Thời nay, một thanh niên U30 mà còn độc thân thì trong con mắt của phần lớn những người xung quanh, người đó chẳng khác gì một thứ mầm mống tai hại cho xã hội và phản bội chu trình tiến hóa của tự nhiên, nên xứng đáng có một vé ra hoang đảo. Từ một thiếu niên "chim gặp bác chào mào, cháu chào cô sơn ca", thành một đối tượng có tiềm năng chiếm spotlight trong trại thương điên khi ra đường không thèm ngẩng mặt nhìn ai.
Ngặt nỗi, chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát dòng chảy của cuộc đời mà chắp tay cầu xin thời gian đi chầm chậm thôi để cháu còn kịp lớn. Chúng ta cũng không thể kiểm soát hoàn toàn quan điểm của xã hội về hiện trạng của bản thân, nhưng chúng ta có 100% quyền quyết định về thái độ và phản ứng của mình trước đao búa dư luận, nên là hãy cứ bình tĩnh ngồi xuống tâm sự mỏng với các chiên da, nhà lý luận, giáo sư đạo đức học tự phong mang tên bà hàng xóm.
1. Cháu chưa có đủ phẩm chất để làm một cột trụ trong gia đình
Nhà chỉ cần một nóc nhưng cần nhiều cột, mà các cột thì cần chắc chắn như nhau thì nhà mới vững. Trụ cột về kinh tế, về tình cảm, nuôi dạy con cái, quét nhà rửa bát... cũng chẳng thể phân chia rạch ròi, mỗi người ôm một chút, chia nhau theo khả năng và... đam mê thôi. Nhưng quan trọng hơn cả là cột thì phải đứng và vững. Còn cháu thì thích nằm hơn nên là... lạc đề rồi.
2. Theo cháu quan sát, trong một dòng họ hay khu vực cư dân nho nhỏ, mỗi thế hệ luôn sót lại vài người độc thân tới già luôn
Và có lẽ cháu đây chính là người đại diện ưu tú, đúng ra là vật tế cho thiểu số FA đó. Nếu đó là do bàn tay định mệnh nhúng vào thì dù có cố kiếm một nửa tưởng còn thiếu kia đến mấy cũng vô ích, chi bằng cháu dặn mình luôn mỉm cười ôm ấp sự độc thân này mà vui vẻ sống tiếp thôi. Và tự giác nằm im để nghiệp ế nó quật.
3. Người ta xác định nhiều thứ với tình yêu quá, với cháu hôn nhân không phải là mục đích của tình yêu
Cứ bảo chọn ngoại hình, chọn gia cảnh hay phải có khả năng tài chính, công việc ổn định, thì mới yêu, mới cưới, toàn là những sự đổi chác chứ chẳng phải tình yêu thuần khiết. Chỗ này có vẻ cháu bị lý tưởng hóa, nhưng mà ế quá rồi thì cứ cho phép mình trên mây đi. Yêu nhau chỉ vì yêu chứ không phải tới tuổi cập kê rồi tìm người yêu, tìm hiểu nhau, rồi cưới con dâu con rể cho bố mẹ. Yêu nhau là chuyện của 2 người, lấy nhau là chuyện của 2 bên gia đình, thậm chí dòng họ. Các cụ thì đúc rút: lười như thế thì chó nó yêu, ngủ dậy muộn như thế có chó nó lấy, hihi, vâng ạ, rất hân hạnh.
4. Nên cháu thích dành tiền mua sách về xếp sát tường, mỗi ngày nằm ngủ với 6 chồng... sách
Sáng mở mắt ra nhìn thấy sách là đủ để cười mãn nguyện, hóa ra các bạn vẫn ở đây à. Những quyển sách làm bạn, làm bồ, làm sư phụ, luôn dịu dàng ở bên khi thức cũng như khi ngủ, quyết không chia xa.
Là một tâm hồn mong manh như cánh chuồn chuồn nên có khi chột dạ đọc được những điều trong sách, tự hỏi tác giả đã làm thế nào, đã kinh qua những sự kiện ra làm sao trong đời mà có thể viết khỏe và khiến người ta phải nín thở mà suy ngẫm đến vậy. Những quyển sách ra đời tới cả trăm năm mà vẫn khiến người ta run rẩy, bởi chúng chứa đựng những điều hay ho vô cùng tận, không đời nào là lỗi thời, mà giống như những mạch ngầm sẽ tuôn chảy đời đời, chạm tới những tâm hồn hướng thiện, khát khao về những cảnh giới tươi đẹp, làm lắng đọng cả những phần vẩn đục bởi bản năng hoang dại. Khi đọc có thể rút tỉa những bài học rất thấm thía.
Một đứa con gái là gì? Chỉ là sự nhắc nhở của một niềm đau chịu đựng lâu dài, một hình bóng trẻ trung hơn của chính mình, sẽ lặp lại tất cả những hành động mà mình đã trải qua, rồi cũng sẽ khóc những giọt nước mắt mà mình đã khóc.
Đó là những suy tư của bà Fiona, mẹ Meggie trong Thornbird. Nhưng chúng ta đều hiểu là bà đã nhầm, Meggie không cam chịu trở thành khuôn mẫu của mẹ, mà cô đã quyết định đấu tranh, vì tình yêu mà bất chấp những định kiến thời đại, là đóa hồng tro bất tử với tình yêu của mình, và cả một nỗi đau tuyệt vời. Nước mắt của cô không giống của mẹ mình. Còn nỗi đau ấy xứng đáng với cô cũng như tình yêu kia vậy.
Suy nghĩ của Fiona hóa ra lại giống với những nhận định của Choi Kwang Hyun - một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong tham vấn và trị liệu tâm lý, trong quyển Góc khuất của yêu thương: "Càng là người phụ nữ có mâu thuẫn trầm trọng với mẹ, càng có xu hướng giống mẹ về hành động, cuộc sống... Con gái thừa hưởng những điều bất hạnh nhất trong cuộc đời mẹ và tiếp nối một cuộc sống bất hạnh."
Đọc tới đây thì mặt nhăn nhó như quả táo khô, sao mà tiêu cực thế này. Ôi cuộc đời như trò cút bắt của số phận. Mẹ và con gái, một sự ràng buộc chẳng lẽ không làm cách nào giải thoát hay tồn tại độc lập với nhau, từ dây rốn tới sợi dây định mệnh? Tôi nghĩ là có, đó là ý chí, là trái tim dũng cảm.
Trong những ngày tháng tăm tối, mà sự bức bối cộng hưởng tạo ra một không khí ngột ngạt bởi chiến tranh, cô gái nhỏ Anne Frank đã ghi xuống những dòng nhật ký nổi tiếng nhất:
Mình không muốn sống như mẹ, như bà Van Daan và như mọi người đàn bà khác, họ chỉ làm công việc gia đình của họ và sau đó bị quên lãng. Mình cần có nhiều hơn là một ông chồng và mấy đứa con. Mình muốn mình có ích và mang niềm vui đến cho tất cả mọi người, ngay cả những người mình chưa hề gặp. Mình muốn mình vẫn sống sau khi mình chết đi.
Thế là cô gái mười sáu tuổi, chưa cần làm gì nhiều hơn, đã toại nguyện khi được bao nhiêu con người chưa từng gặp mặt biết ơn và trân trọng. Rồi dĩ nhiên chừng nào người ta còn nhớ về cô và những trang nhật ký tràn đầy lý tưởng, thì chừng đó cô còn sống mãi.
Đến một ngày, các em sẽ rời trường và trở thành những cô gái trẻ bước vào thế giới. Các em cần đem theo mình lòng háo hức, trái tim nhân hậu và luôn biết sẵn sàng giúp đỡ người khác... Cô không đếm thành công của mình dựa trên những em dành được học bổng và vượt qua các kỳ thi, dù đó là một trong những tiêu chí quan trọng. Mà cô đếm thành công của trường dựa trên những học sinh học rồi trở thành những người tử tế và nhân hậu, hiểu biết và đáng tin, mạnh mẽ và tốt bụng. Những người mà cả thế giới có thể dựa vào... Hãy cố gắng để đáp lại thật nhiều.
Lời cô hiệu trưởng Grayling đã nói với các em nữ sinh mới của trường vào buổi sáng đầu tiên của năm học trong Tòa tháp Malory. Cô đã nói chúng một cách trang nghiêm tới mức khiến Darrell, cô bé nhân vật chính phải nín thở lắng nghe. Vì thực ra cha cô cũng đã căn dặn cô ngay trước ngày nhập học rằng hãy cố gắng đáp lại thật nhiều. Sẽ thật tuyệt nếu mỗi cô gái nhỏ được nghe những lời dạy như vậy ở ngưỡng cửa cuộc đời.
*********
Có một liệu pháp khá cổ xưa tên là bibliotherapy - đọc để chữa lành. Cảm giác quật mình xuống sôpha hay một chỗ êm ái, tay mân mê quyển sách yêu thích, lật hết trang này tới trang khác như thưởng thức một mĩ vị được chế biến và kiểm nghiệm độ "ngon lành" bởi biết bao con người qua thời gian, chính là một dạng thù hình của hạnh phúc. Lúc đó mọi bộn bề khó khăn thường nhật tạm thời bị vô hình, chỉ có những câu từ lên tiếng với những nhạc điệu êm ái đồng ca.
Dù có ế thế này, hay ế nữa, ế thêm bao nhiêu năm nữa vẫn chẳng mần gì. Chấp nhận trả giá để làm một kẻ có đủ xèng mua sách về đọc rồi năm này tháng nọ, ta lại có thêm chồng cao chồng thấp mà dựa dẫm, những người bạn chung thủy nhất trên đời.
Tái bút: Cứ làm như có vợ có chồng và biết sinh con đẻ cái là sẽ được trao huân chương cống hiến vì sự nghiệp an ninh dân số nước nhà và có quyền bỉ bôi mấy đứa ế này không bằng, thì cũng kệ thôi, bởi ế không phải là hệ quả của một lời nguyền hay trọng tội, mà đó là phong cách 😎