Lời khuyên đầu tiên nhận được khi bạn bắt đầu tập tành thuyết trình là gì? 
Vào ngày độ hè của mấy năm trước, tôi có cơ hội tham gia một cuộc thi thuyết trình về chủ đề ước mơ của cá nhân người trẻ. Một người thầy khi ấy có căn dặn đứa học trò dễ “bùng nổ” như tôi rằng “Em phải kiểm soát cảm xúc nhé”. Lần đầu thuyết trình, tôi cũng lom lom nghe theo lời thầy và các lời khuyên tìm được trên mạng, thiết kế một phần thuyết trình “tem tém” lại so với cá tính bản thân và có phần bình dị.
Nhưng có chút “sự cố” xảy ra khiến mọi việc không như dự tính.
Tôi vẫn nhớ người bạn đó thi trước tôi vài số. Phần đầu của bài thuyết trình vẫn rất bình thường không có gì đáng chú ý cho đến khi bạn chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của mình, và như bong bóng nước cạn sức căng, chàng trai vỡ òa nức nở trước dàn ban giám khảo cùng hơn trăm thính giả. 
Dù hậu quả dẫn đến là phần thuyết trình bị kéo dài vượt thời gian cho phép, tuy nhiên đó là bài thi duy nhất tác động được đến tất cả mọi người đang ngồi tại hội trường. Những xúc động của chàng trai đó vô tình đẩy tôi khỏi cái kén mà bản thân đang tự bọc, và thế là cũng trong phần thi của mình, tôi đã trình bày với những cảm xúc chân thật và bộc phát nguyên thủy nhất. 
Tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc xuyên suốt quá trình đó. Giọt nước mắt của cậu bạn kia làm hội trường chết lặng và đốt lên trong nhiều người, kể cả tôi những ngọn lửa vô hình. Mãi về sau này khi gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thừa nhận với nhau rằng không thể nào quên đi phần thuyết trình của chàng trai hôm ấy.

Một cái đầu lạnh thôi là chưa đủ

Nội dung một bài thuyết trình thường là những chia sẻ mang lý tính được sắp xếp logic, tác động cuối cùng của nó là hoặc cung cấp kiến thức, hoặc thay đổi quan điểm nhận thức đối tượng. Đó là sự chuyên nghiệp mà một bài thuyết trình nên và cần có. Tuy nhiên nói chuyện với nhau bằng lý trí đôi khi không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất. Lý trí quyết định vấn đề sai hay đúng, nhưng cảm xúc mới là thứ nâng từ đúng lên thuyết phục. Con người khi ra quyết định không bao giờ chỉ dựa vào cái đầu lạnh mà cạnh đó còn có trái tim.
Khi người bạn ấy bật khóc trên sân khấu, những thí sinh bên dưới từ vị thế cạnh tranh trở thành đồng đội đứng lên cổ vũ, và ánh mắt sắc bén của BGK liền dịu xuống nhiều phần. Việc chia sẻ cảm xúc cá nhân là tín hiệu cho thấy sự cởi mở và thiện chí của người nói, đối với thiện ý chủ động này khó có ai không thôi phòng thủ. Đặc biệt là trong tâm thức chung mọi người luôn cho rằng khóc là biểu hiện của sự yếu mềm, là hành vi cần phải ẩn đi nhất khi đối diện với thế giới. Nước mắt thành công cởi bỏ trạng thái phòng thủ của mọi người và giúp những lý lẽ của bài thuyết trình làm trọn vẹn hơn nhiệm vụ của nó. 
Bà Võ Thị Mỹ Duyên, giám đốc đào tạo tại Học viện kỹ năng thuyết trình VTALK từng chia sẻ rằng, thuyết trình khởi nguyên là nhu cầu kết nối bản thân vào những cá thể cùng tồn tại. Khơi gợi sự đồng cảm là việc mà lý lẽ khó có thể làm được, tuy nhiên xúc cảm (và biểu hiện cao trào nhất của nó là nước mắt) lại giúp điều đó đạt được rất dễ dàng. Vì vậy một bài thuyết trình có thể tạo dựng sự cao trào và in sâu vào trí óc mỗi người phụ thuộc rất lớn vào việc diễn giả có thể đẩy cảm xúc của khán giả lên cao độ hay không - và cậu bạn trong cuộc thi thuyết trình năm đó đã thành công như thế.
Nhưng bạn ấy bị loại…

Một trái tim quá nóng có lúc cũng sẽ phản tác dụng

Danh sách những thí sinh lọt vào vòng trong được thông báo gây ngạc nhiên cho tất cả, vì mọi người đều đinh ninh rằng phần thuyết trình gây xúc động mạnh như vậy ắt sẽ chiến thắng. Nguyên nhân BGK đưa ra là “không hoàn thành mục tiêu của phần trình bày và vượt quá thời gian cho phép quá nhiều”. 
Ngẫm ra thì đúng là vậy thật, bởi lẽ cuối cùng chúng tôi không thể nào nhớ nổi cậu ấy đã lên kế hoạch và hành động thế nào cho ước mơ của mình. Chân dung về ước mơ của cậu bạn trong phần thuyết trình đó bị lu mờ quá mức bởi câu chuyện cá nhân đầy nước mắt. Và do mất lượng lớn dung lượng cho xúc cảm và những run rẩy không kiểm soát được, bài thuyết trình đó có thời lượng gấp 2 lần thời gian mà chương trình đặt ra. 
Khi đó tôi mới ngỡ ngàng hiểu rằng bản thân mình cũng đang đánh giá quá cảm tính. Cảm xúc và nước mắt có thể là phương tiện nâng tầm bài thuyết trình để thuyết phục hoàn toàn người nghe, tuy nhiên nó cũng là thứ sức mạnh quá dễ mất kiểm soát. Một khi không còn điều khiển được dòng chảy xúc cảm đi đúng hướng, nó liền trở thành cơn sóng dữ làm toang hoang mọi thành tựu mà người thuyết trình cố gắng xây dựng.
Dù đã trình bày ước mơ một cách rất bộc phát cảm xúc do bị thúc đẩy bởi cậu bạn ấy, tuy nhiên trước đó tôi đã quá nhuần nhuyễn việc truyền đạt trong sự kiềm chế xúc động theo lời khuyên nhận được. Vì vậy, vô tình thay dòng xúc cảm ấy đã mang đến tin lành cho tôi trong cuộc thi.  
Đi qua một chặng đường ngắn mà ấn tượng đến vậy, tôi hiểu nước mắt có thể là “vũ khí” trong sự chia sẻ, nhưng quy tắc sử dụng vũ khí là luôn phải khôn khéo và có kiểm soát. Thuyết trình không phải chốn để tâm sự, cảm xúc phải là công cụ phục vụ mục đích. Nhìn đến cuối cùng, mọi thứ vẫn quay vòng về lời khuyên đầu tiên tôi nhận được…
“Hãy kiểm soát cảm xúc”.