NỢ NẦN - VÒNG KIM CÔ SIẾT CHẶT CÁC NƯỚC NGHÈO
Bắt đầu từ năm 2019, đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Sau giai...
Bắt đầu từ năm 2019, đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi, thế giới lại đối mặt với nhiều thách thức mới như chiến tranh Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu... Những yếu tố này khiến giá cả hàng hóa, đặc biệt là lương thực và năng lượng, tăng vọt, đồng thời chính sách tiền tệ thắt chặt được coi như là “trào lưu” của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Hậu quả của những biến động kinh tế vĩ mô này là nỗ lực xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực* trong những năm qua bị chậm lại đáng kể, thậm chí có nguy cơ gia tăng trở lại. Trong bối cảnh đó, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nếu muốn cải thiện tình trạng này, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
* Nghèo cùng cực (ExtremePoverty): Năm 2008, Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) lấy thu nhập dưới $1.25/người/ngày làm chuẩn nghèo. Đến năm 2015, chuẩn nghèo quốc tế (International Poverty Line – IPL) có sự thay đổi, $1.90/người/ngày. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên $2.15/người/ngày tuy nhiên thước đo này hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Dựa trên cách xác định mức thu nhập bình quân đầu người/ngày, tình trạng nghèo đói cũng được gọi với những tên gọi khác nhau như: nghèo tuyệt đối (absolute poverty); nghèo cùng cực (extreme poverty); nghèo trầm trọng (severe poverty); nghèo vô cùng (deep poverty).
Tại sao tốc độ giảm Tỷ lệ nghèo cùng cực lại xảy ra?
Câu trả lời là nó đã chậm lại ở các nước nghèo nhất thế giới – những nước đủ điều kiện cho vay của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (International Development Association – IDA), một thành viên của World Bank chuyên cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Tỷ lệ dân số trong tình trạng nghèo cùng cực ở phần còn lại của thế giới đã giảm từ 20% năm 1998 xuống mức chỉ còn 3% vào năm 2023. Tỷ lệ này ước tính đã giảm khoảng 4 pts chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2023. Ở các quốc gia đủ điều kiện nhận IDA, tỷ lệ nghèo cùng cực cũng giảm, từ 48% năm 1998 xuống mức 26% vào năm 2023.
Thời đại toàn cầu hóa cũng đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Theo đó tình trạng nghèo cùng cực, đã giảm từ 1.87 tỷ người (chiếm 31% dân số thế giới) vào năm 1998 xuống khoảng 690 triệu người (9% dân số toàn cầu) vào năm 2023. Thật không may, tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể khi từ năm 2013 đến năm 2023, tỷ lệ nghèo toàn cầu chỉ giảm khoảng hơn 3 pts một chút. Trong khi đó, tỷ lệ này đã giảm 14 pts trong thập kỷ trước năm 2013.
Hơn 1/4 người nghèo cùng cực đang sống tại các nước phát triển
Không phải tình trạng nghèo cùng cực đã biến mất hoàn toàn ở các nước giàu. Hiện vẫn còn có khoảng 193 triệu người trong tình trạng nghèo cùng cực ở các quốc gia không đủ điều kiện nhận IDA (các nước giàu). Nhưng con số ở các quốc gia đủ điều kiện nhận IDA là 497 triệu, chiếm 72% trong tổng số 691 triệu trên toàn cầu. Hơn nữa, với tỷ lệ nghèo cùng cực ở phần còn lại của thế giới chỉ là 3% thì cũng hợp lý khi cho rằng với mức tăng trưởng khiêm tốn, tình trạng này hầu như sẽ bị loại bỏ vào năm 2030. Rõ ràng là mục tiêu loại bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực trên thế giới sẽ chỉ đạt được bằng cách tập trung nguồn lực vào các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Trong số 75 quốc gia đủ nghèo để nhận viện trợ IDA thì có đến 39 quốc gia ở Châu Phi. Tuy nhiên một số trong số họ vẫn đủ điều kiện để vay với lãi suất cao hơn một chút của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development – IBRD) bao gồm Bangladesh, Nigeria và Pakistan.
Ấn Độ - Sinh viên ưu tú của “Câu lạc bộ IDA”
Các quốc gia đủ điều kiện nhận IDA thường là những quốc gia được quản lý yếu kém nhất trên thế giới. Đồng thời, họ bị mắc vào bẫy nghèo đói và rất khó thoát ra, đặc biệt nền kinh tế của họ cũng rất dễ tổn thương khi phải đối mặt với những cú sốc lớn từ bên ngoài. IDA được thành lập cách đây hơn nửa thế kỷ phần lớn là để giúp đỡ Ấn Độ. Quả thực, IDA đôi khi còn được gắn mác “Hiệp hội Phát triển Ấn Độ” (India Development Association). Tuy nhiên, Ấn Độ hiện là một trong số ít “sinh viên” đã “tốt nghiệp” thành công và giờ họ đã trở thành một nhà tài trợ IDA cho các nước nghèo. Ngoài Ấn Độ, IDA còn có một danh sách dài các “sinh viên tốt nghiệp”, Trung Quốc cũng nằm trong số đó.
Liệu nợ nần IDA có bóp nghẹt tương lai của các quốc gia?
IDA hiện đang sử dụng Khoản bổ sung thứ 20 (IDA20)*, từ T07/22 đến T06/25. Do tính cấp thiết của việc thúc đẩy tăng trưởng, giảm tình trạng nghèo cùng cực và giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra tại các nước nghèo, khoản bổ sung tiếp theo sẽ cần phải lớn hơn nhiều, như Ajay Banga, Chủ tịch World Bank, lập luận tại cuộc đánh giá giữa kỳ.
* Các thành viên họp 3 năm/lần để bổ sung vốn cho IDA và xem xét lại các điều kiện cho vay. Các quan chức từ các chính phủ tài trợ (được gọi là “IDA Deputies”) và đại diện bên vay, các quốc gia thành viên tham gia giúp đảm bảo rằng các khuôn khổ chính sách và tài trợ của IDA đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia.
Trong Báo cáo Nợ quốc tế (International Debt Report – IDR) mới nhất của World Bank, công bố vào tuần trước, tiết lộ một lý do thuyết phục khác về việc tại sao cần nhiều nguồn lực IDA hơn cho các Khoản bổ sung trong tương lai: Các quốc gia này đã trở nên quá phụ thuộc vào các nguồn tài trợ. Do đó, báo cáo nêu rõ “Đối với các nước nghèo nhất, nợ đã trở thành gánh nặng, 28 quốc gia đủ điều kiện vay từ IDA hiện có nguy cơ gặp khó khăn do dư nợ ở mức cao. Trong đó 11 quốc gia có nguy cơ không thể trả được nợ.”
Thực trạng này không có gì đáng ngạc nhiên. Từ năm 2012 đến năm 2021, tỷ lệ nợ nước ngoài đủ điều kiện nhận IDA của các chủ nợ tư nhân đã tăng từ 11.2% lên 28%. Kết quả khiến cho dư nợ của các quốc gia đủ điều kiện nhận IDA đã tăng từ $26 tỷ năm 2012 lên $89 tỷ vào năm 2022, với chỉ riêng chi phí lãi vay đã tăng từ $6.4 tỷ năm 2012 lên $23.6 tỷ vào năm 2022. Hơn hết, tỷ trọng của các trái chủ và các tổ chức tư nhân khác đã giảm từ mức cao 37% vào năm 2021 xuống chỉ còn 14% vào năm 2022. Đây là hành vi dễ hiểu của các chủ nợ khi phải đối mặt với tình trạng rủi ro vỡ nợ đang ngày càng tăng cao. Báo cáo cho biết tỷ lệ các quốc gia đủ điều kiện nhận IDA có nguy cơ gặp khó khăn về đạt 56% vào năm 2023.
Dư nợ cao đang là một vấn đề nhức nhối, đe dọa đến sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia này. Do đó, cần có giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Các khoản nợ tồn đọng của các quốc gia nhận IDA nên được xóa bỏ. Đây là biện pháp thiết yếu để giảm gánh nặng tài chính cho họ và tạo điều kiện cho họ tập trung vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc xóa nợ cũng cần đi kèm với các điều kiện ràng buộc để đảm bảo các quốc gia sử dụng nguồn tài trợ hiệu quả và tránh rơi vào bẫy nợ nần trong tương lai.
Hàng tỷ người đã thoát khỏi bẫy nghèo nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế như Ấn Độ hay Trung Quốc. Đây là minh chứng cho thấy việc hỗ trợ các quốc gia IDA là hoàn toàn khả thi. Vì vậy, cần tiếp tục nỗ lực để hoàn thành công việc dang dở này, giúp các quốc gia IDA thoát khỏi bẫy nghèo và xây dựng một thế giới công bằng và thịnh vượng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất