Xem suất cuối cùng của đêm trước sáng hôm chính thức phim ngừng khởi chiếu, vậy nên mới mạnh dạn viết ra vài dòng. Có spoil. Bài dài, không thú vị, xin kiên nhẫn, đọc hết không thất vọng đâu ạ.
“Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.”
Xuyên suốt thời gian xem phim, hai câu ca dao này cứ ân ẩn ngân nga trong tiềm thức mình, vang vang như tiếng mẹ ru, ban đầu nghe như câu hát, lặp đến dăm ba lần lại thành tiếng oán than.
Từ cái tên và những đoạn trailer ban đầu, mình đã đoán bối cảnh phim là về thời phong kiến và những người phụ nữ dưới thời đại này đều mang trên mình cái ách “trọng nam khinh nữ” cố hữu của người Á Đông, nội dung bộ phim sẽ xoay quanh hình ảnh người đàn ông “năm thê bảy thiếp” còn những người phụ nữ sẽ vì quan niệm “tam tòng tứ đức” mà quy phụng chồng và cũng từ 8 chữ “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” mà giận thán rồi hãm hại nhau, như người phụ nữ trong “Mẹ chồng” hay “Lời sám hối”.
Đó là những phán đoán của mình trước khi xem phim, còn sau xem phim, mình nhận ra tư duy lẫn ý đồ nghệ thuật và nội dung truyền tải không chỉ đơn giản có thế. Những điều mình nghĩ là đúng, nhưng không đủ, bởi bộ phim còn khắc họa thân phận tơ tằm, rẻ rúng của người phụ nữ, hơn thế nữa, không có đấu đá, hãm hại, mỗi một thân phận đều khiến người ta cảm thông và giữa họ đều có sự tị nạnh nhưng cũng có sự cảm thông, một góc nhìn mới lạ thật sự. Phim còn lên án về nạn “tảo hôn”. Hành vi “tảo hôn” được biết dưới hình thức một phong tục tập quán cũ xưa đã bị cấm trên cả mặt đạo đức lẫn luật pháp. Và thông qua bộ phim, dưới góc nhìn của đạo diễn, mượn bối cảnh phong kiến – thời điểm tảo hôn xuất hiện – đã cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về một phần hệ lụy của tảo hôn - hành vi vô nhân đạo và đáng được hình dung là vấn nạn mà cho đến tháng 3 năm 2018 BBC news vẫn đưa tin rằng vấn nạn này vẫn còn tiếp diễn ở Việt Nam.  
Bên cạnh đó là quan niệm sinh con trai nối dõi. Việc cấm quan niệm phải con trai nối dõi chưa tồn tại ở bất kì điều luật nào, nó sai trái trên phương diện đạo đức, vì vô hình chung đã đặt một cái gông lên vai người phụ nữ, khiến họ cảm thấy mình chỉ như cái máy đẻ và thân phận con gái bị xem thường. Thực trạng này vẫn còn tái diễn ở nhận thức của một bộ phận nhỏ gia đình thời bấy giờ, tuy nhỏ nhưng chưa bao giờ là kết thúc.
Một tầng ý nghĩa được gửi gắm nữa đặt vào hình ảnh con tằm xuyên suốt bộ phim, ẩn dụ cho hình ảnh của người phụ nữ.
Nợ đời mang kiếp tằm tang
Nợ người mang những lỡ làng vì đâu
(Nguyễn Thúy Hạnh)
Đi qua những giá trị về nội dung, thì phải thừa nhận rằng đã lâu rồi sau “Mùi đu đủ xanh”, sau 25 năm, mình mới lại tìm được một thứ nghệ thuật duy mỹ đến cùng cực trong làng phim Việt. Rất nhiều người xem xong cũng nhớ đến “Mùi đu đủ xanh” năm nào, bởi trong “Người vợ ba” vốn dĩ có nàng Mùi – Trần Nữ Yên Khê – với vai người vợ cả, đồng thời đạo diễn của “Mùi đu đủ xanh” – Trần Anh Hùng – đã tham gia vào “Người vợ ba” với vai trò cố vấn hình ảnh. Cho nên mỹ quan nghệ thuật trong “Người vợ ba” là một điều không cần bàn cãi. Mỗi một breakdown – phân cảnh – đều cho thấy một sự tinh tế và chỉn chu trong nghệ thuật sắp đặt, ví như hình tượng người đàn ông xuất hiện rõ ràng chiếm không gian giữa các phân cảnh đối lập với hình tượng người phụ nữ nhỏ bé, lọt thỏm giữa góc quay rộng đều mang những ý nghĩa riêng mà đoạn sau mình cũng sẽ nhắc đến. Với mình, chất thơ phảng phất mà đượm buồn của cảnh quay làm cho mình về lại cái cảm giác ngày đầu mình ngồi đọc “Hai đứa trẻ của Thạch Lam giữa đêm vắng – chực muốn rơi nước mắt và kìm lại đôi tiếng thở dài, màu không gian tịch mịch của hình ảnh như có sức tỏa như làm sống lại cái khoảng không gian mà người chinh phụ đã từng ngóng trông phu quân trong “Chinh phụ ngâm khúc”, mạch phim chuyển nhanh nhưng tinh xảo đến độ khiến cho mình có cảm giác như mình ẩn hiện đâu đó trong khủng cảnh, nhìn bên này rồi xem sang bên khác, đôi lúc ngồi trong phòng của Mây, đôi lúc lại nép của của buồng của Xuân.
Mình đánh giá cực kì cao từng ẩn ý nghệ thuật qua góc quay của bộ phim, khoan bàn đến hình ảnh nghệ thuật, chỉ là góc quay nghệ thuật.
Người đàn ông khi xuất hiện trong cảnh quay, hoặc một mình hoặc là cùng với người phụ nữ, thì hoặc là sẽ ở trung tâm của góc quay, nơi giao nhau giữa hai đường chéo của hình chữ nhật – đây là vị trí thể hiện sự quan trọng, hoặc là sẽ ở giữa khung hình ở nửa trên của hình chữ nhật – vị trí thể hiện sự mạnh mẽ, sự “bề trên” của chủ thể. Cả Sơn, bố của Sơn – người chồng, hay ông nội Sơn, đều được đặt ở góc quay đó. Đỉnh điểm để nhận ra được ý đồ nghệ thuật đó, là hai phân cảnh phân cảnh: Mây – người vợ ba - quỳ gối trên nền đất lạnh, bò lại về phía chồng và Hà – vợ cả – lúc rửa chân cho bố chồng.
Còn hình ảnh người phụ nữ, tất nhiên là đối lập, thường xuất hiện trọn vẹn trong một góc phần tư bất kì của một scene, hoặc là nửa dưới của hình chữ nhật, máy quay ở góc bên trên. Không chỉ thể hiện sự nhỏ bé, tầm thường, mà còn là một cái hình từ bên trên tạo hiệu ứng người bên trên nhìn xuống bề tôi tớ. Kể cả nhân vật được cho là nhân vật chính – Mây, khi xuất hiện một mình một scene, thì cũng ở một góc quay tương tự. Phân cảnh Mây lúc vừa bước vào nhà chồng, nét đẹp của Mây được quay cận cảnh lúc Mây ngước mặt lên trực diện máy quay hay phân cảnh lúc Mây là người được yêu thương nhất – đang mang thai – ngồi bên cửa sổ đẹp và tĩnh như bức tranh, thì vẫn là một hình ảnh tựa lưng vào ép gọn vào bên trái của khung tranh. Hiếm hoi lắm người phụ nữ mới nằm ở vị trí trung tâm, để mang một ý nghĩa riêng biệt, như Xuân trong cái nhìn thương yêu mê đắm của Mây, hay những đứa bé gái dưới góc nhìn yêu chiều, bao dung của người mẹ.
Hai hình ảnh nghệ thuật mà được mọi người chú ý, đó là con tằm, và lá ngón.
