Nắm giữ 47 tỷ đô Bitcoin! Tất tần tật về “thánh” Michael Saylor!
Là một thiên tài đầu tư hay một con bạc liều lĩnh?
“Không có cách nào để biết được là liệu một chứng khoán có lên giá cho đến sau khi ta mua nó hay không. Do đó chứng khoán mà bạn nghĩ là một "Microsoft tiếp theo" cũng hoàn toàn có thể biến thành một MicroStrategy tiếp theo”.
Benjamin Graham đã châm biếm như vậy trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh” nổi tiếng của ông.
Thật vậy, vào đầu những năm 2000, cái tên Michael Saylor từng là tâm điểm của một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất phố Wall. Năm 2000, công ty của ông, MicroStrategy, bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cáo buộc gian lận kế toán, khi thổi phồng doanh thu lên đến $6,8 tỷ USD. Vụ bê bối này đã khiến mã cổ phiếu MSTR lao dốc thê thảm, giảm hơn 99% (từ 3.130 đô la trên một cổ phiếu vào tháng 3/2000 đến 15,10 đô la vào cuối năm 2002, một sự thua lỗ kinh hoàng), và bản thân Saylor cùng các giám đốc cấp cao phải trả lại $11 triệu USD để dàn xếp vụ kiện. Từ một CEO công nghệ được ca ngợi, Saylor nhanh chóng trở thành một ví dụ kinh điển về sự ngạo mạn và sai lầm trong kinh doanh.
Ấy vậy mà, hơn 25 năm sau, người đàn ông từng vướng vào một trong những vụ sụp đổ thị trường chứng khoán tệ hại nhất lại đang được so sánh với Warren Buffett. Một số người thậm chí còn gọi ông là “Buffett của Bitcoin”. Nếu Buffett nổi tiếng với những khoản đầu tư all-in và dài hạn vào Coca-Cola hay Apple, thì với Saylor, thứ đã làm nên thương hiệu của ông không phải là cổ phiếu, mà là Bitcoin,loại tài sản mà ông gọi là "vàng kỹ thuật số".
Và Saylor đã không chỉ nói suông. Ông biến MicroStrategy thành công ty niêm yết sở hữu nhiều Bitcoin nhất thế giới, với tổng lượng nắm giữ hơn 471.000 BTC, trị giá khoảng $47 tỷ USD. Kể từ lần mua đầu tiên vào năm 2020, ông đã bơm gần như toàn bộ nguồn lực tài chính của công ty vào Bitcoin, thậm chí còn mạnh tay chi hàng trăm triệu USD để tiếp tục mua thêm, bất kể khi thị trường lao dốc hay đang dò đỉnh.
Chỉ cách đây vài ngày, động thái đổi thương hiệu của quỹ đầu tư MicroStrategy thành Strategy đính kèm biểu tượng của Bitcoin, một lần nữa khẳng định Saylor đã và đang lăn cả người ông vào hố vôi Bitcoin này!

Là một thiên tài đầu tư hay một con bạc liều lĩnh? Thánh Saylor, theo cách gọi thân thương của con dân crypto, đã lăn tất cả những gì ông có vào Bitcoin, và câu chuyện của ông là một trong những bước ngoặt táo bạo nhất trong thế giới tài chính hiện đại. Nhưng làm thế nào mà từ một kẻ bị xem là thất bại vào năm 2000, Saylor lại trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong thị trường tiền số? Hãy cùng tìm hiểu với mình trong bài viết hôm nay.
Michael Saylor: Thiên tài toán học, kẻ mộng mơ công nghệ
Michael J. Saylor sinh ngày 4 tháng 2 năm 1965 tại Lincoln, Nebraska. Cha ông là một Thượng sĩ Không quân Hoa Kỳ, vì vậy ông thường xuyên phải di chuyển giữa các căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Đến năm 1976, khi Saylor 11 tuổi, gia đình ông định cư tại Fairborn, Ohio, gần căn cứ Không quân Wright-Patterson. Đây cũng là nơi ông trải qua phần lớn thời niên thiếu của mình.
Ngay từ nhỏ, Saylor đã thể hiện tố chất của một người xuất sắc. Khi còn học trung học, ông từng đạt 1540/1600 điểm trong kỳ thi SAT và được vinh danh là tay giao báo xuất sắc nhất khu vực ông sống, một chi tiết thú vị phản ánh tinh thần kỷ luật và tham vọng dẫn đầu của ông ngay từ thời niên thiếu.
Khi đến thời điểm lựa chọn con đường đại học, Saylor ban đầu có ý định theo học tại Học viện Không quân Hoa Kỳ (USAFA), nhưng sau đó quyết định theo học Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhờ một học bổng toàn phần từ chương trình Air Force ROTC. Bước chân vào MIT không chỉ đảm bảo cho ông một nền giáo dục có chất lượng hàng đầu mà còn giúp Saylor thực hiện lời hứa trước đây với cha mình về việc ông tham gia lực lượng dự bị quân đội.
Tại MIT, Saylor không chỉ theo học chuyên ngành Khoa học Hàng không Vũ trụ (Aeronautics & Astronautics) mà còn theo đuổi Lịch sử Khoa học và Công nghệ (Science, Technology, and Society). Điều này phản ánh sự kết hợp giữa tư duy kỹ thuật và niềm đam mê chiến lược của ông. Theo John Sterman, giáo sư hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của ông, Saylor tốt nghiệp trong top 1% sinh viên giỏi nhất MIT, với điểm GPA 4.8/5.0, và luận văn của ông tập trung vào các vấn đề lý thuyết chính trị liên quan đến quốc gia theo khuynh hướng Plato. Lối tư duy này của ông đâu đó vẫn được giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại, và ta sẽ dễ dàng nhận ra điều này thông qua những cuộc trò chuyện của ông.
Thời gian tại MIT cũng giúp ông kết thân với Sanju Bansal, người sau này sẽ đồng hành cùng ông trong việc xây dựng MicroStrategy. Hai người gặp nhau khi cùng tham gia hội sinh viên Theta Delta Chi.
Ban đầu, Saylor đặt mục tiêu trở thành phi công chiến đấu, một giấc mơ mà ông từng mô tả với Washington Post:
“Tôi yêu việc trở thành phi công. Đó là cuộc đời tôi. Đây là thời của Tom Cruise và Top Gun, và điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể có được trong đời là trở thành một phi công phản lực trong quân đội. Ở đây, chúng ta được đào tạo để trở thành vua trong số các vị vua.”
Tuy nhiên, một bài kiểm tra sức khỏe định kỳ đã khiến giấc mơ của ông sụp đổ. Các bác sĩ phát hiện ra một chứng hở van tim, tuy vô hại, nhưng đủ để quân đội loại ông khỏi chương trình huấn luyện phi công phản lực. Không những thế, khi ngành quân sự cắt giảm ngân sách, ông bị đẩy vào lực lượng dự bị thay vì được phục vụ toàn thời gian.
Chỉ còn hai tháng trước khi tốt nghiệp, Saylor đột nhiên nhận ra mình không có việc làm, không có kế hoạch cho tương lai, và đang mắc nợ $5.000 trong khi sống ở Manhattan. Trong một cuộc phỏng vấn, ông thừa nhận:
“Tôi từng là người được bầu chọn có khả năng thành công cao nhất. Tôi là thủ khoa trung học. Vậy mà giờ đây, tôi không dám về nhà, tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại.”
Nhưng rồi may mắn đã không bỏ quên ông. Một tấm danh thiếp duy nhất còn lại trong túi ông vào lúc đó là của Kent Quisel, một giám đốc điều hành tại DuPont và là một khách hàng cũ của ông trong thời gian làm thực tập sinh. Sau khi nghe câu chuyện của Saylor, Quisel đã đưa ông về trụ sở DuPont ở Wilmington, Delaware, mở ra một chương mới trong cuộc đời ông.
Tại DuPont, Saylor làm việc như một chuyên gia tư vấn nội bộ, chuyên xây dựng mô hình mô phỏng máy tính để dự đoán xu hướng thị trường. Chính tại đây, Saylor thể hiện sự quyết đoán của mình khi dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 1990 trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của DuPont, dựa trên các mô phỏng máy tính mà ông thực hiện. Tuy nhiên, theo lời ông kể, các cấp trên ban đầu không tin vào kết quả này và yêu cầu ông quay lại làm lại mô hình, xem xét thêm các yếu tố như tỷ giá hối đoái.
