Nào ai lấy thước mà đo lòng người?
Liệu các tiêu chí đánh giá về trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp có đang làm đúng chức năng của nó? Tiêu chuẩn ESG (tiếng Anh:...
Liệu các tiêu chí đánh giá về trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp có đang làm đúng chức năng của nó?
Tiêu chuẩn ESG (tiếng Anh: Environmental, Social and Governance Criteria) là bộ tiêu chuẩn đánh giá một công ty trên ba khía cạnh: môi trường, xã hội và quản trị. Bộ tiêu chuẩn này (cùng với các tiêu chuẩn về kết quả kinh doanh, tình hình tài chính) giúp các nhà đầu tư sàng lọc ra các công ty tiềm năng.
Tiêu chuẩn ESG thực sự có ý nghĩa gì với các nhà đầu tư không? Rõ ràng là với những nhà đầu tư có đạo đức thì có. Mình ví dụ, các nhà đầu tư yêu môi trường chắc chắn sẽ đánh giá kỹ lưỡng lượng khí thải các-bon của một công ty sản xuất gạch men. Nhà đầu tư nào quan tâm đến bình đẳng giới thì sẽ quan tâm đến chế độ thai sản của một doanh nghiệp may mặc. Nhưng mà chúng ta chẳng thể nói là nhà đầu tư nào cũng yêu cỏ cây hoa lá, trân trọng phụ nữ và muốn chăm lo cho thế giới, phải không? Phải thừa nhận một thực tế là với nhiều người, giàu có và quyền lực là mục đích sống duy nhất. Thế thì họ quan tâm ESG làm quái gì, cứ công ty nào làm ra nhiều tiền, tài chính suôn mượt là quất thôi. Nhưng cuộc sống lại phức tạp hơn thế nhiều :D
Thực tế, ESG còn giúp giảm thiểu rủi ro cho một khoản đầu tư [1]. Nói cách khác, kể cả khi nhà đầu tư chỉ quan tâm đến tiền, thì việc đưa thêm tiêu chuẩn ESG vào quá trình đánh giá cũng giúp tránh được các rủi ro hệ thống. Bởi rõ ràng, khi một công ty xảy ra bê bối về môi trường, xã hội hoặc quản trị, thì tiền của nhà đầu tư cũng bay đi ít nhiều. Một trường hợp nhé, vào năm 2018, ở Mỹ xảy ra khủng hoảng thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid. Các “đại gia” ngành dược như Johnson & Johnson đều bị cáo buộc có chiều hướng hạ thấp nguy cơ gây nghiện của nhóm này khi quảng cáo sản phẩm chứa nhóm opioid. Các bệnh nhân sử dụng tràn lan thuốc nhóm này sẽ bị nghiện, tương tự như nghiện ma túy. Nhưng các nhà đầu tư có thể tránh được rủi ro này nếu họ lưu ý đến xếp hạng rủi ro ESG năm 2017 luôn ở mức cao của các công ty dược đó, như trong xếp hạng của công ty dữ liệu RepRisk [2].
Okiiii đó là về khái niệm và tầm quan trọng (cả về mặt đạo đức và kinh tế) của tiêu chuẩn ESG với các nhà đầu tư. Trong mùa COVID vừa qua, thì tiêu chí S đang trở thành tâm điểm hơn cả (những năm trước thì biến đổi khí hậu và bê bối doanh nghiệp khiến tiêu chí E và G được chú ý hơn). Có rất nhiều doanh nghiệp đổ dồn nguồn lực vào sản xuất những sản phẩm phục vụ cộng đồng xã hội trong mùa COVID-19 vừa qua. Đồng ý rằng đó là những mặt hàng có cầu cao và có thể đem lại lợi nhuận quý giá cho doanh nghiệp, nhưng nó cũng phần nào thể hiện trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, các đội đua Công thức 1 ở Anh lấn sân sang sản xuất máy thở cho bệnh nhân COVID-19 [3]. Ở bên mình thì doanh nghiệp đua nhau may khẩu trang [4], hoặc chế nước rửa tay [5].