Con tằm xuất hiện lần đầu trong phân cảnh ngày động phòng đầu tiên của Mây, ở giai đoạn đã rụng lông và thành tằm chín, như Mây, cô bé 13 - 14 tuổi chỉ vừa trải qua sự rụng trứng và bắt đầu việc trở thành thiếu nữ của mình thành việc trở thành phụ nữ. Không có hình ảnh trứng tằm hay giai đoạn trứng nở, sự trưởng thành của một người con gái không được quan tâm vì thời đại đó, nếu sinh con gái thì coi như bỏ, chỉ đợi đủ tuổi rồi gả đi. Như Mây, hay như Tuyết – vợ cậu Sơn. Và rồi các giai đoạn sau của con tằm tương ứng với cuộc đời của Mây. Tằm kéo kén, Mây thụ thai. Tằm nhả tơ, Mây mang thai. Tằm đóng kén, Mây sanh. Tằm phá kén thành ngài, Mây quyết định giải thoát. Một chuỗi hình ảnh song song, con tằm như hình tượng chính của bộ phim. Những người phụ nữ dưới thời phong kiến, sống thế nào, nghĩ ra sao, vui điều gì, buồn chuyện chi, xoay vần mãi cũng chỉ lẩn quẩn trong một kiếp tằm, thoát không khỏi số phận chăng tơ. Bất giác trong một khoảnh khắc – khoảnh khắc chiếc lồng đèn kéo quân đỏ được treo lên, xoay vần, xoay phía nào cũng ra mặt đỏ, sáu mặt lồng đèn chẳng có lấy một mặt khác nhau xuất hiện đến 12 giây trong phân cảnh ngày cưới của Sơn – mình mới chợt hiểu hết ý đồ của đạo diễn. Mỗi một phút giây đều được tính toán chính xác dụng ý của nó. Cũng nhân đó, hình ảnh Mây trên tay một ngọn đèn dầu, độc bược trên con đường hai bên treo toàn lồng đèn đỏ báo hỉ, một đèn dầu – hình ảnh quen thuộc của người Việt Nam – biểu trưng cho số phận leo lét mỏng manh của kiếp người, từng xuất hiện trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, một con đường treo toàn đèn lồng đỏ – thường được treo nhiều trong hỉ sự hoặc được nhìn thấy ở những con phố xa xỉ thời đó – một sự biểu trưng của niềm vui, sự xa xỉ. Bất giác mình nhớ đến “Đèn lồng đỏ treo cao” của Mạc Ngôn, cũng phận phê thiếp, người nào được phu quân sủng hạnh, tối hôm đó, đèn lồng đỏ sẽ được treo cao ở khuê phòng. Quay lại vòng đời con tằm, cuối cùng tằm sẽ phá kén, hình ảnh con ngài đậu trên xác của Tuyết – người đã treo cổ tự tử vì không chịu được sự ghẻ lạnh của Sơn và sự ruồng bỏ của gia đình – như đã gợi lên cho Mây một con đường, một con đường cho cuộc đời sắp tới sẽ tăm tối với đứa con gái mới sanh, một con đường như con ngài, như Tuyết, con ngài đó là Tuyết, rồi sẽ là Mây…
Đó là lí do Mây ôm con theo cánh chim trời lang thang giữa cánh đồng cạn, nơi lần đầu Mây được nghe về lá ngón.
