Bộ đội Đặc công QĐNDVN. Ảnh: Đài Truyền hình Nhân dân
Khi nghe đến hai từ "quân đội", ắt hẳn ai cũng sẽ nghĩ là nhà đó sau này nhờ vả được, quan to chức lớn, bà con dòng họ cũng sẽ được "thơm" lây. Tuy nhiên, bài viết này không nhằm đả động đến bản tính thích làm quan của người Việt hay cái gì đó đại loại như vậy, mà là nhằm chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi áp dụng nếp sống quân ngũ vào đời sống dân sự. 
Ắt hẳn trong đời sinh viên của mỗi người, ai cũng đã trải qua khoảng thời gian ngắn học quân sự ở các khu tập trung với những quy định "hời ơi đất hỡi" như phải đi ngủ trước 11h tối, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, phải dậy vào lúc 5h30 sáng cùng tiếng còi báo thức thần thoại đi vào bộ nhớ của mỗi sinh viên đến mức ám ảnh, phải học nội vụ - cách gấp ga giường, mềm, gối - vân vân và mây mây các quy định khác. Những điều vừa được liệt kê đó là nếp sống trong quân ngũ, nghe có vẻ trọng đại, chỉ được áp dụng trong môi trường quân sự nhất định, nhưng nó lại có thể thay đổi một cách rõ rệt cá nhân mình - một cậu sinh viên "khác người" so với số đông còn lại. Và sau đây là những điều mà nếp sống này đã thay đổi mình theo chiều hướng tích cực nhất. 
Đầu tiên, sức khỏe thể chất được tăng mạnh và cải thiện rõ rệt. Trong Quân đội, một nền tảng thể chất bền bỉ là điều bắt buộc đối với mỗi người chiến sĩ trong công tác rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị chiến đấu. Trong học kỳ quân sự ngắn ngủi vỏn vẹn 6 tuần ở trường, cứ mỗi 5h30 sáng mỗi ngày đều nghe tiếng còi báo thức đó, và tất cả sinh viên phải tập trung xuống sân trường để tập thể dục. Đương nhiên là ban đầu ai cũng sẽ có suy nghĩ "đang ngủ ngon mà phải bị gọi dậy tập thể dục vào cái giờ sáng sớm như này", nhưng về lâu dài điều khó chịu này giúp mình tập trung hơn, minh mẫn hơn, sáng suốt trong học tập cũng như làm việc, và không còn phải thở hổn hển mỗi khi leo cầu thang bộ khi thang máy kẹt kín người nữa. 
Thứ hai, tính kỷ luật bản thân được cải thiện. Trong quân ngũ, ngoài những quy định chung thì mỗi người chiến sĩ phải có tinh thần tự giác nâng cao kỷ luật của bản thân để không làm ảnh hưởng đến những người đồng đội, tiểu đội ở quy mô nhỏ, trung đội ở quy mô vừa, và đại đội ở quy mô lớn. Từ những sự hiển nhiên đó, ta thấy rằng khi mỗi cá nhân phạm lỗi thì không chỉ người đó bị phạt, mà còn liên lụy vô vàn đến những người xung quanh - không làm gì cũng phải chịu phạt. Khi học được điều này, mình đã áp dụng khắt khe lên bản thân, ra những phép tắc giới hạn hành vi cá nhân gây ảnh hưởng đến người khác và nhờ những phép tắc ấy, mình vẫn giữ được bản sắc cá nhân trước những cám dỗ hấp dẫn ở thế giới bên ngoài hàng rào doanh trại. 
Thứ ba, thiên hướng cộng đồng được tôn vinh hơn trước. Như đã được đề cập ở trên, khi mỗi cá nhân làm sai thì cả một tập thể phải chịu phạt. Về lâu dài cá nhân đó sẽ phát triển tư duy cộng đồng theo chiều hướng tốt hơn, nghĩ cho bản thân ít đi, từ đó các mối quan hệ ngoại giao cũng được thay đổi tích cực. 
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, khả năng tự học được kích thích. Trong doanh trại, khi hỏi sẽ nhận được câu trả lời là hãy tự đi mà tìm hiểu, vì nếu chỉ dẫn sẽ ảnh hưởng đến thành tích cá nhân. Song, nếu nhìn vào mặt tích cực, có thể thấy rằng khi ta không được hướng dẫn cụ thể, ta sẽ tự đi tìm hiểu, mày mò đến khi ra được câu trả lời vì sự tò mò là bản chất mang tính nền tảng của mỗi người. Sau này khi áp dụng vào đời sống dân sự thì mình lại thấy kỹ năng này lại là kỹ năng tối quan trọng, vì đâu ai có thời gian mà dắt tay đi đến cuối con đường như thời cấp 3 nữa. Mỗi người đều có cuộc sống, công việc riêng, chỉ có mình mới tự giúp được mình thôi, sao lại không tự học mà phải đợi dắt tay như trẻ mẫu giáo, đúng hông? 
Vừa rồi là bốn trong vô vàn điều mình rút ra được khi còn học quân sự ở trường và từ những người bạn đang công tác trong môi trường quân ngũ. Trong các bài viết sau mình sẽ đóng góp những khía cạnh khác nữa từ nếp sống quân ngũ nhé. 
P/S #1: Vì đây là bài đầu tiên của mình, nên rất mong các bạn đọc có thể đóng góp ý kiến để mình cải thiện thêm văn phong. 
P/S #2: Stay home, stay safe, but stay disciplined !