễn dắt Huyền bỏ trốn thì chắc hẳn họ đã bên nhau rất hạnh phúc. Hay nếu như Tân không có cái chủ nghĩa tôn sùng sự tự do, thỏa chí gái điếm thì chắc hẳn Huyền đã không bị chồng mình đánh đập như thế. Đời Huyền sẽ sáng hơn hẳn nếu như cô được tự do lựa chọn vào những thời điểm tréo nghoe của cuộc đời mình.

Cái sự dâm dục của đàn ông lại là cái nỗi nhục của đàn bà?

Đây là lời thoại của Duyên - tuy phận là gái điếm, nhưng thấu hiểu chuyện đời, chỉ đôi mươi những lại tận tường với những thói hư tật xấu của đời người, tuy xưa những vẫn rất tân thời. Có chăng cái gọi là "Sugar Daddy" - người nhân tình của Duyên, có chăng Duyên là Tuesday khi cặp kè với người đàn ông đã có vợ, hay có chăng muốn có rể ngoan phải có con gái hư? Ấy thảy đều là cái thói đời nay, chẳng đâu mà xa, quanh mặt báo, truyền tai nhau đều có thể bắt gặp những cái điều tưởng chừng chỉ có ở thời hiện đại. Đáng trách nhất là cái tên Quý, phận có vợ những vẫn ăn chơi chốn đĩ điếm, để rồi luôn miệng thốt những lời khinh miệt, chê bai lên Huyền, lên Duyên. Như cái miệng đời ngày nay, vẫn luôn chê bai những gái nghề đĩ ấy. Nếu như đời Huyền hay đời Duyên có lối rẽ khác, có được cuộc sống ấm êm bên Lưu Nguyễn của Huyền, hay vui vẻ ở bên cha mẹ để rồi có người thuận ý vừa mắt đến rước của Duyên. Thì ấy chắc hẳn là rất đẹp, mà đẹp như thế thì đâu còn gọi là đời. Và khi ấy cũng chẳng có cái Huyền của Làm Đĩ.
Thủng thẳng cái thói đời muôn vàn tiếng nói khen chê. Nếu biết đặt bản thân mình vô hoàn cảnh của người khác thì đã không buông lời cay đắng. Hãy lặng im nếu không biết tỏ bày sự thương cảm.
Những cái góc nhìn mang tính chất khách quan và quy lại với sự bắt đầu từ chữ "Nếu".