KHÁI NIỆM

Nền tảng đang cháy là một khái niệm tôi học được từ sách Động Lực Nội Tại của Stefan Falk - huấn luyện viên năng suất của công ty McKinsey and Company. Nguyên nhân tôi tạo ra bài viết này là do lối giải thích cụt lủn của tác giả về nền tảng đang cháy, nhờ đó tôi đã tò mò tìm hiểu, rồi nghiệm ra ý nghĩ của nền tảng đang cháy là gì.
Thuật ngữ này chỉ ra rằng:
Một cá nhân, một doanh nghiệp nào đó phải viết một bảng ghi chú về việc dám nhìn thẳng vào những thất bại của chính họ. Rồi dựa vào sức ép của nền tảng đang cháy nhằm đưa ra các quyết định, kế hoạch quan trọng, nhanh chóng khắc phục hậu quả đang hiển lộ trước mắt.
Đặc biệt, Stephen Elop, Steve Jobs và Ray Ozzie đã từng viết những bảng ghi chú dựa trên nền tảng đang cháy - khi bộ máy vận hành mà họ chịu trách nhiệm quản lý đang ở trong trạng thái đi xuống.
Nguồn: Google.
Nguồn: Google.
Nguồn gốc tạo ra ý tưởng cho thuật ngữ này đến từ thảm họa cháy giàn khoan Piper Alpha, ở biển Bắc, năm 1988. Trong đó có 4 yếu tố dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng trong lịch sử ngành khai thác dầu khí:
- Đầu tiên, giàn khoan Piper Alpha đã bị thiết kế sai khi để phòng điều khiển gần sát hệ thống máy nén khí đốt.
- Thứ hai, 12h trưa ngày 6 tháng 7 năm 1988, kỹ sư bảo trì hệ thống máy nén khí đốt đã tháo van an toàn áp suất của bơm ngưng tụ A. Trong đó, ống ngưng tụ của bơm A đã được niêm phong. Bởi vì kỹ sư phụ trách không thể hoàn thành nhiệm vụ trước 6h chiều, nên anh ta đã ký một biên bản xác định bơm A chưa sẵn sàng vận hành và không được phép khởi động nó trong bất kỳ trường hợp nào. 
- Thứ ba, biên bản về bơm A được một kỹ sư vội vã đem tới phòng điều khiển, biên bản được đặt cạnh giấy phép đại tu bơm B trong giờ giải lao. Thật không may, chẳng ai trong phòng điều khiển để ý đến tờ biên bản bơm A kia. 
- Cuối cùng, vào 9h45 tối cùng ngày, người làm ca đêm phát hiện ra đá methane clathrate đã tích tụ gây tắc nghẽn trong ống dẫn khí nén. Vì vậy, bơm B ngừng hoạt động hoàn toàn. Họ đã làm gì để giải nguy cho bơm B? Cho máy bơm A bị niêm phong làm việc.
Hậu quả, máy nén khí đốt và phòng điều khiển "bùng lổ" làm 27 kỹ sư thiệt mạng. Một đường ống dẫn khí khác cộng hưởng với vụ nổ tạo ra một quầng lửa cao hơn 100m, đường kính 30m. 
Nguồn: PETROLERO DE CARMEN
Ngoài ra, hệ thống chữa cháy tự động đã bị phá hủy hoàn toàn. Hai công nhân phụ trách hệ thống chữa cháy đã hy sinh thân mình lao vào biển lửa với nỗ lực khởi động lại hệ thống, nhưng không có ai bước ra sau đó.
Nhóm người sống sót còn lại đã chạy xuống khu vực nằm dưới sàn đỗ máy bay - nơi ngọn lửa chưa bén tới trong trạng thái tâm lý tuyệt vọng. Nhưng chỉ vài phút sau đó, họ buộc phải chạy ra ngoài vì khói bắt đầu lan ra. Một vài trong số đó đã liều lĩnh nhảy từ độ cao 60m xuống biển, nhưng không một ai sống sót.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là yếu tố quan trọng tạo nên ý tưởng nền tảng đang cháy cho các CEO. Thực chất, sự dũng cảm hy sinh thân mình của hai công nhân trong nỗ lực bảo vệ giàn khoan khỏi đám cháy, cú nhảy liều lĩnh của các kỹ sư từ độ cao 60m xuống biển, mới là yếu tố tạo nên ý tưởng đối diện trước "biển lửa" đang táp lấy họ.

