Nước Mỹ: Ta có chăng là nô lệ của sự tự do?
Thông qua những hình ảnh trần trụi, ám ảnh, có phần ma mị từ hành trình bỏ trốn của nữ nô lệ Cora trong cuốn “Tuyến hỏa xa ngầm” của Colson Whitehead, tôi muốn gửi gắm một chút những suy nghĩ của mình về ranh giới giữa tự do và nô lệ.
Giống “Túp lều bác Tôm” khi phản ánh chế độ nô lệ da đen tại Mỹ, thế nhưng trong “Tuyến hỏa xa ngầm”, Colson Whitehead đã diễn tả trần trụi, ám ảnh, có phần ma mị hơn bằng cách lấy điểm nhìn của chính nữ nô lệ tên Cora.
Cả cuốn sách là hành trình bỏ trốn đầy gian khổ, đầy ngoạn mục của cô bé da đen ấy trên những chuyến tàu ngầm bí mật đầy hôi hám, bẩn thỉu dưới lòng đất. Những người săn bắt cô và những nô lệ da đen kia là ai? Đó không chỉ là những ông chủ đồn điền da trắng, mà còn có cả những người da đen đã bị tha hóa, trên hết chính là con ma mang tên “nước Mỹ”
Cuốn sách mở đầu với sự ngột ngạt, bức bối khi cả 3 thế hệ của Cora đều sống trong chế độ này. Những từ thuở lọt lòng, cô gái ấy đã không có quyền được quyết định bản thân sống như thế nào, dường như số phận cô đã được định đoạt bởi 2 con đường: Một là ngành công nghiệp bông sợi, cho hệ thống xiềng xích mới: mồ hôi và máu - Lao động quần quật, đổ máu trên những đồng bông bạt ngàn, chưa kể bị lạm dụng, bị làm nhục “da cô màu đen và đây là cách thế giới đối xử với người da đen”. Hai là bỏ trốn như chính cách mà mẹ cô đã làm, bỏ trốn liên hồi, không ngừng nghỉ, không thấy điểm đến….
Sau những ngày tháng sống “đúng” cuộc sống nô lệ đầy kinh hoàng, dường như cái ý chí của mẹ cô đã bừng cháy trong cô, cô quyết định chạy trốn, bất chấp mọi khó khăn phía trước, mờ mịt, hư ảo…
Từ đấy, các mảng màu đã bắt đầu lộ rõ ra, từ cái xám xịt lên đến cái đan xen, quấn riết giữa đen và trắng, được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có những bàn tay da trắng dám chìa ra để cứu lấy những nô lệ, song song đó, lại có những bàn tay ra đen tự mình đàn áp các anh chị em của mình không khác nào bọn chủ nô. Ở đây, có lẽ Colson đã khiến ta nhìn rõ hơn về hiện thực. Thông thường chúng ta chỉ nghĩ rằng những người da trắng sẽ đàn áp những người da đen nhưng không hẳn là thế. Điều đáng sợ hơn cả chính là khi tâm thức “bị nô lệ” đã ăn vào sâu máu những con người da đen tàn nhẫn kia. Đây được gọi là quá trình NÔ LỆ HÓA VỀ TÂM THỨC, bên cạnh các khái niệm về chế độ nô lệ quen thuộc. Nói cách khác, ở đây, tôi đang ám chỉ đến trạng thái tâm lý mà trong đó con người bị tước đoạt khả năng tự chủ, độc lập suy nghĩ và hành động. Tâm thức của họ bị ràng buộc bởi sự lệ thuộc, khiến họ mất đi ý chí tự do và dần trở nên tàn nhẫn, cục súc.
Khi chúng ta nói về "sự nô lệ hóa tâm thức", ta thấy một mối tương đồng rõ rệt khi đối chiếu điều này với việc lạm dụng tự do, hay dễ hiểu hơn là tự do, khi không được hiểu và thực hiện đúng cách, có thể biến thành một dạng TỰ DO VÔ TRÁCH NGHIỆM. Đó là khi con người hiểu lầm rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không cần quan tâm đến hậu quả hoặc trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Sự lạm dụng này dẫn đến việc con người trở nên nô lệ cho những thói quen xấu, dục vọng và sự ích kỷ, mất đi khả năng kiểm soát và tự chủ. Họ bị cuốn vào vòng xoáy của những hành vi tiêu cực và trở nên lệ thuộc vào chúng, không khác gì một dạng nô lệ hiện đại. Thay vì sử dụng tự do để phát triển và hoàn thiện bản thân, họ lại lạm dụng nó để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân một cách bừa bãi và không kiểm soát.
Như vậy, đôi khi thứ tưởng là TỰ DO nhưng nếu không được sử dụng đúng cách cũng có thể trở thành một dạng thức của NÔ LỆ.
Chính vì vậy, việc giữ gìn và "nuôi dưỡng" tự do một cách đúng đắn là vô cùng quan trọng. Tự do đích thực không phải là sự phóng túng, cũng không chỉ là quyền được làm điều mình muốn mà còn là trách nhiệm biết tự kiểm soát và hành động theo những giá trị đạo đức và xã hội. Sự tự do có trách nhiệm giúp con người duy trì nhân tính và phẩm giá, đồng thời xây dựng một xã hội công bằng và nhân văn hơn.
Quy chung lại, có thể thấy sự tha hóa không phụ thuộc vào màu da hay ta là ai. Hơn nữa, nhân tính con người tuy quý giá nhưng lại dễ mất đi nếu không làm chủ được, vì thế trách nhiệm giữ lại nhân tính luôn là điều quan trọng.
***
“Hãy nhìn ra ngoài trong khi tàu đưa các bạn đi, các bạn sẽ thấy khuôn mặt thật của nước Mỹ".
" Nước Mĩ là một con ma trong bóng tối, giống như cô".
Nước Mỹ, một cường quốc hùng mạnh, một nền kinh tế chúng ta luôn ngưỡng mộ. Giấc mơ Mỹ dường như là giấc mơ của tự do, của sự dân chủ. Thế nhưng ở đây, một lần nữa tác giả lại cho rằng, điều ấy chỉ đúng ở một khía cạnh nào đó. Còn trong tác phẩm, người đến Mĩ để tìm tự do lại đi tước đoạt sự tự do của kẻ khác, “tuyên ngôn độc lập được ký khi chế độ chiếm hữu số hợp lệ vẫn còn”…
Sự mâu thuẫn này càng rõ rệt khi xem xét lịch sử chế độ nô lệ ở Mỹ. Chế độ này không chỉ là một hệ thống kinh tế mà còn là một hệ thống bạo lực và đàn áp, nơi mà con người bị coi như tài sản và bị tước đoạt mọi quyền tự do cơ bản. Những chủ nô da trắng, tự hào về nền tự do của họ, lại sẵn sàng sử dụng bạo lực và sự đe dọa để duy trì sự kiểm soát và quyền lực. Sự tàn ác của chế độ nô lệ không chỉ tồn tại ở mức độ cá nhân mà còn được hợp pháp hóa và duy trì bởi hệ thống pháp luật và chính trị.
Mặc dù chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ, hậu quả của nó vẫn còn rõ rệt trong xã hội Mỹ hiện đại. Người da đen ở Mỹ đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự phân biệt chủng tộc trong giáo dục, lao động, cho đến bạo lực cảnh sát. Những bất công này phản ánh một sự thật đau lòng rằng, mặc dù về mặt pháp lý, mọi người đều bình đẳng, nhưng sự tự do và cơ hội thực sự vẫn chưa được phân bổ công bằng.
Như vậy, giấc mơ Mỹ về tự do và dân chủ chỉ là một phần của câu chuyện. Thực tế lịch sử và hiện tại cho thấy rằng, tự do ở Mỹ không phải là điều mà ai cũng có thể dễ dàng đạt được. Để thực sự hiểu được giá trị của tự do và dân chủ, cần phải nhận thức sâu sắc về những bất công và đau khổ mà nhiều người đã và đang phải chịu đựng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn ở mức độ hệ thống, để xây dựng một xã hội thực sự công bằng và tự do cho tất cả mọi người.
Lời kết: Cả tác phẩm là sự mâu thuẫn, pha trộn, song nó lại đánh thẳng vào vấn đề mang tính chất muôn thuở đó là nhân quyền và sự tự do. Để đoạt được những điều tốt đẹp, đạt được danh tiếng, đều phải có sự đánh đổi, và đôi khi là đánh đổi cả lòng trắc ẩn của mình…
Dẫu vậy, đọc đến trang sách cuối, có một điều gì đấy vẫn luôn đọng lại - sự bất khuất, kiên cường và gan dạ của Cora…
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất