Hôm qua trong lúc đọc một cuốn sách hay, mình chợt run lên như vừa bị dội một gáo nước lạnh lên đầu.
Cảm giác đó đến từ sự khai sáng trong một vài giây ngắn ngủi, giống như khi bạn mất ngần ấy năm cố gắng trả lời cho một câu hỏi, để rồi câu trả lời đến một cách bất ngờ từ cuốn sách đang đọc. Nói ngần ấy năm là với những người đã lăn xả với đời thật nhiều, còn mình chỉ tính bằng năm thôi, sự khai sáng đó đã trả lời cho những điều mình còn vướng mắc trong những công việc đã qua. Bởi dù đã nghỉ việc được một thời gian nhưng mình vẫn luôn đau đáu những câu hỏi chưa có lời giải cho đến tận bây giờ.
Mình nghĩ những người đọc sách đều thỉnh thoảng trải qua cảm giác giống như mình, nhưng chắc sẽ không cần phải run lên đâu vì đó chỉ là một cách nói quá thôi.
Trước đây, hồi mới thi xong đại học, mình cũng bắt đầu đọc sách, vẫn là cuốn sách mà hôm qua mình đã đọc, nhưng khi đọc xong từ đầu đến cuối, mình chẳng đọng lại hay ấn tượng về điều gì trong đó. Hồi đó mình cứ nghĩ, tại sao có nhiều người đọc sách mà nhớ dai thế, còn mình thì chẳng nhớ được gì sau vài tuần để mà áp dụng, hay là trí nhớ mình có vấn đề? Nhưng thực chất không phải vậy.
Cho đến bây giờ mình cũng đã hiểu ra được, theo kinh nghiệm, mình sẽ phân chia đọc sách thành 4 trường hợp như sau:

1. Đọc sách khi chưa có trải nghiệm

2. Đọc sách song song với trải nghiệm

3. Đọc sách sau khi có trải nghiệm

4. Không đọc sách và chưa có trải nghiệm

Sách ở đây tạm thời sẽ mình sẽ nói chung chung, mình thiên về những cuốn sách chuyên môn về một lĩnh vực hơn, nhưng cũng có thể đúng với dòng sách Self-Help.
Hồi mình mới lên đại học và chưa có trải nghiệm gì, việc đọc sách lúc đó của mình là trường hợp 1. Lúc này, cảm giác của mình khi đọc sách như là đang đọc một cuốn lý thuyết khô khan vậy. Nếu không đi áp dụng kiến thức trong sách vào cuộc sống ngay thì những điều mình đọc được sẽ sớm bị quên. Mình đã quên rất nhiều những điều đọc được, nhưng khi gặp phải tình huống giống trong sách, mình có cơ hội nhớ ra và tìm đọc lại để áp dụng.
Thời gian mình đi làm thêm, lúc đó mình đã chịu khó đọc sách hơn và mình gọi là trường hợp 2. Lóc đó, mình chọn những cuốn sách sát sườn với công việc đang làm để học cách áp dụng. Điều đó giống như việc mình có một người mentor luôn ở bên giúp đỡ mình trong công việc vậy, mỗi cuốn sách sẽ là một người mentor sẽ cho mình những lời khuyên về 1 lĩnh vực, một góc nhìn, khi đó mình nhớ kiến thức trong sách hơn bởi mình đọc đến đâu là áp dụng đến đấy, cách đọc này rất hiệu quả trong thời gian mình làm việc.
Đến giờ, sau khi đã qua một vài công việc, mình vẫn giữ thói quen đọc sách và mình gọi là trường hợp 3. Trải nghiệm của mình vẫn còn đó, chỉ là bây giờ sách đóng vai trò như một người mentor giúp mình tìm ra căn nguyên của sai lầm trong quá khứ, hay lý giải những điều mình còn vướng mắc chưa có lời giải. Việc đó giúp mình hoàn thiện bản thân qua từng lỗi mình mắc phải, điều gì sai thì mình sửa, điều gì chưa tốt thì mình sẽ làm tốt hơn, điều gì tốt mình sẽ làm cho tốt hơn nếu còn gặp lại những trải nghiệm tương tự trong tương lai.
Cuối cùng, không đọc sách mà cũng không chịu trải nghiệm thì như người bị mù đi trong bóng tối vậy, thế thôi.
Nếu để trả lời cho câu hỏi đọc sách trước hay trải nghiệm trước thì mình sẽ chọn vừa đọc sách vừa áp dụng vào thực tế, còn thói quen đọc sách thì phải trường tồn, khi đó bạn sẽ luôn ở trong trường hợp 2 hoặc 3. Mình dám chắc cách đọc này sẽ giúp bạn hấp thụ tối đa kiến thức từ những cuốn sách. Học đi đôi với hành luôn tốt.
Đọc sách không phải là con đường duy nhất giúp bạn hoàn thiện bản thân, nhưng đó là cách rẻ và nhanh nhất để bạn được tiếp cận với tri thức của nhân loại. Hãy chăm đọc sách nhé!
--