Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai đứng đầu Châu Á, đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng chỉ sau Trung Quốc và Nga. Trong khi nền kinh tế phát triển, khi không còn phải đương đầu với chiến tranh, với giặc đói, giặc nghèo thì chúng ta lại phải đối mặt với một vấn nạn mới còn đáng sợ hơn chính là việc tự do tước đoạt đi quyền làm người của những em bé, đặc biệt đang ở tình trạng báo động trong giới trẻ.  


“Mẹ què” - tự truyện về hành trình sống và sinh con của một người mẹ què có lẽ đã quen thuộc với nhiều bạn đọc. Thiện tâm - nhân vật mẹ què, từ bé đã bị dị tật một chân do một trận ốm gây lên và bị cha mẹ, họ hàng hắt hủi. Bé Bông, con của Thiện Tâm, là kết quả của một vụ xâm hại tình dục. Đứa bé đã suýt nữa không được sinh ra nếu không nhờ nghị lực phi thường của người mẹ và những sự giúp đỡ từ những con người làm công tác tuyên truyền, bảo vệ sự sống. 
Bé Bông có lẽ là một số ít những em bé may mắn được sinh ra dù đã có lúc được đặt ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa sự lựa chọn bỏ hay giữ của những người cha, người mẹ. Mỗi năm, chỉ riêng Việt Nam, có hàng trăm nghìn những thai nhi chưa được sinh ra mà đã định sẵn phải chết.

Không một cái tên, không ngày tháng năm sinh, không gốc gác, quê quán, không một lời nhắn nhủ. Đó chính là số phận của những thai nhi bị bỏ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Chị Vũ Hạnh, là một thành viên của hội Bảo vệ sự sống Thái Hà, Hà Nội, thường xuyên nhận được cuộc gọi từ những cơ sở phá thai gọi đến lấy xác thai nhi vừa bị phá. Gắn bó với nhóm được 9 năm, chị đã chứng kiến và tận tay đem về những xác thai nhi có khi là một cục máu nhỏ, nhưng có khi cũng là những em bé nặng tới hơn 3kg.
Trong những bọc nilon đen 5kg nào là những bông gạc, kim tiêm, nhau thai. Có khi, còn cả những tờ 1 nghìn, 2 nghìn do người ta ném vào để em bé được siêu thoát. Đau lòng nhất là những xác thai nhi không còn lành lặn, bọc này mất tay, bọc kia mất chân. Những lúc như thế, những người tắm cho các thai nhi rất khó khăn và hơn nữa là rất đau lòng. Làn da tím tái, nhăn nheo, đôi môi trắng bệch, cặp mắt nhắm tịt. Chị Hạnh cùng những người bạn mặc dù đã quá quen với điều này nhưng vẫn không khỏi ám ảnh.
Tắm rửa xong, các thai nhi được mặc quần áo, quấn khăn, bọc trong các túi nilon, chờ ngày được an táng. Một thánh lễ an táng tập thể cho hàng trăm thai nhi tại nhà thờ Thái Hà vào mỗi thứ 6 đầu tháng để cầu nguyện cho các em. Rồi sau đó, các em được đưa về những nghĩa trang xung quanh Hà Nội, là nơi an nghỉ cuối cùng. Hơn 10 năm hoạt động, nhóm Bảo vệ Sự Sống nhà thờ Thái Hà đã chôn cất hàng trăm nghìn thai nhi. Đầu tiên là nghĩa trang La Phù, Hoài Đức. Khi đã không còn chỗ, các em lại được đưa về nghĩa trang Thạch Bích hay nghĩa trang Đồi Cốc, Sóc Sơn, Hà Nội. Không khỏi xót xa, chị Hạnh nói “Sao người ta càng ngày càng nhẫn tâm phá thai nhiều như vậy?”
 
Xã hội càng phát triển, con người càng trở nên lạnh lùng với sự sống. Việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai, phá thai trở thành một vòng tròn khép kín giống nhau ở khá nhiều người. Họ quan niệm rằng thai nhi chưa là người nên không có quyền con người. Lối suy nghĩ đó đã khiến cho hàng triệu sinh linh bé nhỏ bị tước đoạt đi quyền sống khi chưa nhìn thấy ánh mắt trời.
 Hàng năm thế giới có 208 triệu ca mang thai và 41% trong số đó là mang thai ngoài ý muốn, nửa trong số này sẽ phá thai. Ước tính 33 triệu ca mang thai ngoài ý muốn mỗi năm do ngừa thai thất bại hoặc sử dụng biện pháp ngừa thai không đúng cách. 11% ca sinh con rơi vào các bà mẹ trẻ trong độ tuổi 18-19, tương đương với khoảng 16 triệu ca mang thai vị thành niên mỗi năm. 

Ở Việt Nam, theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có khoảng 250 đến 300 nghìn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khoảng từ 20 đến 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và từ 60 đến 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19. Trong đó, khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số này cho thấy, chúng ta đang là nước đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Ðông Nam Á về tình trạng nạo phá thai.
 Tình trạng nạo phá thai hiện nay là một vấn đề nhức nhối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nạo phá thai không còn là chuyện riêng của mỗi người mà nó được coi là hành động phi đạo đức, thậm chí cao hơn là tội ác giết người. Rất nhiều quốc gia đã ban hành luật chống nạo phá thai. Nhưng trên thực tế, số liệu về những ca nạo phá thai vẫn không có dấu hiệu khả quan.





17 tuổi, đang là học sinh cấp 3, vài tháng gần đây, N tăng cân nhanh, bụng to bất thường. Chỉ đến khi được gia đình cho đi khám, em mới biết mình đang mang thai ở tuần thứ 21. Vì đang là trẻ vị thành niên nên  N có quyết định đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên qua khai thác của bác sĩ, em hoàn toàn không có hiểu biết về kĩ năng phòng tránh.
 Tại Việt Nam, theo Nghiên cứu quốc gia về vị thành niên và thanh niên năm 2010, tỉ lệ trung bình quan hệ tình dục lần đầu ở Mỹ và Việt Nam là 18 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ nạo phá thai ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Việt Nam hiện nay đang là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và đang có xu hướng gia tăng.
 Con số trên cho thấy, tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ tăng không phải là do quan hệ tình dục sớm mà là do giới trẻ thiếu hiểu biết trầm trọng về vấn đề quan hệ tình dục và phòng tránh an toàn.
 Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân – bác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết  "Có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng này là có thai ngoài ý muốn do quan hệ tình dục sớm mà không áp dụng biện pháp phòng tránh. Thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, đến 55,6% số ca nạo phá thai là do không áp dụng các biện pháp tránh thai. Các bạn trẻ suy nghĩ rất đơn giản là “quan hệ tình dục một lần chắc sẽ không mang thai được đâu” . Để đến khi hậu quả xảy ra rồi thì các bạn lại mang tâm lý sợ hãi, giấu diếm không dám nói với ai, không tìm được sự giúp đỡ. Khi thai đã quá to gia đình mới phát hiện và đưa đi khám, xử lý thì để lại những hậu quả rất nặng nề"

Bên cạnh đó có đến 39,5% số ca là sử dụng biện pháp tránh thai không đúng cách. Chỉ có 8% các bạn được hỏi nói rằng có sử dụng biện pháp phòng tránh nhưng lại là những cách thức rất phản khoa học mà không biết các bạn học từ đâu như uống nước chanh hay vệ sinh vùng kín bằng nước chanh sau khi quan hệ tình dục. 
 Được biết những năm gần đây những kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản đã được đưa vào chương trình giáo dục, tuy nhiên thực tế cho thấy việc giáo dục các kiến thức về tình dục cho học sinh ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo còn ngần ngại khi giảng giải về vấn đề này cho con em và bản thân họ thực sự cũng không có đủ kiến thức cũng như kĩ năng để giáo dục giới tính cho các em. Hình ảnh các thầy cô giáo ngập ngừng, đỏ mặt khi chia sẻ cho học sinh về vấn đề giới tính và quan hệ tình dục là hình ảnh không khó bắt gặp ở Việt Nam.

Trong khi đó thì hậu quả của việc nạo phá thai ở giới trẻ đặc biệt là trẻ vị thành niên lại rất cao. “Một lần sẩy bằng bảy lần đẻ” vốn là câu nói để so sánh nỗi đau giữa sảy thai, nạo phá thai với sinh đẻ. Ở trẻ vị thành niên, thanh niên, một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất để lại là sang chấn về mặt tâm lý. Khi còn ở lứa tuổi quá non nớt đã phải áp dụng thủ thuật thực sự rất đau và nó còn để lại nhưng hậu quả về tâm lý, ám ảnh về sự đau đớn sẽ theo họ suốt cả cuộc đời. 
Không chỉ thế, nạo phá thai khi còn quá trẻ có thể dẫnđến vô sinh trong tương lai, vĩnh viễn không được làm mẹ, thủng tử cung, biến dạngdẫn đến sinh ra những đứa trẻ bị dị tật ảnh hưởng đến chất lượng dân số vànghiêm trọng hơn nữa là có thể dẫn đến băng huyết, tử vong ngay trong quá trìnhnạo, phá thai. Không ít trường hợp các em đang là học sinh, khi phát hiện mangtại thì tự mua thuốc kích thích chuyển dạ theo hướng dẫn trên mạng để phá. Thấychảy máu, lại cứ nghĩ đó là thai đang ra, nhưng thực tế là bị băng huyết ồ ạt,rất nguy hiểm.