Cuối cùng, DuPont đã thừa nhận và yêu cầu mở rộng mô hình lên gấp 10 lần, khiến Saylor phải chuyển toàn bộ dữ liệu từ hệ thống mainframe sang Apple Macintosh, vì chiếc Mac có thể chạy chương trình nhanh hơn và hiển thị đồ họa tốt hơn.
Saylor sau này hài hước nhận xét:
“Về cơ bản, tôi coi như đã học được những bài học quý giá về lập trình phần mềm bằng tiền của DuPont, đơn giản chỉ vì họ quá cứng đầu để thừa nhận rằng suy thoái sắp xảy ra.”
Nhận thấy tiềm năng to lớn của phân tích dữ liệu trong dự báo kinh tế, Saylor muốn tạo ra một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này. Nhờ sự ấn tượng mà ông để lại, DuPont đồng ý tài trợ $250.000, đóng vai trò như nhà đầu tư thiên thần, để giúp ông thành lập công ty riêng. Họ còn cung cấp văn phòng miễn phí, dịch vụ điện thoại, nhưng không yêu cầu cổ phần trong công ty.
Năm 1989, khi mới 24 tuổi, Saylor cùng Sanju Bansal thành lập MicroStrategy. Ban đầu, công ty chỉ hoạt động như một dịch vụ tư vấn, nhưng sau đó, Saylor nhận ra tiềm năng của việc phát triển phần mềm phân tích dữ liệu không độc quyền (nonproprietary software) để cung cấp lợi thế cạnh tranh cho khách hàng.
Đó chính là bước đầu tiên của MicroStrategy,và cũng là khởi đầu cho một trong những hành trình doanh nghiệp đầy sóng gió nhưng táo bạo bậc nhất giới công nghệ.
MicroStrategy: Từ startup công nghệ đến ngôi sao phố Wall
MicroStrategy ra đời năm 1989, khởi đầu bằng một hợp đồng tư vấn trị giá $250.000 từ DuPont. Số tiền này không chỉ giúp Michael Saylor có nguồn vốn ban đầu mà còn cung cấp cho công ty văn phòng làm việc tại Wilmington, Delaware. Không lâu sau đó, ông rủ người bạn học tại MIT, Sanju Bansal, cùng tham gia xây dựng công ty. Cả hai lấy cảm hứng từ một khóa học về hệ thống động lực học (systems-dynamics theory) tại MIT để phát triển phần mềm khai thác dữ liệu (data mining) và trí tuệ kinh doanh (business intelligence) sử dụng toán học phi tuyến tính (nonlinear mathematics).
Những năm đầu thập niên 90, công nghệ máy tính đang phát triển bùng nổ, và MicroStrategy nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Công ty tập trung vào phân tích dữ liệu lớn (Big Data) – một khái niệm còn rất mới vào thời điểm đó. Các phần mềm của MicroStrategy giúp doanh nghiệp khai thác dữ liệu, dự đoán xu hướng tiêu dùng, tối ưu hóa vận hành và ra quyết định chiến lược.
Bước ngoặt lớn đầu tiên đến vào năm 1992, khi MicroStrategy ký hợp đồng $10 triệu USD với McDonald’s để phân tích hành vi khách hàng và tối ưu hóa chiến lược tiếp thị. Đây là một thành công đáng kể, giúp công ty mở rộng quy mô và thu hút hàng loạt khách hàng lớn như Coca-Cola, Walmart, và American Express. Với doanh thu tăng trưởng 100% mỗi năm từ 1990 đến 1996, MicroStrategy phát triển nhanh chóng, đến năm 1994 đã có 50 nhân viên và chuyển trụ sở đến Tysons Corner, Virginia.
Ngày 11 tháng 6 năm 1998, MicroStrategy chính thức niêm yết trên sàn NASDAQ với mã cổ phiếu MSTR. Công ty tiếp tục bùng nổ, và chỉ trong vòng hai năm, giá trị thị trường của MicroStrategy vượt $20 tỷ USD. Michael Saylor, khi đó mới ngoài 30 tuổi, trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất thế giới, với khối tài sản cá nhân hơn $7 tỷ USD.
