[Mọi người hay nói nắm giữ cổ phiếu là nắm giữ doanh nghiệp. Vậy tại sao tôi lại không được điều hành công ty? Chủ tịch, CEO có phải là những người làm thuê cho cổ đông?]
Điều quan trọng chúng ta phải hiểu là sở hữu cổ phần của một công ty như McDonald’s có nghĩa là gì? Mặc dù đúng là sở hữu cổ phần của MCDonald’s nghĩa là bạn đang sở hữu một phần của công ty, nhưng các quyền và đặc quyền của bạn với tư cách là “chủ sở hữu” bị hạn chế khá nhiều. Có một số lý do chính đáng cho điều này:
1. Số lượng cổ phiếu mà bạn sở hữu có thể rất nhỏ. Ví dụ McDonald’s có 1,03 tỷ cổ phiếu đang lưu hành tính đến quý báo cáo cuối cùng, vì vậy nếu bạn chỉ sở hữu 100 cổ phiếu, thì có nghĩa bạn chỉ sở hữu một phần mười triệu công ty, quá ít để nhân viên ở quầy thu nhân có thể nhớ được tên bạn
2. Có hàng trăm nghìn “chủ sở hữu” khác giống như bạn – những người này sẽ luôn có những ý tưởng khác nhau về cách điều hành doanh nghiệp. Đó sẽ là một vấn đề lớn về sự phối hợp khi cố gắng dung hòa tất cả ý kiến của mọi người trong một quyết định kinh doanh nào đó.
3. Rất nhiều “chủ sở hữu” không biết một chút gì về ngành kinh doanh thức ăn nhanh. Do đó sẽ không hợp lý chút nào nếu chúng ta để cho những người như vậy tham gia vào việc đưa ra quyết định kinh doanh cho công ty.
Như vậy, những điều này đã cho chúng ta thấy một vấn đề: Nếu chủ sở hữu của công ty không đủ khả năng để quản lý doanh nghiệp, thì ai là người phù hợp? Giải pháp được thị trường đưa ra đó là thuê một đội ngũ chuyên nghiệp để điều hành công ty vì lợi ích của các cổ đông. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, nếu bạn sở hữu cổ phần của McDonald’s, thì CEO và phần còn lại của đội ngũ quản lý sẽ làm việc thay bạn để đảm bảo rằng công ty tạo ra nhiều lợi nhuận nhất có thể, từ đó tối đa hóa cổ tức của bạn trong tương lai.
Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ chưa thực sự loại bỏ được vấn đề về sự phối hợp giữa các chủ sở hữu. Vấn đề nảy sinh tiếp theo: Ai trong số hàng trăm nghìn cổ đông sẽ là người được lựa chọn đội ngũ quản lý cho doanh nghiệp? Giải pháp được đưa ra là một Hội đồng quản trị nhỏ hơn từ 5-15 người chịu trách nhiệm đại diện cho các cổ đông của công ty bằng cách lựa chọn và giám sát liên tục đối với đội ngũ quản lý. Các thành viên hội đồng quản trị bị ràng buộc bởi nghĩa vụ ủy thác (fiduciary duty) đối với cổ đông. Điều này có nghĩa là họ có nghĩa vụ pháp lý phải quan tâm đến lợi ích tốt nhất của cổ đông trên lợi ích tốt nhất của chính họ.
Cơ cấu tổ chức điển hình của doanh nghiệp
Cơ cấu tổ chức điển hình của doanh nghiệp
Nhưng trong thực tế, tất nhiên các vấn đề phát sinh giữa hàng nghìn chủ sở hữu sẽ không thể giải quyết dễ dàng được như vậy. Việc “giám sát” không bao giờ thực sự biến mất, cho dù chúng ta có khắt khe với nó như thế nào đi nữa. Ngay cả việc đồng ý rằng để Hội đồng quản trị giám sát đội ngũ quản lý trong hoạt động kinh doanh cũng đã là vấn đề. Về mặt kỹ thuật, cổ đông sẽ bầu thành viên hội đồng quản trị dựa trên số lượng phiếu được vote. Nhưng các chủ sở hữu cổ phần đến từ khắp mọi miền đất nước và thế giới, nên không thể có cách nào để cho họ có thể đồng ý về một nhóm người mà họ có thể tin tưởng để đại diện cho lợi ích của họ. Kết quả là, thành viên ban quản trị thường được bổ nhiệm vào vai trò của họ bởi chính nhóm mà họ được giao nhiệm vụ giám sát! Trong một số trường hợp, họ thậm chí có thể là bạn chơi golf của CEO! Xung đột lợi ích ở đây là điều hiển nhiên – trong nhiều trường hợp, CEO có thể thuê các sếp của chính mình.
Xung đột lợi ích là việc diễn ra thường xuyên trong các doanh nghiệp
Xung đột lợi ích là việc diễn ra thường xuyên trong các doanh nghiệp
Các cổ đông bất mãn có một số lựa chọn để cố gắng “lấy lại” công ty từ đội ngũ quản lý khi cảm thấy rằng công ty đang bị bòn rút quá nhiều giá trị cho lợi ích cá nhân của ban lãnh đạo. Khi đó, công ty bắt buộc phải có cuộc họp cổ đông thường niên hàng năm, ở đó các cổ đông có thể biểu quyết và có các biện pháp khác nhau để bày tỏ sự bất bình chung của họ.
Tuy nhiên, hầu hết việc ra quyết định vẫn phải thông qua Hội đồng quản trị. Do đó, để thực sự nắm quyền kiểm soát công ty, các cổ đông sẽ cần phải đưa các ứng viên của chính họ và Hội đồng quản trị. Điều này có thể tương đối khó khăn, do phần lớn các cuộc bầu cử tại nhiều các công ty hiện tại được thực hiện theo “kiểu Xô Viết”, khi chỉ có một người tranh cử! Đôi khi các cổ đông lớn có thể đề cử các ứng viên chống lại sự lựa chọn của Ban lãnh đạo, nhưng việc giành chiến thắng trong cái gọi là “cuộc chiến ủy nhiệm” (proxy fight) là rất khó khăn và tốn kém. Ví dụ, nếu các cổ đông bất đồng chính kiến cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc chiến này thì họ phải liên hệ với tất cả các cổ đông khác của công ty và thuyết phục họ bỏ phiếu chống lại các lựa chọn của ban quản trị. Hầu hết các cổ đông đều thấy điều này quá khó khăn và tốn kém để thực hiện. Thay vào đó, họ sẽ bán cổ phần của mình cho người khác nếu họ không hài lòng với hướng đi của công ty.
Xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa ban lãnh đạo và cổ đông thực sự là một vấn đề khá nghiệm trọng. Trước đây, hầu hết các công ty đều được sở hữu và điều hành bởi cùng một người hoặc một gia đình. Điều này dẫn đến những động lực rất rõ ràng cho người quản lý, vì đó là tiền của chính họ. Trong khi hệ thống sở hữu cổ phần theo tỷ lệ có nhiều lợi thế về phân bổ vốn (sẽ nói thêm về điều này ở phần sau), nhưng nó cũng phát sinh thêm nhiều chi phí. Một trong số đó là chi phí để nhà đầu tư giám sát đội ngũ quản lý.