Trong một ngày dài 24 tiếng, cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập phước lành. Tuy nhiên, mình tin rằng không nhiều người cảm nhận được sự phước lành đó, bởi vì tất cả đều bị che lấp bởi những lời phàn nàn, than vãn, trách móc. Trước một sự việc, thay vì nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, chúng ta thường có xu hướng nhìn vào sự tiêu cực. Nếu nhận được điều gì đó từ người thân, bạn bè, thay vì cảm thấy biết ơn, chúng ta cho rằng đó là điều hiển nhiên chúng ta phải được nhận. Nếu dịch không bệnh xảy ra, chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến có ngày một ổ bánh mì, một bát phở, một ly trà sữa lại trở nên quý giá như hôm nay. Chúng ta thường bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng giá nhất trong cuộc sống bởi vì đang bận ghen tị, so sánh thiệt hơn với người khác.
Để có một cuộc sống an nhiên, chúng ta cần phải thay đổi thái độ sống. Hãy ngừng than vãn, so sánh đố kỵ, mà thay vào đó học cách trân trọng, biết ơn với tất cả những gì ta đang có.
Có rất nhiều phương pháp để thực hành biết ơn, trong đó có phương pháp Naikan. Một phương pháp không chỉ dạy bạn học cách trân trọng mọi thứ mà còn giúp bạn hiểu về bản thân và hiểu người khác.
Vậy Naikan là gì và nó giúp ích như thế nào trong cuộc sống của bạn? Làm thế nào để thực hành Naikan? Bài này mình sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.

Naikan là gì?

Ishin Yoshimoto, một nhà sư người Nhật Bản, đã phát triển liệu pháp Naikan vào những năm 1940. Nhờ niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo đã dẫn dắt ông thực hành mishirabe – một phương pháp thiền và phản chiếu bản thân đầy gian khổ. Với mong muốn giúp đỡ mọi người có thể tự quan sát nội tâm bên trong, ông đã sáng tạo ra phương pháp Naikan.
Từ Naikan trong tiếng Nhật có nghĩa là nhìn vào phía trong (looking inside), nhằm khuyến khích mọi người chậm lại một nhịp để nhìn và cảm nhận mọi thứ xung quanh đang diễn ra.
Ngày nay, có khoảng 30 trung tâm Naikan ở Nhật Bản. Naikan được sử dụng phổ biến trong trị liệu sức khỏe tâm thần từ tội phạm cho đến những người mắc chứng tâm thần phân liệt. Naikan cũng đã bắt đầu xuất hiện ở các nước châu Âu, với hàng chục trung tâm Naikan hiện đã được thành lập ở Áo, Đức và Thụy Sĩ.
Reynolds là người đầu tiên viết nhiều về Naikan bằng tiếng Anh. Các chương trình và khóa tu Naikan đã được tổ chức thường xuyên tại Hoa Kỳ từ năm 1989 bởi Học viện ToDo ở Vermont. Tuy nhiên vẫn còn rất ít người phương Tây đã trải nghiệm và khám phá phương pháp tự phản chiếu này của Nhật Bản.
Naikan cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống thực tại. Nó giống như khi bạn đang đứng trên đỉnh núi, và nếu dùng ống nhòm bạn chỉ có thể nhìn một phần cảnh vật, nhưng khi bạn chuyển sang một lens góc rộng, tầm nhìn của bạn sẽ được mở ra lớn hơn. Bạn thấy được tất cả mọi thứ đã bị giấu đi trước đó. Những thứ đã bị giấu đi chính là điều tạo nên vẻ đẹp cho bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc này.

3 câu hỏi cần phải trả lời

Có 3 câu hỏi bạn phải trả lời khi thực hành phương pháp Naikan:
–          Bạn đã được nhận những gì?
–          Bạn đã cho đi những gì?
–          Bạn đã mang lại những khó khăn nào đến cuộc sống này?
Những câu hỏi này cung cấp cho bạn nền tảng để suy ngẫm về tất cả các mối quan hệ bao xung quanh từ mối quan hệ với bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng, con cái… cho đến mối quan hệ với thú cưng, hoặc các đồ vật như điện thoại, máy tính…
Việc dành một khoảng thời gian nào đó trong ngày, suy ngẫm lại những gì diễn ra trong 24h và trả lời những câu hỏi trên giúp bạn hiểu hơn về cuộc sống mà bạn đang trải qua.
Thay vì trả lời cho những câu hỏi kiểu như hãy tưởng tượng bạn đang cận kề cái chết và nhìn lại về những điều đã trải qua trong cuộc đời, bạn sẽ thấy những gì? Câu trả lời thường là bạn sẽ thấy những gì mất đi nhiều hơn là được nhận lại. Cách thực hành này chỉ khiến bạn đau khổ hơn là cảm thấy biết ơn.
Trước khi chờ đến khi quá muộn để bày tỏ sự biết ơn đối với cuộc sống, thay vì ngày nào cũng than vãn về cuộc sống, luôn cảm thấy áp lực và mệt mỏi, chi bằng chúng ta hãy bắt đầu ngay từ hôm nay thông qua nhận thức và chiêm nghiệm về những gì đang xảy ra. Hãy để Naikan giúp bạn thực hiện điều đó.

Câu hỏi 1: Bạn đã được nhận những gì?

Hãy bắt đầu sự biết ơn bằng việc trả lời cho câu hỏi bạn đã nhận được gì trong 24 giờ vừa qua từ những người thân, đồ vật.
Để làm được điều này, bạn hãy quay trở về quá khứ và nhớ lại những chuyện đã xảy ra trong ngày. Bắt đầu từ lúc tỉnh dậy cho đến bây giờ, bạn đã nhận được gì?
Để giúp bạn dễ hình dung hơn, mình sẽ viết nên một số điều mình nhận được trong 24h vừa qua.
Hôm qua, do mình làm việc nhiều và khá mệt nên tối qua mình đã có một giấc ngủ thật ngon và sâu. Sáng nay, mình nhận được tin nhắn hỏi han tình hình sức khỏe từ chị gái và mình luôn nhận được tin nhắn đó mỗi ngày. Mình nhận được thông báo Fonos đang có chương trình khuyến mãi 15 ngày nghe sách nói miễn phí từ một người anh. Mình đã nghe nó mỗi khi mình nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Tất cả đồ dùng trong nhà vẫn đủ dùng trong 1 tuần tiếp theo mà mình không phải ra ngoài. Hôm nay, thời tiết Sài Gòn khá dễ chịu, không quá nóng, để tận hưởng trọn ánh sáng tự nhiên mình đã mở rèm thay vì dùng đèn điện.
Chúng ta thường bỏ qua những điều nhỏ nhặt và coi đó như là một chuyện hiển nhiên phải xảy ra. Chúng ta bận rộn chạy đua với cuộc sống và dành ít sự quan tâm cho những điều hiển nhiên đó. Nhưng hãy thẳng thắn đi, liệu những điều đó có thực sự nhỏ và không đáng để bận tâm? Chúng ta không bận tâm đến những điều nhỏ nhặt đó vì sự tập trung của chúng ta đang bị hướng sang một vấn đề nào đó khác. Bạn chỉ nhận ra giá trị của nước nóng để tắm khi bỗng một ngày nó biến hay cho đến khi chiếc điện thoại mất đi bạn mới nhận ra bạn cần nó đến nhường nào.
Bằng cách liệt kê ra tất cả những điều nhận được giúp bạn trân trọng biết ơn về tất cả những điều đó. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã được giúp đỡ, chăm sóc như thế nào. Bạn sẽ nhận ra được tầm quan trọng của những điều đó và cảm thấy biết ơn sâu sắc với những thứ tưởng chừng xảy ra một cách hiển nhiên ấy. Ví dụ nếu như không có những người nhà chăm sóc con cái trong khi làm việc, bạn sẽ khó có thể hoàn thành tất cả công việc đúng thời hạn. Nếu không có người yêu hoặc vợ/ chồng hiện tại nói chuyện với bạn mỗi ngày, bạn sẽ cô đơn biết nhường nào. Hãy viết ra và khi đó, tâm trí, con tim bạn sẽ mở rộng và đón nhận tất cả những điều tưởng chừng như bình thường ấy. Quan trọng hơn, tâm trí bạn sẽ không còn chỗ để tiếp nhận những điều tiêu cực xảy ra nữa.
Bây giờ hãy dừng lại và dành vài phút để viết ra những gì bạn nhận được trong 24 giờ vừa qua, càng chi tiết càng tốt. Bạn đã ăn loại thức ăn nào? Ai đã rửa chén giúp bạn? Ai đã giúp bạn đi chợ trong những ngày dịch này? Ai đã nấu ăn cho bạn? Ai giúp bạn giữ yên lặng trong khi làm việc?….

Câu hỏi 2: Bạn đã cho đi những gì?

Và tiếp tục như thế với câu hỏi thứ 2, bạn đã cho đi những gì? Cuộc sống giống như một cán cân, để duy trì sự thăng bằng, ngoài những gì bạn nhận được bạn cũng cần phải cho đi.
Chúng ta thường sống một cuộc sống như thể thế giới nợ chúng ta. Tại sao tôi không được tăng lương? Tại sao dịch giã khó khăn thế này, không những không được tăng lương mà còn trừ lương của tôi? Tại sao tôi không được đánh giá cao từ sếp? Tại sao hàng tôi đặt 1 tuần trước rồi mà vẫn chưa giao? Tại sao tôi đăng ký tiêm vacxin lâu như vậy rồi mà vẫn chưa được tiêm?
Chúng ta thường có xu hướng bực bội khi mọi việc diễn ra không theo kế hoạch. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình xứng đáng được nhận tất cả mọi thứ như chúng ta mong muốn. Khi mọi người khen, chúng ta coi đó là một điều hiển nhiên. Khi hàng giao sớm, bạn coi đó là điều phải xảy ra. Khi bạn được tiêm vacxin sớm hơn so với những người khác, bạn cho rằng mình quan trọng và đáng được như thế.
Nhưng có thực sự thế giới đang nợ bạn và bạn không nợ thế giới? Cuộc sống sẽ không bao giờ an yên nếu bạn chỉ nhận mà không bao giờ cho đi. Cán cân không bao giờ thăng bằng nếu phía bên kia nặng ký hơn.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang nợ cuộc sống này rất nhiều điều. Chính nhờ suy nghĩ đó sẽ giúp bạn nảy sinh mong muốn đáp trả và bạn sẽ cảm thấy biết ơn về những điều mà mình nhận được trước đây. Và hãy tiếp tục dành ra vài phút để viết ra những điều bạn cho đi trong 24 tiếng vừa qua.  Bạn đã cảm ơn những người đã nấu ăn cho bạn, rửa chén, lau nhà giúp bạn chưa? Bạn đã làm gì để đáp lại từ những gì bạn đã nhận được ở câu hỏi phía trên?
Còn mình, đây là những gì mình đã làm được. Thay vì chờ đợi tin nhắn hỏi thăm từ người khác, mình đã chủ động nhắn tin hỏi thăm bạn mình. Tuần vừa rồi mình khá bận nên mình quên mất họ, mình đã hỏi thăm sức khỏe của nhỏ bạn thân. Mình đã gợi ý cho chị gái mình xem bộ phim mới ra mắt cho chị ấy giải lao trong những lúc rảnh. Mình đã gợi ý với bạn mình về những kênh youtube đáng xem. Khi bạn mình than chán, mình đã đưa ra một số gợi ý về những việc có thể làm trong lúc rảnh rỗi. Mình đã tự pha cho mình một ly trà sữa ngon lành để giúp mình vui vẻ hơn.

Câu hỏi 3: Bạn đã mang lại những khó khăn nào đến cuộc sống này?

Đây là câu hỏi khó trả lời nhất trong bộ 3 câu hỏi Naikan. Đa số, chúng ta chỉ nhìn ra những điều mà người khác gây ra cho cuộc sống xung quanh hơn là chính bản thân mình. Chúng ta ít khi để ý hoặc lờ đi những khó khăn mà chúng ta gây ra.
Hãy dành vài phút và viết ra những khó khăn mà bạn đem đến cho cuộc sống này. Bạn có chỉ trích ai đó không? Bạn có làm ai đó buồn không? Bạn có để bát đĩa dơ cho người khác rửa không? Bạn có buộc ai đó chờ tin nhắn hoặc email không?
Hôm nay, một vài khó khăn mình đã mang đến như: mình đã thử làm một món ăn mới và thất bại, điều này dẫn đến mình đã phải vứt bỏ đi không ít đồ ăn và đã gây ra sự lãng phí trong mùa dịch này. Mình đã sử dụng nước hơi nhiều so với thường ngày vì phải dọn dẹp tàn dư sau cuộc thử nghiệm nấu ăn của mình. Mình sử dụng điện nhiều hơn một xíu vì món ăn đòi hỏi thời gian nấu lâu.
Còn bạn, hôm nay bạn đã gây ra những khó khăn gì cho mọi người?
Nếu bạn đã đọc tới đây, mình tin chắc rằng bạn đã thực hành rất tốt kỹ thuật Naikan và hãy duy trì trong những ngày tới nhé. Sau một tuần, hãy xem lại tất cả những điều đã ghi, khi đó bạn sẽ nhận ra có rất nhiều điều mà trước đây bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Quan trọng hơn cả, bạn sẽ biết cách điều chỉnh những gì để cải thiện bản thân, điều gì bạn đang làm sai và cần thay đổi.