Thành công của MicroStrategy đã đưa Michael Saylor vào hàng ngũ những CEO công nghệ nổi bật nhất thời đại dot-com. Ông nhanh chóng được báo chí ca ngợi như một thiên tài công nghệ và chiến lược gia kinh doanh. Năm 1999, Tạp chí Fortune vinh danh ông trong danh sách “Những doanh nhân có ảnh hưởng nhất dưới 40 tuổi”. Ông xuất hiện thường xuyên trên Forbes, The Wall Street Journal, và Bloomberg, với những bài phỏng vấn ca ngợi sự nhạy bén trong chiến lược kinh doanh. Dưới sự dẫn dắt của Saylor, MicroStrategy đã giành được hàng loạt giải thưởng trong ngành phần mềm và dữ liệu doanh nghiệp, trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu.
Không dừng lại ở đó, Saylor còn ôm tham vọng tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục. Năm 1999, ông sáng lập Saylor Academy, một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu cung cấp giáo dục miễn phí cho hàng triệu người trên thế giới. Ông cũng lên kế hoạch xây dựng một nền tảng giáo dục trực tuyến trị giá hàng trăm triệu USD nhằm số hóa hoàn toàn hệ thống giáo dục đại học truyền thống. Một fun fact, có thể bạn đã vô tình bắt gặp một cuốn sách giáo trình ở bậc đại học Việt Nam thuộc chương trình của Saylor!
Vào thời điểm đó, nhiều người tin rằng Saylor sẽ trở thành Bill Gates tiếp theo, một người không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh mà còn có thể thay đổi thế giới thông qua công nghệ. Ông luôn tin rằng dữ liệu sẽ là tài sản giá trị nhất của thế kỷ 21, và MicroStrategy sẽ là nhà thờ của kỷ nguyên số, nơi các công ty tìm kiếm sự khai sáng thông qua phân tích dữ liệu thông minh.
Nhưng giống như bao vị tiên tri trong lịch sử, Saylor cũng có lúc bị xem là kẻ ngạo mạn, người tin rằng mình có thể định hình tương lai chỉ bằng những mô hình toán học. Và rồi, như một lời nguyền từ chính niềm tin sắt đá vào dữ liệu, ông đã sụp đổ vì những con số.
Bê bối báo cáo tài chính năm 2000
Chính tham vọng không giới hạn của Michael Saylor đã đẩy MicroStrategy vào một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất thời đại dot-com. Ngày 20 tháng 3 năm 2000, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) điều tra và phát hiện công ty đã thổi phồng doanh thu trong các năm 1998 và 1999 bằng một loạt các thủ thuật kế toán đáng ngờ.
Cổ phiếu MSTR, vốn đã tăng từ $6 lên $333 USD, rơi tự do 91% chỉ trong một tháng, đánh dấu một trong những cú sụp đổ nhanh nhất trong lịch sử phố Wall. Đây không đơn thuần là hậu quả của bong bóng dot-com, mà còn là bằng chứng cho thấy hệ thống tài chính của MicroStrategy đã bị thao túng một cách tinh vi.
SEC cáo buộc rằng MicroStrategy đã sử dụng nhiều thủ thuật kế toán lách luật để tạo ra một bức tranh tài chính đẹp hơn thực tế:
- Cố tình để trống ngày trên các hợp đồng để có thể ký kết ngay trước khi kết thúc quý, nhằm đạt chỉ tiêu doanh thu.
- Ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng chưa được ký kết, giúp vượt qua các dự báo lợi nhuận mỗi quý.
- Chuyển đổi doanh thu từ dịch vụ sang phần mềm, nhằm tăng giá trị báo cáo tài chính.
- Ghi nhận các giao dịch đổi chác (barter transactions) như doanh thu thực tế, ví dụ như trao đổi $5 triệu USD phần mềm lấy $5 triệu USD phần cứng và báo cáo đây là doanh thu thuần.
Không chỉ vậy, SEC còn chỉ ra rằng sự tăng trưởng phi thực tế của giá cổ phiếu MicroStrategy là bằng chứng rõ ràng về sự thao túng kế toán. Một công ty chỉ có thể mất hơn 90% giá trị trong vài tuần nếu các số liệu tài chính đã bị thổi phồng quá mức.
Đến tháng 12 năm 2000, SEC chính thức buộc tội Michael Saylor, Giám đốc vận hành - Sanju Bansal và Giám đốc tài chính - Mark Lynch, yêu cầu họ phải:
- Nộp phạt $350.000 mỗi người.
- Hoàn trả tổng cộng $10 triệu USD lợi nhuận thu được từ các báo cáo tài chính sai lệch.
Và phải cam kết tuyệt đối không được tái phạm bất kỳ hành vi gian lận tài chính nào trong tương lai.
MicroStrategy cũng bị buộc phải thuê giám đốc độc lập để giám sát tuân thủ quy định, nhằm đảm bảo công ty không tiếp tục lặp lại những sai lầm này.
Một điều đặc biệt đáng chú ý trong vụ bê bối này là MicroStrategy đã trả một phần tiền phạt bằng chính cổ phiếu của công ty. Đây là một động thái gây tranh cãi, bởi lẽ việc chính phủ chấp nhận thanh toán tiền phạt từ một công ty bị cáo buộc gian lận tài chính đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích.
Nhưng không giống như Enron hay WorldCom, những công ty sụp đổ hoàn toàn sau bê bối tài chính, MicroStrategy vẫn tồn tại. Một sự thật thú vị là Michael Saylor vẫn giữ quyền kiểm soát công ty, trong khi nhiều công ty khác sẽ thay đổi ban lãnh đạo sau một vụ bê bối như vậy, Saylor vẫn trụ vững, một điều hiếm thấy trong giới doanh nghiệp.
Vụ gian lận tài chính của MicroStrategy không chỉ là một sự kiện đơn lẻ, mà còn là một dấu hiệu cảnh báo sớm về cuộc khủng hoảng đạo đức của các công ty công nghệ trong thời kỳ dot-com. Nhiều nhà phân tích sau này cho rằng sự dễ dãi của các kiểm toán viên cũng góp phần vào vụ bê bối này, khi họ không kiểm tra kỹ lưỡng các báo cáo tài chính trước khi chứng nhận chúng.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, MicroStrategy không sụp đổ hoàn toàn và không bị coi là một vụ lừa đảo tài chính trắng trợn như những gì xảy ra với những anh bạn trong khu phố như Enron hay Theranos. Đối với nhiều người, câu chuyện này là một bài học về việc quá tự tin vào các con số có thể trở thành con dao hai lưỡi, và cách một CEO xử lý khủng hoảng sẽ quyết định số phận của công ty. Còn với Saylor, sự kiện này không khiến ông từ bỏ tham vọng. Hai thập kỷ sau, ông lại tiếp tục đặt cược tất cả vào một tài sản khác, Bitcoin. Nhưng lần này, liệu đó có phải là một cuộc cách mạng tài chính thực sự, hay chỉ là một phiên bản mới của cùng một canh bạc rủi ro?
Từ tro tàn dot-com đến canh bạc Bitcoin
Trong triết học, có một câu chuyện kinh điển mà có lẽ bạn đã từng nghe qua,"Ẩn dụ về cái hang" của Plato.
Hãy tưởng tượng có những người bị xiềng xích trong một hang động từ khi sinh ra. Họ không thể quay đầu lại mà chỉ có thể nhìn về phía bức tường trước mặt. Sau lưng họ là một ngọn lửa, và giữa ngọn lửa ấy với bức tường là một lối đi. Những người khác bước qua lối đi này, mang theo những vật thể, tạo ra bóng trên tường. Những kẻ bị xích trong hang chỉ có thể nhìn thấy bóng của thế giới thực, và họ tin rằng đó chính là thực tại.
Nhưng một ngày nọ, một người trong số họ được giải thoát khỏi xiềng xích, kéo ra khỏi hang động. Ban đầu, ánh sáng mặt trời chói lóa làm tổn thương đôi mắt của anh ta, và anh ta muốn quay lại nơi quen thuộc. Nhưng rồi, dần dần, anh ta thích nghi với ánh sáng, nhận ra thế giới thực rộng lớn hơn những gì anh ta từng thấy. Khi trở lại hang động để kể cho những người khác về những gì mình đã chứng kiến, không ai tin anh ta, thậm chí họ còn chế giễu anh ta là kẻ điên rồ.
Và Michael Saylor cũng từng như người đàn ông trong hang động ấy.
Năm 2013, ông vẫn còn xiềng xích trong những quan niệm cũ về tài chính truyền thống. Bitcoin, trong mắt ông khi đó, chỉ là một trò lừa đảo đầu cơ, chẳng khác gì cờ bạc trực tuyến. Ông từng tuyên bố một cách chắc nịch trên Twitter:
"Days are numbered for Bitcoin. It’s only a matter of time before it suffers the same fate as online gambling."(Những ngày tháng của Bitcoin đang đếm ngược. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi nó sụp đổ như một xới bạc trực tuyến.)
Với một người như Saylor, người tin rằng dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá nhất, thì một loại tài sản số không có dòng tiền, không có mô hình kinh doanh rõ ràng, chỉ dựa vào niềm tin của cộng đồng, chẳng có lý do gì để tồn tại lâu dài.
Nhưng rồi một sự kiện đã kéo ông ra khỏi bóng tối,đại dịch COVID-19 năm 2020.
Vào năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Để kích thích nền kinh tế và ngăn chặn suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào thị trường, hạ lãi suất xuống gần 0%, và triển khai hàng loạt gói kích thích tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Điều này dẫn đến một hệ quả mà Michael Saylor cho là vô cùng nguy hiểm: sự mất giá không kiểm soát của đồng USD.
Lúc này, MicroStrategy có hơn 500 triệu USD tiền mặt trong bảng cân đối kế toán,một tài sản từng được xem là an toàn, nhưng dưới con mắt của Saylor, giờ đây lại trở thành một gánh nặng. Ông từng so sánh “giữ tiền mặt chẳng khác nào nắm một cục nước đá đang tan chảy.”
Nếu như trước đây, ông từng tin rằng dữ liệu là tài sản quý giá nhất, thì giờ đây, ông nhận ra rằng tài sản quan trọng nhất là khả năng bảo toàn giá trị trong dài hạn.
Trong một podcast với Lex Fridman, Michael Saylor đã chia sẻ những quan điểm đi ngược lại hoàn toàn với lý thuyết kinh tế truyền thống. Ông tin rằng các nhà kinh tế đã sai lầm ngay từ cách họ đo lường lạm phát.
Theo ông, lạm phát không phải là một con số đơn lẻ, mà là một vectơ đa chiều, phản ánh sự thay đổi giá cả của mọi loại tài sản và dịch vụ trong thời gian thực.
Ông chỉ trích các mô hình kinh tế vì đơn giản hóa quá mức các hiện tượng phức tạp, sử dụng các mô hình tuyến tính để giải thích một thế giới phi tuyến tính.
"Inflation is not a scalar. It’s an n-dimensional vector."(Lạm phát không phải là một đại lượng vô hướng. Nó là một vectơ đa chiều.)
Saylor cũng bóc trần vấn đề của chỉ số CPI (Chỉ số giá tiêu dùng),thước đo chính thức mà chính phủ sử dụng để đánh giá lạm phát. Theo ông, CPI có thể bị thao túng dễ dàng, chỉ bằng cách thay đổi giỏ hàng hóa được sử dụng để tính toán.
"You can create any inflation rate you want by constructing a market basket that suits your narrative."(Bạn có thể tạo ra bất kỳ tỷ lệ lạm phát nào bạn muốn chỉ bằng cách điều chỉnh giỏ hàng hóa theo câu chuyện mà bạn muốn kể.)
Để minh họa, ông lấy ví dụ về bất động sản:
- Một căn nhà tại Mỹ năm 1930 có giá 100.000 USD.
- Đến 2020, giá trị căn nhà tương tự lên tới 30 triệu USD.
Nếu tính theo con số này, lạm phát thực sự lên đến 7% mỗi năm, cao hơn nhiều so với con số 2% mà chính phủ thường công bố.
Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?
- Chính phủ liên tục in thêm tiền, nhưng lại giữ lãi suất ở mức thấp, khiến giá tài sản như cổ phiếu, bất động sản và hàng hóa tăng vọt.
- Điều này tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những người giàu có và sở hữu tài sản, nhưng lại gây tổn hại cho tầng lớp lao động, những người sống dựa vào tiền lương cố định.
Nhìn vào bối cảnh này, Saylor bắt đầu tự hỏi: Liệu có một loại tài sản nào có thể bảo vệ giá trị trước vòng xoáy lạm phát?
Trong khi nhiều công ty lớn chọn cách đầu tư vào bất động sản, vàng hoặc trái phiếu, Saylor cảm thấy chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả. Ông bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về Bitcoin, thứ mà 7 năm trước đây ông từng xem là một trò đầu cơ vô giá trị.
Sau nhiều tháng đào sâu, ông đi đến một kết luận không thể chối cãi:
- Bitcoin là "vàng kỹ thuật số", có nguồn cung cố định 21 triệu BTC, không thể bị in thêm hay thao túng bởi chính phủ.
- So với bất động sản hay vàng, Bitcoin dễ dàng lưu trữ và chuyển nhượng hơn, không bị ảnh hưởng bởi biên giới hay kiểm soát của ngân hàng trung ương.
- Các tổ chức lớn chưa nhìn ra giá trị thực sự của Bitcoin, và nếu MicroStrategy đi trước, họ có thể hưởng lợi khổng lồ trong dài hạn.
Giống như người đàn ông trong hang động của Plato cuối cùng cũng thấy được ánh sáng, Michael Saylor nhận ra rằng Bitcoin không chỉ là một khoản đầu tư, mà là một cuộc cách mạng tài chính.
Tháng 8 năm 2020, MicroStrategy chính thức thông báo chi 250 triệu USD để mua Bitcoin, trở thành công ty niêm yết đầu tiên trên thế giới chuyển đổi một phần tiền mặt dự trữ sang tài sản số.
Không dừng lại ở đó, một tháng sau, công ty tiếp tục mua thêm 16.796 BTC với giá 175 triệu USD, nâng tổng số Bitcoin nắm giữ lên 38.250 BTC.
Cuối năm 2020, Saylor quyết định đi xa hơn: Vay thêm 650 triệu USD thông qua trái phiếu chuyển đổi để mua thêm Bitcoin, nâng tổng số BTC mà MicroStrategy sở hữu lên hơn 70.000 BTC.
Không chỉ MicroStrategy, Saylor cũng đầu tư cá nhân, mua 17.732 BTC (~175 triệu USD) từ chính tài sản của mình, củng cố niềm tin rằng Bitcoin là tài sản bảo toàn giá trị tối thượng.
Gần đây nhất, trong vòng một tuần, MicroStrategy đã chi 1,1 tỷ USD để mua thêm 10.107 BTC, nâng tổng số Bitcoin mà công ty sở hữu lên 471.107 BTC.
Để tài trợ cho các khoản mua khổng lồ này, công ty đã phát hành thêm 2,76 triệu cổ phiếu, tiếp tục tận dụng mô hình huy động vốn từ thị trường chứng khoán để mua Bitcoin.
Hiện tại, MicroStrategy không chỉ là công ty niêm yết sở hữu nhiều Bitcoin nhất thế giới, mà còn là một thực thể gần như gắn liền với Bitcoin. Giá cổ phiếu MSTR giờ đây biến động tương quan chặt chẽ với giá Bitcoin, và công ty không còn được nhìn nhận đơn thuần là một doanh nghiệp phần mềm mà là một quỹ đầu tư Bitcoin trá hình.
Saylor, từ một CEO công nghệ, giờ đây được xem như kẻ thống trị kho bạc Bitcoin lớn nhất thế giới. Nhưng liệu chiến lược này có thực sự bền vững, hay MicroStrategy chỉ đang xây dựng một tháp Babel tài chính, nơi tất cả chỉ phụ thuộc vào một tài sản duy nhất?
Kết lại
Michael Saylor của những năm 2000 là một doanh nhân trẻ tài năng, táo bạo, người từng đứng trên đỉnh cao của phố Wall trước khi rơi vào một trong những bê bối tài chính lớn nhất thời kỳ dot-com. Nhưng Michael Saylor của năm 2025 không còn chỉ là một CEO hay một nhà đầu tư, ông đã trở thành một nhà tư tưởng, một người theo đuổi những lý tưởng lớn lao về tự do tài chính, công nghệ, và sự tiến bộ của nhân loại.

Nhìn vào hệ thống tài chính hiện tại, Saylor không thấy một nền kinh tế ổn định mà là một bệnh nhân đang bị rút cạn sinh lực. Ông so sánh việc chính phủ liên tục in tiền với cách các bác sĩ vô tình giết chết George Washington bằng phương pháp chữa bệnh lạc hậu,rút gần 40% lượng máu của ông để cố gắng cứu chữa.
“Chúng ta đã rút gần 40% năng lượng khỏi đồng tiền của mình chỉ trong hai năm qua.”
Saylor tin rằng ý định của chính phủ có thể là tốt, nhưng hệ quả mà các chính sách tiền tệ của họ gây ra lại là lạm phát, nợ nần và mất mát giá trị tài sản của tầng lớp trung lưu. Ông cho rằng tiến bộ xã hội không thể dựa trên những quyết định cảm tính mà phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào kinh tế để tạo ra một hệ thống bền vững hơn.
Với Saylor, lịch sử phát triển của loài người gắn liền với sự kiểm soát và khai thác năng lượng,từ việc thuần hóa lửa, đến phát minh động cơ hơi nước, và sau đó là Internet. Và ông tin rằng Bitcoin chính là bước tiến tiếp theo trong chuỗi phát triển ấy,một mạng lưới năng lượng tài chính số hóa, không chỉ giúp bảo vệ tài sản cá nhân khỏi lạm phát mà còn đưa quyền kiểm soát tài chính về tay từng cá nhân trên toàn cầu.
“Bitcoin không chỉ là một tài sản. Nó là một công nghệ giúp con người giành lại quyền tự do.”
Saylor không nhìn Bitcoin đơn thuần như một công cụ đầu tư, mà coi nó như một hệ thống kinh tế thay thế. Một hệ thống mà ở đó, không một chính phủ nào có thể thao túng, không một ngân hàng trung ương nào có thể in thêm Bitcoin, và không ai có thể tịch thu hay kiểm soát tài sản của người khác mà không có sự đồng thuận của họ.
Thay vì cố gắng chống lại hệ thống tài chính truyền thống, Saylor chọn một con đường khéo léo và bền vững hơn—hợp tác với các tổ chức tài chính, hỗ trợ các quỹ ETF Bitcoin để đưa Bitcoin vào dòng chảy tài chính chính thống.
Quan điểm đâu đó có phần tương đồng với tư tưởng của R. Buckminster Fuller, người từng nói:
"You never change things by fighting the existing reality. To change something, build a new model that makes the existing model obsolete." - Bạn không bao giờ thay đổi được điều gì bằng cách chống lại thực tại hiện có. Để thay đổi điều gì đó, hãy xây dựng một mô hình mới khiến mô hình hiện tại trở nên lỗi thời.
Theo Saylor, Bitcoin không cần chính phủ công nhận, mà chính phủ sẽ dần không thể cưỡng lại việc chấp nhận Bitcoin, bởi vì hệ thống tiền tệ truyền thống sẽ tự điều chỉnh để thích nghi khi thấy một mô hình hiệu quả hơn xuất hiện.
Tương tự như cách Google đã thay đổi ngành quảng cáo. Google không tấn công trực diện vào các tập đoàn truyền thông lâu đời hay hệ thống quảng cáo truyền thống. Thay vào đó, họ xây dựng một mô hình mới, nơi các doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng cụ thể thông qua quảng cáo trực tuyến dựa trên dữ liệu, tạo ra giá trị lớn hơn so với các mô hình quảng cáo cũ.
Saylor tin rằng Bitcoin đang làm điều tương tự với hệ thống tài chính toàn cầu. Khi ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân và chính phủ nhận ra Bitcoin hoạt động hiệu quả hơn trong việc lưu trữ giá trị và bảo vệ tài sản, họ sẽ phải lựa chọn giữa thích nghi hoặc bị bỏ lại.
Đến cuối ngày, Saylor là thật sự là một thiên tài, hay đơn thuần là kẻ cuồng tín?
Với những người ủng hộ, Michael Saylor là một nhà tiên tri, người đã nhìn thấy trước một cuộc cách mạng tài chính toàn cầu và dũng cảm đặt cược tất cả vào nó. Nhưng với những người hoài nghi, ông chỉ là một kẻ cuồng tín, một lần nữa lao vào một canh bạc mà kết cục có thể giống như cú sụp đổ năm 2000.
Dù đúng hay sai, không thể phủ nhận rằng Saylor đã trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong kỷ nguyên tiền mã hóa.
Liệu ông sẽ viết nên một chương mới cho nền tài chính toàn cầu, hay một lần nữa trở thành biểu tượng của một canh bạc thất bại?
Chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này