Bạn hoàn thành xong bản thảo cho cuốn sách nhưng lại không biết nên gửi đến nhà xuất bản theo cách làm truyền thống hay tự xuất bản? Nếu như trước đây, bạn chỉ có một sự lựa chọn duy nhất khi muốn xuất bản sách thì bây giờ, với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, người viết có thêm một sự lựa chọn khác đó là tự xuất bản sách. Tuy nhiên, không phải cái nào cũ cũng lỗi thời và cũng không phải cái nào mới cũng dễ dàng tiếp cận.
Cho dù bạn gửi bản thảo đến nhà xuất bản hay tự xuất bản sách, bạn đều phải đối đầu với muôn vàn khó khăn, và không một con đường nào dát vàng cho bạn bước.
Nếu chọn xuất bản truyền thống, nhiều tác giả biết rằng mặc dù tiền nhuận bút cho mỗi cuốn sách không cao nhưng ít ra họ không phải lo lắng những khoản như marketing, biên tập, thiết kế bìa sách, đăng ký bản quyền... Vàhọ chấp nhận mức nhuận bút đó như cái giá phải trả cho hàng ngàn vấn đề đằng sau.
Còn đối với tự xuất bản sách, nếu đã lựa chọn con đường này, khối lượng công việc của người viết sẽ tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp năm lần so với bình thường. Nhưng đổi lại, họ sẽ trải nghiệm được toàn bộ quy trình cho việc xuất bản một cuốn sách và tiền nhuận bút có thể cao hơn nếu bán tốt.
Tất nhiên, dù bạn chọn phương án nào, bạn cũng nên có đủ lý do để thuyết phục bản thân vì sao mình chọn A mà không phải chọn B. Nếu bạn vẫn chưa đưa ra được quyết định, mình sẽ gợi ý 5 câu hỏi để bạn trả lời. Sau 5 câu hỏi này, bạn sẽ biết mình cần làm gì cho tập bản thảo trên tay.

1. Bạn muốn cuốn sách ra mắt khi nào?

Nguồn: Freepik
Nguồn: Freepik
Nhìn chung, xuất bản theo kiểu truyền thống cần nhiều thời gian chuẩn bị. Thời gian có thể kéo dài từ một năm đến hai năm. Lưu ý là khoảng thời gian này chưa bao gồm thời gian viết sách, chờ nhà xuất bản duyệt bản thảo mà tính từ khi nhà xuất bản chấp nhận bản thảo cho đến khi cuốn sách có mặt trên thị trường.
Hiện tại, mình đang tham gia viết một cuốn sách về cà phê. Qua đó, mình hiểu được vì sao một cuốn sách cần nhiều thời gian như vậy. Từ khi nhận lời viết bài cho đến khi hoàn thành bản thảo sơ bộ để đưa cho họa sĩ, thời gian đã phải tính bằng tháng. Chưa kể thời gian đăng ký sách bán trên thị trường, in ấn.... Vì vậy một năm là thời gian dễ hiểu cho một quy trình có quá nhiều bước đi như vậy.
Đó chỉ mới là thời gian để chuẩn bị, chưa kể thời gian viết. Một số tác giả để hoàn thành bản thảo thì phải mất từ một đến hai năm. Với thời gian lâu như thế, họ càng mong chờ cuốn sách của mình đến tay độc giả sớm nhất có thể. Nhưng với xuất bản truyền thống, điều đó dường như khó xảy ra. Còn tự xuất bản thì khác, bạn có thể nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trong ngày mai nếu bạn đã hoàn thiện tất cả các khâu từ thiết kế, biên tập...
Nói gì thì nói, bạn cần xác định được thời gian bạn muốn cho ra mắt cuốn sách là khi nào. Nếu bạn muốn cuốn sách này đến tay độc giả càng sớm càng tốt, tự xuất bản sách chính là câu trả lời cho bạn. Nhưng tốc độ tiếp cận thị trường không nhất thiết phải là yếu tố quyết định duy nhất của bạn. Hãy thử xem những câu hỏi khác để cân nhắc kỹ hơn.

