Mình mong mọi người hãy trải nghiệm "Nausicaa of the Valley of the Wind" ít nhất một lần trước khi đọc bài viết. Bộ phim này sẽ xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra. Trái Đất là ngôi nhà chung của cả nhân loại, là cái nôi sự sống, là chốn dung dưỡng cho ta lớn lên từng ngày. Thế nhưng khi nhìn lại, chúng ta, những người con của tinh cầu xanh, lại đang giết chết chính môi trường sống của mình. Khí hậu biến đổi, nước biển dâng, thủng tầng ozon... tất cả là những gì thiên nhiên đang trả lại con người sau hàng trăm năm tàn phá môi trường vì mục đích cá nhân. Những thiên tai này không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại, mà còn tác động tới cả những thế hệ mai sau. “Trái đất sẽ ra sao nếu con người không ngừng phá hoại hành tinh?” - Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, và với mỗi cái lại là một viễn cảnh thật khác biệt. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhìn ngắm thế giới đó bằng lăng kính của nhà làm phim huyền thoại người Nhật Hayao Miyazaki, thông qua một kiệt tác điện ảnh của ông, Nausicaa of the Valley of the Wind.
Trailer bộ phim Nausicaa of the Valley of the Wind
Nausicaa of the Valley of the Wind là bộ phim được phát hành năm 1984, chuyển thể từ 2 tập đầu của bộ manga cùng tên năm 1981. Mặc dù là tác phẩm thứ hai trong sự nghiệp của vị đạo diễn gạo cội, nhưng đây là tác phẩm đã đưa Hayao Miyazaki lên bản đồ điện ảnh thế giới, và cũng là tiền đề cho sự thành lập và phát triển của Studio Ghibli lừng danh.Bộ phim đưa chúng ta theo chân nàng công chúa của Thung Lũng Gió - Nausicaa, trên hành trình bảo vệ dân làng của mình trước mối đe dọa từ Biển Thối Rữa và cuộc xâm lược của những kẻ từ vùng đất khác, đồng thời tìm cách hàn gắn lại mối liên kết đã đứt giữa con người và thiên nhiên. Với phần hình ảnh và phần âm thanh được chau chuốt tỉ mỉ cùng một câu chuyện lôi cuốn, Nausicaa of the Valley of the Wind là một bộ phim đáng xem với thông điệp tích cực về tinh thần phản chiến và ý thức bảo vệ môi trường.
Một thế giới nơi con người đối đầu với thiên nhiên 1000 năm trước, trong thời điểm cực thịnh phát triển, con người đã tạo ra những Chiến Binh Khổng Lồ - một loại vũ khí mang tính huỷ diệt hàng loạt. Với sức mạnh to lớn, chỉ sau vài ngày bước đi trên mặt đất chúng đã xóa sổ nền văn minh công nghiệp và đẩy con người đến bờ vực diệt vong. Sự kiện này được gọi là sự kiện “Bảy Ngày Lửa”. Sau tận thế, từ đống tro tàn của thế giới cũ, một cái đầm chưa đầy chất độc gọi là Biển Thối Rữa được hình thành, tạo nên một hệ sinh thái mới gồm các loại nấm độc và những côn trùng đột biến. Nó nhanh chóng lan rộng, đem ô nhiễm và chết chóc đến mọi vùng đất nó đi qua. Những người đã may mắn sống sót qua “Bảy Ngày Lửa” lại phải tiếp tục đấu tranh để sinh tồn trong một thế giới đầy rẫy hiểm nguy. Họ luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, được đem đến bởi một vị cứu tinh mang chiếc áo màu xanh.