Về lá ngón, thì lần đầu mình biết là ở “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Lá ngón với mình lúc mới biết là độc, là dao, là thứ tuyệt đường sống. Sau này mình có dịp đọc lại, mình cảm nhận Mị sâu hơn ở cái chiều sâu của bản năng, vượt ra khỏi những lề lối văn chương, mình chợt thấy lá ngón như tiên dược, là liều thuốc giải thoát một kiếp người. Cái may mắn của Mị là số phận vốn sắp xếp cho Mị một đường thoát, nhưng liệu mấy ai sẽ có được cơ may đó? Vậy, chỉ có thể dựa vào lựa chọn của mình, chọn lá ngón, tự tay giải thoát cho bản thân, đôi lúc. Và lá ngón trong “Người vợ ba” được xuất hiện lần đầu dưới câu nói của một đứa con nít, bé Nhàn. Mây không biết, nhưng Nhàn biết, Nhàn đã cảnh báo Mây khi Mây có ý định hái. Tại sao đạo diễn lại để Nhàn nói với Mây? Vì môi trường Nhàn sống. Mây tốt xấu gì cũng được gả vào nhà đó, vốn ta không biết gia đình của Mây, có thể nghiễm nhiên coi là dụng ý của đạo diễn, là một gia đình cơ bản bình thường. Còn Nhàn được sinh ra và sẽ lớn lên trong một gia đình vốn đã không có lối thoát cho những người phụ nữ, như mẹ của bé Nhàn. Một đứa trẻ đã được dạy về những điều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mà ngay cả một cô gái đã lấy chồng cũng không biết được. Rõ ràng cuộc sống với mẹ đứa bé không dễ dàng, cuộc sống của đứa bé vốn dĩ cũng không vô tư đơn giản. Lá ngón xuất hiện lần hai đã cho thấy được sự ghê gớm của nó, khi người vợ cả dùng nó để giết một con bò – người bạn thân thiết của những người phụ nữ và đứa trẻ. Hình ảnh này song song thể hiện hai ý nghĩa tách rời, những người phụ nữ trong căn nhà ấy, ngoài làm bạn với nhau, họ chỉ có thể làm bạn với động vật, thế giới của họ chỉ là khuôn viên của nhà chồng, liệu họ có lựa chọn được thêm người bạn nào khác? Và ý nghĩa thứ hai là về sự sống còn, hình ảnh con bò nằm thở, tất cả mọi người vây quanh nó và lặng im như thấu hiểu việc người vợ cả chuẩn bị làm, chỉ có bé Nhàn – con bé còn quá nhỏ để chấp nhận – con bé gào khóc, đáp lại nó là câu nói “Đã đến lúc phải để cho nó đi”. Lá ngón với người này là liều thuốc độc, trong mắt người khác là sự giải thoát. Lần cuối cùng lá ngón xuất hiện cũng chính là sự giải thoát, Mây ôm đứa bé gái ngồi bên cây lá ngón, nghĩ về cuộc sống mới của mình từ lần đầu tiên bước một chân vào gia môn, cho đến cuối cùng đứa trẻ trên tay sinh ra là con gái, như con tằm lại đẻ trứng tằm, một vòng lặp lẩn quẩn không chút khác biệt sẽ lặp lại trên cuộc đời của con bé, Mây biết, và Mây đã để cho lá ngón kết thúc vòng lặp ấy, kết thúc cả bộ phim…
Cách xây dựng hình ảnh biểu tượng vô cùng logic và hợp lí, từng biết tượng xuất hiện một cách dễ chịu và dễ hiểu, như kể tiếp cái phần thiếu mà đạo diễn không kể bằng lời. Và những hình ảnh biểu tượng nhỏ khác cũng đã thể hiện rõ ràng được ý đồ của đạo diễn. Hình ảnh trứng gà sống được lặp lại hai lần vào hai đêm tân hôn, chỉ một hình ảnh nhẹ nhàng vậy đã mang đến thông điệp, cưới vợ và làm tình chỉ để sinh-con-trai-nối-dõi. Trứng gà sống được biết là chứa một hàm lượng kẽm lớn, cần thiết và có lợi cho việc sản xuất tinh trùng, khắc phục tình trạng loãng tinh trùng do hoạt động quá nhiều đồng thời còn tăng khả năng di chuyển của tinh trùng mạnh, giúp dễ thụ thai con trai.