2. Số lượng độc giả bạn muốn tiếp cận?

Tác giả nào cũng vậy, họ đều muốn cả thế giới đọc sách của mình hoặc ít nhất là độc giả mục tiêu. Họ muốn người ta đọc, đánh giá cuốn sách, thậm chí là trở thành độc giả trung thành trong suốt quãng đời viết sách. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng khi bạn chưa có chỗ đứng trong thị trường viết sách, cho dù bạn chọn xuất bản truyền thống hay tự xuất bản. Muốn có một tệp độc giả trung thành, bạn phải xây dựng được thương hiệu cá nhân và cho độc giả thấy vì sao họ nên đọc sách của bạn chứ không phải của tác giả khác.
Đối với tác giả mới chưa có nhiều độc giả, bạn sẽ gặp nhiều áp lực khi tự xuất bản sách. Như trong cuốn ““Publishing 101”, Jane Friedman đã thẳng thắn viết rằng:
“Khi tác giả sách theo đuổi việc tự xuất bản sách thay cho phương pháp xuất bản truyền thống, họ đều cảm thấy ngạc nhiên đến khó chịu rằng: không một ai lắng nghe. Họ không có độc giả”
Trên thế giới, tính đến ngày 1 tháng 8 năm 2018, Kindle đã bán được 6.922.403 đầu sách điện tử. Bởi vì Amazon chiếm phần lớn trong số tất cả các nhà bán sách lẻ nên hàng triệu đầu sách đó sẽ là đối thủ cạnh tranh của bạn. Bạn vẫn có cơ hội tiếp cận những khách hàng thường xuyên của Amazon, nhưng bạn phải biết cách thu hút những khách hàng đó tìm thấy cuốn sách của bạn trong hàng triệu cuốn sách cùng thể loại khác. Trừ khi bạn biết có nhiều nơi dành cho những người tự xuất bản sách, nếu không bạn chỉ còn cách phụ thuộc vào Amazon để bán hàng của mình. Ở Việt Nam, mình chưa thấy hình thức này phát triển nên việc tự xuất bản sách tiếng việt chủ yếu phụ thuộc vào danh tiếng cũng như khả năng tiếp thị của bạn.
Nếu may mắn, cuốn sách của bạn sẽ được đặt hàng bởi một cửa hàng sách nhỏ lẻ nào đó trong trường hợp cuốn sách thu hút được một nhóm khách hàng tiềm năng. Nhưng khả năng cuốn sách của bạn xuất hiện ở các hiệu sách lớn trên toàn quốc dường như khó xảy ra. Đây lại là ưu thế của các nhà xuất bản truyền thống. Bởi họ xây dựng mối quan hệ với các hiệu sách lớn và nhà phân phối để thu hút tác giả đến cộng tác với họ.
Dù gì đi chẳng nữa, sách được xuất bản theo kiểu truyền thống vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Chưa kể hằng năm, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các hội sách quy mô lớn, quy tụ các hiệu sách, NXB lớn trên toàn quốc. Đây là sẽ lúc cuốn sách của bạn được quảng bá rộng rãi nhất.
Tuy vậy, dù bạn chọn cách nào, bạn cũng nên xây dựng được nhóm độc giả cho riêng mình để quảng bá sách đến nhiều độc giả nhất.

