Thấy trên facebook có bạn – không nhớ bạn nào – hỏi: mặc váy quá đầu gối thì có nghĩa là váy cao hơn đầu gối hay thấp hơn đầu gối – nghĩa là mép váy nằm ở phía ống chân hay phía đùi (đầu gối là trung điểm)? 

Câu trả lời là váy dài chờm xuống phía dưới đầu gối, phần ống chân.


Lí do không phải do vị trí tương đối của váy với đầu gối mà là do cách quan niệm của người Việt: váy, quần là những thứ có điểm gốc được cho là cạp quần, cạp váy mà từ đó chiều dài của quần, của váy phát triển theo chiều hướng xuống dưới. Chiều dài được tính từ điểm gốc đến điểm ngọn, trong trường hợp này là từ cạp quần, cạp váy xuống dưới mép ống quần, mép váy. Hướng từ trên xuống dưới là hướng tự nhiên của quần – váy. (thử nghĩ, khi cầm quần – váy, bao giờ ta cũng cầm phần cạp, để cho toàn bộ chiều dài đổ xuống)




Điều này cũng đúng với áo mặc khi chúng ta luôn cầm cổ áo để chiều dài buông xuống phía dưới. Do đó mặc áo quá mông tức là áo rất dài, chờm xuống phía dưới mông.


Trường hợp này còn đúng với cả tóc khi phần gốc lại là ở trên, và ngọn tóc lại là dưới cùng. Tóc dài là tóc hướng xuống dưới.


Như vậy đối với cả quần – váy, áo và tóc thì chiều dài không phải được xác định theo chiều nằm ngang theo hướng từ trái sang phải như cách đo thông thường trong đời sống mà được xác định theo chiều thẳng đứng hướng từ trên xuống dưới. Lí do? Cạp quần, cổ áo, chân tóc là những điểm cố định, do đó được chọn làm điểm xuất phát để đo độ dài, mà chúng lại nằm ở vị trí phía trên.


Điều này khác với việc đo chiều cao của sự vật, bao giờ cũng là chiều thẳng đứng từ dưới hướng lên trên. Bởi vì chiều cao không gì khác là sự khác biệt trong khoảng cách của một đầu mút của sự vật tới điểm tiếp xúc với bề mặt phẳng (trong hầu hết các trường hợp là mặt đất). Sự gia tăng chiều cao là sự gia tăng khoảng cách đối với điểm gốc cố định – nơi sự vật tiếp xúc với bề mặt phẳng.

Image may contain: one or more people, people standing, child, tree and outdoor


Vậy nên trong trường hợp giả định là chúng ta lội nước, thì “nước quá đầu gối” lại có nghĩa là nước cao vượt lên trên cả đầu gối, tới phần đùi của cơ thể. Vì ai cũng biết nước dâng lên theo hướng thẳng đứng từ dưới lên trên chứ không phải ngược lại. Nước dâng cao bao nhiêu, váy dâng cao bấy nhiêu 


Như vậy có thể tạm đưa ra những kết luận sơ bộ sau:


- Chiều kích của sự vật được đo đạc, xác định theo hướng của sự tồn tại, phát triển, tình trạng tự nhiên của sự vật.


- Điểm cố định được coi là điểm mốc của sự đo.


- Các sự vật khác nhau sẽ có chiều và hướng đo khác nhau, nhiều khi là trái ngược nhau (hãy nghĩ về các vector có chiều và hướng khác nhau, trái ngược nhau).


- Như vậy con người nhận thức thế giới và phản ảnh những nhận thức đó vào trong ngôn ngữ của mình.

Muốn biết những điều tương tự? Hãy tìm hiểu một ngành khoa học ngôn ngữ học nhé các bạn. Đó là Ngôn ngữ học tri nhận – cognitive linguistics. 

Ahihi.

Bài viết của Nhã Chi