Chúng ta nên làm gì?

Vậy, chúng ta nên làm gì để chuyển mình dựa trên nền tảng đang cháy? Riêng tôi thì không thích làm điều vĩ đại như những kỹ sư giàn khoan và các CEO nói trên. Tôi chỉ muốn làm điều nhỏ bé, đó là viết ghi chú về công việc của mình sau mỗi 50 phút làm việc sâu theo Pomodoro. Nội dung ghi chú phải trả lời các câu hỏi:
Tôi thực sự làm việc này trong bao lâu? Điều gì khiến tôi đi chệch hướng khỏi mục tiêu? Chiến lực làm việc nào hiệu quả hoặc không hiệu quả mà tôi cần phát huy hoặc khắc phục vào ngày hôm sau? Tôi có thể tiếp cận công việc chán nản này theo phương hướng nào mới không?
Vào lúc 5h chiều, tôi sẽ tóm gọn các báo cáo lẻ tẻ đó thành một báo cáo hoàn chỉnh, trực quan.
Sáng hôm sau, trước giờ làm việc khoảng 1 tiếng, tôi sẽ đọc lại báo cáo hôm trước. Sau đó, tôi sẽ lên chiến lược cụ thể để khắc phục nền tảng đang cháy của bản thân.
Ví dụ: Tôi có tật xấu là viết và chỉnh sửa liên lục, hậu quả của nó là làm cho bài viết trở nên rối tung, làm giãn nở thời gian của tôi từ một buổi sang tận hai ngày. Để giải quyết vấn đề, tôi đã hỏi chị Lâm Duệ Nghi về cách khắc phục lỗi trên, câu trả lời rất đơn giản: 
"Hãy viết theo những gì bộ não đang suy nghĩ, rồi chỉnh sửa một lần".
Thư ký tổng thống Hàn Quốc - Kang Weon Kug cũng cho tôi một bài học khác: 
"Bạn nên viết bài trước sức ép thời gian, hãy dùng đồng hồ đếm ngược trong vòng 25 đến 30 phút để viết, thời gian còn lại sẽ là thời gian chỉnh sửa". 
Tất nhiên, tôi đã nghĩ ra những ý tưởng khác khi viết ghi chú nền tảng đang cháy về tôi: 
"Mình nên tạo ra quy trình viết cụ thể hơn: Đầu tiên là đọc tài liệu đa nguồn và ghi chép lại. Thứ hai, lên dàn ý vì dàn ý cũng là một chiến lược làm việc cụ thể nhất. Thứ ba, viết trong sức ép của thời gian đếm ngược cho từng phần của bài viết. Cuối cùng là chỉnh sửa"

Bạn không nên lo lắng, hãy đối diện trước biển lửa rồi quyết ý.

Sẽ có người lo lắng, không dám bước ra vùng an toàn và đặt câu hỏi: “Tại sao tôi phải liều mình khắc phục những thứ có thể để lại rủi ro quá lớn cho tôi? Rút gọn thời gian làm việc xuống hoặc tiếp cận công việc dưới góc nhìn mới chẳng hạn. Tôi sống nhàn và chắc chắn cũng được mà?” 
Tôi nghĩ bạn nên dừng sử dụng hai từ “Rủi Ro”. Người Trung Quốc không dùng hai từ “Rủi Ro” như người Việt. Họ thường xuyên dùng hai từ “Nguy Cơ” trong các dự án của họ, nghĩa là trong nguy hiểm sẽ có cơ hội. Hai từ này sẽ tạo ra cảm giác tự tin cho bạn trước mọi quyết định có mức độ rủi ro cao.
Nhìn vào thực tế, mọi công việc của bạn được làm dưới dạng bản năng và thói quen, bởi vì bộ não của bạn muốn tiết kiệm năng lượng. Nhưng về lâu về dài, bạn sẽ cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, để rồi trở thành zombie công sở lúc nào không hay. Cho dù bạn đã cố đặt mình vào khuôn khổ của kỷ luật thì bạn chẳng vui vẻ gì, bạn chỉ muốn thoát khỏi nhà tù đó mà thôi.
Trong khi đó, làm việc có chủ đích lại làm bộ não mệt mỏi hơn nhiều. Nhưng bù lại, đây lại là cơ sở tạo ra động lực mạnh mẽ nhất, là cơ hội để bạn rèn luyện sức chịu đựng của bộ não về mặt cảm xúc.
Laura Carstensen - Nguồn: Google
Laura Carstensen - Nguồn: Google
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý thuộc đại học Stanford, Laura Carstensen. Bà đã dùng máy quét fMRI để nghiên cứu hành vi não bộ trên nhóm người trẻ và nhóm người già, trong khi cả hai nhóm được kích thích bằng những đối tượng được biểu hiện dưới dạng ảo ảnh tích cực, lẫn tiêu cực. Bà phát hiện ra: 
Phần não hạnh nhân (trung tâm của cảm xúc) của nhóm người trẻ được đốt cháy khi nó được kích bởi hai loại ảo ảnh. Trong khi đó, não hạnh nhân ở nhóm người già chỉ được đốt cháy bởi kích thích của ảo ảnh tích cực.
Bà đặt ra giả thuyết, nhóm người già đã rèn luyện lớp vỏ não trước trán làm ức chế hạch hạnh nhân khi đối diện với các tác nhân tiêu cực.
Bí quyết của nhóm người già này là gì? Đối diện với nỗi đau và tập trung ý chí vào những việc thiết thực để vượt qua nỗi đau đó.
Mặt khác, việc đặt mình vào nền tảng đang cháy là cách thúc đẩy toàn bộ năng lực của bản thân. Nó giúp bạn tạo ra thử thách thú vị hơn để đưa thân mình vào tâm lý “dòng chảy” rồi quên đi không gian, thời gian. Tất nhiên, Mihaly Csikszentmihalyi cho đây là tâm lý hạnh phúc thực sự của con người. 
Có người sẽ phản bác: Vật chất mới tạo ra hạnh phúc.
Tôi không nghĩ như vậy, việc bạn tạo ra một cột mốc như tiền bạc, vật chất, địa vị, tất cả chỉ là cái cớ để bạn tạo ra động lực làm việc. Đến khi bạn đạt được mục đích, bạn sẽ không thích số vật chất đã có mà còn muốn thêm. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đó là lòng tham gì cả, vì ẩn sau mọi đích đến là thành quả vật chất ấy, lại là cả quá trình làm việc say mê, hạnh phúc và có chủ đích.

Quyết ý đem lại tự do.

Một câu hỏi khác được đặt ra. Nếu bạn không dám nhìn rõ thất bại của mình theo nền tảng đang cháy và trốn tránh thử thách cuộc đời giống như thế hệ nằm yên ở Trung Quốc, vậy bạn có tự do không? 
Nguồn: https://cafef.vn/
Nguồn: https://cafef.vn/
Đối với triết học hiện sinh của Karl Jaspers. Con người không bao giờ có tự do khi để thân mình trôi dạt theo tự nhiên.
Khi đặt bản thân vào hoàn cảnh giới hạn bất dịch của chủ nghĩa Khắc Kỷ: Bạn đối diện với nỗi đau, tự quyết định cuộc sống của mình theo hướng tích cực nào đó, thay vì trở về với chủ nghĩa hư vô và mặc kệ nguy cơ trong tương lai ra sao. Lúc này, bạn thực sự đã có tự do như hai công nhân bảo trì nỗ lực cứu giàn khoan và nhóm kỹ sư lao mình xuống biển Bắc.
“Khi tự quyết, tôi đã thực sự nghiệm thấy sự tự do của tôi: tôi không quyết định về một sự vật nào hết, nhưng quyết định về chính mình tôi. Tôi hoàn toàn là tôi trong sự quyết định đó. Cho nên tự do đồng nghĩa với tự chọn.”
- Karl Jaspers -

KẾT

Tóm lại, để phát triển nhanh chóng và có hạnh phúc thực sự. Hãy nhìn vào thất bại mà bạn chưa bao giờ để ý từ trước đến nay. Liệt kê chúng ra và giải quyết chúng hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng. 
Từ đây, cơ hội để có được hạnh phúc, tự do và động lực làm việc hàng ngày sẽ cao hơn trước. 
Tuy những chỉnh sửa nhỏ trong hành vi lỗi của bạn không lớn lao, vĩ đại như các vĩ nhân. Nhưng truyền thống Phật - Lão - Trang của phương Đông đã tuyên bố: 
Con người nên coi trọng cuộc cách mạng cá nhân (tu thân) trước khi nghĩ đến các cuộc cách mạng vĩ đại (cứu độ).