Hay hình ảnh suối và sông, ở mỗi phân cảnh thể hiện sự mơn mởn, xuân thì của những người phụ nữ, là tương đương với hình ảnh nước suối và tiếng suối chảy róc rách qua khe đá, nước suối rào rào qua cụm dương xỉ. Suối đầu nguồn mới chảy qua khe đá, và nơi nào nước trong dương xỉ mới sinh sôi. Suối chảy mạnh mẽ mang hình dạng của chính bản thân mình, suối như một cá thể đầy đủ những bản ngã riêng biệt, cuồn cuộn, và sinh động hò reo. Ngược lại sông chậm rãi, tịch mịch, xuất hiện u uẩn vào đầu phim khi thuyền đưa dâu của Mây bé nhỏ trơ trọi giữa lòng sông tiến về nhà chồng, hay xuất hiện ở cảnh Mây chết lâm sàng lúc sinh con, đang trên thuyền đi đến hoàng tuyền, và còn xuất hiện ở cảnh tâm trí Mây hồi sinh – hình ảnh Mây ngoi từ dưới sông lên trong tìm thức…Sông, phản chiếu hình ảnh của đất trời, dáng vẻ của sông là dàng vẻ của cảnh quan, của môi trường, sông là hình ảnh của một cá thể không còn bản chất, suối chảy mãi sẽ thành sông, âm ỉ dần sẽ thành lãnh đạm, chảy hoài rồi chẳng còn reo vang…
Hai chiếc vòng một lớn một nhỏ trên bàn do Hà – vợ cả - khéo léo đặt chiếc nhỏ trong chiếc lớn, hình tượng hóa cho sự giãn nở, lão hóa của đàn bà theo thời gian, tuổi tác, thiên chức làm mẹ. Hình ảnh chớp nhoáng nhưng tinh tế, mô tả rõ ràng nhưng không thô thiển, một câu trả lời tinh tế hơn cả mong đợi.
Hình ảnh tẩu thuốc, hình ảnh chiếc roi, hình ảnh con chó nhỏ, … tất cả đều ẩn chứa những tầng ý nghĩa mang tiếng nói tạo nên một câu chuyện đầy đủ từ giá trị nghệ thuật đến giá trị nhân văn.
Một bộ phim là đứa con của người đạo diễn, mang trong mình linh hồn lẫn thể xác, nếu linh hồn là nội dung bộ phim và diễn viên, thì cái xác là hình ảnh và âm thanh.
Sau khi đi qua phần nội dung của linh hồn, hình ảnh của cái xác, thì diễn viên và âm thanh sẽ được thể hiện chung qua cảm nhận của mình, vì với mình, âm thanh là tiếng nói và sẽ là tiếng nói, còn con người thì đi kèm tiếng nói, việc một con người tồn tại hay không gắn liền với tiếng nói của bản thân, tiếng nói được hiểu dưới dạng tiếng nói thành lời và tiếng nói hình thể.
Mạch phim là tiếng nhạc, tiếng thiên nhiên, tiếng của tất cả mọi thứ đan xen liên tục, chỉ có tiếng con người là ngắt đoạn, là thưa thớt, là cụt ngủn. Những câu thoại được giản thể đến mức tối giản, bắt buộc người xem phải chăm chú, phải lắng nghe, nghe không bằng tai, phải tập trung và suy nghĩ, đôi khi là tự thêm cả thoại vào những khoảng lặng mà cần một câu nói gì đó vang lên để lấp đầy.
Câu chuyện xoay quanh người phụ nữ, nhưng khởi phát từ những người đàn ông. Những người đàn ông xuất hiện trong hai vai trò, quyền lực và tình dục, nhưng tất cả đều thưa thớt, mờ nhạt. Không tìm rõ những cả tính khác biệt hay đặc điểm nhận dạng nhân vật vào giữa Sơn, bố Sơn, ông nội Sơn, hay bố chồng của Sơn. Ở cả bốn người chỉ chia ra làm hai luồng tính cách rõ hoặc trọng nam khinh nữ, hoặc sắc dục, hoặc cả hai. Tiếng nói của những người này đều ngắn, rõ, không bị chen ngang, như biểu thị một sự quyền lực, nói chuyện với người khác bằng mệnh lệnh. Chính việc không tạc rõ bức tượng nào, chỉ làm bốn cái khung giống nhau, như một sự ẩn dụ về đàn ông thời ấy, chỉ có một tư tưởng duy nhất, không người nào khác biệt, đều chẳng mang một ý nghĩa gì lớn lao nhưng lại như một trái núi vô hình, trực tiếp tác động và quyết định cuộc đời của những người phụ nữ.
Còn những người phụ nữ, ở nửa bộ phim đầu là cuộc trò chuyện, vài tiếng cười, còn có tiếng hát của Xuân, tiếng hát của bé Nhàn, tiếng hát của Mây, nhưng nửa bộ phim sau, mọi thứ im bặt đến nghẹt thở, mấy đứa trẻ cũng chẳng còn hát hò cười đùa, cái sự tác  động của cuộc sống xung quanh đã bóp nghẹt đi những tiếng nói thành lời vô tư của tụi nhỏ.