Tiêu chí S có tầm quan trọng và độ phủ sóng lớn đối với quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể rót tiền vào một doanh nghiệp “đầy cống hiến cho xã hội” để góp phần cải tạo thế giới, hoặc đơn giản là khai thác tiêu chí này để tăng lợi nhuận cho mình. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng cho biết rủi ro xã hội có ảnh hưởng tới 8 nghìn tỷ đô la trong số nợ hãng này xếp hạng – gấp bốn lần số nợ chịu rủi ro về môi trường [2]. Các vấn đề xã hội có thể phủ sóng rộng từ ảnh hưởng của nhân khẩu học lên một doanh nghiệp, cho tới mối quan hệ của doanh nghiệp đó với cộng đồng địa phương.
Thế nhưng, việc đánh giá tiêu chí S của doanh nghiệp lại không đơn giản. Với tiêu chí E, có thể dễ mường tượng ra việc đo lường chất lượng môi trường nước, đất và không khí xung quanh công ty bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật có sẵn. Nhưng việc chọn biến nhằm đánh giá tiêu chí S là một công việc khó khăn, và vẫn chưa có nhiều sự thống nhất trong cách đo lường tiêu chí này [2]. Ngoài ra, các biến liên quan đến xã hội thường khó định lượng.
Chẳng hạn như các biến về văn hóa công ty. Các công ty xếp hạng ESG thường dựa trên đầu vào, chứ không phải đầu ra để đánh giá và cho điểm các biến này (vì dễ đo đầu vào hơn). Ví dụ nhé, để đo lường sự cân bằng giới tính, các doanh nghiệp sẽ được hỏi là có chính sách nào về đa dạng giới, hay bộ quy tắc ứng xử chống phân biệt giới không. Rõ ràng, việc đo lường đầu vào kém chính xác hơn đầu ra, thậm chí không thể đại diện cho đầu ra. Đầu vào tốt, chưa chắc đầu ra đã tốt.
Biến sự hài lòng của người lao động có thể coi là một trường hợp ngoại lệ vì nó được dùng rất nhiều để đo lường tiêu chí S, tức có đâu đó sự “thống nhất” ở đây. Có thể một lí do khiến nó được ưa dùng vì nó có liên hệ khá chặt chẽ với kết quả hoạt động của công ty. Sự hài lòng của người lao động cao thì đương nhiên công ty đó đang đóng góp cho xã hội, điều đương nhiên thế có gì mà thắc mắc? Nhưng thực tế có “thắc mắc” đấy. Xem xét thắc mắc đó trong báo cáo từ một công ty tài chính nhé.
Bắt đầu với biểu đồ này.

Nguồn: [6]
Biểu đồ thể hiện chênh lệch phần trăm giữa giá trị vốn hóa đại diện của các ngành trong danh mục đầu tư ESG mà tác giả Vincent Deluard tổng hợp từ mười quỹ ESG ETF lớn nhất nước Mỹ, so với giá thị trường của chính những ngành này. Không hiểu thì thôi không sao, mình sẽ giải thích một cách đơn giản ngay bây giờ đây :D
Trục tung là tên các ngành kinh doanh, trục hoành chính là chênh lệch mình vừa nói bên trên. Nói đơn giản thì, nếu hai cột xanh đỏ đi về phía phải trục hoành càng xa (ngả về bên dương) thì các ngành này càng được các nhà đầu tư ESG ưu ái. Ngược lại, nếu cột xanh đỏ lại ngả về bên âm nhiều hơn thì càng bị các nhà đầu tư ESG ghét :(
Chúng ta rất dễ nhìn ra, các ngành được ưa thích là công nghệ thông tin (information technology), tiện ích (utilities) [7] và chăm sóc sức khỏe (healthcare). Còn các ngành “con rơi con rớt” gọi tên dịch vụ viễn thông (communication services), hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng tiêu dùng không thiết yếu (consumer staples và consumer discretionary).
So sánh một số tiêu chí giữa các ngành “được ưa thích” với thông thường, tác giả có biểu đồ.

Nguồn: [6]
Các tiêu chí so sánh “truyền thống” như lợi nhuận biên, ROE, nợ, v.v cũng thể hiện một kết quả có tính “truyền thống”: các công ty có lợi nhuận biên, ROE cao hơn và nợ thấp hơn xứng đáng được các nhà đầu tư ESG vung tiền hơn.
Nhưng kết quả bất ngờ nằm ở một tiêu chí so sánh “phi truyền thống”: số lượng người lao động.

Nguồn: [6]
Số lượng người lao động của các công ty trên thấp hơn bình thường tới 21%, vượt xa mốc 9,6% của lợi nhuận biên hay 8,6% của ROE. Xin mượn một câu rất hay cũng từ báo cáo này: “Thiên kiến đối với người lao động của các quỹ ESG cũng giống như việc biểu tượng của McDonald’s trông giống hình bầu ngực: một khi đã thấy nó, không thể thấy gì khác nữa.” Các quỹ ESG mặc dù theo đuổi tiêu chí S vốn nhằm “chăm lo cho cộng đồng xã hội”, nhưng lại bỏ mặc các công ty “lắm người” và thiên vị các công ty “toàn rô-bốt, bằng sáng chế và tài sản sở hữu trí tuệ”.
Trở lại vấn đề “sự hài lòng của người lao động” liệu có phải là thước đo tốt cho tiêu chí S. Với thực trạng trên, có lí do rõ ràng để nghi ngờ rằng, “sự hài lòng của người lao động” sẽ cao hơn ở các công ty hoạt động nhiều dựa trên máy móc và tài sản vô hình. Đó là do ít công nhân viên sẽ khó xảy ra đình công hay tranh chấp lao động hơn. Ngoài ra, cũng chẳng có “sự phân biệt giới tính” ở rô-bốt :D Báo cáo tóm lại rằng, thực tế đầu tư ở các quỹ ESG là một thiệt thòi cho những doanh nghiệp có đặc thù đông nhân công như bán lẻ, hãng tàu và càng làm lợi thêm cho các công ty công nghệ. Mình cũng có một ý muốn bổ sung cho lập luận trên của tác giả Vincent Deluard. Đó là các công ty tràn ngập “rô-bốt, bằng sáng chế và tài sản sở hữu trí tuệ” thường có đội ngũ nhân lực trình độ cao, cả về năng lực và dân trí. Chính vì thế, sự hài lòng và (có thể) các yếu tố khác liên quan đến lao động sẽ tốt hơn so với đội ngũ nhân lực có trình độ thấp.
Tuy nhiên, có một số điểm sáng về những phương thức thu thập và phân tích dữ liệu mới cho tiêu chí S, (may ra) có thể xử lý những lỗ hổng trên. Ví dụ sử dụng bình luận trên mạng của nhân viên để cho điểm biến “sự hài lòng của người lao động” (Hay đó :D Mình tò mò không biết có nghiên cứu nào đã sử dụng phương thức này và làm như thế nào. Ghi vào đây để tự hứa là sẽ đi tìm hiểu, không được lười). Tờ The Economist đã dẫn ví dụ về việc nhân viên ngân hàng Wells Fargo bị phát giác lập tài khoản giả mạo khách hàng và đã than phiền về điều này trên mạng trước cả khi vụ này bị lôi ra ánh sáng. Nói nôm na, phương thức thu thập bình luận này là có cơ sở. Còn công ty dữ liệu RepRisk và Truvalue Labs thì sử dụng tin tức thời sự và báo cáo từ chuyên gia để đánh giá tiêu chí S.
Kết bài, tờ The Economist cho rằng dù hiện tại, việc xây dựng phương thức đo lường cho tiêu chí S chưa chặt chẽ, nhưng các nhà đầu tư có thể sử dụng những dữ liệu như ở đoạn trên để đưa ra quyết định. Mình thì muốn nói ngược lại: cho dù dữ liệu hiện tại vẫn đang được dùng, nhưng rất rất cần nỗ lực nghiên cứu để xây dựng tiêu chí S. Bởi bạn biết đấy, thế giới thì xoay vần, không thể dựa vào những biến cũ kỹ để đo lường tiêu chí S. COVID-19 vừa quét qua, có nhiều rủi ro xã hội mới đã đang xuất hiện. Chẳng hạn, xây dựng các rào chắn COVID tại văn phòng cũng có thể là một biến mới cho tiêu chí S. Việc “lấy thước đo lòng người” chưa bao giờ là dễ dàng.
Bài viết được dịch và viết lại từ một bài báo trong tờ The Economist
[7] Ngành tiện ích là ngành cung cấp tiện nghi cơ bản như điện, nước, khí tự nhiên, dịch vụ chất thải, đập ngăn nước, v.v đó nha.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất