Hôm trước tranh luận với một bà chị, nhận được câu nói "Phụ nữ chẳng cần thiết phải ra đường. Sở dĩ phụ nữ cảm thấy cần ra đường vì xã hội coi trọng năng lực kiếm tiền."
Mình cũng là con gái, và có lẽ một vài năm sau mình sẽ có con. Điều này làm mình suy nghĩ khá nhiều. Nhưng cho đến bây giờ, mình vẫn thấy, cái gọi là "năng lực kiếm tiền" là thứ ai cũng cần có.
NĂNG LỰC KIẾM TIỀN CHÍNH XÁC LÀ GÌ?
Theo mình, năng lực kiếm tiền thể hiện một điều cốt lõi: Sự tự chủ và biết lo cho bản thân, TRONG BẤT KỲ HOÀN CẢNH NÀO. Một người có năng lực kiếm tiền đồng nghĩa với việc họ dám để bản thân lăn lộn ngoài xã hội, dám cho bản thân vấp ngã để rồi đối mặt với sai lầm của mình. Họ muốn phấn đấu, để chính bản thân mình tốt đẹp hơn. Có thể bạn là một người hướng nội, yêu gia đình, việc kiếm tiền không phải mục tiêu sống của bạn. Nhưng quan trọng, chúng ta phải SỐNG ĐƯỢC trước đã. Rèn luyện năng lực kiếm tiền là cách rèn luyện bản thân ngoài xã hội, để bản thân được có chỗ đứng, để bản thân biết mình là ai. Và đối với bất kỳ ai, thì hiểu rõ mình đứng ở đâu vô cùng quan trọng. Theo mình, năng lực kiếm tiền không thể hiện ở lượng tiền bạn kiếm ra, vì nhu cầu mỗi người khác nhau, không phải ai cũng có chung một mục đích. Năng lực kiếm tiền của bạn là ĐỦ khi bạn cảm thấy một mình mình tự lo được cho nhu cầu của bản thân, bằng số tiền bạn tự kiếm chứ không phải đi xin.
KIẾM TIỀN Ở ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ
Đến đây, mình lại đồng tình hơn với chị gái nọ. Phụ nữ làm mẹ rất vất vả. Đầu tiên, phải chấp nhận 9 tháng 10 ngày mang nặng, sức khoẻ đi xuống, cố gắng gìn giữ cho con và cũng là cho mình (chưa kể trước đó, còn phải tập luyện thể dục thể thao, tiêm phòng, ... abcxyz 1 ngàn 1 tỉ việc để chuẩn bị có con). Tiếp theo, sau khi đẻ xong, phụ nữ phải có thời gian khôi phục thể chất và tinh thần. Rồi khi con còn nhỏ, con phải có mẹ để bú sữa, vân vân và mây mây. Những lúc này, KIẾM TIỀN KHÔNG PHẢI ƯU TIÊN CHÍNH. Người mẹ và đứa trẻ bây giờ rất cần được bảo vệ bởi người chồng, người cha - người đang có lợi thế hơn về mặt sức khoẻ và tâm lý. Năng lực kiếm tiền trong thời gian này không phải là thứ tối quan trọng, mà là năng lực làm mẹ.
Với đàn ông nói chung, mình không quan niệm đàn ông thì phải là nguồn thu nhập chính hay gì cả. Tuy nhiên, Năng lực kiếm tiền của người đàn ông thể hiện trách nhiệm của họ với gia đình mình. Không thể nào khi vợ mang nặng đẻ đau, con khóc quấy mà mình lại ngồi chơi? Như thế có phải là bất công cho phụ nữ hay không? Mình cũng đã từng nghĩ rằng, phụ nữ phải sống được trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi bầu bí hay có con cũng không được phụ thuộc. NHƯNG, nếu vậy thì đàn ông làm gì? Phải có cả 2 người mới có được con, và trong giai đoạn phụ nữ đang kiệt quệ về sức khoẻ, tinh thần, mà họ vẫn phải tiếp tục sử dụng năng lực kiếm tiền kia, thì người đàn ông đóng vai trò gì ở đây? 
Mình tin rằng, sự bình đẳng trong một mối quan hệ không phải là ai cũng kiếm được tiền như nhau trong mọi hoàn cảnh. Đó là sự tương trợ, giúp đỡ, đổi vai cho nhau những khi cần. Có thể trong gia đình, người phụ nữ luôn là nguồn thu nhập chính, cũng không sao. Nhưng khi có con, ai có trách nhiệm chăm con nhiều hơn, thì người còn lại mặc nhiên phải đi kiếm tiền.
TẠI SAO NĂNG LỰC KIẾM TIỀN LẠI ĐƯỢC ĐỀ CAO?
Vậy tại sao, năng lực kiếm tiền lại được đề cao trong xã hội? Tại sao nhiều người phụ nữ lại phải sống trong cảnh vừa nuôi con, vừa bị "khinh rẻ" vì "ăn bám"? Điều này có lẽ vốn sống hạn hẹp của mình không đủ để giải thích hết. Mạn phép chỉ ra 02 điều sau đây mà mình chiêm nghiệm được.
Đầu tiên, tư duy này đến từ những nếp hằn trong suy nghĩ của thế hệ trước. 
Xung quanh mình, có nhiều người bà, người mẹ rõ ràng có khả năng kiếm tiền, nhưng họ không sử dụng, bởi "đó là việc của đàn ông". Và cũng chính "đàn ông" lại nghiễm nhiên cho rằng phụ nữ chẳng làm được gì. Ở thế hệ trước, một phần do tư tưởng, một phần do nhiều phụ nữ chưa được đi học, nên họ không cảm thấy mình CÓ QUYỀN LỰA CHỌN. Và cũng vì sự "không có lựa chọn" đó, nhiều người không cảm thấy mình tự sống được trên đôi chân mình, vẫn phải chịu khổ kiếp "mẹ chồng, nàng dâu" vì không tin rằng mình có năng lực. Rồi khi nhìn thấy những người đàn ông kia, vì họ "có kinh tế", chính những người phụ nữ ấy lại là người đề cao năng lực kiếm tiền nhất. Điều này lại dẫn đến một thế hệ, với những người phụ nữ như mẹ mình, phải cáng đáng một lúc cả hai: Kiếm tiền để có được sự tự chủ, và một mình nuôi con vì người đàn ông không giúp được gì.
Mặt khác, xã hội chúng ta đang sống trọng vật chất và của cải. 
Điều này khá dễ hiểu, bởi Việt Nam, cũng như mọi quốc gia khác từng trải qua một giai đoạn nghèo khó chưa lâu, nhất định có nhiều người đói khổ, và có tiền để sống trở thành một niềm ao ước. Nếu không có tiền thì không thể làm gì được. Câu này đúng. Nhưng không có nghĩa, tiền phải là quá nhiều, phải là hơn người khác, phải là thước đo cho mọi thứ trên đời. Có những người nhiều tiền mà chẳng có hạnh phúc, cũng có những người ít tiền mà mỗi ngày được đặt lưng xuống ngủ no nê thật bình yên. Vật chất quá được coi trọng đến mức chúng ta đánh mất cả giá trị tinh thần, đánh mất cả mục đích ban đầu để kiếm tiền: SỐNG VUI VẺ.
LÀM SAO ĐỂ NĂNG LỰC KIẾM TIỀN KHÔNG CÒN LÀ MỘT THỨ  TẠO RA "BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI"?
Nếu tư duy thay đổi, thế giới cũng sẽ thay đổi. Thay vì việc quy chụp "Kiếm tiền là việc của đàn ông, nuôi con là việc của đàn bà", hãy đơn giản nghĩ rằng, "sông có khúc người có lúc", và con người cần nhau trong cuộc đời để cùng nhau trải qua mọi thăng trầm. Kiếm tiền không phải việc của riêng ai, cũng như nuôi con không phải việc của riêng ai cả. Trong một mối quan hệ, phụ nữ hay đàn ông, chúng ta đều có lựa chọn để làm điều mình ưu tiên nhất. 
Còn với cá nhân mỗi người, hãy đơn giản nghĩ rằng "năng lực kiếm tiền" không phải để hơn thua, để bạn tạo ra vật chất nhiều hơn người và "vênh váo" với người khác về điều đó. Chúng ta sống trong một xã hội coi trọng vật chất, nên điều này là không thể tránh khỏi. Nhưng mình tin chắc, nếu chỉ cần thay đổi tư duy về việc kiếm tiền, bạn sẽ luôn hài lòng với số tiền mình kiếm ra nếu nó phục vụ đủ nhu cầu của bản thân. Bên cạnh giá trị vật chất, hãy coi trọng cả giá trị tinh thần, và coi trọng sự cân bằng trong chính cuộc sống của mình. Khi bản thân tự cân bằng, chúng ta sẽ không đong đếm, so đo với người khác, và cũng tôn trọng các giá trị của người khác hơn.