Bỏ qua những chi tiết dễ nắm bắt, mỗi nhân vật đều có một nét khắc họa vừa tinh xảo, vừa ý nhị, lại riêng biệt, trong mỗi cá thể lại tồn tại những cái đối lập và chúng không quá lộ liễu nhưng đủ khiến người ta phải suy ngẫm.
Đó là giọt nước mắt lặng thinh bất động của Hà – người vợ cả khi mất đứa con. Không bất ngờ, không gào thét, không một câu thoại đề cập đến sự việc không may, cho người ta thấy cái sự gai góc, mạnh mẽ, từng trải của một người phụ nữ đi quá nửa đời người, của một người mẹ đã nuôi đứa con lớn khôn, của một bà chủ cả đích thực của căn nhà lớn. Và chi tiết cái cười mỉm nhẹ nhàng với niềm vui lẫn hi vọng ánh lên trong ánh mắt lúc Hà bế đứa con gái mới sinh của Mây, khắc họa them một góc cạnh khác của đàn bà, cái bãn ngã sâu kín có chút nhỏ nhen, chút đố kị, chút lòng ghen tuông, chút sự toan tính tầm thường. Đó mới là đàn bà. Đó mới là tình yêu. Rõ ràng người duy nhất có tình yêu với người đàn ông năm thê bảy thiếp chính là người vợ cả. Dù bị ghẻ lạnh, dù bị lãng quên. Bơi vì sao? Vì người vợ cả là người từng một mình chiếm trọn trái tim của người đàn ông, là người từng ngày ngày bên cạnh người đàn ông ấy mà không có sự tranh giành của người phụ nữ khác, là người đã từng được người đàn ông – dù ít hay nhiều – đã trao trọn chút tình. Đối với đàn ông, tình cảm là thứ hiện hữu, đối với phụ nữ mà nói, tình yêu là thứ hoài niệm. Đàn ông thường yêu trước và quên nhanh, phụ nữ lại yêu sau và ôm mãi những điều chỉ còn là dĩ vãng.
Với Xuân, về nhà chồng làm thiếp, khi chồng đã có một người phụ nữ khác, rõ ràng Xuân không thể đặt hết tình yêu vào người đàn ông ấy như là Hà. Với Xuân, có nhiều điều để để tâm, Xuân tỏ ra sành sõi khi dạy Mây cách làm sao để làm tình, làm sao để mang lại cảm xúc cho bạn tình, chính cái sự sành sõi này đã đánh lạc hướng chúng ta vào việc Xuân có đặt để tình yêu của mình cho chồng. Nhưng hình ảnh Xuân quay lưng lại với người đàn ông trong cuộc ân ái và ngay sau việc đó kết thúc, người đàn ông tìm về với người vợ ba, còn Xuân lập tức chạy đi tìm tình nhân của mình trong đêm đã mở ra những góc khuất hơn, phức tạp hơn, sâu xa hơn trong tâm hồn của một người phụ nữ. Đặt để hành vi của một người phụ nữ tương tự một người đàn ông là một loại tiếng nói, nhưng vẫn phản ánh rõ cái thực tại xã hội cũ mới là một sự lên tiếng đúng nghĩa. Khi người đàn ông ngang nghiên trở về với người vợ mới, đường đường chính chính, thì người phụ nữ nhỏ bé lại lén lút băng rừng giữa đêm đen.
Và vô vàn những chi tiết khác, mình cũng rất rất tâm đắc sau khi xem phim, nhưng nhận thấy nên nói dăm ba điều mình thấy thú trước, rồi đợi chén trà thơm, chiếc bánh ngọt, đôi ba khoảng thời gian thong thả mà đàm đạo với người có hứng thú về những điều ẩn sau, cái gì nói nhiều quá đâm ra nhạt.
Typing xong gần bốn nghìn con chữ này mình cũng lười dần rồi, mình lại quấn chăn ngủ nghê đây ~