Lời tiên tri về vị cứu tinh mang chiếc áo màu xanh
Lời tiên tri về vị cứu tinh mang chiếc áo màu xanh
Chỉ với những bức tranh thêu trên tấm thảm, bộ phim đã thành công khắc hoạ lên một tương lai ảm đạm của Trái Đất, nơi mà nhân loại đã tự huỷ hoại bản thân và môi trường bằng chiến tranh. Ở đây, con người phải cẩn thận từng hơi thở của mình khi xung quanh toàn là khí độc, phải chiến đấu chống lại những đàn bọ khổng lồ khát máu, đồng thời phải cố ngăn cản sự lan rộng của Biển Thối Rữa. Hình ảnh Biển Thối Rữa xuất hiện trong phim chính là cơn thịnh nộ của tự nhiên trước những gì con người đã và đang làm. Tuy mới chỉ xuất hiện được hơn 300.000 năm, nhưng chúng ta đã gây ra không ít thảm hoạ môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, xói mòn đồi núi và đầu độc không khí. Và khi Mẹ Trái Đất không thể chịu đựng được nữa, Người sẽ trả lại những gì nhân loại đã đối xử với mình. Người tạo ra một thế giới chết, nhấn chìm những kẻ đã làm tổn thương Bà trong ô uế và tai ương. Những hồ axit được hình thành, những rừng chất độc ngày càng mở rộng, đẩy con người một lần nữa tới sát bờ vực của sự tuyệt diệt.
Bối cảnh của phim được cảm tác dựa trên thảm kịch vịnh Minamata. Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1932 đến năm 1958, công ty Chisso đã xả thải không ngừng ra vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto một lượng thuỷ ngân hữu cơ khổng lồ. Sự ô nhiễm này đã ảnh hưởng nặng nề tới vùng vịnh Minamata, kéo theo đó là hàng loạt người dân xung quanh bị mắc các chứng bệnh về thần kinh do ngộ độc thuỷ ngân nghiêm trọng, gọi là bệnh Minamata. Với thảm kịch này và thế giới hậu tận thế trong phim, Hayao Miyazaki đang muốn cảnh báo chúng ta về một tương lai tăm tối có thể xảy ra nếu chúng ta không chịu thay đổi và tiếp tục những hành vi phá hoại.
Nạn nhân của thảm hoạ vịnh Minamata
Nạn nhân của thảm hoạ vịnh Minamata
Đặt ở vị thế là một con người, ta dễ dàng cảm thấy thiên nhiên trong Nausicaa of the Valley of the Wind là một thế lực thù địch đầy nguy hiểm. Nhưng giống trong hầu hết bộ phim của Hayao Miyazaki, không có gì là thuần ác cả. Biển Thối Rữa trong phim là nỗi kinh hoàng của nhân loại, nhưng lại là tiền đề để Trái Đất tái thiết lập thế giới. Ẩn sau vẻ ngoài chết chóc, thiên nhiên đang tự chữa lành chính nó và thanh tẩy những điều ô uế khỏi bản thân, bao gồm cả con người. Điều này vô tình đặt hai bên vào thế phải đối đầu nhau.
Có một phần cảnh vô cùng đắt giá trong phim đó là khi người dân của Thung Lũng Gió nhận ra cả khu rừng nơi mình sống đã bị nhiễm độc, buộc họ phải đốt đi tất cả. Khi này, thiên nhiên cần tiêu diệt loài người để có thể tiếp tục công cuộc tái sinh, loài người lại phải huỷ hoại thiên nhiên để duy trì sự sống. Cuộc đấu tranh vì sinh mạng đã khiến con người tự cắt đứt hoàn toàn mối liên kết với thiên nhiên, tự biến bản thân thành kẻ thù của Trái Đất. Giống như chú Sóc Cáo nhỏ đầu phim, nhân loại đang sợ hãi. Và vì sợ hãi, có người sẽ tìm đến những cách cực đoan để giải quyết vấn đề, đó là công chúa Kushana của đế quốc Tolmekia. Cô muốn sử dụng sức mạnh của Chiến Binh Khổng Lồ để phá huỷ Biển Thối Rữa. Nhưng sức người nào có thể thắng được thế lực tự nhiên, Chiến Binh Khổng Lồ của Kushana bị phá huỷ chỉ thời gian ngắn sau khi được đánh thức. Chính hành động bạo lực này khiến thiên nhiên càng nổi giận và tấn công con người bằng đàn Ohmu khổng lồ mắt đỏ đầy sát khí. Đối đầu với thiên nhiên là cuộc chiến con người luôn thua. Vì vậy, bạo lực không phải câu trả lời cho vấn đề. Vậy đáp án đúng là gì? Đó là sự gắn kết.
Nausicaa - Nàng công chúa của sự gắn kết Thế giới mà Hayao Miyazaki tạo ra trong phim là một thế giới kinh hoàng, tạo nên bởi chiến tranh, mất mát và đau thương. Nhưng giống như cái tên của hãng, những ngọn gió giữa sa mạc khô cằn Ghibli, có tồn tại một tia sáng hy vọng trong cái bối cảnh tăm tối ấy. Tia sáng đó là Nausicaa.
Nausicaa - nàng công chúa của Thung Lũng Gió
Nausicaa - nàng công chúa của Thung Lũng Gió
Nausicaa là công chúa của Thung Lũng Gió, được miêu tả là người có tâm hồn trong sáng, dũng cảm và thông minh. Khi xảy ra xung đột, Nausicaa luôn tìm những cách ít gây tổn hại nhất đến mọi người xung quanh để xử lý vấn đề. Cô đề cao những hành động hoà giải hơn là sử dụng bạo lực, vì cô tin rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người thật sự thấu hiểu nhau. Không chỉ vậy, cô còn có tấm lòng bao dung to lớn, biết sống vì mọi người và sẵn sàng chịu hy sinh để bảo vệ những người thân yêu. Điều này được thể hiện qua hành động miễn cường đầu hàng trước quân Tolmekia của cô nhằm đảm bảo mạng sống cho dân làng, hay khi cô hy sinh thân mình để chặn đàn Ohmu đang nổi giận tấn công Thung Lũng Gió. Bởi những phẩm chất đáng quý như vậy, Nausicaa đã trở thành nàng công chúa được yêu quý nhất không chỉ bởi người dân thung lũng, mà còn bởi những ai đã từng xem qua bộ phim này.
Không chỉ với con người, Nausicaa còn dành tình cảm rất lớn cho thiên nhiên. Nếu Biển Thối Rữa đối với mọi người là một thế lực thù địch, thì trong mắt Nausicaa, những cánh đồng nấm độc, những hồ nước ô nhiễm và những loài bọ đột biến khổng lồ lại như những khung cảnh bước ra từ truyện cổ tích, vừa lung linh huyền ảo, vừa bí hiểm gợi trí tò mò. Cô không kì thị hay sợ hãi, trái lại, nàng công chúa của Thung Lũng Gió lại bị thu hút bởi vẻ đẹp tiềm ẩn phía sau vẻ ngoài gai góc của vùng chết chóc kia. Mỗi lần cô khám phá Biển Thối Rữa, là một lần cô tìm hiểu sâu hơn về thiên nhiên quanh mình. Cô hiểu rõ rằng, đây là một vùng đất chết, nhưng chỉ là đối với con người khi mà trong đó, sự sống vẫn tiếp tục sinh sôi. Cô lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu với tiếng lòng của Trái Đất, từ đó dần dần xây dựng lại mối liên kết với Mẹ Thiên Nhiên.
Nausicaa và Biển Thối Rữa
Nausicaa và Biển Thối Rữa
Kết phim là hình ảnh Nausicaa bước đi trên cánh đồng lúa vàng tạo nên từ những xúc tu của đàn Ohmu, hệt như vị cứu tinh trong truyền thuyết. Sắc xanh của hy vọng trên áo của Nausicaa hoà với sắc vàng của đất mẹ, tạo nên luồng ánh sáng xóa đi bóng tối hận thù và sắc đỏ chiến tranh. Lúc này đây, vị cứu tinh Nausicaa đã trở thành cầu nối giữa hai bên mà khi đầu phim còn phải đối đầu nhau để sinh tồn. Giữa một thế giới suy tàn như vậy, sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên đã đánh dấu bước tiến quan trọng trên hành trình kết nối của cả hai, đồng thời cũng nêu bật lên bài học nhân văn sâu sắc: “Hãy lắng nghe, hãy thấu hiểu và hãy chung sống hòa hợp với thiên nhiên.
Nausicaa of the Valley of the Wind là một bộ phim hay đáng để thưởng thức một lần không chỉ bởi phần hình ảnh và âm thanh được đầu tư công phu, mà còn bởi ẩn chứa sau từng khung hình, là những bài học vĩ mô và sâu sắc về cách con người chúng ta đối xử với thiên nhiên. Để tương lai mà Hayao Miyazaki đã cảnh báo không trở thành hiện thực, ta cần nắm rõ bài học về tầm quan trọng của tự nhiên và tập cách sống dung hòa với nhau trên con đường phát triển của mình.