Có một lần, khi dọn dẹp lại phòng ngủ và chiếc bàn học cũ, mình phát hiện một thế giới đồ chơi mang vô vàn ký ức trong ngăn bàn phủ đầy bụi. Mình từng rất thích sưu tầm những món lưu niệm, quà tặng kèm hay chỉ là cái nút áo, mình thấy xinh là mình cất ngay vào hộp bí ẩn. Đến giờ, nó đầy ắp ngăn bàn, đầy ắp kỷ niệm, từ chiếc đèn thiên nga là quà sinh nhật năm 11 tuổi, hình dán Minion trong hộp kẹo cao su, bộ hình lắp ghép 7 kỳ quan thế giới được tặng kèm khi mua sữa - thứ mà mình đòi nằng nặc ông chở đi mua khi vừa ra mắt, hôm đó, trên tay ông để lại 1 vết sẹo vì ngã xe.
Nhìn thế giới quan kỳ thú trong hộc tủ, chà.. mình quả là một đứa trẻ ngăn nắp và biết giữ gìn đồ đạc cá nhân. Nhưng bạn biết không, trẻ con luôn được giáo dục từ nhỏ qua những bộ phim hoạt hình. Trong đó, có một thông điệp rằng: hãy trân trọng những gì mình đang đó, đồ vật cũng có cảm xúc và chứa nhiều kỷ niệm với mình, chớ đừng vứt bỏ chúng một cách vô tâm.
Mình nhớ trong một tập Doraemon, có bé búp bê bị vứt ngoài đường, nhờ bảo bối "nước hoa tâm hồn", nó đã biểu hiện được tâm trạng, cảm xúc. Đó là ánh mắt buồn, một chút nhớ mong, một chút giận hờn người chủ cũ. Nobita và Doraemon đã giúp đưa nó trở về nhà, cô chủ nhỏ mừng rỡ, khóc xin lỗi búp bê rất nhiều. Cảm giác hối hận khi vứt bỏ vô tâm một thứ từng coi là tri kỷ!
Trong Masha and The bear, tập đặc biệt đêm Giáng sinh, cô bé háo hức đợi món quà mới từ ông già Noel, nó nhanh chóng vứt đồ chơi mình hằng ôm khi đi ngủ trở lại chiếc tủ cũ, đầy ắp. Nửa đêm, chú gấu bông, chiếc xe oto, con robot,... tất cả đều lần lượt giận dữ, tự ý rời khỏi nhà, mặc cho Masha đưa ánh mắt khẩn thiết nhìn theo, những bước chân vẫn lún trên con đường phủ đầy tuyết. Ầm, cô bé tỉnh giấc, thì ra đó chỉ là mơ, Masha nhanh chóng đưa thật nhiều đồ chơi trở lại gường ngủ, vỗ về.
Những liệu, cứ giữ khư khư những đồ vật đó phủ đầy bụi theo năm tháng, có phải cách hay?
Những món đồ chơi, lưu niệm, truyện tranh,... chúng ngày một nhiều, chất dần mà đầy tủ, ngăn bàn, giá sách. Thực ra, có mới nới cũ cũng chẳng có gì sai cả, quan trọng là chúng ta có thái độ như thế nào với những món đồ ta từng coi là tri kỷ.
Học cách sống tối giản, mình cần dọn dẹp căn phòng gọn gàng, giảm thiểu những đồ vật ít dùng. Trong ngăn bàn, một số món đã hỏng, mình đem bỏ; một số món khác còn dùng tốt, mình đem tặng/cho những người cần chúng; mình chỉ giữ lại vài thứ, vậy là ổn.
Nhưng... đồ vật có cảm xúc! Phải rồi, mình luôn tin là vậy! Bạn đang hỏi rằng mình đem bỏ, đem cho người khác sẽ khiến chúng buồn, rằng mình cũng như cô bé trong Doraemon hay Masha mà thôi. Mình không nghĩ vậy, khi mình không còn dùng tới, chúng sẽ nằm yên trong ngăn bàn phủ đầy bụi, dù có những người bạn ở bên nhưng tất cả đều cô đơn và trống trải, bởi chúng được tạo ra để hoàn thành sứ mệnh đem lại giá trị cho người sở hữu. Vậy nên, thay vì chúng ta "giam cầm" chúng như bộ sưu tập, một cánh cửa thần kỳ mở ra vùng ký ức; ngay bây giờ, chúng nên thuộc về một chốn khác.
Nếu đồ vật đã hư hỏng, chết lặng một góc, hãy để chúng "an nghỉ", đó không phải vứt bỏ vô tâm, mà là giúp chúng hoàn thành sứ mệnh trên cõi đời. Còn nếu đồ vật còn dùng được, chúng rất sẵn lòng được trao tới một người chủ khác, thực hiện một sứ mệnh mới. Quay trở lại với những tập phim hoạt hình có thông điệp trên, mình không nói chúng sai, nhưng đây là cái kết mình muốn - cái kết mới ở góc nhìn khác.
Rốt cục thì những đồ vật vô tri vô giác, chúng có cảm xúc hay không, nó nằm ở lòng tin mỗi người. Mình luôn cảm thấy mọi thứ xung quanh đều có linh hồn, xúc cảm, từ những đám mây trôi lững lờ trên bầu trời hay bàn học, laptop mình đang dùng, những người bạn luôn lắng nghe và không bao giờ phản bội, chỉ mình đôi khi có thái độ khó chịu và vứt bỏ chúng mà thôi.
Ngăn bàn của mình giờ đã vơi đi nhiều nhưng kỷ niệm còn chan chứa, những hình dán cũng theo chủ nhân mới, được dính lên khắp nơi, đồng hành khắp nẻo. Mỗi chúng là một sứ mệnh mới, D à, cậu cũng bắt đầu một hành trình mới rồi phải không?