3. Mức độ bạn muốn kiểm soát khi xuất bản một cuốn sách?

Nếu bạn muốn kiểm soát toàn bộ quy trình, bạn nên chọn tự xuất bản sách. Nhưng điều quan trọng là bạn phải suy nghĩ thấu đáo về những công việc cần làm để cho ra một cuốn sách chỉn chu.
Kiểm soát mọi khâu của cuốn sách có nghĩa là bạn sẽ làm từ A đến Z và chịu trách nhiệm cho mọi khía cạnh ngoài việc viết nội dung.
Bạn phải dành nhiều thời gian hơn để thiết kế bìa, biên tập nội dung, chỉnh sửa, định giá và quảng bá để cạnh tranh với kiểu xuất bản truyền thống. Những công đoạn đó vừa bào mòn thời gian vừa bào mòn kiên trì của bạn, vì không phải người viết nào cũng có thể tự thiết kế bìa sách, định dạng... một cách chỉn chu. Tuy nhiên, nếu bạn không thể đảm nhận, bạn có thể thuê người khác nhưng sẽ tốn hầu bao của bạn kha khá. Bạn cần phải xem công việc này giống như đang vận hành một doanh nghiệp nhỏ và bạn đang là người đứng đầu kiểm soát toàn bộ quy trình.
Với xuất bản truyền thống, bạn không có quyền gì ngoài việc viết. NXB sẽ là người quyết định tất cả từ kiểu chữ, thiết kế nội dung, bìa sách, định giá..., không những thế bạn sẽ còn phải thay đổi nội dung để đáp ứng yêu cầu của NXB. Đối với nhiều tác giả, điều này khó chấp nhận được vì họ không được toàn quyền kiểm soát cũng như sáng tạo, vì dù sao đi nữa đó, cũng là sách của họ.
Tuy nhiên, lại có một số tác giả cho rằng bỏ đi những công việc vặt đó là cách giúp họ giải thoát. Họ sẽ toàn tâm toàn ý trau chuốt cho nội dung cuốn sách và viết thêm nhiều cuốn sách khác nữa.
Chung quy, dù bạn theo hình thức nào thì sẽ phải từ bỏ một trong ba thứ: tiền bạc, thời gian và quyền kiểm soát. Điều nào trong ba điều đó quan trọng nhất đối với bạn?

4. Bạn muốn kiếm bao nhiêu tiền từ cuốn sách?

Nguồn: Freepik
Nguồn: Freepik
Viết sách không thể làm bạn giàu. Đó là một sự thật bạn phải chấp nhận. Chỉ cần xem xét số liệu thống kê từ Khảo sát thu nhập tác giả năm 2018 của Hiệp hội Tác giả (Authors Guild’s 2018 Author Income Survey), thu nhập của các tác giả Mỹ đã giảm xuống mức thấp trong lịch sử: trung bình thu nhập của tác giả là 6.080 đô la trong năm 2017. Con số này giảm 42% so với năm 2009.
Nhưng có một điều bạn cần hiểu, đối với tự xuất bản sách, bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn cho mỗi cuốn sách bán được. Nhưng đổi lại, khả năng phân phối của cuốn sách sẽ bị giới hạn trong phạm vi của bạn và chỉ những độc giả trung thành của bạn mới có cơ hội biết đến cuốn sách.
Đối với xuất bản truyền thống, tiền nhuận bút nhận cho một đợt xuất bản thấp, chưa kể bạn đang là tác giả mới. Nhưng đổi lại, khả năng phân phối của cuốn sách rộng trên phạm vi toàn quốc, sách của bạn sẽ có cơ hội đến với nhiều độc giả hơn. Cũng nhờ vậy, trong tương lai, bạn có thêm nhiều độc giả trung thành hơn.
Câu hỏi đặt ra là: Bạn muốn kiếm được nhiều hơn trên mỗi cuốn sách và bán được ít sách hơn bằng cách tự xuất bản, hay bạn muốn kiếm được ít hơn trên mỗi cuốn sách và bán được nhiều sách hơn bằng xuất bản truyền thống?

5. Mục tiêu ưu tiên số một của bạn khi xuất bản sách là gì?

Mình sẽ không ngạc nhiên khi bạn đọc tới đây và bạn còn rối hơn lúc đầu. Nhưng để đưa ra được quyết định cuối cùng, bạn cần cân nhắc đâu là ưu tiên hàng đầu khi xuất bản một cuốn sách.
Nếu bạn cuốn sách có mặt trên thị trường sớm nhất, hãy chọn tự xuất bản sách.
Nếu bạn muốn tiếp cận với nhiều độc giả nhất, hãy tìm đến xuất bản truyền thống.
Nếu bạn muốn kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất sách, hãy tự xuất bản.
Nếu bạn muốn kiếm tiền, đừng chỉ dựa vào doanh số bán sách. Hiện nay, các tác giả sách kiếm được tiền không chỉ dựa vào xuất bản sách, họ còn làm nhiều việc khác nữa.
Có thể mục tiêu chính của bạn khi quyết định xuất bản sách không nằm ở những câu hỏi trên, nhưng chỉ cần bạn xác định được điều mình muốn ở cuối chặng đường này là gì, bạn sẽ có câu trả lời. Cuối cùng, bất kể bạn chọn đi theo con đường nào, hãy kiên trì bằng cả đam mê và nhiệt huyết, khi đó thành công sẽ đến với bạn.