Nhóm Bảo vệ sự sống Thái hà mà chị Hạnh Vũ tham gia chỉ là một trong số rất nhiều nhóm thiện nguyện được nhắc đến thời gian gần đây. Chúngta thấy, truyền thông bắt đầu đưa tin về những nhóm làm công tác thu nhặt xácthai nhi để an táng hay những người đi thuyết phục những người có ý định nạo phá thai. Không phải là đến bây giờ mới có những người làm việc đó, có nhữngnhóm đã hoạt động được 9 năm, 10 năm. Tuy nhiên, họ chỉ dám hoạt động bí mật vì không được phép. 
Truyền thông đã bắt đầu có những hoạt động tích cực hơn để tuyên truyền giáo dục về vấn đề quan hệ tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản ở trẻ vị thành niên – việc mà đáng ra phải được nói đến từ rất lâu rồi. Đó là một dấu hiệu vô cùng đáng mừng. 
 Thay vì bàn bạc xem có nên đưa ra luật cấm nạo phá thai và xử phạt với nạo phá thai hay không, chúng ta cần phải có sự đầu tư xứng đáng cho hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là cởi mở hơn khi nói về chủ đề giáo dục giới tính, quan hệ tình dục trên các phương tiền truyền thông đại chúng.
Việc truyền thông là rất cần thiết để giới thiệu cho các bạn trẻ những kiến thức chính xác nhất về các biện pháp phòng tránh hiện đại, đúng cách cũng như là những hậu quả nghiêm trọng của việc nạo phá thai không an toàn.
Thực hiện một cuộc khảo sát trong sinh viên trường đại học, 90% sinh viên mong muốn được thầy cô, bố mẹ cởi mở, thoải mái chia sẻ về những kiến thức giới tính thay vì biến nó thành một vấn đề nặng nề. Bạn Huyền (khoa Thông tin thư viện – ĐHKHXH&NV) chia sẻ: “Mình mong muốn được bố mẹ chia sẻ cho mình một số thông tin để mình còn biết cách phòng tránh. Theo mình, những trường hợp các bạn tẻ có thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai là do họ không được giáo dục từ nhỏ nên không biết các phòng tránh anh toàn dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.


Cùng với truyền thông và các cơ quan chức năng, các nhà trường, các cơ sở giáo dục cũng phải mạnh dạn hơn đưa bộ môn Giáo dục giới tính vào trong chương trình học tập để trang bị cho trẻ vị thành niên, thanh niên những kiến thức kĩ năng cần thiết. Nói một các khác theo lời bác sĩ Nguyễn thị Bích Vân là “Phải mạnh dạn vẽ đường cho hươu chạy để nó chạy đúng đường” chứ không phải như trước nay chúng ta vẫn luôn quan niệm là không vẽ đường. Chính vì không vẽ đường nên nó mới chạy sai đường, dẫn đến tò mò rồi tìm kiến trên google những kiến thức không chính xác, hướng dẫn không đúng mực cho nên khi áp dụng sai gây ra những hậu quả đáng quan ngại.

Câu chuyện về người mẹ què Thiện Tâm hay mới đây là câu chuyện xúc động người mẹ từ chối điều trị ung thư để sinh con trong tình trạng ngồi có lẽ nên được lan truyền hơn nữa trong cộng đồng đặc biệt là trong giới trẻ để thức tỉnh mỗi con người. Cần nhiều hơn những chị Hạnh Vũ, những nhóm bảo vệ sự sống, các nhà bảo trợ xã hội để tình trạng phá thai tràn lan không còn diễn ra.
 Nhưng mỗi người trẻ, hãy nên trang bị những hành trang đầy đủ nhất, cùng chung tay bảo vệ sự sống của con người, để mỗi em bé được sinh ra và nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Những người cha, người mẹ, hãy là những người thầy, người bạn, chia sẻ cho con cái những điều cần thiết để họ có thể vững vàng trong cuộc sống mai sau. Hy vọng trong tương lại, nạo phá thai sẽ là một câu chuyện có hồi kết. 

Chỉ đạo sản xuất: Giảng viên Đỗ Anh Đức
Những người thực hiện:  Nguyễn Minh Hà
Hoàng Thị Thương
Nguyễn Thị Huyền
Phạm Tuấn Linh