Netflix - Trust No One: The Hunt for the Crypto King và bài học từ vụ sập của sàn FTX
Bài viết mang quan điểm cá nhân và có tiết lộ nội dung phim
Ngày 11/11 có lẽ là một ngày buồn với nhiều người đầu tư tiền điện tử khi CEO- nhà sáng lập sàn FTX Sam Bankman-Fried đã đăng lên Twitter về việc “thực sự xin lỗi” sau nhiều ngày sàn tiền số này chống chọi với cú sốc sụt giảm giá trị đồng coin FTX, người dùng ồ ạt rút tiền và sàn FTX mất thanh khoản.
Khủng hoảng ập đến sàn tiền số lớn thứ 2 thế giới chưa đầy một tuần sau khi quỹ Alameda (một quỹ chuyên đầu tư tiền mã hóa, đầu tư mạo hiểm, market making… – Sam là nhà sáng lập và đã từ chức 10/2021 để tập trung vào sàn FTX) bị leak về tình hình tài chính bất ổn của chính bản thân nó. Khiến mọi người nghi ngờ về tính minh bạch giữa Alameda và FTX. Mọi chuyện chưa dừng lại khi CZ, CEO của Binance, sàn tiền điện tử số một thế giới đã tweet rằng sẽ bán toàn bộ token FTT do lo ngại có một cú sập như LUNA sảy ra. Hai sự việc xảy ra trong một thời gian ngắn đã giáng đòn mạnh xuống FTX, và kết cục của nó tôi đã đề cập ngay trên. Từ một sàn tiền số thứ 2 thế giới phải tuyên bố phá sản, CEO từng là tỷ phú với khối tài sản 16 tỷ USD quay trở lại con số 0 và đang chịu sự điều tra của luật pháp. FTT đang phải bán toàn bộ tài sản của mình để đền tiền cho nhà đầu tư.
Quay trở lại thời điểm ngày 11/11/2021, có lẽ là một ngày đáng nhớ của những người đầu tư tiền số khi bitcoin đạt 69.000USD/ coin. Một năm sau, đúng ngày này bitcoin đã có cú sập chỉ còn loanh quanh ở mốc 15.000USD. Nguyên nhân thì có lẽ các bạn đã rõ, hôm nay, tôi xin phép được vào việc chính là review phim Trust No One: The Hunt for the Crypto King của Netflix để thấy rằng đằng sau lợi ích của một người, một nhóm người sẽ là tài sản, nước mắt, và có thể là cả cuộc đời của người khác. Phim cho chúng ta thấy rằng thị trường tiền số còn non trẻ và khắc nghiệt thế nào, rằng mỗi chúng ta đừng đặt tiền bạc, lòng tin vào người khác mà thiếu đi khả năng tự suy luận, tự đánh giá trong mọi hoàn cảnh.
Phim nói về nhân vật chính Gerald Cotten hay còn gọi là Gerry, là một triệu phú tự thân khi thành lập sàn Quadriga CX- sàn tiền điện tử số một Canada giai đoạn 2013-2018 và cái chết bí ẩn của anh ta khi đang trong chuyến từ thiện tại Ấn Độ vào ngày 9 tháng 12 năm 2018. Điều đáng nói là tất cả tiền của nhà đầu tư đều nằm trong “ví” và chỉ có mình Gerry là người đang nắm giữ “chìa khóa”. Mọi chuyện chưa dừng lại khi hơn một tháng sau đó (14/01/2019), sàn Quadriga CX tuyên bố phá sản. Hàng chục ngàn nhà đầu tư đã mất 169 triệu đô la Canada (tương đương 135 triệu đô la Mỹ) và bộ phim kể lại quá trình truy lùng số tiền đã mất khi đầu tư vào sàn Quadriga CX của cộng đồng nhà đầu tư tiền số.
Sau khi vị CEO mất một cách bí ẩn và sàn giao dịch sụp đổ nhanh chóng, cộng đồng đầu tư vào Quadriga CX đã sục sôi, họ đưa ra một sư giả thuyết cho việc này như sau:
Một là vị CEO đã dung chiêu ve sầu thoát xác, biến mất cùng số tiền khổng lồ, phẫu thuật thẩm mỹ. Luận điểm này khá có cơ sở khi chỉ có mình bác sĩ và vợ của Gerry ở bên lúc anh ta chết, giấy chứng tử thì bị viết sai chính tả. Đám tang diễn ra, có một mình vợ của Gerry được nhìn mặt anh ta lần cuối. Giả thuyết này thuyết phục đến nỗi có nhiều người đã yêu cầu khai quật hài cốt của anh ta để kiểm tra.
Thứ hai, vợ của vị CEO này đã đầu độc chồng và chiếm đoạt tài sản do di chúc để tên cô ta. Tuy nhiên giả thuyết này không hợp lý do dù có nhận được tài sản triệu đô từ chồng, người vợ phải bán đi toàn bộ để đền bù cho nhà đầu tư và không thể sống yên ổn.
Phim dần dần bóc từng sự thật đằng sau tấm màn dày. Dù Gerry luôn tỏ là mình là một người đáng tin cậy, vui vẻ trên internet, thực chất anh ta lại là một tên lừa đảo đích thực và đã nhen nhóm ý định lừa đảo từ nhiều năm trước khi thành lập sàn Quadriga CX. Ý định lừa đảo tiền đã nhen nhóm trong đầu Gerry từ khi anh ta 15 tuổi.
Người ta phát hiện ra rằng nhà đồng sáng lập cùng với Gerald Cotton thực chất là một tên lừa đảo, và cả 2 người đã cố gắng lừa đảo trong quá khứ. Sàn Quadriga CX ra đời, bề nổi nó là một cuộc cải cách, một sứ mệnh giúp nhà đầu tư trao đổi mua bán coin nhưng thực ra, đó chỉ là một mô hình Ponzi lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Vị CEO này đã biển thủ tiền của nhà đầu tư vào sàn để đem đi đầu tư bitcoin, đầu tư mạo hiểm và phục vụ cho lối sống xa hoa của chính mình khi mua nhiều bất động sản, du thuyền, máy bay riêng… Khi thị trường tiền số tụt giá, Gerry cũng mất đi số tiền lớn và không còn khả năng đền bù cho nhà đầu tư, tuy nhiên vị CEO này vẫn thường xuyên chia sẻ hình ảnh “thân thiện” “đáng tin” cho các nhà đầu tư, thực hiện các chuyến từ thiện liên tiếp để che mắt và làm màu hình ảnh của bản thân trong khi thực chất khoảng một năm trước khi sàn Quadriga CX phá sản, nhà đầu tư đã không thể rút tiền khỏi sàn.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi một công ty kiểm toán chuyên nghiệp (EY) vào làm việc. Họ phát hiện ra rằng, trong “ví lạnh” của Quadriga CX không hề có một đồng tiền nào, thực chất nó là vĩ rỗng khi mà trước khi chết Gerry đã dùng hết số tiền đó cho việc đầu tư mạo hiểm và chi tiêu xa xỉ, và ngay từ đầu mục đích thành lập Quadriga CX là để lừa đảo.
Mình xin phép cắt ngang một chút tại đây để giải thích cho các bạn khái niệm “ví lạnh và ví nóng”
Do sự bảo mật của “ví lạnh” nên nó thường được dung để làm kho lưu trữ an toàn cho số tiền điện tử của các công ty, các sàn giao dịch. Tuy nhiên báo cáo kiểm toán đã chỉ ra rằng trong “ví lạnh” của Quadriga CX gần như không còn một đồng nào. Bộ phim đã khéo léo dẫn dắt chúng ta đi từ việc tìm hiểu về cái chết bí ẩn của vị CEO đến việc quan tâm anh ta chết hay sống không còn là mục tiêu của các nhà đầu tư nữa vì dù anh ta có còn sống, khả năng Gerry bồi hoàn lại số tiền anh ta đã làm mất gần như bằng 0. Người ta chuyển trạng thái từ bất ngờ, bức xúc, giận dữ và rồi là chấp nhận số phận. Bộ phim cho chúng ta thấy các góc nhìn khác nhau của các nhà đầu tư và những người có liên quan trong vụ việc.
Cuối cùng, tôi xin đúc rút một số kinh nghiệm trong đầu tư tự thân, bài viết này mang quan điểm cá nhân của tôi, không PR cho bất kỳ hình thức đầu tư nào:
1. Tiền của các bạn và các bạn phải tự chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư của mình bất kể các bạn đầu tư vào nguồn nào hoặc lấy thông tin từ người khác. Khi bạn lãi bạn hưởng thì đừng mong chờ người ta phải chịu trách nhiệm cho khoản lỗ của bạn.
2. Thông tin không bao giờ là miễn phí, hãy cẩn thận với những câu nói như “em có kênh đầu tư này hay lắm” hay “có thể hoàn vốn trong một tháng”… vì có thể bạn đang là con mồi cho người khác khai thác đặc biệt những lời này đến từ người lạ.
3. Tự nâng cao kiến thức của bản thân, có thể bạn chưa thể tự tìm kiếm nguồn đầu tư nhưng kể cả có nghe từ người khác, bạn cũng hãy tự xây dựng năng lực đánh giá của bản thân để kiểm tra xem nguồn đó có ổn hay không.
4. Đừng bao giờ đầu tư “mù” vì nếu bạn có chiến thắng và gấp thếp lần đó, có thể bạn cũng sẽ mất hết vào lần sau. Cú ngã từ đỉnh chính là cú ngã đau nhất và có thể bạn sẽ không gượng dậy được.
5. Đừng vội vàng và gấp gáp khi những người xung quanh bạn đang “khoe lãi” vì có thể đấy chỉ là lùa gà, khi họ lỗ họ sẽ không bao giờ “vạch áo cho người xem lưng”.
6. Theo dõi càng nhiều nguồn thông tin càng tốt để có thể ra quyết định đúng đắn.
7. Khi thị trường đang biến động như hiện tại, đừng vội vàng dò đáy trước khi có đủ thông tin để ra quyết định vì khi thị trường đang biến động thì “đáy hôm trước là đỉnh hôm sau” là chuyện thường ngày.
8. Qua hai ví dụ của 2 sàn tiền số tiêu biểu, chúng ta có thể bỏ ra khỏi đầu khái niệm "too big too fall", không có kèo nào là chắc chắn 100%. Cuối cùng, chính kiến thức tự thân mới chính là thứ giúp chúng ta đứng vững trên thị trường.
Hãy tự xây dựng cho mình nền tảng kiến thức vững chắc và những người cùng chí hướng đáng tin cậy đồng hành cũng bạn trong quá trình đầu tư. Chúc các bạn có thể vượt qua sóng gió lần này và quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Thank you for reading
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất