SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM
Vậy là Việt Nam ngày 28/3 đã nâng tổng số ca nhiễm lên 169 người. Hà Nội quyết định đóng cửa những nơi tụ tập đông người từ ngày 26/3,...
Vậy là Việt Nam ngày 28/3 đã nâng tổng số ca nhiễm lên 169 người. Hà Nội quyết định đóng cửa những nơi tụ tập đông người từ ngày 26/3, chỉ cho phép quầy thuốc hay các siêu thị mở để phục vụ người dân trong những ngày đại dịch này. Sinh viên các trường cũng đã nghỉ từ lâu, có thể coi đây là kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử đời học sinh.
Tôi là một người có thói quen chạy bộ vào mỗi cuối tuần. Cuối tuần với tôi luôn là những kỳ nghỉ ngắn tuyệt vời nhất để bắt tay vào công việc trong tuần mới. Vẫn giữ thói quen như mọi lần, tôi đi tất, cắm tai nghe và xách giầy đi chạy. Tôi thường hay ra Nhà văn hóa cạnh nhà để tập. Ở đó có chỗ chạy bộ, có cả phòng gym. Ai không thích gym có thể ra ngoài đu xà, tập tạ với dân Street Workout. Ai nhẹ nhàng có thể sử dụng mấy dụng cụ tập luyện dành cho các cụ già hoặc phụ nữ. Nói thật là mấy cái đồ miễn phí do mấy cô hoa hậu làm từ thiện dởm bỏ mẹ. Tập mấy cái dụng cụ đó lâu dễ dẫn đến sai tư thế vì mấy dụng cụ tập chỗ tôi hay bị lắp sai, lắp lệch tiêu chuẩn. Vừa rảo bước, vừa nghe bài Vùng ký ức của Những quả ớt mới ra, tâm trạng tôi thư thái hơn hẳn. Nhưng ra đến nơi thì nhà văn hóa đóng cửa mất rồi. Thế là tôi đành phải chạy trên vỉa hè, một điều tôi từng rất ghét. Những ngày thường, đường phố rất bụi bẩn. Nào là khói xe máy, xe ô tô, xe bus, xe công nông, xe khách,… Kể sơ sơ thôi đã thấy đống khí thải rồi. Lắm lúc tôi ước Tesla sẽ đặt xưởng sản xuất ở Việt Nam để tôi có thể tậu một chiếc. Chạy trên vỉa hè cũng hay va phải người khác với ổ gà nữa. Nói chung là rất bất tiện.
Vậy mà hôm nay lại khác, bầu không khí Hà Nội giống như mười năm về trước, chỉ khác giờ quang cảnh hiện đại hơn thôi. Tôi tắt nhạc, bỏ tai nghe xuống nhưng vẫn đeo khẩu trang. Tôi không muốn chết. Tôi thả lỏng người và bắt đầu chạy trên vỉa hè. Những cơn gió đầu mùa mát dịu phả vào người tôi. Những tiếng âm thanh nhẹ nhàng, không quá ầm ĩ như mọi ngày. Phía trên bầu trời trong xanh trở lại, phía dưới đường phố chỉ có vài bóng người. Một cảm giác thật tuyệt vời mà tôi cá những người dân Hà Nội chắc đã thèm nhớ lâu lắm rồi.
Tôi chạy qua điểm dừng xe bus thấy dán thông báo toàn bộ xe bus nội thành sẽ dừng hoạt động từ ngày 28/3 cho đến 15/4. Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ bắt đầu từ 5/4 cơ, nhưng con số 15 kia cho thấy dịch bệnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Lạ thay ở điểm dừng bus vẫn có một bác ngồi đợi xe ở đó. Bác một tay ôm chiếc túi du lịch, tay còn lại ôm một cái balo. Trông bác giống một người ngoại tỉnh. Có lẽ bác đã không để ý đến thông báo nên vẫn còn ngồi đợi. Cạnh đó là mấy anh Grab đang thở dài vì hôm nay ít khách. Work from home không chỉ đau đầu với chủ doanh nghiệp mà người lao động tự do cũng mệt mỏi theo. Tôi chạy tiếp, cố gắng gạt đi những ý nghĩ còn vương lại trong đầu để tiếp tục cảm nhận sự thư thái của ngày hôm nay. Chạy qua quán quà phê, nơi mỗi ngày đi làm về tôi đều đi qua, nay đã đóng cửa. Nhìn vào bên trong, đèn điện đã tắt gần như tối om, đôi vợ chồng chủ quán ngồi nhìn nhau thở dài giữa đống đồ đạc đã dọn sẵn. Tôi cảm nhận được nỗi buồn trong hai con người ấy. Tôi chạy tiếp, chạy tiếp thấy mấy anh Goviet đang tụ tập chơi bài với nhau trên yên xe. Trông những con người đó không lấy gì làm vui vẻ cả. Họ chơi bài như chỉ muốn quên đi quãng thời gian khó khăn này. Nghĩ thấy mấy anh NOW mấy ngày nay có khi cũng ít đơn vì hàng quán hầu như đã đóng cửa hết rồi.
Pha lẫn những nỗi buồn đó lại là niềm vui của người khác. Trong mấy quán nhậu mở chui lủi ở trong hẻm, tôi vẫn thấy tiếng hò dô ta vang lên. Mấy gã cởi trần, người chi chít những hình xăm, mồm nhai nem thính, tay cầm cốc bia cạn ly khí thế. Lão chủ quán thì hân hoan vì trong đại dịch mà khách vẫn đông. Họ đúng là chả màng đến thế sự, mấy gã ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình. Nhắc đến chuyện nhậu nhẹt, có lẽ cuộc đời tôi đã từng chứng kiến hàng tá câu chuyện dở khóc dở cười. Ông anh ép rượu, cậu em không uống là không nể anh. Cậu em không uống, thế là bị chém chết. Thông tin kiểu này xuất hiện đầy trên mặt báo. Cũng có cậu em bỏ qua được mấy câu “Mày nhát thế hay không uống là không nể anh” để đứng dậy, để còn đủ tỉnh táo mà lái xe về được với vợ con. Sống có trách nhiệm là điều mà những gã say rượu chết trên đường mất cả đời cũng không học được. “Sống có trách nhiệm” chính là câu slogan mà thầy hiệu trưởng trường cấp 2 của tôi tâm đắc nhất. Câu nói đó được xếp trên cả “Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.
Tất cả chúng ta hãy chung tay, mỗi ngày hãy “Sống có trách nhiệm” để cả cộng đồng “Sống có trách nhiệm”. Hãy tạm gác lại những buổi tụ tập, những thú vui cá nhân để nghĩ tới đại nghiệp của dân tộc. Hãy dành sự biết ơn với những bác sĩ đang ở tuyến đầu, những con người đang ngủ dưới sàn nhà, gặm vội một cái bánh mỳ để tiếp tục điều trị cho người bệnh. Hãy “Sống có trách nhiệm” để không đạp đổ công sức phòng dịch của mọi người.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất